Một mét vuông mười TikToker: Bước chân ra đường là được cho "lên sóng"

HOA KIM 05/06/2024 05:49 GMT+7

TTCT - Khi dạng nội dung tương tác đường phố càng thu hút người xem trên TikTok, sự riêng tư của mỗi người khi bước chân ra đường càng bị thu hẹp bởi những chiếc camera tọc mạch.

Một mét vuông mười TikToker: Bước chân ra đường là được cho "lên sóng"- Ảnh 1.

Chẳng riêng vị tu sĩ Minh Tuệ ở Việt Nam đang được "chăm sóc" bởi rất nhiều TikToker tường thuật từng bước đi của ông trên đường. 

Khi dạng nội dung tương tác đường phố càng thu hút người xem trên TikTok, sự riêng tư của mỗi người khi bước chân ra đường càng bị thu hẹp bởi những chiếc camera tọc mạch.

Ở những thành phố lớn và đông đúc như New York (Mỹ), rất dễ va vào một "nhà sáng tạo nội dung" mạng xã hội TikTok đi tìm nội dung (content) cho video tiếp theo. 

Chỉ với chiếc micro cầm tay và một thiết bị ghi hình như điện thoại thông minh, họ túm lấy bất cứ ai trông có vẻ thú vị trên đường để phỏng vấn tại chỗ cho một đoạn clip không quá 10 giây.

Nở rộ nội dung đường phố

Các nội dung dạng vox pop (gốc vox populi trong tiếng Latin, nghĩa là "tiếng nói của người dân") không phải khái niệm mới trong truyền thông. Những mẩu phỏng vấn ngắn với các công dân bình thường trên đường phố về những vấn đề thiết thân với họ - cảm nghĩ về một chính sách mới có hiệu lực của chính phủ chẳng hạn - đã được các nhà đài áp dụng từ lâu. 

Nhiều chương trình truyền hình mang tính giải trí cũng sử dụng cách này để ghi lại những câu trả lời hài hước hoặc ngô nghê của người qua đường, tạo tiếng cười cho khán giả.

Nhưng vox pop trong thời đại TikTok đã biến đổi để mang yếu tố cá nhân cao hơn, với những câu hỏi đào sâu vào những khía cạnh riêng tư của cuộc sống và trải nghiệm của mỗi người: Bạn đang nghe nhạc gì? Bạn trả bao nhiêu tiền thuê nhà mỗi tháng? Bạn chấm người trong ảnh bao nhiêu trên thang điểm từ 1 - 10? Tôi có thể tham quan căn hộ nơi bạn đang sống được không?... 

"Bằng cách nào đó, (những người được hỏi) vẫn vui vẻ đáp lại, trút hết tâm can với hàng triệu người hoàn toàn xa lạ trên mạng" - cây bút Hayley Spencer viết cho tạp chí Cosmopolitan.

Một mét vuông mười TikToker: Bước chân ra đường là được cho "lên sóng"- Ảnh 2.

Trên TikTok - mạng xã hội hơn 1,5 tỉ người dùng hằng tháng (số liệu đến tháng 4-2024 của Statista), những video phỏng vấn đường phố đã trở thành một thể loại phổ biến và hút người xem. 

Có đến hơn 204.000 video được gắn nhãn #publicinterview (phỏng vấn công cộng), những video dưới nhãn #voxpop cũng thu hút gần 900 triệu lượt xem, tính đến tháng 4-2024, theo Cosmopolitan.

Tất cả những gì cần thiết để sản xuất một video phỏng vấn đường phố là "một chiếc camera, một góc phố đông người qua lại, và một mẫu câu chào hỏi chung chung để làm quen", theo The Cut. 

"Cá tính (của nhân vật) không phải lúc nào cũng là một yêu cầu bắt buộc - chủ kênh có thể bù đắp bằng số lượng người được phỏng vấn đa dạng, chọn lọc và đăng tải những ai (có phần tương tác) hấp dẫn nhất" - The Cut nhận xét.

Đủ kiểu khai thác đời tư

Thường thì ít ai muốn phơi bày không gian sống riêng tư của mình ở chốn công cộng, nhất là khi có hàng triệu cặp mắt dòm ngó. 

Thế nhưng một chủ đề phổ biến của các video phỏng vấn đường phố là hỏi về tiền thuê nhà hằng tháng của nhân vật - thường là ở những thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới như New York - và đề nghị được... mục sở thị chỗ ở của người đó để xem có tương xứng với giá tiền hay không.

Một loại câu hỏi dễ trả lời hơn là đề nghị một người đi đường đeo tai nghe bất kỳ tiết lộ bài hát mà họ đang nghe. Ý tưởng đơn giản nhưng mở ra nhiều phát hiện lý thú (tại sao một bà cụ lại nghe nhạc rap?), tạo cơ hội cho người xem được dịp phân tích tâm lý nhân vật dựa trên gu âm nhạc của họ.

Một thể loại khác cũng thu hút không kém là các video "chữa lành" gợi nhắc cho người xem rằng xã hội vẫn còn những điều tốt đẹp và những mối tình cùng nhau đến đầu bạc răng long. 

Các kênh như Meet Cutes NYC hay Dose of Society chuyên đăng video phỏng vấn những cặp đôi lớn tuổi hoặc đã vượt qua nhiều thử thách để ở lại bên nhau, và những mẩu chuyện truyền cảm hứng từ những người đi đường.

"Thông điệp được truyền tải là tất cả mọi người, bất kể tuổi tác và tầng lớp, đều đang sống một thực tại sống động không khác gì bạn" - The Cut nhận xét.

Bỗng dưng thành "content"

Nhưng trong nhiều trường hợp, những người bị quay phim trên đường phố không được hỏi xem họ có đồng ý cho hình ảnh của mình xuất hiện trên kênh hay không, và nội dung được đăng tải có thể bị bóp méo đến mức khác xa thực tại.

Tháng 2-2023, kênh BuzzFeed News đưa tin một người đàn ông tên Timothy Goodman sống ở New York đã bị một TikToker nữ không quen biết quay phim và đăng lên mạng với nội dung hàm ý anh này đã nói dối cô để trốn hẹn hò nhưng lại bị cô bắt gặp trên đường.

Hàng triệu người đã xem video, trong đó hàng trăm người tin vào câu chuyện hoàn toàn thêu dệt này và để lại bình luận công kích anh, thậm chí miệt thị ngoại hình chàng trai để an ủi chủ nhân đoạn video rằng cô xứng đáng với người tốt hơn anh ta. 

"Có lẽ chúng ta không nên đăng video về người khác - lại là người xa lạ - lên mạng mà không có sự đồng ý của họ" - Goodman nói với BuzzFeed News.

Ảnh: BuzzFeed News; Getty Images

Ảnh: BuzzFeed News; Getty Images

Trường hợp của Goodman không cá biệt. Năm 2022, một người phụ nữ lớn tuổi ở Úc đã lên tiếng phản đối việc mình bỗng trở thành nạn nhân của sự thương hại trên mạng sau khi một TikToker đến tặng bà một cành hoa, ghi hình rồi đăng lên mạng với chú thích rằng anh ta đã làm một "hành động tử tế ngẫu nhiên", giúp cho ngày hôm đó của bà lão trở nên tươi đẹp hơn.

Đoạn video thu hút hơn 60 triệu lượt xem với hàng loạt bình luận bày tỏ sự xót thương cho một cụ bà mà họ đánh giá là "già nua, cô độc và buồn bã", theo trang Wired. Nhưng thực tế là bà cụ chỉ đang tình cờ ngồi một mình vào thời điểm ấy chứ không hề đáng thương hại như hình ảnh mà chàng thanh niên kia dựng lên.

Nói với ABC Radio Melbourne, bà lão mô tả toàn bộ sự việc là "mất nhân tính", rằng bà không hề muốn bị tay thanh niên lạ mặt kia quấy rầy chứ chưa nói đến chuyện hình ảnh của mình bị phơi bày trên mạng cho cả thế giới xem dưới một góc nhìn khác xa sự thật.

Hay như một cô gái tự kỷ và mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) bỗng dưng trở thành kẻ phản diện trong một video gây bão trên TikTok ghi lại cảnh cô bật khóc giữa Quảng trường Thời đại (New York) sau khi bị một thanh niên da màu chạm vào người. 

Nhiều bình luận cáo buộc cô phân biệt chủng tộc, hình ảnh cô gắn liền với từ khóa "cô gái khóc nhè ở Quảng trường Thời đại" trong suốt một thời gian dài, theo trang Mashable.

Nghĩ trước khi đăng

Đặc điểm chung của phần lớn những nội dung gây khó chịu nhất hiện nay là ghi hình một người lạ không vì lý do gì ngoài để thỏa mãn chính người quay, trang Wired nhận xét. "Chúng ta sẽ không đi ra đường và kích động đám đông chống lại một người lạ mặt ngẫu nhiên. Tại sao chúng ta lại cảm thấy thoải mái khi làm việc đó trên mạng?" - cây bút Mark Hill đặt câu hỏi.

Chúng ta thường suy nghĩ cẩn thận, thậm chí hỏi ý kiến bạn bè và người thân trước khi đăng những hình ảnh có phần không đẹp mắt của họ lên mạng, nhưng sự cẩn trọng này bị lãng quên hoặc cố tình phớt lờ khi đối tượng là người lạ.

Một mét vuông mười TikToker: Bước chân ra đường là được cho "lên sóng"- Ảnh 4.

Tiến sĩ Lisa Strohman - một nhà tâm lý học lâm sàng và luật sư chính sách công, cho rằng những người lạ bị quay phim ở nơi công cộng có quyền đòi hỏi chính đáng về sự riêng tư, và việc quay phim mà không có sự đồng ý của họ có thể xâm phạm quyền kiểm soát hình ảnh chính đáng của những người này, theo Mashable.

"Khi bước chân khỏi nhà mỗi ngày, chúng ta đồng ý xuất hiện trước công chúng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng điều này hoàn toàn khác với việc (hình ảnh đó) trở nên bất tử (trong các video) để mọi người có khả năng tạm dừng, phóng to, đính kèm nhận xét và kiểm tra mọi khía cạnh" - tác giả Matty Ennis viết trên trang Youth Journalism.

Những video lên tiếng về việc cảm thấy bị các influencer xâm phạm quyền riêng tư lại thường chỉ nhận được độ quan tâm rất nhỏ so với video gốc. L

iệu sự thay đổi có thể đến từ các nền tảng mạng xã hội bằng cách giới hạn khả năng tiếp cận người xem của những video khai thác hình ảnh người lạ trên đường thay vì tưởng thưởng bằng lượt xem khủng và lợi ích vật chất? Có thể đây là một ước muốn xa vời, nhưng chúng ta có quyền hy vọng.

"Mạng xã hội đã biến nhiều người trong chúng ta trở thành những kẻ thích rình mò, mê phô trương hoặc cả hai" - diễn giả Yonason Goldson nói với Mashable. "Nó khiến chúng ta tìm kiếm sự công nhận bằng mọi phương cách trong khả năng, thường là phải trả giá bằng sự tổn thất của người khác".

Các TikToker khai thác nội dung đường phố cũng thường ghép đôi những tâm hồn cô đơn, bằng cách đề nghị người đi đường chia sẻ về những gì mình thích và không thích trong một mối quan hệ, sau đó tìm cách kết nối hai người mà chủ kênh cho là hợp cạ nhau, hoặc sắm vai "bác sĩ tâm lý" để mổ xẻ lý do nhân vật gặp khó khăn trong tình trường. Điển hình cho thể loại này có thể kể đến các kênh như Hot & Single, Street Hearts hay Schmooze or Snooze, mỗi kênh thu hút vài trăm ngàn lượt theo dõi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận