Một giọt máu đào...

DANH ĐỨC 05/05/2018 20:05 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Moon Jae In hôm thứ sáu (27-4) tuần qua đầy hứa hẹn. Kết quả cuộc gặp cho thấy ngay đây đã là một thắng lợi của ông Kim. Song, sau các cảm nhận tức thời đó, vẫn còn lại bốn chữ CVID (“complete, verifiable, and irreversible denuclearization”: phi hạt nhân hóa toàn diện, kiểm chứng được, và không thể đảo ngược).

Hai nhà lãnh đạo Kim (trái) và Moon nắm tay giơ cao sau khi ký Tuyên bố chung. Ảnh: NPR
Hai nhà lãnh đạo Kim (trái) và Moon nắm tay giơ cao sau khi ký Tuyên bố chung. Ảnh: NPR

 

Quan hệ máu mủ

Trong bầu không khí đầy hòa hoãn, hai ông Moon và Kim nắm tay nhau đưa lên cao sau khi ký Tuyên bố chung thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 Bàn Môn Ðiếm trong khu phi quân sự. Tuyên bố mở ra với một lời giáo đầu trịnh trọng:

Hai nhà lãnh đạo trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân hai miền Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh nữa trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.

Hai nhà lãnh đạo, chia sẻ cam kết vững chắc sẽ sớm chấm dứt sự chia rẽ và đối đầu lâu nay, di sản của cuộc Chiến tranh lạnh, mạnh mẽ hướng tới một kỷ nguyên mới, hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều một cách chủ động hơn...”.

Sau đó, lần lượt các cam kết được nêu ra. Cam kết thứ nhất được giải thích rất “lý luận”: “Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ máu mủ của nhân dân, mang tới một tương lai thịnh vượng chung và thống nhất bằng cách tạo điều kiện cho bước tiến toàn diện và đột phá trong quan hệ liên Triều. Cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều là niềm mong mỏi hơn hết của toàn thể dân tộc và là thôi thúc cấp thiết của thời đại, không thể bị trì hoãn thêm nữa”.

Ai cũng rõ rằng, trong hậu trường, bản tuyên bố chung này, như mọi tuyên bố chung khác, đã được các quan chức cao cấp nhất của hai miền soạn ra qua mấy lần tiếp xúc trước đó, được hai ông Kim và Moon phê duyệt trước cuộc gặp. Thành ra, sự xuất hiện của cụm từ “quan hệ máu mủ” trên báo chí miền bắc cho thấy có vẻ đây là một leitmotiv (chủ đề nền) mà phía ông Kim muốn nhấn mạnh một cách có chủ đích, thật lòng hay không tùy... người đối diện.

Từ bao giờ ông Kim ý thức rằng “quan hệ máu mủ” đó là trên hết? Nhất định không phải đợi tới lúc ông đi bộ qua đường ranh chia cắt hai miền: “Khi bước đi được khoảng 200m, trong lòng tôi trào dâng xúc động... Đến đây, tôi nghĩ, tại sao đến đây lại khó như thế? Đường ranh giới không cao đến mức không thể bước qua được. Bước qua đường ranh giới quá dễ vậy mà chúng ta đã mất 11 năm để làm được điều đó” - AFP tường thuật.

Tối thiểu hai ông Kim và Moon cũng đã cho thấy họ cùng nhìn nhận rằng “không thể trì hoãn thêm nữa” tiến trình hòa bình để cùng nhau thịnh vượng và thống nhất. Tuy nhiên, vị trí của mỗi người trước thực tế “không thể trì hoãn thêm nữa” này lại khác.

Chi tiết bên lề từ những trao đổi của hai ông Moon và Kim do thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap thuật lại là một thí dụ:

Tôi chưa từng đến núi Baekdu (núi Bạch Đầu hay Trường Bạch, là ngọn núi thiêng của dân tộc Triều Tiên, cao nhất bán đảo Triều Tiên, và nằm ở miền bắc). Tôi mong được đến thăm Baekdu” - ông Moon nói.

Tôi ngại là có nhiều bất tiện cho chuyến thăm của tổng thống, vì hạ tầng giao thông không được thuận lợi. Những người đã tham dự Thế vận hội Pyeongchang kể rằng tàu cao tốc ở đây rất tốt. Ngài đến Triều Tiên sau khi đã sống trong những điều kiện như thế, tôi có thể cảm thấy bối rối” - ông Kim đáp.

Hãng tin miền nam Yonhap khi thuật lại câu chuyện trên đã kèm một bình luận ngắn rằng “đây là lần thừa nhận hiếm hoi của ông Kim về cơ sở hạ tầng nghèo nàn của đất nước mình”. “Không thể trì hoãn thêm được nữa” có rất nhiều hàm ý và nguyên do, song đối với ông Kim nhất định có khác với ông Moon ở lĩnh vực... cơ sở hạ tầng!

Đảo chiều dư luận

Chủ đề “quan hệ máu mủ” rất cần được nhấn mạnh khi mà trong thực tế, trước cuộc gặp, dân tình miền nam không hẳn hào hứng với... miền bắc.

Theo CBC News, kết quả thăm dò dư luận tháng 12-2017 cho thấy rất ít người dân phía nam sẵn lòng “chịu thương, chịu khó” để giúp miền bắc: chưa đến 10% những người dưới 40 tuổi cho biết sẵn lòng hi sinh vì sự thống nhất, trong khi cũng chỉ có 16% những người trên 60 tuổi, thế hệ lớn lên cùng cuộc chiến chia cắt đất nước, vốn mong muốn thống nhất nhiều nhất, cho biết sẽ sẵn lòng hi sinh.

Bớt háo hức thống nhất không phải hiện tượng, mà là cả một xu thế khi năm 2017 chỉ xấp xỉ 58% dân miền nam trả lời rằng “thống nhất là cần thiết”, so với 62% vào năm 2016, và 69% của năm 2013. Chi tiết hơn nữa: chỉ có 14% ý kiến khoanh mục “chúng ta thực sự cần thống nhất”; chỉ 46% chọn “chúng ta vẫn cần thống nhất ngay cả nếu như Hàn Quốc và Triều Tiên có thể cùng tồn tại trong hòa bình”, tuy vẫn nhiều hơn nhóm 32% có ý kiến không đồng ý.

Đó là tình hình dư luận miền nam cho tới tháng 12-2017, khi chưa có những đề nghị của miền bắc “cùng tham gia” Thế vận hội Pyeongchang và chưa có những màn trình diễn “địch vận” của binh đoàn nữ cổ động viên xinh đẹp của miền bắc hay cả những nhân vật cao cấp miền bắc, trong đó có em gái ông Kim, cũng như màn hào hứng xem trình diễn nhạc K-pop như một biểu hiện của sự hòa nhập ngay sau đó.

Các chiến dịch ngoại giao văn hóa - thể thao này đã phát huy tác dụng đảo chiều dư luận. Một cuộc thăm dò hôm 15-2-2018, ngay khi thế vận hội diễn ra, cho thấy 61,5% người trưởng thành phía nam thuận tình với việc Tổng thống Moon đi thăm miền bắc gặp trực tiếp ông Kim, tuy vẫn có 31,2% không đồng tình với một chuyến thăm như thế và cho rằng quốc tế cần có các biện pháp trừng phạt miền bắc nhiều hơn nữa.

Hãng truyền hình Đức DW ngày 19-2-2018 bình luận rằng kết quả thăm dò phản ánh những cảm nhận của người dân miền nam về láng giềng ở bên kia khu phi quân sự, cho thấy sự kết hợp giữa cảm giác sợ hãi và hi vọng nơi nhiều người dân miền nam.

Một nhà quan sát khác cũng bên ngoài bán đảo Triều Tiên là Jun Okumura của Viện Toàn cầu Meiji (Nhật Bản) nhận xét: “Dĩ nhiên là người Nam Hàn đang nói rằng họ muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh, rằng họ không muốn chiến tranh; và rằng chiến dịch thế vận hội đã là một thành công lớn”. Vào thời điểm đó, vẫn chưa có tin tức gì về cuộc họp thượng đỉnh Moon - Kim.

Sang đến trung tuần tháng 3-2018, khi đã có tin về cuộc gặp Moon - Kim, một cuộc thăm dò dư luận khác của Hãng Realmeter cho thấy 73,1% người được hỏi hoan nghênh đề nghị đối thoại và ý định giải trừ hạt nhân của miền bắc, song vẫn có 64,1% cho hay họ không tin tưởng rằng miền bắc thành thật. Nơi lứa tuổi 20, sự hoài nghi này càng cao hơn, tới 74%.

Truyền hình Al Jazeera 14-3 đăng một bài phân tích của Wooyoung Lee giải thích sự hoài nghi này bằng các “thông số” trong quá khứ: “Bắc Hàn đã thử tên lửa từ năm 1984. Đã tự tuyên bố là một quốc gia có vũ khí hạt nhân vào năm 2012.

Đã cật lực trong hơn một thập niên để chế tạo các vũ khí hạt nhân và tên lửa”, và giải thích lý do miền bắc đột ngột thay đổi thái độ: “Chuỗi thử nghiệm hạt nhân và tên lửa từ năm 2016 tới năm 2017 đã đặt chế độ miền bắc dưới những trừng phạt kinh tế mở rộng của Mỹ và cộng đồng quốc tế”.

Tác giả trích phỏng vấn trưởng bộ phận Triều Tiên của Viện Thống nhất Hàn Quốc, Hong Min: “Bắc Hàn còn thử tên lửa cho tới tháng 11 năm ngoái, rồi đột nhiên họ thay đổi diễn trình. Người ta chưng hửng do lẽ các sự việc này đã diễn ra không theo bất cứ logic nào, nên khiến người ta tự hỏi liệu đây có phải chỉ là một mưu kế nhằm tránh trừng phạt”.

Bốn ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh, sau khi miền bắc loan báo sẽ ngưng thử hạt nhân và giải tán căn cứ thử nghiệm của mình, giáo sư Nam Sung Wook, chuyên về Bắc Hàn học tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, vẫn còn chưa quên quá khứ. “Bắc Hàn có một lịch sử dài về việc nêu ra vấn đề giải trừ hạt nhân và cam kết đóng băng các chương trình vũ khí. Tất cả chúng ta đều còn nhớ những gì họ hứa và đã làm trong mấy thập kỷ qua” (Business Standard ngày 23-4-2018).

Vậy mà chỉ 12 giờ xuất hiện trên truyền hình miền nam và cả thế giới, gió dư luận đã xoay chiều. Bài viết của Hyonhee Shin và Haejin Choi cho thông tấn xã Pháp AFP chạy tựa: “Niềm tin của Nam Hàn tăng mạnh kể từ sau cuộc gặp “coi được” cuối tuần qua”.

AFP dẫn chứng một cuộc thăm dò hôm thứ sáu, sau cuộc gặp, cho thấy 64,7% ý kiến tin rằng miền bắc sẽ phi hạt nhân hóa và giữ hòa bình. Nếu so với tỉ lệ 64,1% ý kiến không tin tưởng miền bắc thành thật trong giải trừ hạt nhân và đối thoại, thì kết quả của cuộc thăm dò giữa tháng 3 cho thấy cả một cuộc chinh phục dư luận.

AFP thử giải thích hiện tượng này: “Nhiều người Hàn Quốc đã chấn động bởi những hình ảnh truyền hình trực tiếp của một ông Kim tươi cười và đùa vui trong cuộc gặp. Họ chưa từng thấy sự tự tin và tính hóm hỉnh của Kim, thừa nhận rằng hệ thống tàu hỏa của đất nước mình là kém cỏi và rồi hứa hẹn sẽ không đánh thức ông Moon nữa bằng những cuộc phóng tên lửa vào buổi sáng sớm. Kim dường như khác biệt rõ rệt so với các cựu lãnh đạo Bắc Triều Tiên, người cha Kim Jong Il và người ông Kim Il Sung (Kim Nhật Thành)”.

Một poster cổ động hòa bình vẫn có những chiếc máy bay chiến đấu ở phần nền của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Pinterest
Một poster cổ động hòa bình vẫn có những chiếc máy bay chiến đấu ở phần nền của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Pinterest

 

Phải hỏi ý kiến siêu cường

Mục tiêu CVID xuất hiện trong bài diễn văn ngày 7-7-2017 của Tổng thống Moon tại Berlin, trong chuyến thăm theo lời mời của Quỹ Körber - một tổ chức phi chính phủ chuyên hội thảo bàn tròn về các vấn đề chính trị của Đức từ năm 1959.

Tân Tổng thống Moon giải thích việc ông đến Đức: “Cách đây 17 năm, tổng thống Kim Dae Jung đã giới thiệu “học thuyết Berlin” đặt nền móng cho sự hòa giải và hợp tác giữa hai miền nam - bắc. Hơn thế, đây còn là địa điểm lịch sử đàm phán Hiệp định thống nhất nước Đức. Hôm nay, tại địa điểm tối thượng của bài học Berlin còn sống động, tôi muốn nêu ra sáng kiến hòa bình của tân chính phủ Hàn Quốc”.

Thiện chí của hai miền Triều Tiên đương nhiên là yếu tố mang tính quyết định, nhưng những bước hòa giải tiếp theo, nếu có và nếu đủ thực chất, sẽ cần nhiều hơn là thiện chí. Đó là lý do của nhiều hoạt động ngoại giao nhộn nhịp sẽ diễn ra ở Đông Bắc Á thời gian sắp tới.

Ngay trong tuần này, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thăm Bình Nhưỡng. Ông Vương là bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đầu tiên thăm Triều Tiên từ năm 2007. Trang tin Hàn Quốc Hankyoreh bình luận thẳng thắn về chuyến đi: “Là một bên liên quan trực tiếp trong Chiến tranh Triều Tiên, sự chấp thuận và hợp tác của Trung Quốc là tối quan trọng nếu Seoul và Bình Nhưỡng muốn kết thúc xung đột và ký một thỏa thuận hòa bình”.

Và Trung Quốc không phải siêu cường duy nhất can dự vào cuộc chiến trên bán đảo. Ngày 1-5, CNN dẫn một nguồn tin riêng của họ nói “rất nhiều khả năng” cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim cũng sẽ diễn ra ở Bàn Môn Điếm.

Nguồn tin này nói ông Moon đã thuyết phục được ông Kim chấp nhận điều đó. Thời điểm chính xác vẫn chưa có, nhưng CNN nói cuộc gặp sẽ diễn ra “đâu đó vào cuối tháng 5”. Khi mà tâm lý chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều là khá hân hoan, thì sự nghi ngờ, nhất là trên truyền thông Mỹ, vẫn rất lớn.

Trong một bài bình luận ráo hoảnh ngày 30-4, Politico nhận định ông Kim tìm kiếm 4 điều: 1) bảo đảm sự ổn định của chế độ, 2) đạt được khả năng răn đe hạt nhân, 3) cải thiện đời sống người dân Triều Tiên, và 4) nâng tầm vị thế Triều Tiên trên trường quốc tế với vai trò một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Và bởi giờ ông đã đạt được 1) và 2), ông đang nhắm tới 3) và 4).

Ông Kim có thể thực sự làm nên kỳ tích khi ngay lần đầu thực hiện các hoạt động ngoại giao, ông đã và sẽ lần lượt gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (cuối tháng 3), Tổng thống Hàn Quốc (cuối tháng 4), và Tổng thống Mỹ (cuối tháng 5?).

Ông cũng đã “sẵn sàng gặp thượng đỉnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bàn về số phận những công dân Nhật Bản bị bắt cóc thời 1970-1980 và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, theo báo Nhật Bản Mainichi. Tuy nhiên, cũng chính tờ báo này, dẫn một nguồn giấu tên trong cơ quan ngoại giao chính quyền, nói: “Chúng ta không nên quá phấn khích và quá vội vã nghĩ theo hướng hòa giải xong xuôi”.

Tất cả các chuyển động đó khẳng định rằng những triển vọng của bán đảo Triều Tiên không chỉ nằm trong tay hai ông Kim và Moon.■

Người trẻ ít hào hứng hơn

Theo kết quả thăm dò dư luận tháng 12-2017 của Viện Thống nhất đất nước Hàn Quốc, 72,1% số người ở lứa tuổi 20 và 30 ở miền nam cho rằng thống nhất là không cần thiết. CBC News của Canada, trong một bình luận chính trị hôm 5-2-2018, bên lề Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, giải thích các số liệu này:

“Sự ủng hộ với việc thống nhất tăng cùng tuổi tác, song các kết quả thăm dò cho thấy xu hướng chung là giảm”.

Theo CBC News, tuy giới trẻ Hàn Quốc rất tích cực tham gia các cuộc biểu tình phản đối nữ tổng thống Park Geun Hye, dẫn đến việc đánh đổ bà này và việc ông Moon, một người có những bước hòa giải với miền bắc, đắc cử tổng thống, họ lại không thiết tha với việc thống nhất như Tổng thống Moon, do lẽ họ đang có quá nhiều mối bận tâm.

Tình hình kinh tế - xã hội liên quan họ đang đầy khó khăn, với tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi này lên đến 9,9%, dễ hiểu là họ sợ sẽ “mắc kẹt” bởi hóa đơn chi trả cho sự thống nhất hai miền, nếu điều đó xảy ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận