Đã lâu, nhiều người trồng cao su ở Bắc Trung Bộ khóc theo mùa. Mùa bão vào, mùa cây đổ, mùa phá sản, thiếu nợ và tuyệt vọng. Vườn cao su của ông Trần Quyền, thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế gãy 80% trong cơn bão số 5.-Ảnh: Nguyễn Đắc ThànhNăm 2001, gia đình chị Thoan trồng 2ha cao su. Khi cây vừa được 4 năm tuổi, một cơn gió càn qua, vườn cao su của gia đình ngã rạp gần trăm cây. Vợ chồng họ ra thăm, chết lặng khi nhìn gia sản bị gió quật đổ.Ngày những cây cao su đầu tiên đó gãy đổ, chị Thoan chưa hiểu biết nhiều về việc trồng loại cây này. Nhìn những cây cao su ngổn ngang dưới đất, vợ chồng chị chỉ nghĩ “xui lắm mới bị”. Cả hai người không biết đây là loại cây rất dễ gãy đổ. Họ cặm cụi trồng lại vườn. 8 năm sau, một vườn cây cao su khác của nhà hàng xóm gãy đổ gần hết, chị bắt đầu lo lắng. Nhưng rồi, cả gia đình vẫn quyết định bám trụ với cao su, vì chẳng biết trồng cây gì khác.Khi cơn bão số 5 năm 2020 tràn vào Thừa Thiên Huế, vườn cao su 2ha của vợ chồng chị lại đổ gãy trên 80%. Chị một lần nữa chết lặng.Chị Thoan có đứa con trai đang học nghề trên thành phố. Khởi nghiệp từ cái nhà lá trên đồi, mười mấy năm đánh cược vào cây cao su là mười mấy năm lần hồi đắp đổi để hi vọng đời con tốt hơn. Nhưng tháng 8 này, người mẹ đành nhấc điện thoại gọi cho con: “Con về đi làm công nhân, kiếm ít tiền giúp ba mẹ - chị Thoan giục con bỏ học - Chứ giờ cao su đổ gãy hết rồi”.Giấc mơ 15 phútTình cảnh nhà chị Thoan không hiếm ở Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; cũng không hiếm ở cả vùng Bắc Trung Bộ. Mỗi mùa bão, trên báo chí lại thấy hình ảnh người nông dân đứng khóc bên những thân cây cao su gãy đôi. Bão số 5 chưa được thống kê hết thiệt hại, nhưng đã có năm, như 2017, bão cuốn đi 10.000ha cao su ở vùng đất này. “Chỉ cần gió giật cấp 5 trở lên là đủ để làm cây cao su đổ gãy” - tiến sĩ Hồ Hữu Lam, giảng viên khoa nông học, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế, nói.Năm 1994, cây cao su được đưa về trồng thí điểm ở các vùng gò đồi Phong Mỹ trong dự án 327 - phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Chính quyền đưa cây về. Ai nhận trồng sẽ được trả công xứng đáng; đào hố sẽ được trả tiền; phát quang sẽ có tiền; chở phân chuồng lên trồng cây sẽ được trả lại tiền… Những năm đó, cuộc sống của người dân đang cực khổ, nghe tin tham gia sẽ có tiền, ai cũng háo hức. Họ không biết đặc tính và chỉ lờ mờ chút ít tin tức về giá trị của cây cao su.Khi cây cao su về được vài năm, đến 1997, vùng nguyên liệu mía được lập nên. Những thửa đất chưa trồng cao su được chính quyền khuyến khích trồng mía. Những vườn cao su trước đó bị bỏ hoang khi vừa bén rễ. Nhưng chỉ 2 năm sau, nhà máy đường nằm cách các thửa mía của họ 25km, không hiểu lý do gì ngừng hoạt động. Mía chưa một lần được bán, đành chặt bỏ. Năm 2000, cây cao su được khởi động lại sau thất bại của cây mía.“Bà con nên trồng cao su. Đây là cây cho thu hoạch lên đến 50 năm”, anh Hùng vẫn còn nhớ lời động viên của chính quyền khi họ đưa cây cao su về lại. Chính quyền khuyến khích. Người dân đang lúc không biết làm gì sau giấc mơ mía tan hoang. Họ lao vào trồng cao su. Một vài người lúc đó tỏ ra hoài nghi vì sợ bão, một số nghĩ “cây này chỉ thích hợp với đất trong Nam”. Một số khác có niềm tin hơn: Trong Nam trồng được, mình cũng trồng được.Suy nghĩ và thắc mắc là một chuyện, họ không cưỡng được lại sự hồ hởi của đại đa số người dân trong vùng lúc đó. Người dân băn khoăn. Chính quyền không giải thích, chỉ nói “đây là vàng trắng, bà con nên trồng”. Thấy người này nhận đất trồng, người kia nhận giống trồng, những người còn hoài nghi đành gạt qua nỗi sợ. Họ vay mượn tiền, đổ vào cao su. Họ chỉ nghĩ đơn giản: “Cứ nhận trồng để có đất trước đã, sau này tính sau”.Ngày cây cao su đưa về, gia đình chị Nguyễn Thị Khá, thôn Huỳnh Trúc, xã Phong Mỹ, là một trong những người tiên phong nhận giống, nhận đất trồng. Chị trồng bởi một lý do cực kỳ đơn giản như bao nhiêu hộ khác: “Không biết trồng cây gì”. Chị chỉ cười trừ khi được hỏi có sợ “kịch bản” cây mía lặp lại. Cán bộ khuyến nông về dựng lán trại bên cạnh nhà chị, cùng ăn ở giúp dân trồng cây.Xã Phong Mỹ, bên cạnh Bình Điền, A Lưới, Nam Đông, là một trong những vùng trồng cao su lớn của Thừa Thiên Huế. Nằm cách thành phố Huế hơn 40km về phía tây bắc, Phong Mỹ là một vùng bán sơn địa, cư dân chủ yếu sống nhờ cây lâm nghiệp. Khi cây cao su chưa về, người dân vào rừng chặt củi đem bán, thường thiếu đói. Ngày cây cao su bén rễ, phát triển tốt trên các gò đất, người dân nơi đây đã mơ về “thủ phủ” cao su có tiếng. Chị Khá lúc đó mỗi ngày đi thăm vườn hai lần. Những cây cao su vươn mình mạnh mẽ trên vùng gò đồi, chẳng mấy chốc đã phủ xanh đất trống.Vườn cao su chị trồng từ năm 2002, diện tích gần 2ha. 8 năm sau, những giọt mủ đầu tiên bắt đầu được thu hoạch. Giá mủ cao su xấp xỉ 20.000 đồng/kg. Ngày cây cao su cho mủ, chỉ một đêm ngủ dậy, gia đình chị Khá đã có trong tay hơn 1 triệu đồng. Số tiền chưa bao giờ chị nghĩ đến khi bắt đầu lập nghiệp ở vùng đất này. Gia đình chị dự định sẽ sửa lại căn nhà cho kiên cố hơn.Nhưng vườn cao su chỉ mới cho được gần tấn mủ thì một cơn gió quét qua, 80% diện tích gãy đổ. Chị Khá vẫn nhớ như in ngày vườn cao su gặp nạn. Sáng đó, sau khi cùng chồng đi cạo và đổ mủ về, cơm nước xong xuôi chị sang nhà hàng xóm chơi. Tầm 9 giờ sáng, một luồng gió lốc thổi qua. Hơn 10 giờ, anh Hoàng, chồng chị Khá, lên thăm vườn thì tá hỏa khi thấy rừng cao su ngã rạp sát đất. Anh chạy về nhà báo cho vợ. Lúc đầu, vợ anh nghĩ chồng nói đùa: trận gió chỉ kéo dài hơn 10 phút. “Gió nhẹ rứa mà cây gãy chi”, chị Khá nói lại khi nghe chồng báo tin. Nghĩ vậy, nhưng chị vẫn theo chồng, vừa chạy vừa vẫn nghĩ là chồng mình chọc giỡn. Đến nơi, nhìn vào rừng cao su, thấy cây gãy ngang thân, cây bật gốc ngã rạp sát đất, cây bị gió uốn cong như cung tên, chị Khá ngất luôn tại chỗ, người nhà phải lấy xe chở về. Suốt mấy ngày liền chị bỏ ăn, khóc sưng cả mắt.Bao nhiêu công sức, vốn liếng bỏ vào, trông chờ gần 10 năm để đổi lấy đổ vỡ. Ai điện đến động viên chị cũng khóc nấc lên. Giấc mơ tan vỡ trong chưa đầy 15 phút.“Canh bạc” một thập niên10 năm chị Khá chờ đợi cây cao su cho mủ là chừng ấy năm chị phải làm tất cả mọi việc để trang trải cuộc sống, trả nợ ngân hàng. Chị đi buôn bán đắp đổi gạo cơm. Chồng chị ở nhà chăm vườn cao su. Hai đứa con còn nhỏ, chị gởi nhờ hai bên nội ngoại. Những bữa cơm trắng với rau, căn nhà dựng lên bằng gỗ xiêu vẹo đều chờ đợi “ngày cây cao su cho mủ”.Vườn cao su còn lại chưa đến 200 cây, chị để vậy, cạo mủ đổi gạo ăn qua ngày. Số cây đổ, chị bán củi được 2 triệu đồng. Số tiền gốc vay ngân hàng 120 triệu, chị tính khi cây cho mủ sẽ trả dần. Nhưng rồi cây hư hại, chị phải làm đơn xin khất lại hai năm, chạy vạy khắp nơi, lấy bên này đắp bên kia. Mãi đến năm 2017, gia đình chị mới sạch nợ.Năm vườn nhà chị Khá đổ gãy, chị Thoan ở nhà bên đã lo lắng. Nhưng gia đình không còn đường khác, chỉ biết cầu nguyện “sẽ không sao đâu”. Cao su, khác với các giống cây nông nghiệp, là một canh bạc kéo dài mà khi đã quyết định xuống cả gia sản, người nông dân không còn cách nào khác ngoài chờ đủ 10 năm, trong khi đắp đổi mưu sinh chờ xổ kết quả. Lúc nhà chị Khá bắt đầu cạo mủ thì bão số 5 tràn vào. Phong Mỹ sau cơn bão Nuon có trên 700ha cao su gãy đổ. Thương lái khắp nơi đổ về hỏi thu mua gỗ.Giống với Phong Điền, cao su bắt đầu được trồng khắp khu vực Bắc Trung Bộ từ giữa thập niên 1990, theo đề án 327. Trong các nghị quyết cấp tỉnh hồi thập niên 1990, hiệu quả của đề án 327 được đo đếm bằng tổng diện tích rừng trồng; còn giá trị của giống cây cao su, khi đó chưa thể đo đếm, chỉ được mô tả là “có triển vọng tốt”.Những giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống các vùng trồng cao su Bắc Trung Bộ sau mùa bão đã hơn một thập niên. Năm 2006, Huế mất 1.200ha. Chính quyền các cấp tiếp tục vận động người dân phục hồi diện tích. Năm 2013, hàng nghìn hecta ở Quảng Bình và Quảng Trị gãy rạp sau bão số 10. Năm 2017, không dưới 10.000ha cao su bị quật đổ sau bão. Gần như không năm nào, trên báo chí và truyền hình, không thấy hình ảnh người dân Bắc Trung Bộ mếu máo cưa cây làm củi, bán gỗ.Theo ông Hồ Hữu Lam, để cây cao su đứng vững trước gió bão miền Trung phải chọn được giống tốt. Giống cây cao su cho khu vực này cần phải có độ dẻo, nhưng để chọn lọc được một cây như vậy phải mất vài chục năm. Và nếu chọn lai tạo được cây có độ dẻo thì phải chấp nhận năng suất kinh tế thấp. “Không có cây nào vừa cho năng suất cao, vừa chống chịu được sâu bệnh, gió bão cả”, ông Lam phân tích.Nhưng ngay cả đến giờ, anh Hùng vẫn tin rằng Phong Mỹ đổi đời là nhờ cây cao su. “Người dân có nhà cửa kiên cố, con cái ăn học là nhờ cây này”, anh nói. “Nhờ cao su mà đổi đời” cũng là luận điểm dễ tìm thấy trên các kênh truyền thông của chính quyền địa phương và phía ủng hộ cao su ở miền Trung, như Tập đoàn Cao su Việt Nam. Điều đó có thể không sai, nhưng vẫn còn lại một câu hỏi mà người nông dân ở Phong Điền không thể trả lời: Nếu ngay từ đầu không phải là cao su, thì có ít đi những bi kịch sau mùa bão?■Ông Hồ Đắc Thọ - chi cục phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh - khẳng định trách nhiệm thuộc về người dân không tuân theo kỹ thuật trồng. Ồ ạt mở rộng diện tích, có lúc mủ giá cao, người dân đưa luôn cây lên các đồi cao, những khu vực dễ gặp gió lớn. Khuyến cáo trồng cây cách nhau 6-7m, nhưng dân trồng cách nhau chỉ 4m. Ông Thọ nói vì trồng với khoảng cách như vậy, cây này đổ sẽ đè lên cây khác. Ông cũng nói do người dân vì lợi nhuận mà trồng luôn cây ở các khu vực đáng ra phải trồng vành đai chắn gió. “Những vành đai chắn gió này có thể trồng keo, tràm”, ông Thọ nói.Nhưng từ nhiều năm qua, nhiều chuyên gia tin rằng việc quy hoạch trồng cao su ở miền Trung ngay từ đầu đã là một sai lầm. “Đặc tính của cây cao su là giòn, cao nên khi đưa về miền Trung, gặp gió bão cây dễ đổ gãy là điều hiển nhiên”, tiến sĩ Hồ Hữu Lam khẳng định. Ông cũng cho rằng việc trồng vành đai chắn gió chỉ là một giải pháp với những cơn bão nhỏ. Nếu ở cấp độ lớn hơn thì vành đai này cũng không đủ. Tags: Rừng cao suMưa bãoRừngCao su
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.