Một dòng phim COVID vội vã

MI LY 07/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Khi con người có đầy những nỗi ức chế, suy sụp và u uẩn không biết bày tỏ cùng ai vì COVID-19, những bộ phim với chủ đề đại dịch đã xuất hiện, hòng giúp họ giãi bày những tổn thương tâm lý. Hoặc là người làm ra chúng tưởng thế.

Anne Hathaway trong Locked Down. Ảnh: HBO

Những bộ phim về đại dịch chỉ là những lát cắt, những góc nhìn nhỏ góp phần giúp khán giả nhìn được bức tranh toàn cảnh, bên cạnh dòng thông tin quá tải và dữ dội mỗi ngày. Và nếu dựa vào những tác phẩm nằm trong dòng phim về COVID-19, có thể nói rằng sự góp phần đó còn rất nhỏ nhoi.

Nỗi tổn thương tập thể

Sẽ còn lâu lắm con người mới trả lời xong câu hỏi “COVID-19 đã làm gì chúng ta?”. Chính mỗi người cũng chưa nắm bắt hết những tổn thương mà đại dịch gây ra cho chính tâm hồn mình. Và khi gộp chung hàng triệu con người, đó là nỗi tổn thương tập thể vô cùng to lớn mà chúng ta sẽ còn phải trò chuyện, bàn thảo, cùng nhau chữa lành trong rất nhiều năm nữa.

Theo BBC, văn hóa đại chúng từ lâu đã là không gian để con người giãi bày nỗi tổn thương tập thể ấy. Nhưng bằng cách nào? “Sách và phim ảnh có thể giúp chúng ta hiểu được điều mình đang trải qua bằng cách ghép chúng vào những ẩn dụ” - BBC trích lời tiểu thuyết gia kiêm nhà soạn kịch C. Robert Cargill. 

Theo đó, phim ảnh tạo nên những hình tượng, những nhân vật, đưa họ vào các câu chuyện mang tính biểu tượng, ngụ ngôn, qua đó chúng ta có thể hiểu thêm một phần nào về COVID-19, một sự kiện phức tạp và rộng lớn khó có thể kiến giải vẹn toàn.

Vì thế mà không ngạc nhiên khi một số phim dịch bệnh thuộc thể loại kinh dị hoặc giật gân. Đó là hai thể loại khắc họa tốt nhất về nỗi sợ và những tổn thương vô hình của con người. Một bên cụ thể hóa thành quái vật, ma quỷ hay bất cứ tạo vật đáng sợ nào như một phép ẩn dụ. Còn một bên mô tả nỗi ám ảnh, những dự cảm bất an bao trùm và chỉ chực chờ nuốt chửng kẻ sợ hãi.

Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, phim hài lại là thể loại chiếm đa số trong các phim về dịch bệnh. Điều này nghe có vẻ trái khoáy nhưng lại rất hợp lý: đây cũng là thời điểm người ta cần tiếng cười chứ không chỉ là nỗi lo. 

Thêm một lý do khác, điều kiện sản xuất phim thời COVID-19 rất hạn chế, đôi khi đoàn làm phim còn không gặp nhau mà làm việc qua mạng. Khi đó, phim hài được coi là thể loại ít tốn tiền và dễ thực hiện.

Phim ảnh “bắt sóng” COVID

Host (2020), phim kinh dị siêu nhiên của Anh, là một phim về COVID-19 hiếm hoi được đón nhận nồng nhiệt, dù không phải quá xuất sắc. Host kể về tổn thương thời đại dịch theo cách bất cứ ai cũng có thể trải qua: một cuộc trò chuyện dài qua Zoom giữa những người bạn trong thời gian cách ly. Vì quá cô đơn và vì muốn giữ liên lạc với bạn bè, họ ngồi đó, nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, tuyệt vọng bấu víu những kết nối bền chặt còn sót lại với xã hội. Và những sự kiện kinh hoàng cứ thế ập đến, khi những người bạn đào sâu vào quá khứ.

Rob Savage, đạo diễn Host, đã quay bộ phim hoàn toàn qua ứng dụng Zoom. Chia sẻ với BBC, Savage cho biết chính anh cũng trở nên tuyệt vọng khi ở lì trong nhà thời phong tỏa. Dự định “ăn thật nhiều, uống thật nhiều và chơi game The Last of Us” sớm phá sản do quá nhàm chán. Và anh nảy ra ý tưởng thực hiện Host.

Không mang màu sắc u ám như Host, Locked Down (2021) lại thuộc thể loại hài lãng mạn. Anne Hathaway và Chiwetel Ejiofor vào vai một cặp vợ chồng không hạnh phúc và đầy bất mãn thời COVID-19. Họ định ly thân ngay trước khi có lệnh phong tỏa, và cả hai mắc kẹt cùng nhau trong ngôi nhà ở London, cãi cọ suốt ngày. Người chồng là tài xế giao hàng vì có tiền án, phải dùng tên giả để nhận việc, trong khi người vợ là CEO một công ty và có thể sa thải một loạt nhân viên qua Zoom. Hoàn cảnh khác nhau nhưng đều bế tắc vì dịch bệnh, cả hai lập kế hoạch trộm kim cương và cùng lúc, hàn gắn mối quan hệ.

Từ năm 2020 đến nay, có nhiều phim tài liệu về COVID-19 ra đời như Social Distance, Homemade, Freeform’s Love The Time of Corona... Những phim truyền hình nổi tiếng từ trước như Grey’s AnatomyThis Is Us cũng mở tuyến truyện riêng liên quan đến COVID-19.

Rõ ràng, một biến cố lớn như COVID-19 xứng đáng là chủ đề để giới làm phim tìm tòi và sáng tạo. Nhưng cũng không thể phủ nhận, một số phim chỉ đơn giản là lấy COVID-19 làm bối cảnh và dùng COVID-19 như một yếu tố truyền thông giúp phim được chú ý hơn.

 
 Cảnh trong phim Locked Down (2021). Ảnh: IMDB

Những bộ phim “phác thảo”

Từ khi đại dịch vừa diễn ra cho đến tận hôm nay, các nhà phát hành, đặc biệt là những ứng dụng chiếu phim trực tuyến, đều ráo riết tìm kiếm các kịch bản và phim về COVID-19.

Mặc dù vậy, chính vì lối sản xuất cấp tập và đáp ứng nhu cầu tức thời của người xem (khán giả chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến dòng phim này như mong đợi), các bộ phim về COVID-19 hầu hết mới mô tả được giai đoạn của dịch với các tình tiết phổ biến như cách ly, phong tỏa, khan hiếm hàng hóa, cố thoát khỏi vùng dịch, tháo chạy khỏi sự truy tìm của lực lượng phòng chống dịch... Đó đều là những biến động lớn đối với một con người, một gia đình, nhưng chưa thực sự là những mâu thuẫn nội tại quan trọng bên trong con người. Những vết thương của chúng ta vẫn còn đó, có lẽ mãi sau này mới giải nghĩa hết được.

Các nhà làm phim cũng trở nên vội vã; tương tự Rob Savage ở trên, nhiều người quá bức bối trước việc trở nên vô dụng, chỉ loanh quanh trong nhà. Họ bị thôi thúc phải làm nên một tác phẩm nào đó, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên một bộ phim hay là kịch bản, và do đại dịch, họ không hề có thời gian “vỡ” kịch bản để đạt đến tầm sâu sắc. Các nhà làm phim cũng gặp khó vì họ phải kiến giải một sự việc “còn đang xảy ra”. Với phim ảnh, tính thời sự là con dao hai lưỡi, có thể giúp phim được chú ý hơn nhưng cũng có thể biến nó thành trò hề.

Một bộ phim viễn tưởng có thể trở nên lỗi thời nếu ra mắt chậm và không đúng thời điểm. Xung quanh chúng ta, COVID-19 vẫn đang diễn ra và vô cùng khó đoán. Một bộ phim hay cần được đặt trong bối cảnh cụ thể, với những nhân vật thật rõ nét và góc nhìn sắc sảo, nhưng hầu hết nhà làm phim cũng không có nhiều thông tin đắt giá về đại dịch. “Kết quả là một loạt phim trông như những bản phác thảo bằng bút chì thay vì những tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện” - tờ Texas Monthly nhận xét.

Khó có phim vĩ đại?

Giới chuyên môn cho rằng sẽ khó có tác phẩm phim ảnh, nghệ thuật vĩ đại nào về COVID-19, trong khi đã có các tác phẩm kinh điển về dịch cúm Tây Ban Nha 1918, sốt vàng da...

“Nếu bạn ngược dòng lịch sử, mỗi lần xảy ra đại dịch, có rất ít tác phẩm nghệ thuật thực sự tuyệt vời ra đời sau đó” - Cargill nhận xét và lý giải: chính vì để xoa dịu tâm trạng tổn thương sau đại dịch, con người sẽ hướng đến sản xuất những chương trình nhẹ nhàng, vui vẻ và phù phiếm.

Nói đúng hơn, các nhà sáng tạo luôn cần một ít thời gian. Bộ phim Jezebel (1938) với diễn xuất của minh tinh Bette Davis được coi là tác phẩm kinh điển liên quan đến dịch sốt vàng da, nhưng căn bệnh đã hoành hành ở nhiều châu lục từ tận thế kỷ 17, sang cả thế kỷ 18 và 19. Jezebel được công nhận vì cách mô tả chuẩn xác về tình hình dịch bệnh thời trước: những hàng dài xe ngựa chở đầy bệnh nhân, những ngôi nhà đau khổ của bệnh nhân bị đánh dấu chữ Y (yellow fever). Cần đến hàng trăm năm suy ngẫm để có một tác phẩm đủ đầy như thế.

 
 Poster phim Jezebel (1938) với hình ảnh bệnh nhân sốt vàng da.

Năm 2011, Downton Abbey, phim truyền hình được coi là “kiệt tác” của Anh, mới đề cập đến dịch cúm Tây Ban Nha (xảy ra từ năm 1918 - 1910, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người) - từ thực tế đến phim là mất đến gần một thế kỷ.

Về HIV/AIDS, Longtime Companion (1989) là bộ phim đầu tiên được công chiếu rộng rãi về đại dịch này. Để làm nên tác phẩm đau đớn đến tận tâm can này, các nhà làm phim đã dày công tìm hiểu và chiêm nghiệm đến khi HIV/AIDS đã hoành hành đến thập niên thứ hai. Bộ phim đầy thấu cảm, đáng suy ngẫm và là nỗ lực biên niên sử dịch bệnh một cách cẩn thận, do đó không thể chỉ làm trong ngày một ngày hai hay ra mắt ngay trong năm bùng phát dịch.

Sự èo uột về chất lượng của dòng phim về COVID-19 sẽ là thách thức lớn cho các nhà làm phim tương lai. Liệu rằng với COVID-19, khán giả có phải chờ đợi đến hàng thế kỷ? Nhưng mọi sự chờ đợi đều xứng đáng nếu đó là một tác phẩm xuất sắc.

Songbird được quảng bá là phim điện ảnh đầu tiên về đại dịch COVID-19 và do Michael Bay sản xuất, gây thất vọng vì chỉ là một tác phẩm tưởng tượng ngô nghê và phi thực tế. Phim mô tả công tác phòng chống dịch như hoạt động truy bắt, nhốt kín các bệnh nhân trong khu cách ly và bỏ mặc họ đến chết. Đây là một trong những bộ phim tệ hại nhất từng làm về COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận