Một tài liệu quý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN 04/06/2014 21:06 GMT+7

TTCT - Như Tuổi Trẻ đã đưa, chiều 13-5-2014 Bộ Thông tin - truyền thông tiếp nhận và công bố bộ Atlas bản đồ thế giới của nhà địa lý học Phillippe Vandermaelen (1795-1869), người Bỉ, sáng lập Viện Địa lý hoàng gia Bỉ, biên soạn.


Bản đồ PARTIE DE LA CHINE trong bộ ATLAS UNIVERSEL xác định cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam

ATLAS DU UNIVERSEL do Phillippe Vandermaelen biên soạn gồm sáu tập: Châu Âu (tập 1), Châu Á (tập 2), Bắc Mỹ (tập 3), Nam Mỹ (tập 4), Châu Phi (tập 5) và Châu Úc (tập 6), xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827.

Tập 2 của Atlas này có ba bản đồ về Việt Nam là: bản đồ TONQUIN (Bắc Hà) tờ số 97, trang 108; bản đồ CAMBODGE ET AN-NAM (Cao Miên và An Nam) tờ số 105, trang 115 và bản đồ PARTIE DE LA COCHINCHINE (Bộ phận thuộc Nam Hà) tờ số 106, trang 116.

Đáng quan tâm nhất là bản đồ PARTIE DE LA COCHINCHINE. Bản đồ vẽ vùng bờ biển miền Trung Việt Nam kéo dài từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16 gồm các vùng: BINK-KANG (Bình Khang, tên cũ của tỉnh Khánh Hòa) với các địa danh: Carmraigne havre (cảng Cam Ranh), Nhiatrang (Nha Trang); QUIN-HONE (Quy Nhơn) với các địa danh: Phuyen havre (cảng Phú Yên), Cambir B. (Cù Lao Xanh, nay là xã đảo Nhơn Châu ở thành phố Quy Nhơn), P. Quinhone (Quy Nhơn), Batangan (mũi Ba Làng An, Bình Sơn, Quảng Ngãi)... ở trên đất liền và ven bờ biển.

Ngoài ra trên bản đồ còn thể hiện một chuỗi đảo ven biển, bắt đầu từ các đảo thuộc vịnh Cam Ranh ở phía nam, chạy lên phía bắc với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ và kết thúc với quần đảo Cham Collao ou Champella (Cù Lao Chàm) ở ven biển Quảng Nam.

Phần chính của tờ bản đồ này vẽ quần đảo PARACELS (Hoàng Sa) ở ngoài khơi, nằm trong vùng biển có vĩ độ từ 160B đến 170B, kinh độ từ 1090Đ đến 1110Đ, gồm các đảo: I. Pattles (đảo Hoàng Sa), I. Docan (đảo Duncan, tức đảo Quang Hòa), Tree I. (đảo Cây), I. Lincoln (đảo Lincoln), Triton (nhóm đảo Tri Tôn), Rocher au dessas de l’eau (khu vực Đá Bông Bay).

Vị trí các đảo, đá, nhóm đảo... thuộc quần đảo PARACELS được thể hiện trên bản đồ này là tương đối chính xác so với tọa độ thực tế hiện nay.

Bên phải hình vẽ quần đảo PARACELS trên tấm bản đồ này là ô hình chữ nhật, chiếm 1/3 diện tích tờ bản đồ ghi dòng chữ EMPIRE D’ AN-NAM (Đế chế An Nam), giới thiệu tóm tắt về vương quốc An Nam bằng tiếng Pháp, theo từng tiểu mục: Physique (Hình thế), Politique (Thể chế chính trị), Statistique (Thống kê) và Minéralogie (Khoáng vật).

Từ cách đặt tên tờ bản đồ là PARTIE DE LA COCHINCHINE, cách thể hiện các địa danh trên đất liền, các đảo ven bờ biển và quần đảo PARACELS ở ngoài khơi vùng biển Việt Nam, cách giới thiệu về vương quốc An Nam lúc bấy giờ cũng như việc xếp tờ bản đồ này vào nhóm bản đồ miêu tả hình thế và vị trí địa lý của Việt Nam đương thời trong bộ Atlas chứng tỏ tác giả bộ Atlas nhìn nhận PARACELS là một phần lãnh thổ của vương quốc An Nam lúc đó.

Tờ bản đồ này lại nằm trong bộ bản đồ thế giới do một nhà địa lý học kiệt xuất của phương Tây biên soạn từ đầu thế kỷ 19, được Viện Địa lý hoàng gia Bỉ xuất bản chính thức nên có giá trị khoa học và giá trị pháp lý rất cao.

Bìa tập 2 bộ ATLAS UNIVERSEL

Cũng lưu ý thêm rằng từ thế kỷ 16, các nhà địa lý và nhà hàng hải phương Tây, đầu tiên là những người Bồ Đào Nha, đã vẽ bản đồ vùng biển Hoàng Sa và định danh Pracel (hay Parcel, Paracels) trên tấm bản đồ để chỉ quần đảo mà người Việt gọi là Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa.

Đồng thời họ cũng định danh vùng bờ biển đối diện với quần đảo Pracel (Parcel, Paracels) ở phía tây là Costa de Pracel hay Coste de Paracels (bờ biển Hoàng Sa).

Tuy nhiên vào thời điểm này, vị trí quần đảo Paracels trên các bản đồ phương Tây cũng như vị trí quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ cổ Việt Nam chưa được thể hiện chính xác về tọa độ và Paracels theo cách hiểu của người phương Tây cũng như quần đảo Hoàng Sa người Việt lúc đó bao gồm cả quần đảo Trường Sa ngày nay, thậm chí cả một số đảo gần bờ ở vùng biển Nam Trung bộ.

Song với tấm bản đồ PARTIE DE LA COCHINCHINE nằm trong ATLAS UNIVERSEL của Phillippe Vandermaelen, lần đầu tiên đã có sự phân biệt rõ ràng giữa các đảo ven bờ như: Cham Collao ou Champella (Cù Lao Chàm), Cambir B. (Cù Lao Xanh), P. Canton ou Cacitam (Cù Lao Ré, đảo Lý Sơn)... với Paracels (quần đảo Hoàng Sa) ở giữa biển Đông.

Sau Phillippe Vandermaelen, vào năm 1838 giám mục Jean Louis Taberd đã công bố An Nam đại quốc họa đồ trong Từ điển Việt - Bồ - Latin, trên đó có vẽ chín dấu chấm nhỏ tượng trưng cho quần đảo Hoàng Sa và ghi chú đó là “PARACELS seu Cát-Vàng” (Paracels, hay là Cát Vàng).

Cả hai bản đồ này đều khẳng định Paracels chính là Cát Vàng hay quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ luận điệu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc khi cho rằng Paracels là Xisha qundao (Tây Sa quần đảo) mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền, còn quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là những đảo nhỏ ven bờ như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré... và không liên quan gì đến Tây Sa quần đảo.

Ngoài ra, ngay sau tờ bản đồ TONQUIN (Bắc Hà) là bản đồ PARTIE DE LA CHINE (Bộ phận thuộc Trung Quốc) tờ số 98, trang 109, vẽ phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc bao gồm tỉnh Quảng Đông, đảo Hải Nam và ba cụm đảo ở phía đông đảo Hải Nam, chỉ giới hạn trong phạm vi phía bắc vĩ tuyến 180B, mà không bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nằm ở phía nam vĩ tuyến 170B. Đây là chứng cứ khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) không thuộc về Trung Quốc.

Chính vì thế việc phát hiện, sưu tầm và công bố bộ ATLAS UNIVERSEL do Phillippe Vandermaelen biên soạn là rất quan trọng. Đây là một tài liệu rất có giá trị không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ PARTIE DE LA COCHINCHINE trong tập 2 bộ ATLAS UNIVERSEL

Bên phải bản đồ PARTIE DE LA COCHINCHINE có chú dẫn về đế chế An Nam do A. Delavaulte biên soạn. Mục Physique (Hình thế) miêu tả vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, phong thổ, khí hậu và thời tiết của vương quốc An Nam.

Mục Politique (Chính trị) tóm lược lịch sử vương quốc An Nam từ thời kỳ đầu Công nguyên, trải qua ngàn năm Bắc thuộc, đến thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc giành được độc lập tự chủ và quá trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam gắn liền với sự hình thành vương triều Nguyễn - vương triều đang cai trị An Nam tại thời điểm Phillippe Vandermaelen biên soạn bộ bản đồ này, đồng thời miêu tả phong tục tập quán và tôn giáo của người An Nam, giới thiệu tổ chức quân đội của vương triều Nguyễn.

Mục Statistique (Thống kê) cho biết dân số An Nam đương thời khoảng 23 triệu người, phân bố không đều giữa các vùng, giới thiệu chế độ bầu cử, giáo dục, đời sống kinh tế, văn hóa của người An Nam và các sản vật nổi tiếng của vương quốc này, các hoạt động thương mại trong nước và giao thương với bên ngoài, đặc biệt với các thương nhân châu Âu.

Mục Minéralogie (Khoáng vật) giới thiệu các loại khoáng sản và hoạt động khai khoáng của người An Nam.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận