Một quốc gia, một màn bạc

ĐINH ĐỨC HOÀNG 06/08/2022 06:39 GMT+7

TTCT - Sau 25 năm được trao trả về đại lục, những nhà làm phim Hong Kong, từ chỗ có nhiều khác biệt, đã tìm thấy điểm hài hòa.

Bạn yêu điện ảnh Hong Kong? Hay là chỉ cần yêu điện ảnh nói chung, hẳn bạn đã phải xem Vô Gián Đạo? Bạn vẫn nhớ rằng phim có một cái kết đầy day dứt, khi người cảnh sát xâm nhập thế giới ngầm - vai của Lương Triều Vỹ - phải chết, còn tên tội phạm xâm nhập hàng ngũ cảnh sát - vai của Lưu Đức Hoa - lại được sống và tiếp tục vở diễn của mình?

Một quốc gia, một màn bạc - Ảnh 1.

Phim Vô Gián Đạo mang hai cái kết ở hai vùng lãnh thổ

Câu đố ngày hôm nay: Bạn có đoán được Vô Gián Đạo phiên bản chiếu ở thị trường đại lục kết như thế nào?

Gợi ý: bọn tội phạm không được phép thoát tội!

Một quốc gia, hai ấn bản

Năm 2004, đặc khu kinh tế Hong Kong và chính quyền Trung ương Bắc Kinh ký Thỏa thuận thắt chặt hợp tác kinh tế (CEPA). Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của CEPA là xóa bỏ các hàng rào thương mại giữa hàng hóa hai nước.

Tức là từ thời điểm đó, phim Hong Kong không còn bị xem là "phim ngoại quốc" và chịu quota chiếu rạp của chính quyền Bắc Kinh. Trung Quốc trong nhiều thập niên qua duy trì một quota các phim ngoại được chiếu rạp để tránh sức ảnh hưởng của Hollywood và thúc đẩy văn hóa trong nước.

Một bước ngoặt định mệnh cho điện ảnh Hong Kong: họ đang trải qua một cuộc suy thoái dài từ cuối thập niên 1990. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, dịch SARS năm 2003 khiến các rạp chiếu đặc khu thưa người. Quyết tâm đầu tư cho điện ảnh nội địa của Đài Loan - một thị trường chính yếu - cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác khiến điện ảnh Hong Kong mất thị trường, mất ánh hào quang trước năm 1997.

Chỉ mới đầu thập niên 1990, các minh tinh điện ảnh của xứ Cảng Thơm, những Lưu Đức Hoa, Lê Minh hay Châu Nhuận Phát còn đang là những người xác-lập-phong-cách của giới trẻ châu Á. Các hiệu cắt tóc treo hình của họ. Các gia đình khắp châu Á mở nhạc của họ. Báo chí sử dụng bộ từ vựng của họ. "Hak se wui" - hắc xã hội/xã hội đen trở thành tên gọi chính thức của giới tội phạm châu Á. Đến tận ngày nay.

Thập kỷ đó, Đỗ Kỳ Phong (Johnnie To), Từ Khắc (Tsui Hark), Ngô Vũ Sâm (John Woo) còn đang dạy ngược Hollywood làm phim bằng những sáng tạo của mình. Chưa bao giờ thế giới biết rằng người ta có thể có vũ đạo cùng với súng, cho đến khi Ngô Vũ Sâm cho Châu Nhuận Phát dụng súng như dụng kiếm - động tác rút và bắn súng, chuyển động cơ thể mang theo cả "kiếm ý", chính xác hơn là "đạn ý". Các đạo diễn Mỹ, từ chỗ cho nhân vật nâng khẩu súng bằng hai tay ngắm bắn, phát hiện ra nó có thể làm nên cả hình cả ý.

Nhưng hào quang đã biến mất, phim ảnh thua lỗ và không tìm được thị trường. CEPA, và thị trường đại lục rộng mở, xuất hiện như một miếng khi đói.

Giờ thì những đạo diễn như Đỗ Kỳ Phong làm phim cho một quốc gia thống nhất, nhưng được phát hành bởi hai chế độ. Các nhà quản lý văn hóa đại lục nhất quán rằng phim ảnh là sản phẩm văn hóa và phải phản ánh hệ giá trị của một Trung Quốc.

Phim Hong Kong sau năm 2004 thường xuyên mang hai ấn bản: một để phục vụ cho thị trường đặc khu, và một bản khác, thường là bản biên tập lại, để phát hành ở đại lục.

Người trốn nghiệp

Đại chích lão sẽ là ví dụ tiêu biểu cho giai đoạn một quốc gia hai ấn bản của điện ảnh Hong Kong. Tiêu biểu vì giới phê bình đặc khu dành cho nó tới 13 đề cử tại Giải thưởng điện ảnh Hong Kong 2004, và giành ba giải chính cho đạo diễn, phim và nam chính. Tiêu biểu vì những cái tên xuất hiện: đạo diễn Đỗ Kỳ Phong, nam chính Lưu Đức Hoa và nữ chính Trương Bá Chi.

Và tiêu biểu vì nó có hai dị bản, cái ở đại lục bị cắt 15 phút.

Tên tiếng Anh của phim này là Running on Karma (Trốn nghiệp). Lưu Đức Hoa vào vai một nhà sư có khả năng nhìn thấy được nghiệp quả của con người, kiếp này và kiếp trước. Anh nhìn thấy nữ cảnh sát - do Trương Bá Chi đóng - kiếp trước là một tay phát xít Nhật Bản đã gây nhiều tội ác. Kiếp này, cô phải chết. Anh đã cố quay đi, nhưng không cầm lòng được, đi theo và tìm cách giúp cô thoát nghiệp.

Khi chiếu ở đại lục, 15 phút các cảnh Lưu Đức Hoa nhìn thấy tiền kiếp bị cắt khỏi bản gốc. Không cần lời giải thích chính thức nào: đó hiển nhiên là sự truyền bá mê tín dị đoan. Việc nhà sư đi theo nữ cảnh sát bị biến thành một câu chuyện tình, các ẩn dụ về Phật giáo, nghiệp quả biến mất. Các nhà phê bình nói rằng khán giả phải vật lộn để hiểu câu chuyện chắp vá trên màn hình.

Một quốc gia, một màn bạc - Ảnh 2.

Đỗ Kỳ Phong không chỉ là một đạo diễn nhiều dấu ấn trong điện ảnh châu Á, ông còn là biểu tượng của điện ảnh Hong Kong vì tinh thần startup - khi tự duy trì một xưởng phim riêng để làm các tác phẩm độc lập theo quan điểm nghệ thuật của mình. Nhưng chính vì làm chủ hãng, phải xoay xở tiền bạc, nên họ Đỗ trở thành một trong những người thỏa hiệp nhiều nhất với sự khác biệt giữa hai thị trường. Ông luôn công khai than phiền về điều đó.

Không thể có tự do khi làm phim cho đại lục. Nhưng không có đại lục thì cũng không có phim.

Đạo diễn Đỗ Kỳ Phong


Năm 2005, Đỗ Kỳ Phong làm tác phẩm đinh trong sự nghiệp: Election (Hắc Xã Hội), bộ phim không thể bỏ qua với những người hâm mộ dòng phim bang hội Hong Kong. Nhậm Đạt Hoa, Cổ Thiên Lạc, Trương Gia Huy tham gia một màn đấu trí kịch tính để tìm ra kẻ đứng đầu giới xã hội đen tại đặc khu.

Bản chiếu ở Trung Quốc có tổng cộng 10 thay đổi lớn. Làn sóng người đại lục sang Hong Kong sinh con để con có tư cách công dân đặc khu, vốn được nhắc tới trong bản gốc, bị lược bỏ. Các nhân vật xã hội đen đều bị trừng phạt. 

Và cuối phim là màn quay xe của đạo diễn, khi một cảnh sát ngầm xuất hiện và hợp lý hóa các tội ác trong phim thành kịch bản nội gián. Mọi thứ đều nằm trong trù tính của lực lượng hành pháp, thậm chí nhấn mạnh là lực lượng hành pháp Bắc Kinh.

Election trở thành tác phẩm thành công tột bậc về doanh thu với một hãng nhỏ như Milkyway của Đỗ Kỳ Phong. Nhưng Election 2 không được chiếu chính thức ở đại lục. Nó cơ bản là một tác phẩm không thể biên tập nổi, vì ngay từ đầu cốt truyện đã là việc công an Trung Quốc biến tay xã hội đen do Cổ Thiên Lạc đóng thành ngoại tuyến của họ. Họ đưa tay ma cô này ra tranh cử chức lão đại. Một cuộc bầu cử bị chi phối từ đại lục.

Hoa trôi nước chảy

Ngay cả nếu Election 2 có mang ẩn ý chính trị gì với Đỗ Kỳ Phong, nó cũng có thể là lần cuối. Vị đạo diễn này nổi tiếng với việc nâng tầm mỹ cảm cho những màn bắn giết - một nét đặc trưng của điện ảnh Hong Kong. 

Phim xã hội đen Hong Kong sở dĩ ghi dấu trong lịch sử điện ảnh chính là bởi nó không chịu một hàng rào tư tưởng nào, không cần "phản ánh thực tế" mà có thể thuần túy là cảm xúc của người đạo diễn. Ở Hollywood, các pha đấu súng là để tạo ra adrenalin. Ở Hong Kong, khói súng và máu chỉ là cái cớ để tạo ra tác phẩm mỹ thuật.

Ông cũng đôi lúc đưa ra những câu thoại hàm ý, như ở đầu phim Election, khi Nhậm Đạt Hoa nói: "Chúng bầu trùm xã hội đen trước cả khi cảnh sát bầu giám đốc" (bị cắt ở bản đại lục). Hay là ở phim Exiled (Lưu đày), quay ở Macao, có một chiếc xe biển MF-9799, hiển thị năm trao trả Hong Kong và Macao xuất hiện nhiều lần.

Một quốc gia, một màn bạc - Ảnh 5.

Nhậm Đạt Hoa trong Hắc Xã Hội của Đỗ Kỳ Phong

Nhưng thời đại đã thay đổi. Đỗ Kỳ Phong với hãng phim nhỏ của ông giờ nhận đầu tư từ các hãng phim đại lục và làm phim bằng tiếng Quan Thoại luôn. Không còn làm bản Hong Kong rồi cắt gọt nữa. Thị trường đại lục đã trở thành khởi nguồn. Việc biên tập phim cho phù hợp tư tưởng của đại lục diễn ra ngay trong quá trình bấm máy.

Phim Drug war (Độc chiến), với Cổ Thiên Lạc và Tôn Hồng Lôi đóng chính, làm bằng tiền đầu tư của Hãng Bắc Kinh Hải Nhuận. Đỗ Kỳ Phong tâm sự rằng ông lo lắng vì chế độ kiểm duyệt tới mức rất nhiều cảnh phim đã quay hai lần. 

Ngay khi nhà chức trách thông báo rằng cảnh này không được, họ bèn lắp cảnh kia vào luôn. Cơ quan kiểm duyệt phim nói rằng cảnh bắn nhau có nhiều cảnh sát trúng đạn quá, "không có chuyện như vậy", họ Đỗ cắt luôn. Cơ quan kiểm duyệt nói cảnh người công an chứng kiến phạm nhân bị xử tử qua tấm kính cũng không đúng, vì cán bộ điều tra và thi hành án phải tách biệt. Đạo diễn bỏ cảnh ấy tức thì.

Đỗ Kỳ Phong tìm thấy điểm hài hòa (với đại lục). Và giới phê bình Hong Kong cũng không có vấn đề gì với điều đó. Phim Trivisa, làm năm 2016, cũng do Bắc Kinh Hải Nhuận đổ tiền, Đỗ Kỳ Phong sản xuất, được báo chí đặc khu ca tụng là "hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho nền điện ảnh Hong Kong".

Trong phim này, ba tên tội phạm Hong Kong tìm gặp lại nhau để thực hiện một phi vụ cực lớn, để sống lại thời oanh liệt trước ngày trao trả năm 1997. Vẫn những gương mặt quen thuộc, như Nhậm Hiền Tề - người từng tham gia những cảnh bắn nhau khô máu cùng Đỗ Kỳ Phong hơn chục năm trước. Nhưng lần này, thậm chí tội phạm còn chưa thực hiện được pha chiến đấu hoành tráng nào, đã bị cảnh sát tiêu diệt sạch.

Một quốc gia, một màn bạc - Ảnh 6.

Nhậm Hiền Tề trong Trivisa, tội phạm bị tiêu diệt khi chưa kịp cướp.

Từ chỗ một quốc gia, hai ấn bản hơn một thập niên trước, các đạo diễn Hong Kong giờ chỉ làm một bản. Câu chuyện kinh doanh rõ ràng: đặc khu, khi đặt cạnh thị trường đại lục với hàng vạn rạp chiếu, không còn xứng coi là một thị trường riêng nữa. Quyền lực kinh tế quyết định ứng xử của các nhà sản xuất.

Rất nhiều suy tưởng từng được coi là một bản sắc của Hong Kong - mà những cảnh quay đẫm máu được quay chậm của Đỗ Kỳ Phong - giờ không còn phù hợp với bức tranh đương thời. Nó được thay đổi để phù hợp với nơi có dòng tiền chi phối.

Và bạn hẳn cũng đã đoán được cái kết của Vô Gián Đạo bản được phát hành ở đại lục năm xưa. Tội phạm sẽ bị bắt. Cái phim mà tội phạm không bị bắt, và tạo ra cảm giác day dứt cho người xem, có thể được gọi là "kinh điển" ở đâu đó, nhưng người Hong Kong, và khán giả yêu mến họ, đã quen với việc nhiều thứ chỉ nên là hoài niệm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận