Một danh ngôn

NGUYỄN KHẮC PHÊ 20/06/2004 04:06 GMT+7

TTCN - Trong bản thảo tập Danh ngôn và sức mạnh (biên dịch từ tác phẩm của Lâm Bác Văn - Trung Quốc), do dịch giả Thái Nguyễn Bạch Liên tặng tôi trước lúc “đi xa” không lâu, có lời bình một danh ngôn về nghề báo mà hình như anh chưa kịp gửi đăng ở đâu.

Đó là câu nói của một nhân vật nổi tiếng thế giới: Thomas Jefferson (1743-1826), người khởi thảo Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: “Nếu để cho tôi ra quyết định: có chính phủ mà không có báo chí, hoặc ngược lại, chỉ báo chí chứ chẳng cần chính phủ, tôi sẽ không do dự chọn lựa phương án thứ hai”.

Thomas Jefferson (TJ) đã viết như thế trong một lá thư gửi bạn, khi ông là công sứ của Mỹ tại Pháp. Hẳn chúng ta ai cũng hiểu, không bao giờ có tình huống phải lựa chọn như thế; chẳng qua, TJ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của báo chí trong đời sống xã hội; mặt khác, qua danh ngôn này, chúng ta hiểu rằng “báo chí” và “chính phủ” (theo tôi, nên hiểu là các cơ quan nhà nước, chứ không chỉ riêng một số vị đứng đầu quốc gia), do chức năng xã hội qui định, ở thời nào cũng vậy, tuy không phải là hai lực lượng đối kháng, nhưng luôn có “vấn đề” với nhau. Lâm Bác Văn đã dẫn ra một số bằng chứng:

“... Tháng 10-2000, tờ Trung Thời Văn Báo (Đài Loan vạch trần sự kiện thượng tá Lưu Quan Quân - quan chức Cục An ninh quốc gia - đã tham ô đào tẩu, liền bị nhà đương cục lục soát tòa báo, phong tỏa ban biên tập. Tháng 2-2001, nhật trình Trung Quốc Thời Báo và tuần báo Nhất Chu San tiếp tục đưa tin vụ Lưu Quan Quân, liên can tới nhiều điều cơ mật của Cục An ninh quốc gia và những hoạt động tình báo ở nước ngoài. Tương tự, Nhất Chu San bị niêm phong kiểm tra và chủ biên Trung Quốc Thời Báo thì lâm vào tình trạng nhà chức trách trực tiếp khống chế...

... Tháng 6-1971, New York Times đã đăng tải Hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon, văn kiện Lầu Năm Góc, hay còn gọi tập tài liệu lịch sử chiến tranh Việt Nam), tiếp đó Washington Post cũng chuyển tải nguồn tin bí mật ấy.

Richard M.Nixon (1913-1994) phát đơn kiện hai nơi New York và Washington yêu cầu tòa án phán quyết đình bản các tòa báo này. Vụ kiện của tổng thống tất nhiên phải lên tới tòa án tối cao và kết quả với tỉ số 6-3, chánh án đã tuyên bố: New York TimesWashington Post có quyền đăng in những văn kiện thuộc “sở hữu công chúng”.

Trong bản ý kiến của tòa, đại pháp quan Hugo Black hạ bút viết: “Chỉ có một nền báo chí tự do không bị áp chế thì mới vạch trần hữu hiệu những thủ đoạn lừa bịp của chính phủ. Trong nhiều trách nhiệm của báo chí, quan trọng nhất là phòng chống bất cứ một bộ phận nào thuộc chính phủ lừa dối nhân dân...”.

Lời phán xử của Black tràn đầy tinh thần báo chí mà TJ đã sớm định nghĩa. Theo định nghĩa đó, nếu báo chí không được tự do, không được bảo hộ thì xã hội không tiến bộ, dân trí không mở mang. Nếu báo chí bị chính phủ dắt mũi, lâm vào cảnh là cái loa của nhà đương cục thì chân lý và chính nghĩa sẽ bị tiêu tan thành mây khói, văn minh nhân loại sẽ lạc hậu vô cùng... Nixon thua kiện, nhưng vẫn không tỉnh giấc, tiếp tục con đường ma quỉ, càng miệt thị báo chí, chà đạp pháp luật và kết quả đã tự hủy diệt bản thân”. (*)

Ta không sao chép khuôn mẫu của người khác, thê nhưng từ những bài học mà thế giới đã đúc kết, chúng ta có thể thấy: một “chính phủ” thật sự làm việc vì nhân dân, tôn trọng công lý và khôn khéo thì sẽ biết dựa vào báo chí, lắng nghe những tiếng nói “phản biện” của nhân dân thể hiện trên báo chí để điều chỉnh những sai sót, bất cập trong chính sách của mình. Tất nhiên, báo chí nhất thiết phải viết đúng sự thật, tôn trọng luật pháp và cũng phải biết giới hạn trước những vấn đề thật sự là bí mật quốc gia.

Chúng ta hi vọng quyền “tự do báo chí” đã được hiến pháp Nhà nước ta trang trọng ghi nhận luôn được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, không chỉ từ phía “chính phủ” và các cơ quan báo chí, mà cả ở mỗi người dân.

------------------

(*) Theo bản thảo đã dẫn của T.N.B.L.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận