Một năm lật nhào

DANH ĐỨC 26/12/2022 05:57 GMT+7

TTCT - Tối 18-12, đội tuyển Pháp trở thành cựu vương, tuyển Argentina lên ngôi sau một trận quyết chiến tới kỳ cùng. Trên trường quốc tế, cũng có thể nhìn thấy một sự đổi ngôi tương tự, tất nhiên không trong khuôn khổ luật lệ như của bóng đá và FIFA!

Một năm lật nhào - Ảnh 1.

Ảnh: Washington Times


Một năm lật nhào - Ảnh 2.

Ảnh: The Conversation

"Ta không thấy chiến tranh kết thúc trong tương lai gần bởi vì đây là một cuộc chiến toàn cầu. Có rất nhiều tay đang khuấy cái nồi chiến tranh. Cuộc chiến này là toàn cầu. Chiến tranh được tiến hành khi một đế chế bắt đầu suy yếu. 

Và khi có những vũ khí cần được sử dụng, thử nghiệm và bán", Giáo hoàng Francis, trong một phỏng vấn đăng trên tờ ABC của Tây Ban Nha hôm chủ nhật 18-12, đã nhận định tình hình thế giới như vậy.

Một đế chế đang suy yếu

Từ khá lâu, nhiều nơi, nhiều chỗ, người ta đã nói không ít về sự suy yếu của "đế quốc Mỹ". Có lẽ bộ phim Ngày tàn của đế chế La Mã của đạo diễn Anthony Mann (The fall of Roman Empire) coi ngày nào ở rạp Hồng Bàng đường Pasteur Sài Gòn ngày xưa vẫn còn ám ảnh thằng bé nay đã thất thập cổ lai hy là tôi, bởi thời bấy giờ, ngay năm lớp 6 khi học lịch sử Hy Lạp - La Mã, tôi đã say mê cảnh những binh sĩ mặc giáp trụ "đội hình phương trận" để phòng thủ.

Sự sụp đổ của Đế chế La Mã có nhiều nguyên nhân, nhưng chính yếu vẫn là sự suy tàn của các vị hoàng đế kế vị nhau trong một xã hội được coi là suy đồi và "nhàn rỗi" dựa trên chế độ nô lệ. 

Từ thập niên 1960, với làn sóng "cài vài đóa hoa trên tóc" từ San Francisco, xã hội Mỹ đã sớm bước vào quá trình tự nổ từ bên trong (implosion), gọi là phản văn hóa (counterculture), mà Michael J. Kramer sau này nêu rõ tác động kéo dài: 

"Các thế hệ tương lai, trong khi có thể không cài hoa trên tóc, vẫn có thể dựa vào di sản chính trị công dân nặng trĩu của nhạc rock và phản văn hóa [khi xưa]" (The Republic of Rock: Music and Citizenship in the Sixties Counterculture, tr. 27).

Một năm lật nhào - Ảnh 3.

Phong trào phản văn hóa bùng lên ở Mỹ từ những năm 1960. Ảnh: City Journal

Bên cạnh yếu tố "tự bùng nổ"của xã hội Mỹ, còn là yếu tố cạnh tranh của các đối thủ. Manlio Graziano của Trường Khoa học chính trị (Sciences Po) Pháp lừng lẫy, từ bên kia Đại Tây Dương, đưa ra một giải thích khác về sự suy tàn của đế chế Hoa Kỳ: 

"Trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ đã suy giảm tương đối, đối mặt với viễn cảnh một ngày sẽ bị vượt qua bởi một cường quốc đối thủ. Tuy nhiên, vấn đề chính của nó không phải là sự suy giảm tương đối - đó là hiện tượng tự nhiên xảy ra khi các công ty, ngành, khu vực và quốc gia phát triển với tốc độ không đồng đều. Thay vào đó, vấn đề chính của Hoa Kỳ là không nhận ra tình trạng này, cho dù là do lòng kiêu hãnh, tính toán bầu cử hay đơn giản là do thiếu nhận thức" ("Hoa Kỳ: sự kết thúc một ảo tưởng về toàn năng", The Conversation, 20-7-2022).

Trong tâm trạng "thiếu nhận thức" đó, theo Graziano, kể từ khi thay thế Anh quốc trở thành cường quốc bá chủ thế giới, người Mỹ đã kế thừa luôn lý thuyết "vùng đất trung tâm" của Sir Halford Mackinder, mà theo đó, nếu từ Đông Âu (tức nước Đức) nắm quyền kiểm soát vùng trung tâm (tức nước Nga), thì sẽ thống trị cả lục địa Á-Âu, và sau đó toàn thế giới. 

Họ kế thừa luôn lý thuyết về một "vành đai" các quốc gia bao quanh "vùng đất trung tâm" đấy của Nicolas Spykman, nhà khoa học chính trị người Hà Lan, giáo sư Đại học Yale. Từ đó mà Mỹ đi tới chính sách ngăn chặn (containment), lập ra "vành đai an toàn" xung quanh nước Nga. 

Đây chính là điểm đụng độ với ông Putin cùng ước mơ Liên minh Á - Âu từ Lisbon đến Vladivostok của ông này vào năm 2011, một đế chế Nga tái lập. 

Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Hillary Clinton đã nhanh chóng phản ứng: "Đang có động thái nhằm tái Xô viết hóa khu vực..., được gọi là liên minh hải quan, Liên minh Á - Âu, là đủ thứ tên gọi... Chúng tôi biết mục tiêu thực sự là gì và sẽ tìm mọi cách ngăn chặn".

Có thể bổ sung: thiệt ra, với cuộc chiến tranh 5 ngày, 5-8 đến 12-8-2008 ở Gruzia, đã có thể nhận rõ Nga muốn và sẵn sàng làm những gì; còn Mỹ, cụ thể là chính quyền George W. Bush, đã hay đã không làm gì. 

Thậm chí trong cuộc họp tối thượng muộn màng hôm 11-8 ở Nhà Trắng, câu hỏi "Liệu chúng ta có nên xem xét hành động quân sự hay không?" vẫn gặp phải câu trả lời chung: "Đó sẽ là cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga" (cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc đó Stephen Hadley thuật lại với Politico, 2-3-2010). 

Ngày hôm sau, 12-8, cuộc chiến Gruzia kết thúc, Gruzia mất một phần lãnh thổ ở Nam Ossetia và Abkhazia. Ba tuần sau,

26-8-2008, Nga chính thức công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.

Một năm lật nhào - Ảnh 4.

Cuộc chiến chóng vánh ở Gruzia năm 2008 báo hiệu một thế giới lật nhào. Ảnh: The Jamestown Foundation

14 năm sau nữa, mệnh đề "Đó sẽ là cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga" lặp lại. Đầu năm nay, hôm 15-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu: "Chúng tôi không tìm kiếm đối đầu trực tiếp với Nga". 

Sách lược với Ukraine của ông lúc đó là: "Dù tôi sẽ không gửi quân nhân Mỹ đến đánh Nga ở Ukraine, chúng tôi đã cung cấp cho quân đội Ukraine trang thiết bị để giúp họ tự vệ, đã cung cấp đào tạo, tư vấn và thông tin tình báo cho họ". 

Thông điệp quá rõ ràng. Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng hiểu nhưng không muốn tin. 9 ngày sau, cuộc chiến bùng nổ.

Ông Biden thật ra đã chỉ bước tiếp con đường mà những người tiền nhiệm của ông đã vạch ra, từ ông Bush năm 2008 tới ông Barack Obama năm 2014, khi Nga xua quân vào chiếm bán đảo Crimea. 

Ba trào tổng thống Mỹ, cùng một phản ứng, đó là chưa kể tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 Donald Trump, người thậm chí còn ca ngợi ông Putin là "một người gìn giữ hòa bình". Từ chiến tranh Gruzia năm 2008, tới Crimea năm 2014, cho tới giờ đã là 14 năm, bốn đời tổng thống Mỹ, rõ ràng là đế chế Hoa Kỳ đang tự suy vong.

"Cười phì" vào lệnh trừng phạt

Do chủ trương né "đối đầu trực tiếp" với Nga, nên vũ khí duy nhất chống trả là trừng phạt, trong 14 năm đó. Để rồi 9 tháng đúng sau ngày ông Biden dọa tăng trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine, ông Putin họp Hội đồng Phát triển chiến lược và dự án quốc gia Nga để tổng kết cuối năm và đưa ra đánh giá sắt đá quen thuộc: 

"Một cuộc xâm lược bằng các lệnh trừng phạt chưa từng có đã nhắm vào Nga, nhằm mục đích nghiền nát nền kinh tế, phá hoại đồng tiền quốc gia - đồng rúp, đánh cắp dự trữ ngoại hối của chúng ta, và gây ra lạm phát nghiêm trọng trong một khoảng thời gian ngắn... Song, kế hoạch này đã thất bại".

Nga đã chống trả như thế nào? Ông Putin tự hào giải thích: "Bằng các biện pháp trừng phạt đó, các nước phương Tây cố gắng đẩy Nga ra rìa của sự phát triển thế giới, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ đi theo con đường tự cô lập và tự cung tự cấp. Ngược lại, chúng tôi đang mở rộng và sẽ tiếp tục mở rộng tương tác với bất kỳ ai quan tâm, những ai hiểu rõ ưu tiên của người khác và của chính họ... Hướng tới các khu vực và thị trường và các nước đang phát triển năng động".

Cụ thể đó là những ai? Có thể nghĩ tới Ấn Độ và dầu hỏa. Rajan Menon và Eugene Rumer của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế có trụ sở chính tại Washington D.C. đã mô tả mối quan hệ Nga - Ấn hiện nay: 

"Lĩnh vực mà thương mại song phương đã tăng lên đáng kể từ cuộc chiến Ukraine là dầu mỏ... New Delhi đã không tham gia chế độ trừng phạt. Thay vào đó, tận dụng việc Nga giảm giá dầu, nước này đã tăng cường đáng kể hoạt động mua bán - từ dưới 50.000 thùng mỗi ngày năm 2021 lên gần 1 triệu thùng mỗi ngày, tính đến tháng 6-2022".

Thiệt ra, quan hệ thương mại Nga - Ấn, theo các tác giả, cũng không có gì lớn lao: Năm 2020, xuất khẩu của Nga sang Ấn Độ - ngoài vũ khí - là dưới 6 tỉ USD, trong đó than bánh đứng đầu, lên đến 923 triệu USD. 

Ngược lại, xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga chưa đến 3 tỉ USD, trong đó dược phẩm là lớn nhất, trị giá 444 triệu USD. Tổng cộng thương mại Nga - Ấn năm 2020 mới khoảng 9 tỉ USD, trong khi thương mại hai chiều Hoa Kỳ - Ấn Độ năm 2020 là 120 tỉ USD.

Phản ứng của Mỹ như thế nào? Đầu tháng 4, Mỹ phái Phụ tá Cố vấn an ninh quốc gia Daleep Singh sang Ấn Độ để thông báo Hoa Kỳ không muốn thấy bất kỳ quốc gia nào tham gia các giao dịch tài chính với ngân hàng trung ương Nga. 

Tuy nhiên, ông này cũng cho biết việc Ấn Độ nhập khẩu năng lượng từ Nga hiện không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ. 


Một năm lật nhào - Ảnh 5.

Ấn Độ và Nga vẫn duy trì quan hệ hợp tác mọi mặt. Ảnh: CNBC

Chưa hết, hôm 14-7-2022, Quốc hội Mỹ còn biểu quyết thông qua đạo luật miễn trừ cho phép Ấn Độ hoàn tất nhập khẩu 5 hệ thống phòng không S-400 của Nga vào đầu năm tới mà không bị Mỹ trừng phạt! Với những ngoại lệ như vậy, thảo nào ông Putin cười phì lệnh trừng phạt của ông Biden.

Đế chế mới chưa sẵn sàng?

Thế giới đang trở nên bất an hơn vì đế chế cũ (Mỹ) lung lay, một thế lực cũ (Nga) đang muốn trở lại, trong khi thế lực mới được chờ đợi (Trung Quốc) lại mắc kẹt trong những vấn đề của họ. 

2022 dù là năm đánh dấu sự thiết lập vai trò lãnh đạo hạt nhân toàn diện của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hệ thống chính trị Trung Quốc, lại đồng thời có thể coi là một năm mất mát với siêu-cường-sắp-sửa này. 

Mối lo COVID đã khiến chính sách phong tỏa duy trì ngặt nghèo trong gần suốt năm, đi kèm là tăng trưởng kinh tế chậm lại, đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng cửa hơn với bên ngoài, và các dự án mang tham vọng toàn cầu cũng không được suôn sẻ như dự tính.

Mặc dù vẫn có những bài viết với tít tựa dự báo một Pax Sinica nữa, như "Chuyện gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc lãnh đạo thế giới" (The Atlantic, 5-10-2022), một tương lai như vậy đang trở nên kém chắc chắn hơn sau năm vừa rồi. 

Những tiếng nói phản bác cũng lớn tiếng không kém, tỉ như bài viết "Trung Quốc có thể không bao giờ trở thành một siêu cường" (Cato.org, 21-10-2022). 

"Với Trung Quốc, tăng trưởng chậm hơn giờ có vẻ là điều không thể tránh khỏi", bài báo viết, "thậm chí một cuộc suy thoái cũng không thể loại trừ, và một cuộc nhảy vọt lên vị thế nước có thu nhập cao là điều không có gì chắc chắn".

Theo đó, chính sách zero COVID có thể là khởi đầu cho một giai đoạn đình lạm, và một số nhà phân tích đã thận trọng hơn trong lời xác quyết rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh những cải cách thực sự quyết liệt khó có khả năng diễn ra trong tương lai gần, vì môi trường chính trị. 

Trong khi đó, những vấn đề dai dẳng vẫn chưa được giải quyết: làn sóng các công ty nước ngoài rút lui hoặc ngưng mở rộng sản xuất, nợ công lẫn tư nhân đều tăng liên tục, bong bóng bất động sản, tình trạng thất nghiệp hoặc không muốn làm việc ở lao động trẻ, tốc độ già hóa dân số nhanh hơn nhiều so với dự kiến...

Một năm lật nhào - Ảnh 6.

Trung Quốc đã trải qua một năm hết sức khó khăn cùng chính sách zero Covid. Ảnh: NPR

Một số kinh tế gia bắt đầu nêu ra giả thuyết so sánh Trung Quốc với Nhật Bản những năm 1990, khi các bất ổn kinh tế vĩ mô dẫn tới một "thập niên mất mát" cho nền kinh tế lúc bấy giờ cũng đang là số hai thế giới. 

Dự án Vành đai con đường, với gần 400 tỉ USD đầu tư các dạng khác nhau, chủ yếu vào các nước đang phát triển, cũng gặp những thách thức, mà "vấn đề lớn nhất là các chính sách kinh tế bị chính trị hóa", theo bài viết trên Cato.org.

Về mặt quân sự, Trung Quốc cũng chưa sẵn sàng. Evan Medeiros, cố vấn về châu Á của Nhà Trắng thời Obama, cho rằng chưa rõ Trung Quốc có sẵn sàng hay có đủ sức gánh vác một vai trò quân sự mang tính toàn cầu như tầm cỡ Mỹ hay không. 

Trên thực tế, Trung Quốc đã trải qua một thời gian rất dài không tiến hành một cuộc chiến tranh đúng nghĩa nào. Không giống Mỹ, trong lịch sử họ cũng rất miễn cưỡng trong những cam kết với đồng minh hay các liên minh quân sự, và đến nay mới có một căn cứ quân sự chính thức ở nước ngoài, Djibouti ở Đông Phi, so với hàng trăm cơ sở của Mỹ ở hải ngoại.

Trong khi đó, quan hệ thương mại và kinh tế không phải lúc nào cũng đi kèm với ảnh hưởng chính trị. Nhật Bản, Hàn Quốc, và Úc đều có đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, nhưng có lẽ khó thể gọi bất kỳ nước nào trong số ba cường quốc bậc trung của khu vực đó là đồng minh của Bắc Kinh. ■

Trong tình hình thế giới lộn xộn như vậy, các nước đều phải ráng "tự cứu", không còn tin được vào những liên minh cũ hay mới, không để dính chặt vào các trói buộc xa xưa, dù là tinh thần hay tình cảm.

Lo tự lực, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung, từ nhiên liệu đến vũ khí, từ thương mại đến chính trị. Việc Nhật Bản sửa đổi các quy định và tăng ngân sách quốc phòng, đa dạng hóa quan hệ hợp tác, là một thí dụ "tự xoay xở".

Lịch đối thoại quốc phòng song phương của Nhật tháng 12 cho thấy sự khẩn trương này: 9-12, Nhật, Ý, và Anh ra Tuyên bố chung cùng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới; cũng 9-12, Nhật - Canada họp 2 + 2 ( quốc phòng và ngoại giao) lần thứ 10; 8-12, Nhật - Philippines đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng; 7-12, tham vấn 2 + 2 quốc phòng và ngoại giao Nhật - Israel lần thứ ba; 5-12, phó tổng thư ký NATO thăm Bộ Quốc phòng Nhật...

Đó là hành động, còn về lời nói, có thể tổng kết qua lời bà Chan Heng Chee (Trần Khánh Châu), đại sứ lưu động của Sinagapore: "Chúng ta đã quá quen với việc được an toàn. Đã có lúc mọi người nhìn vào châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, và nói rằng đó là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất khu vực. Giờ đây, Đông Nam Á không phải là một nơi ổn định như vậy".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận