Một phân tích nhanh về Sách trắng quốc phòng Trung Quốc

DANH ĐỨC 03/08/2019 01:08 GMT+7

TTCT - Thật lạ lùng, trong Sách trắng quốc phòng Trung quốc 2019 (gọi tắt là Sách trắng) vừa công bố hôm 25-7, có một đoạn mang tiêu đề: “Tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương nói chung vẫn ổn định”. Trong khi đó, thực tế lại hoàn toàn khác. Còn những gì khác biệt giữa Sách trắng đấy và thực tế nữa?

Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới, tháng 7-2019, hay Sách trắng quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: CGTN America
Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới, tháng 7-2019, hay Sách trắng quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: CGTN America

Cũng một đại dương song nhìn từ đầu này là an bình, nhìn từ đầu kia là sóng gió. Chuyện rất thường tình. Đế quốc La Mã ngày xưa, khi “bơi” trên những con tàu ba hàng do nô lệ các nước hì hục kéo mái chèo trong roi vọt và trống thúc, hể hả gọi Đại Tây Dương là “biển của chúng ta” (mare nostrum), tuyên ngôn rằng cái tình thế bá quyền khắp Âu, Á, Phi đó là “nền hòa bình dưới trướng La Mã” (Pax Romana).

21 thế kỷ sau, trải qua biết bao đế chế, người ta đã có “hòa bình dưới trướng Mông Cổ” (Pax Mongolica), rồi “dưới trướng châu Âu” (Pax Europaea), ngay bây giờ có lẽ là “dưới trướng Mỹ” (Pax Americana), nhưng liệu tương lai có tiến đến “dưới trướng Trung Quốc” (Pax Sinica) hay không? Tất cả đều phản ánh một thực tế có thể diễn ra, bất chấp những thuận tình hay phản kháng...

Nền hòa bình mong manh

Có lẽ các tác giả và những người thông qua cuốn Sách trắng đó đã nhìn thấy một “châu Á - Thái Bình Dương nói chung vẫn ổn định an ninh” như ý họ, với lời diễn giải: “Các nước châu Á - Thái Bình Dương ngày càng nhận thức được rằng họ là thành viên của một cộng đồng có số phận chung”.

Nhận định này có phần vội vàng. Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực quá rộng lớn và đa dạng để bất kỳ quốc gia nào, dù lớn mạnh đến đâu, có thể đứng ra “đại diện” tuyên bố rằng cả khu vực “có số phận chung”.

Thực tế lịch sử đã chứng minh và tương lai cũng sẽ không khác, rằng mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia, thậm chí là mỗi vùng đất của từng quốc gia trong khu vực, đều sẽ có những số phận khác biệt. Trừ phi số phận chung đó là phải chấp nhận một trật tự thống trị mới!

Cũng chính vì thế, mà Sách trắng viết: “Giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn đã trở thành một lựa chọn chính sách ưu tiên cho các nước trong khu vực, khiến khu vực này trở thành một phần ổn định của bối cảnh toàn cầu”, trong khi thực tế tình hình là việc đối thoại và tham vấn đã trở nên ngày càng khó khăn, đôi khi đối thoại chỉ là một chiều, chỉ có người hỏi, mà không ai đáp lại.

Sách trắng viết tiếp: “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - ASEAN về cuộc họp không chính thức và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường niềm tin giữa các nước trong khu vực thông qua trao đổi và hợp tác quân sự.

Tình hình Biển Hoa Nam (Biển Đông) nói chung ổn định và được cải thiện do các nước trong khu vực đang quản lý rủi ro và sự khác biệt đúng đắn”. Từ đó dẫn đến “một kiến trúc an ninh châu Á cân bằng, ổn định, cởi mở và toàn diện tiếp tục phát triển”.

Không thể phủ nhận rằng vẫn có những nỗ lực hợp tác trong khu vực, nhưng cũng có một thực tế là các hợp tác mới chỉ ở mức độ bề mặt, và lòng tin, nhất là trên Biển Đông, thực ra đang xói mòn hơn là được xây đắp, sau quá nhiều biến cố dồn dập vừa qua.

Để thực sự “tăng cường niềm tin” và xây dựng “một kiến trúc an ninh châu Á cân bằng, ổn định, cởi mở và toàn diện”, sẽ cần trước hết những thay đổi thái độ từ nước lớn nhất khu vực ở bờ bên này Thái Bình Dương. Cấu trúc an ninh vùng hiện giờ khó thể nói là cân bằng, và chỉ ổn định một cách mong manh, trong khi sự cởi mở vẫn còn là một dấu hỏi lớn, chứ đừng nói gì tới toàn diện.

Cách nhìn Biển Đông

Nếu so sánh từng câu chữ đoạn nói về Biển Đông với những điểm nóng khác, sẽ thấy rõ “cách nhìn” của Sách trắng: “Tình hình Biển Đông nói chung ổn định và được cải thiện do các nước trong khu vực đang quản lý rủi ro và sự khác biệt đúng đắn”, khác hẳn “Các điểm nóng và tranh chấp khu vực vẫn cần được giải quyết. Mặc dù tiến triển tích cực, bán đảo Triều Tiên vẫn phải đối mặt với sự không chắc chắn. Nam Á nói chung là ổn định trong khi xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn có nguy cơ bùng phát...”.

Thế nhưng, cho dù có muốn lạc quan tới đâu, các tác giả Sách trắng cuối cùng cũng phải nhìn nhận có một thực tế không như ý, dù chỉ nói ở mức chung chung: “Vẫn còn tồn tại khúc mắc giữa các quốc gia trong khu vực, bao gồm các tranh chấp về quyền và lợi ích lãnh thổ và hàng hải, cũng như sự bất hòa vì lý do dân tộc và tôn giáo. Các điểm nóng an ninh tăng theo thời gian trong khu vực”.

Thật vậy, đoạn sau cho thấy cái nhìn của các tác giả phân biệt thế nào là các nước “trong khu vực” và “ngoài khu vực”: “Khi trung tâm kinh tế và chiến lược thế giới tiếp tục chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương, khu vực này đã trở thành một trọng tâm của cạnh tranh giữa các nước lớn, đưa tới sự không chắc chắn cho an ninh khu vực.

Mỹ đang tăng cường các liên minh quân sự châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường triển khai và can thiệp quân sự, tăng thêm sự phức tạp cho an ninh khu vực. Việc triển khai hệ thống phòng thủ khu vực cao độ cao (THAAD) tại Hàn Quốc của Hoa Kỳ đã làm suy yếu nghiêm trọng cán cân chiến lược khu vực và lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực.

Trong nỗ lực phá vỡ cơ chế sau chiến tranh, Nhật Bản đã điều chỉnh các chính sách quân sự và an ninh và tăng đầu vào cho phù hợp, do đó trở nên hướng ngoại hơn trong nỗ lực quân sự của mình. Úc tiếp tục tăng cường liên minh quân sự với Mỹ và sự tham gia quân sự của họ ở châu Á - Thái Bình Dương, tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh”.

Nói cách khác, là đổ thừa do thiên hạ muốn cạnh tranh với Trung Quốc, từ Mỹ tới Nhật, Úc đang liên minh quân sự với Mỹ tăng cường triển khai và can thiệp quân sự, mà nay an ninh khu vực thêm phức tạp!

Thế và lực

“La làng” trong khi đang chiếm ưu thế là một trong những kế sách Tôn Tử cũ mèm. Bởi thực tế cơ bắp ở vùng biển Tây Thái Bình Dương đang có những chuyển biến nghiêng dần về phía Trung Quốc. National Interests 7-7-2019 so sánh lực lượng Mỹ - Trung & Nga ở Thái Bình Dương để rút ra nhiều kết luận đáng suy nghĩ.

Đầu tiên là lực lượng Mỹ: “Năm 2012, bộ trưởng quốc phòng khi đó Leon Panetta tuyên bố Hải quân Mỹ sẽ đưa khoảng 60% lực lượng vào Thái Bình Dương. 7 năm sau, chính sách xoay trục hoàn tất, nhưng liệu có đủ để bảo vệ các lợi ích quan trọng của Mỹ trong khu vực? Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ gồm hơn 170 tàu.

Họ chịu trách nhiệm một vùng biển rộng lớn gần 48 triệu dặm vuông (124 triệu kilômet vuông). Và không phải tất cả tàu của chúng ta hoạt động ở phía tây. Chỉ có Hạm đội 7 được triển khai ở đó và tính đến ngày 17-6, hạm đội này chỉ có 57 tàu chiến. Phần còn lại của Hạm đội Thái Bình Dương nằm ở các tiểu bang Hawaii, California và Washington”.

Sau đó là: “Trung Quốc tự hào có 182 tàu ngầm và tàu cỡ tàu hộ vệ hoặc lớn hơn; Hạm đội Phương Đông của Nga có 27 tàu ngầm và tàu mặt nước. Mặc dù chúng tôi không hình dung Bắc Kinh và Matxcơva hoạt động cùng nhau, nhưng lực lượng hải quân Thái Bình Dương kết hợp của họ vượt xa Hạm đội 7 với tỉ lệ 4:1.

Nếu bao gồm các tàu nhỏ hơn như tàu tuần tra ven biển có mang tên lửa và tàu thả/quét mìn, thì “phe bên kia” còn có thêm 156 tàu nữa. Đó là chưa nói đến khoảng 450 tàu hải cảnh bán quân sự của Trung Quốc”.

Theo National Interests, “trong trường hợp khủng hoảng, Hoa Kỳ sẽ triển khai tàu và tàu ngầm từ Trân Châu Cảng hoặc các căn cứ bờ tây của mình, nhưng sẽ phải mất khoảng 14 ngày để đến Biển Đông từ Trân Châu Cảng, và gần một tháng để một nhóm tàu sân bay tấn công đến được đó từ San Diego. Đấy là một sự chậm trễ chết người”.

Chính bởi nguy cơ chìm nghỉm trong làn sóng “biển tàu” và “biển người” đó, Nhật, Úc cùng các nước khác, lớn nhỏ tùy lực, đã phải nghĩ tới chuyện cùng chung sức.

Tờ Express của Anh 4-7 viết: “Biển Đông nổi sóng khi “tay chơi” mới bất ngờ tham gia: Nhật Bản đã đưa hải quân vào một mặt trận ngày càng đông đúc là Biển Đông với một cuộc tập trận chung có sự tham gia của một trong những tàu chiến lớn nhất của nước này”.

Cũng trong khuôn khổ hợp tác chung, tàu tuần tra Kojima của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm chính thức Đà Nẵng từ ngày 25 đến 28-7 vừa qua.

Điều này đúng với nhận xét của Sách trắng, ở trang 2: “An ninh của từng quốc gia đang ngày càng đan xen, liên kết và tương tác. Không quốc gia nào có thể trả lời một mình hoặc đứng cách biệt”. Vấn đề là biết “chọn bạn mà chơi”.■

Trung Quốc tự đánh giá các mối đe dọa

Sách trắng viết: “Trung Quốc... phải đối mặt với các mối đe dọa và thách thức an ninh đa dạng và phức tạp. Cuộc chiến chống ly khai ngày càng gay gắt. Chính quyền Đài Loan, do Đảng Tiến bộ dân chủ lãnh đạo, kiên quyết bám vào ý tưởng “Đài Loan độc lập” và từ chối công nhận Đồng thuận 1992, vốn thể hiện nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Họ đã đi xa hơn trên con đường ly khai bằng cách đẩy mạnh các nỗ lực cắt đứt kết nối với đại lục để hậu thuẫn cho quá trình từng bước độc lập, thúc đẩy độc lập pháp lý, tăng cường thù địch và đối đầu, mượn sức mạnh của ảnh hưởng nước ngoài.

Lực lượng ly khai của Đài Loan và các hành động của họ vẫn là mối đe dọa trực tiếp nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và là rào cản lớn nhất cản trở sự thống nhất hòa bình đất nước.

Các lực lượng ly khai bên ngoài thúc đẩy “Tây Tạng độc lập” và tạo ra một (nhà nước) “Đông Turkistan”, thường xuyên kích động gây rối, đặt ra các mối đe dọa với an ninh quốc gia và ổn định xã hội của Trung Quốc.

An ninh nội địa Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận