Một vụ kiện kinh điển với một bản rock kinh điển

DU LÊ 29/10/2019 16:10 GMT+7

TTCT - Vụ kiện dằng dai với một trong những ca khúc nổi tiếng nhất thế kỷ 20 đang nêu ra nhiều câu hỏi thú vị, và rất quan trọng, về bản quyền sáng tạo âm nhạc.

Led Zeppelin không phải những nghệ sĩ âm nhạc lừng lẫy đầu tiên bị tố đạo nhạc.-Ảnh: Independent
Led Zeppelin không phải những nghệ sĩ âm nhạc lừng lẫy đầu tiên bị tố đạo nhạc.-Ảnh: Independent

Stairway to Heaven (Nấc thang lên thiên đường) thoát thai từ 1970 khi Jimmy Page và Robert Plant nghỉ dưỡng tại Bron-Yr-Aur, Wales, sau lần thứ năm Led Zeppelin lưu diễn trên đất Mỹ.

Lúc nào Page cũng mang thiết bị thu âm theo, phòng khi nảy ra ý tưởng bất chợt. Ca khúc được thu vào tháng 12-1970 tại studio Basing Street của Hãng Island Records, London. Phần ca từ xuất hiện, bên bếp trại bập bùng và cây guitar đánh ngẫu hứng, và thêm vào sau ở các buổi thu âm album thứ tư, Led Zeppelin IV ở Headley Grange, Hampshire năm 1971.

Lần trình diễn live đầu tiên diễn ra ở Ulster Hall, Belfast, ngày 5-3-1971 chẳng khiến đám đông ấn tượng, nhưng chỉ mất hai năm, ca khúc đã đạt tới ngưỡng “thánh ca” mà chúng ta thân thuộc ngày nay, theo nhà báo âm nhạc Stephen Davis.

Vì ảnh hưởng quá lớn?

Xếp vào loại progressive rock, folk rockhard rock, dựa trên cấu trúc và phân đoạn đặc thù, Stairway bắt đầu từ tiếng cây guitar 6 dây và bốn câu hát theo phong cách Phục Hưng, trước khi dần chuyển sang đoạn sử dụng guitar điện giữa bài, sau đó là câu solo guitar, kết thúc bằng một đoạn bùng nổ chất hard rock và chốt hạ bằng câu hát sau cùng.

Trong bản thu đầu tiên, Page sử dụng cây 1959 Fender Telecaster do Jeff Beck (thành viên Yardbirds, nhóm nhạc Page tham gia trước Led Zeppelin) cắm vào amp Supro (hoặc Marshall, chính Page cũng không nhớ nổi). Đoạn guitar solo thần sầu thực chất lấy từ ba câu solo ngẫu hứng khác nhau, mà Page khó khăn lắm mới chọn ra nên giữ và bỏ những gì.

Có hàng trăm bản audio Stairway thu âm trực tiếp từ các sô diễn, những phiên bản không chính thức, từ người hâm mộ trên toàn thế giới. Lần cuối ca khúc được ban nhạc biểu diễn là ở Berlin, ngày 7-7-1980, cũng là show diễn cuối cùng của Led Zeppelin cho tới tận ngày 10-12-2007 tại sân khấu O2, London, với đoạn solo dài... bảy phút.

Stairway nhẵn mặt trong các danh sách sáng tác rock xuất sắc nhất mọi thời đại. Vài ví dụ: tháng 1-2009, tạp chí Guitar World bình chọn đoạn solo guitar của Page đứng đầu trong 100 đoạn solo guitar xuất sắc nhất lịch sử rock and roll; tờ Rolling Stone thì xếp Stairway hạng 31/500 ca khúc xuất sắc nhất mọi thời đại.

“Stairway to Heaven kết tinh những gì thuộc về tinh cốt của ban nhạc. Ở đó có tất cả mọi thứ và cho thấy một Led Zeppelin trên đỉnh cao phong độ. Mọi nghệ sĩ đều muốn để lại dấu ấn trường tồn, một sản phẩm có thể trụ vững trước dòng thời gian. Chúng tôi [Led Zeppelin] đã làm được với Stairway” - Page khẳng định.

Tháng 9-1970, Led Zeppelin đẩy Beatles xuống vị trí số 2 bảng xếp hạng Melody Make Pop Polls, trở thành nhóm nhạc Anh xuất sắc nhất: Họ không chỉ đại diện cho thập niên 1970, mà chính họ khởi xướng thập niên này, theo nhận định của Starostin, cây bút phê bình âm nhạc cự phách người Nga. Led Zeppelin khởi xướng một kỷ nguyên mới bằng một âm thanh “mới”: nặng, chói tai, u ám, sầu não, mặt khác lại phô trương, lòe loẹt, bóng bẩy và chuyên nghiệp.

Bất cứ ai trưởng thành vào thập niên 1970 đều nghe qua bản Stairway kịch tính dài hơi quá nhiều lần. Nhưng bản nhạc Taurus (1968) của nhóm Spirit thì khác. Spirit là một nhóm nhạc gạo cội từ California, Mỹ, có gần 15 album. Led Zeppelin từng diễn mở màn cho Spirit, cho tới khi... gió đổi chiều.

 

25 giây và nửa thế kỷ

25 giây giống nhau giữa Taurus của Spirit và Stairway nằm ở đoạn từ 0:40 tới 1:05 với Taurus và 25 giây đầu Stairway, một chi tiết chẳng cần tới đôi tai sừng sỏ sành điệu nào chỉ ra, mà dư luận nghe nhạc đã phát hiện từ lâu.

Tháng 5-2014, Michael Skidmore, người được ủy quyền quản lý di sản của Randy Craig Wolfe, tay guitar của Spirit, khởi kiện Led Zeppelin, cho rằng Stairway sao chép những yếu tố thuộc về sáng tác của Wolfe.

Một thẩm phán tuyên án có lợi cho Led Zeppelin, rằng hai ca khúc không giống nhau đáng kể, và “lối móc dây, guitar mộc, các nhạc cụ cổ điển như sáo, harp, fuzz tạo không khí âm nhạc và vị trí đặt bàn fuzz” cùng “quá trình sản xuất và mix nhạc tạo thành một không khí huyền ảo” trong hai sáng tác không thể dùng làm căn cứ chỉ ra vi phạm, vì những yếu tố trình diễn này không thể hiện trên nhạc phổ mà Wolfe trình lên cơ quan bản quyền.

Skidmore kháng cáo, và tháng 6-2018, một hội đồng gồm ba thẩm phán thuộc Tòa phúc thẩm khu vực 9 Hoa Kỳ đã ra lệnh xử lại. Hội đồng này cho rằng thẩm phán tòa cấp quận Gary Klausner đã đưa ra chỉ thị thiếu rõ ràng về việc phối lại những yếu tố của ca khúc chưa được bảo hộ, chẳng hạn các nửa âm giai, các đoạn arpeggio hay những chùm ba nốt.

Chưa hết, Klausner không công nhận hai bản thu của hai tác phẩm mà yêu cầu đánh piano trích đoạn dựa trên nhạc phổ. “Sai lầm này không hề vô hại, bởi nó ảnh hưởng tới tuyên bố của Skidmore, rằng Led Zeppelin sao chép một âm giai nửa cung từng được một nghệ sĩ khác sử dụng, nhưng có sáng tạo” - Tòa án khu vực 9 viết trong văn bản yêu cầu xử lại.

 "Trong các vi phạm, bản quyền âm nhạc là vi phạm khó xơi nhất".

Paul Goldstein, (GS Trường Luật Stanford, chuyên gia về  luật bản quyền)

 

Vụ kiện giờ sẽ tới tay vị luật sư “mát tay” Francis Malofiy, có thêm “cái đầu nóng” của Mark Andes, cựu thành viên chơi bass cho Spirit. Andes cho rằng Led Zeppelin chưa bao giờ công nhận đóng góp của Randy Wolfe, mà cứ hễ Randy tiếp cận, là Page lại giở giọng “anh bạn kiếm một luật sư thì tôi sẽ kiếm 20”. Cùng giọng ca Jay Ferguson của Spirit, tác giả bản nhạc chủ đề cho series truyền hình ăn khách The Office, Mark và các thành viên Spirit muốn giúp Randy đòi lại danh dự, dù Randy qua đời năm 1997.

Dù luật bản quyền năm 1909, áp dụng cho Taurus, bảo vệ nhạc phổ, Malofiy cho rằng tiền đề về pháp lý trước đây cũng cho phép “tìm kiếm bằng chứng khác, bằng chứng tốt nhất có thể, bằng chứng tốt hơn”, và do đó bản thu của một ca khúc vẫn có thể cân nhắc sử dụng.

Bản thu âm Taurus trên album giống Stairway hơn nhiều so với những gì thể hiện trên bản phổ đã nộp lưu chiểu và được bảo hộ theo luật, vốn là một bản ký âm tồi. Malofiy lập luận rằng “bản thu không phải là cái được bảo hộ bản quyền mà là sáng tác nằm trong bản thu”. Tới năm 1972, luật bản quyền mới áp dụng cho bản thu.

Luật sư bản quyền Steven Weinberg, một người quan sát vụ kiện, cho rằng bản phổ tác phẩm Taurus không trung thành với bản thu, do đó bồi thẩm đoàn không thể so sánh hai ca khúc một cách công bằng. Tòa phúc thẩm khu vực 9 cũng nói bồi thẩm đoàn lẽ ra nên nghe bản thu để từ đó luận được Page đã “tiếp xúc” với Taurus, tức Page không xa lạ tác phẩm này.

Thật vậy, nếu chỉ nhìn thuần túy vào phổ nhạc, bỏ hết những yếu tố trình diễn, thì những gì còn lại của bất cứ sáng tác nào ở mọi thời kỳ sẽ chẳng còn chút gì mang tính sáng tạo. Từ Bouree Mi thứ của Bach tới Chim-Chim-Cheree trong Mary Poppins, bản ballad Michelle While My Guitar Gently Weeps của Beatles, Ballad of a Thin Man của Bob Dylan, cho tới Hotel California của Eagles, tất cả đều sử dụng một tiến trình hợp âm thể hiện trên phổ lưu chiểu của sáng tác.

Nhiều người trong cộng đồng sáng tác trỏ ra rằng tòa đã hấp tấp kết luận những câu nhạc ngắn, phổ thông được bảo hộ tác quyền, để sau đó khi chúng xuất hiện trong hai ca khúc, người sáng tác trước có thể khởi kiện người sau vi phạm.

Nhiều nghệ sĩ - từ nhóm Korn, Tool, tới Linkin Park, Jason Mraz và Sean Lennon (con trai John Lennon) - đã ký tên vào một amicus brief - góp ý của bên thứ ba, bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự việc.

Một số ngôi sao âm nhạc mong muốn các thẩm phán của Tòa khu vực 9 tán thành phán quyết trước, rằng Led Zeppelin không ăn cắp. “Người ta đang tìm cách chiếm dụng những cấu trúc nền tảng của âm nhạc, bảng chữ cái âm nhạc vốn dành cho tất cả tùy nghi sử dụng” - luật sư của Kate Perry, Christine Lepera, lên tiếng.

Lá thư góp ý bày tỏ quan ngại rằng nếu phán quyết trước đây bị phủ nhận, có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm ảnh hưởng đến quá trình sáng tác ca khúc, khi “bất cứ tương đồng phổ biến và nhỏ nhặt nào giữa hai ca khúc cũng có thể được xem xét trở thành cơ sở để tìm kiếm một vụ vi phạm bản quyền”.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng bày tỏ ủng hộ Led Zeppelin, cho rằng chỉ một phần nhỏ của âm nhạc giữa hai ca khúc là giống nhau. Malofiy lại nghĩ khác: “Cả chính phủ cũng cho thấy sự kém hiểu biết về vụ việc, và chính các nghệ sĩ đứng tên cũng không tỏ tường luật pháp. Tôi vô cùng sẵn lòng tranh cãi với họ sắp tới đây”.■

 

Năm 2018, một tòa án Mỹ tuyên các ca sĩ Robin Thicke và Pharrell Williams phải trả 5 triệu USD cho người thừa kế của gia đình Marvin Gaye vì ca khúc Blurred Lines quá giống với bản hit Gaye sáng tác năm 1977, Got to Give It Up

Thicke và Pharrell tuyên bố sau phán quyết là “dẫu tôn trọng tiến trình pháp lý, chúng tôi cực kỳ thất vọng về quyết định tòa tuyên hôm nay, vì nó tạo ra một tiền đề kinh khủng cho âm nhạc và sáng tạo từ nay trở về sau”. 

Giới bình luận nói vụ kiện đã nới rộng phạm vi vi phạm bản quyền không còn ở giai điệu và ca từ mà cả âm thanh và cảm giác do âm nhạc tạo ra. Ngay lập tức, những vụ kiện ăn theo rộ lên khắp nơi. 

Trong khi đó, đầu năm 2019, Spotify cho biết mỗi ngày có 40.000 track nhạc mới được tải lên nền tảng streaming. Một số luật sư, nhà nghiên cứu và nhạc sĩ dự báo sẽ còn nhiều vụ kiện bản quyền nữa, khi dịch vụ streaming đang đưa gần như toàn bộ các ca khúc trong lịch sử lên mạng để ai cũng so sánh được, còn tòa án chỉ cần nghe giống nhau đã phán quyết là vi phạm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận