Mùa hành thiện tháng giêng

LÊ NGỌC HẠNH 03/03/2018 04:03 GMT+7

TTCT - Hôm kia, chị bạn bán hàng ở chợ gọi điện rủ: “Ê, rằm này rảnh hôn, ra phụ tui phát sữa đậu nành với...”.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Thành phố có những ngôi chùa tiếng tăm. Tượng Phật niết bàn dài nhất châu Á trên nóc chùa Hội Khánh. Chùa Tây Tạng ẩn mình những tán cây cao bóng cả trên ngọn đồi có con đường dốc quanh co, có bức tượng Đạt Ma Sư Tổ tết bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Chùa Bà Thiên Hậu có lễ hội rước kiệu Bà, rằm tháng giêng năm nào khách hành hương cũng về trẩy hội đông nghẹt...

Chùa nổi tiếng, nhiều tiếng tăm, nhưng mấy dịch vụ ăn theo, nhất là mùa lễ hội rằm tháng giêng thì... tai tiếng không hề ít tí nào! Giá giữ xe “cắt cổ”. Cơm, hủ tiếu, bún riêu “chặt chém”. Đội quân chèo kéo khách mua nhang xong đòi... “đốt giùm” tính công, lúc nào cũng chực sẵn ngay cổng chùa. Khách sơ hở, lơ mơ là bị... rọc, móc (túi)! Đi hành hương, vãng cảnh chùa mà tâm trạng lúc nào cũng phập phồng, bất an, phải ngó trước dè sau...

Mỗi lần đi đâu đó ra khỏi thành phố, người ta hỏi ở đâu, trả lời xong thấy ai cũng... lè lưỡi. Người ta nói biết ở đó có lễ hội rằm tháng giêng nổi tiếng, năm nào lên đó đường cũng rải đầy... đinh cho xe máy cán bể bánh chơi, để vô tiệm bị “cứa” cái ruột giá gấp ba, gấp bốn lần. Gửi chiếc xe máy bị “chém” ba chục. Uống ly nước mía bị “chém” mười lăm. Ăn tô hủ tiếu “chặt” năm chục...

Kiểu nào cũng không thoát. Không “chặt” thì cũng bị “chém”. Hổng cái “chặt”, cái “chém” nào dính đến mình, nhưng nghe cũng... hổ thẹn.

Mấy cảnh này năm nào cũng thấy, giống như căn bệnh mãn tính, cứ đến tháng giêng là lên cơn “tái phát”. Đã là mãn tính thì hoặc chịu đựng, hoặc sống chung chứ thuốc nào chữa?

Nên nhà cách chùa chỉ dăm phút đi bộ nhưng nhiều năm không chen chân đi trẩy hội. Là vì nghĩ cả năm có một ngày, nhín nhường một chỗ cho khách từ xa lặn lội đến. Rộng thêm một chỗ đứng nào hay chỗ nấy. Nghĩ đơn giản vậy thôi cho lành.

Nhắc nhớ vậy, chứ mấy chuyện đó giờ đã... xưa rồi. Chỉ là nhắc cho có cớ để mà nói chuyện mới. Vì rằm tháng giêng bây giờ bớt dần cái ý nghĩa là dịp cho ai đó “chặt chém” nữa. Người ta đã rủ nhau cùng hành thiện. Chuyện từ thiện không lạ, nhưng cả thành phố xúm nhau hành thiện thì thiệt... chưa từng thấy ở đâu.

Tin không? Rằm tháng giêng bây giờ từ anh chạy xe ôm đầu chợ, chị bán rau giữa chợ, anh bán cá cuối chợ, đến cô bán trái cây bên hông chợ, ai cũng xắn tay áo hào hiệp làm nghĩa cử đẹp. Thức ăn từ cơm, phở, hủ tiếu, bún riêu, bánh mì..., đến thức uống từ sữa đậu nành, nước mía, nước sâm, nước hột é... được bày dọc khắp hai bên các ngả đường trong thành phố để tặng miễn phí. Nước khoáng, khăn lạnh thì nhiều vô số kể. Người cho vui vẻ, người nhận càng vui vẻ. Ngang qua chỗ nào cứ tiện tay thì lấy.

Lại có anh nọ vui tính, nghĩ ra cách “giành khách” bằng cách đeo toòng teng tấm bảng “miễn phí” trước ngực, ra giữa đường “chèo kéo” khách vô nhận hàng từ thiện của mình. Lại có chị thấy thiên hạ tặng thức ăn, thức uống nhiều quá bèn chơi nổi trưng tấm bảng “WC” miễn phí ngay trước cửa nhà cho thiên hạ vào, ra... vô tư. Còn mấy chuyện bơm, vá, sửa xe, xe ôm... tất tần tật cũng được miễn phí hết... Hay cái nữa là sau lễ hội đường phố sạch bong, không hề có cảnh ùn ứ rác...

Xưa, mùa này người ta bàn bạc rủ nhau bán rằm kiếm tiền hết giêng đi du lịch, còn giờ ra chợ nghe người ta í ới rủ nhau góp tiền hành thiện. Hôm kia, chị bạn bán hàng ở chợ gọi điện rủ: “Ê, rằm này rảnh hôn, ra phụ tui phát sữa đậu nành với...”. Rồi chị khoe: “Hồi rằm năm ngoái tui phát gần cả ngàn ly sữa luôn đó nhe. Cả nhà tui ra phụ hết. Vui lắm!”.

Hỏi vui lại chị: “Sao không bán kiếm tiền đi du lịch, từ thiện chi mà nhiều dữ?”. Chị cười hỉ hả trong điện thoại: “Người ta làm từ thiện nguyên cả chợ đâu phải mình mình. Năm có một ngày để chia sẻ mà, “chơi xả láng” luôn!”.

Giờ đi đâu ai hỏi cũng tự tin. Khoe ở chỗ mình có nhiều chùa nổi tiếng, có lễ hội rằm tháng giêng đông, vui. Rồi khoe người dân địa phương tui thân thiện, hiếu khách, hào hiệp lắm. Đến trẩy hội rằm tháng giêng sẽ không phải tốn kém vì đồ ăn, thức uống được sẻ chia đầy khắp các ngả đường...

Nên rằm này, tôi lại ra phố ngắm những sẻ chia...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận