Một thế giới mới ở châu Âu?

TƯỜNG ANH 25/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Hai sự kiện lớn đã diễn ra trung tuần tháng 6 ở Nga và Ukraine: Diễn đàn Kinh tế thế giới Saint Petersburg (SPIEF) lần thứ 25 và chuyến thăm Kiev của các lãnh đạo Ý, Pháp, Đức, Romania. Những sự kiện tưởng như riêng biệt lại có thể là một phác thảo điển hình và lý thú về bức tranh thế giới tương lai.

SPIEF năm nay diễn ra từ 15 đến 18-6 trong không khí đặc biệt. Việc Nga tấn công Ukraine đã tác động đáng kể tới chương trình nghị sự.

Chuẩn bị cho một “thế giới mới”

Với chiến sự Ukraine, thế giới đang thay đổi nhưng thay đổi thế nào vẫn là câu hỏi lớn. Không phải ngẫu nhiên mà một meme được lan truyền trên các kênh Telegram Nga: “Các thầy giáo địa lý được khuyên khoan mua bản đồ cho năm học mới. Thầy giáo sử còn khó khăn hơn”. 

 
 Ảnh: The Economist

Nhưng dẫu thế giới thay đổi thế nào, cũng cần phải chuẩn bị để đón nhận nó. SPIEF 2022 diễn ra trên tinh thần đó. 

Đề tài chính của diễn đàn năm nay là “Thế giới mới - những khả năng mới” gồm 4 nhóm vấn đề: kinh tế Nga và toàn cầu, các vấn đề công nghệ, xã hội và phát triển tiềm năng con người. 

Ngoài các cuộc làm việc truyền thống với của các khối Tổ chức An ninh hợp tác Thượng Hải (SCO), Các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), các phiên làm việc về chủ đề kinh tế đặt ra nhiều câu hỏi về sự chuyển đổi của thương mại thế giới và các thách thức mới về chuỗi cung ứng, những vấn đề mà kinh tế Nga đã, đang và sẽ còn phải đối mặt.

Một trong các mối quan tâm là mô hình kinh tế Nga nào sẽ được áp dụng trong thế giới mới đó. Maxim Oreshkin, trợ lý tổng thống Nga, phát biểu tại SPIEF: “Sẽ không có sự quay trở lại nền kinh tế Liên Xô. Nó không hiệu quả bởi việc đóng cửa, không cạnh tranh và tập trung. Sẽ có một mô hình mới ở nước Nga”.

Nhưng mới như thế nào? Các chuyên gia nhìn nhận tình hình kinh tế sẽ rất phức tạp và “không còn giống như trước nữa”. 

Cùng ông Oreshkin, “nhóm đặc nhiệm” giải cứu kinh tế Nga: Thống đốc Ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov và Bộ trưởng Phát triển kinh tế Maxim Reshetnikov, đã đưa ra nhận định của họ tại SPIEF.

Bà Nabiullina tự tin rằng hệ thống tài chính đã đối phó được với tác động của các lệnh trừng phạt. Bây giờ nhiệm vụ của hệ thống này là tài trợ cho các dự án chuyển đổi: 

“Tình hình phức tạp, đang thay đổi nhanh chóng và ta cần có khả năng ứng phó nhanh. Chúng ta cần suy nghĩ lại về lợi ích của xuất khẩu. Nếu lợi nhuận từ nó không đền bù được cho nhập khẩu thì cần phải xây dựng lại hệ thống và phát triển sản xuất trong nước”. 

Ông Reshetnikov thì nói ông muốn thấy kinh tế Nga phát triển “theo hướng tích cực hơn”. Còn ông Siluanov nhấn mạnh việc Nga “cần một học thuyết an ninh công nghệ tương tự như an ninh lương thực”.

Hậu chủ nghĩa tư bản và khái niệm chủ quyền

Nhà kinh tế học Nga Alexander Galushka khái quát tại SPIEF: Thế giới đang tiến vào thời kỳ hậu chủ nghĩa tư bản. 

“Có thể quan sát thấy một số biểu hiện mạnh mẽ của thời kỳ hậu chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế thế giới: đầu tư thụ động bước sang thập niên thứ hai; thu nhập cơ bản vô điều kiện được áp dụng; quyền lực phát hành của nhà nước đang suy yếu - tiền điện tử đang phát triển”. 

Trong khi đó, nền kinh tế quá khứ để lại những vấn đề cơ bản chưa được giải quyết: bất bình đẳng xã hội và tài sản; bất bình đẳng kinh tế thế giới, khi mức tăng trưởng của cải ở các quốc gia cốt lõi của hệ thống kinh tế thế giới hiện tại quá lớn so với các quốc gia ngoại vi; khối lượng tiền, tiền thay thế và gánh nặng nợ nần của nền kinh tế thế giới vượt quá khả năng thực của nó nhiều lần.

Ông Galushka cũng nhấn mạnh: “Chủ quyền hóa nền kinh tế không có nghĩa là cô lập. Bất cứ nơi nào có thể và cần hợp tác, Nga vẫn thúc đẩy hợp tác”. 

Năm nay, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, đại diện hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến dự SPIEF. Các thỏa thuận đã được ký kết tổng trị giá 5,6 nghìn tỉ rúp (98 tỉ USD).

Khái quát tất cả những bước đi này là phát biểu hôm 17-6 tại SPIEF của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông nói về các thách thức của thế giới mới: 

“Nhiều mối quan hệ thương mại, sản xuất và hậu cần trước đây bị gián đoạn bởi đại dịch, hiện đang chịu đựng các thử thách mới. Hơn nữa, các khái niệm chính với kinh doanh như danh tiếng doanh nghiệp, sự bất khả xâm phạm của tài sản và lòng tin vào tiền tệ thế giới… đã bị phá hoại triệt để - thật không may, bởi các đối tác của chúng tôi ở phương Tây, và điều này được thực hiện có chủ ý, vì tham vọng, nhằm bảo tồn những ảo tưởng địa chính trị lỗi thời”.

Ông Putin cho rằng trong thời gian qua, những trung tâm quyền lực mới đã được hình thành và ngày càng lớn hơn. “Mỗi trung tâm đó phát triển hệ thống chính trị và thể chế công của riêng mình, thực hiện các mô hình tăng trưởng kinh tế của riêng mình và tất nhiên, có quyền bảo vệ chúng, đảm bảo chủ quyền quốc gia”.

Và vì thế, “kỷ nguyên của trật tự thế giới đơn cực đã qua”. 

“Sự thay đổi là một quá trình tự nhiên của lịch sử, bởi vì sự đa dạng văn minh của hành tinh và sự phong phú của các nền văn hóa khó mà kết hợp với các khuôn mẫu chính trị, kinh tế và các mô hình khác, các khuôn mẫu không hiệu quả ở đây, nhất là các khuôn mẫu thô sơ… được áp đặt từ một trung tâm”, ông Putin nói. “Trung tâm” ở đây tất nhiên là phương Tây, còn các trung tâm mới đó chắc là Nga và Trung Quốc.

Khi phương Tây không còn thống nhất

Cùng lúc đó ở Ukraine, các nhà lãnh đạo EU đã có chuyến thăm bày tỏ sự ủng hộ với Kiev. “Bộ ba lãnh đạo mỉm cười đối mặt với hiểm nguy” là chủ đề chính của những dòng tin sáng 16-6 trên các kênh truyền hình châu Âu. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi đến Kiev trên một chuyến tàu từ Ba Lan. Không đi cùng chuyến, nhưng Tổng thống Romania Klaus Iohannis cũng đã tới thủ đô Ukraine cùng ngày.

Phát biểu ngay sau khi đặt chân xuống nhà ga Kiev, ông Macron tuyên bố chuyến thăm Ukraine của các lãnh đạo châu Âu nhằm truyền đi thông điệp “về sự thống nhất và ủng hộ của châu Âu gởi tới người dân Ukraine. Chúng ta cần nói về quá khứ và tương lai, bởi những tuần lễ tiếp theo sẽ rất phức tạp”.

Sự ủng hộ của người dân châu Âu được thể hiện ở quyết định của bộ ba EU “ủng hộ trao ngay lập tức tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine”, như phát biểu của ông Macron. Tuy nhiên, ông Macron cũng nhắc rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên EU nay mai, vì quá trình này đòi hỏi thời gian.

Khác với EU, lời lẽ của Mỹ và Anh vẫn tiếp tục cứng rắn. Không giống tuyên bố của bộ ba nguyên thủ EU, Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm 16-6 kêu gọi: “Ukraine có thể và phải giành chiến thắng”, đồng thời hứa rằng Anh “không bao giờ lùi bước trước cam kết [với Kiev], bất kể cuộc xung đột này kéo dài bao lâu”. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson thì thúc giục giới lãnh đạo phương Tây chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.

Về phần Hoa Kỳ, Washington Post 17-6 dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Mỹ cùng các đồng minh đang chuẩn bị cho thực tế là xung đột ở Ukraine có thể kéo dài. 

Chính vì vậy, có thể hiểu vì sao Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, khi trả lời phỏng vấn báo Đức Bild am Sonntag, nói rằng việc cung cấp vũ khí hiện đại sẽ giúp quân đội Ukraine chiếm được Donbass, nhưng đồng thời, theo ý kiến của ông, xung đột có thể kéo dài trong “nhiều năm”.

Cự ly trong quan điểm này giải thích phần nào sự công kích của báo chí Anh nhắm vào EU. The Daily Express công bố ngay trước chuyến thăm Kiev của bộ ba EU thông tin mà tờ này cho là “hành động phản bội”: 

“Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, Pháp, Bỉ và Hà Lan đã mua nhiều nhiên liệu của Nga với giá giảm. Trong tháng 4 và 5, Pháp đã nhận được hàng chục lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các sản phẩm từ nhiên liệu hóa thạch khác trị giá gần 900 triệu euro. Khi EU xem xét các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga, Pháp đã tăng cường nhập khẩu để trở thành nước mua khí hóa lỏng lớn nhất thế giới”.

Trước đó, một tờ báo Anh khác là The Spectator cáo buộc không chỉ ông Macron, mà cả ông Scholz cũng “phản bội Kiev bằng chính sách kiềm chế trong quan hệ với Nga và không sẵn sàng trang bị cho quân đội Ukraine”. 

Tờ này chỉ trích hai nguyên thủ Tây Âu “tiếp tục đàm phán với Putin và cùng lúc, giảm nỗ lực hỗ trợ cho Ukraine” và còn cáo buộc Berlin chưa chuyển giao bất kỳ vũ khí hạng nặng nào cho Ukraine. “Vì chính sách của thủ tướng Đức và tổng thống Pháp mà xuất hiện nguy cơ chia rẽ trong liên minh phương Tây”, The Spectator kết luận.■

Báo Đức Die Welt tiết lộ: đổi lại việc trao tư cách ứng cử viên EU, các nhà lãnh đạo châu Âu “sau những cánh cửa khép kín đã kêu gọi Zelensky ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Putin. Ông Macron đã nói: 

“Tôi thường nhắc ông ấy [Zelensky] rằng người châu Âu chúng ta cùng chia sẻ một lục địa. Địa lý là một thứ cứng đầu. Ở rìa lục địa là nước Nga. Nó đã ở đó ngày hôm qua và vẫn sẽ ở đó vào ngày mai. Nga là một cường quốc, và tôi chưa bao giờ nói rằng hôm nay chúng ta chiến tranh với người dân Nga, và ngày mai chúng ta muốn tiêu diệt họ. Cần đàm phán, tổng thống Ukraine phải đàm phán với Nga…””. 

Foreign Policy 16-6 dẫn lời chuyên gia Viện Hudson nói tuy không tới mức như ông Macron kêu gọi Kiev chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, việc Đức giúp số vũ khí “không đáng kể cho Ukraine” cho thấy ông Scholz “thà làm Ukraine thất vọng còn hơn sỉ nhục Nga”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận