TTCT - Cuối tháng 9-2010, hai nhà báo Pháp Gael Caron và Võ Trung Dung đến Việt Nam thực hiện một phóng sự truyền hình dài 12 phút về chất độc da cam ở Việt Nam cho Đài France 24 TV. Sau những gì tận mắt chứng kiến, lúc gần như đóng máy quay họ mới quyết định cung cấp cho khán giả Pháp một góc nhìn khác của câu chuyện tưởng như rất cũ này.Chị Hoa và Nhân - con gái 12 tuổi mãi mãi bé bỏng - Ảnh: Võ Trung DungGael, 29 tuổi, trẻ, đẹp trai, luôn cười thích thú khi được nhiều cô gái Việt Nam hỏi: “Anh ơi, có vợ chưa?”. Nhưng đó chỉ là lúc được nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc cật lực. Không ai biết có những lúc Gael gần như lạnh cứng, thẫn thờ, lại có lúc điên lên vì sốc khi điều khiển máy quay ghi lại hình ảnh những nạn nhân chất độc da cam. Đây là lần đầu tiên Gael tác nghiệp về đề tài này.Thất thầnTrong căn nhà của gia đình anh Nguyễn Nhân Bé (Đà Nẵng), bát nhang còn nghi ngút trên bàn thờ có di ảnh của bé Thương - con gái thứ hai của anh Bé. Thương chỉ vừa mới ra đi bốn ngày trước chuyến thăm của chúng tôi. Nhân, chị của Thương, cũng đang… chờ đến ngày ấy. Hai cô con gái của vợ chồng anh Bé bị khuyết tật bẩm sinh rất nặng. Nhân không tự đi đứng được, chỉ bé bằng đứa trẻ lên 2 dù đã 12 tuổi.Nhìn vợ mình, chị Hoa, chăm sóc cho Nhân, anh Bé nghẹn ngào: “Chăm được cho con ngày nào mừng ngày nấy. Bác sĩ nói nó chỉ còn ở với chúng tôi được sáu tháng nữa thôi...”. Nước mắt chảy dài trên đôi má người mẹ. Giọt nước mắt rơi xuống bàn chân bé xíu của Nhân. Một bàn chân vô giác chưa giúp em đứng được trên thế giới này một khoảnh khắc nào. Gael gần như thất thần trong giây phút ấy.Thung lũng A Lưới, cách Huế 60km, sân bay A Sho, phi trường quân sự cũ của quân đội Mỹ trong thời chiến tranh, nơi được trữ chất độc da cam và rửa các bồn chứa của máy bay. Trước mắt chúng tôi, một bức tranh sống động: đất đỏ, cỏ xanh và đồi núi chập chùng. Cách đó khoảng 100m, một đàn bò đang chậm rãi nhai cỏ. Vừa chuẩn bị chân máy, micro, Gael vừa thốt lên: “Cảnh này đẹp, thơ mộng quá!”.Nhưng chẳng lâu sau Gael đã sốc khi biết đàn bò đang ăn cỏ trên khu vực bị nhiễm chất độc.Gael Caron, người Pháp, nhà báo tự do, có năm năm trong nghề. Gael cộng tác với Đài France 2, France 24 TV (phát trên toàn thế giới bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh, Ả Rập) và Đài truyền hình Arte (phát song ngữ Pháp - Đức) - Ảnh do tác giả cung cấpTrằn trọcVới Gael, đây là lần tác nghiệp quay phim thứ 190 trong năm nay của anh. Lần này Gael bay sang Huế từ Bắc Kinh, nơi anh sống và làm việc để tiện hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Suốt mấy ngày liền đi từ Huế đến huyện A Lưới rồi về Đà Nẵng, anh tận mắt chứng kiến di chứng của cuộc “chiến tranh hóa học” như cách nói của giáo sư Võ Quý, nhà khoa học chuyên về môi trường của “Văn phòng 33” (*).Gael kể: “Đây là lần thứ hai tôi phải suy nghĩ, trằn trọc nhiều sau những cảnh quay. Hình ảnh của nạn nhân cứ ám ảnh tôi suốt đêm…”. “Lần thứ nhất là khi nào vậy?”, tôi hỏi. Gael kể đó là lần anh quay những thước phim khi tòa án ở tỉnh Aceh, Indonesia xử một phụ nữ Hồi giáo bị chôn sống nửa người và bị ném đá cho đến chết vì tội ngoại tình.Trước khi tác nghiệp chủ đề này, Gael không ngờ rằng chất độc da cam lại “hiện diện” quá lâu ở Việt Nam và tàn phá ghê gớm ngoài sức tưởng tượng của anh như vậy. Gần 40 năm rồi còn gì! Từng tác nghiệp hai lần về đề tài chất độc da cam nhưng lần này tôi cũng bị lây cái sốc của Gael.Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi thường đặt câu hỏi về vai trò của các phương tiện truyền thông, về công việc của chúng tôi, tính hữu ích của phóng sự liên quan đến chất độc da cam mà chúng tôi đang thực hiện. Hàng trăm bài phóng sự về đề tài này đã được sản xuất, xuất bản. Nhưng nó đã làm thay đổi và đem lại kết quả gì cho các nạn nhân, hay chỉ để cho khán giả, độc giả xem, người thì rơi nước mắt, thương cảm: “Ôi, tội nghiệp làm sao!”, người lại sợ hãi hét lên kinh hoàng: “Sao mà thê thảm quá”. Là xong ư?Võ Trung Dung, nhà báo tự do, sinh sống tại Paris (Pháp). Từ 20 năm qua anh làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Anh chuyên về phóng sự ảnh và phim phóng sự, đã có nhiều tác phẩm xuất bản ở Pháp, Ý, Đức, Mỹ, Nhật, Hong Kong và Việt Nam. - Ảnh do tác giả cung cấpChuyển hướng góc nhìnGóc nhìn ban đầu của phóng sự mà chúng tôi thực hiện - được đề xuất bởi tòa soạn - cũng sẽ chỉ là câu chuyện thứ 1.001, tập trung vào các nạn nhân với nhiều khuyết tật. Hình ảnh này sẽ gây sốc trong giờ ăn tối của các khán giả ở châu Âu, nơi đa số mọi người đều nghĩ rằng chất độc da cam không còn ở Việt Nam. Họ cũng sẽ bị sốc như tôi cách đây năm năm và Gael, nhà báo trẻ mới “tiếp cận” chất độc da cam lần đầu.Chẳng lẽ chỉ có thế thôi sao? Những hình ảnh và nỗi đau mà chúng tôi chứng kiến khiến chúng tôi quyết định thay đổi kịch bản để cung cấp cho khán giả Pháp một góc khác của câu chuyện chất độc da cam tại Việt Nam. Bất chấp khả năng tổng biên tập Đài France 24 TV có thể phản đối.Phóng sự của chúng tôi sẽ kể lại câu chuyện chất độc da cam ở Việt Nam thông qua “đôi mắt” của khoa học, thông qua sự kiện đã được kiểm chứng và không thể chối cãi. Chúng tôi nói về các giải pháp khoa học sẽ đem lại kết quả tốt cho tương lai, cho những nạn nhân hiện tại, cho những nạn nhân tương lai, cho cả môi trường sống. Giải pháp đã có, chỉ cần thời gian và kinh phí thực hiện mà thôi.Rất may mắn, chúng tôi có được những thông tin bổ ích này từ giáo sư Võ Quý, từ các giáo sư bộ môn y sinh học Đại học Y Hà Nội và khoa vi sinh học Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam. Chúng tôi tự tin sẽ thuyết phục được tổng biên tập Đài France 24 TV khi chuyển hướng đề tài.Vài ngày trước khi kết thúc chuyến công tác, Gael và tôi có dịp ăn sáng trong một khách sạn tại Hà Nội. Ở bàn cận bên, hai cô du khách tóc vàng xinh đẹp người Úc hỏi chúng tôi đang làm gì ở Việt Nam. “Chúng tôi quay phim về chất độc da cam!” - Gael trả lời một cô. Cô ấy hoảng hốt: “Trời, “nó” vẫn còn ở đây à?”. Tôi vội trấn an: “Trái chuối cô đang ăn không có gì độc đâu. Đừng lo!”. Vậy mà chúng tôi vẫn phải giải thích một hồi lâu, hai cô mới hiểu và đồng thanh kêu lên: “Ồ, thế à!”.Cuộc nói chuyện tưởng như vu vơ này càng làm chúng tôi tin ít ra thì phóng sự của mình vừa làm xong sẽ có thể giúp nhiều người trên thế giới hiểu thêm về chất độc da cam ở Việt Nam. Trước khi trở về Pháp, tôi nhận được tin từ tổng biên tập: phóng sự sẽ được chiếu cho khán giả Pháp xem vào đầu tháng 11.Một hôm sau khi dựng phim ở Hong Kong để chuyển về Pháp duyệt, tôi nhận được email của ông Michael Sztanke, tổng biên tập chương trình “Reporters” (chuyên về phóng sự quốc tế của Đài France 24 TV). Sau mấy lời nhận xét về phóng sự, Michael viết thêm: “Xem phim, tôi không thấy nạn nhân phẫn nộ. Sao họ hiền thế? Sao họ dễ tha thứ vậy? Tôi không hiểu!”.Tôi đã phải viết một email dài gấp ba lần thư của Michael để giải thích vì sao. Nhưng có những câu chuyện tôi không sao kể hết.Câu nói của anh Bé làm tôi nhớ mãi: “Sinh ra hai đứa con không bình thường, chúng tôi đau khổ và căm thù lắm chứ. Nhưng căm thù thì có thay đổi được gì không? Sáu tháng nữa bé Nhân sẽ lại bỏ chúng tôi đi theo em nó. Tôi mong sau này nhờ có tiến bộ của khoa học mà những đứa trẻ như bé Thương, bé Nhân nhà tôi sống được lâu hơn với cha mẹ chúng.Căm thù thì giải quyết được gì? Sống là phải vươn lên thôi…”. Người Việt Nam cao cả, rộng lượng, dễ tha thứ lắm. Không phải người Pháp nào cũng biết như vậy đâu!__________(*) Văn phòng 33 (www.office33.gov.vn thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường Việt Nam, thành lập năm 2008) là Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tags: Chất độc da camChất độc hóa họcChiến tranh hóa học
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Những triền đồi phủ hồng khiến du khách xôn xao đến Đà Lạt M.V 26/11/2024 Mùa nắng lạnh, Đà Lạt lung linh những triền đồi phủ hồng khiến du khách xôn xao tìm đến.
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.