Mua sắm vũ khí ở Đông Nam Á: Nhìn từ Malaysia và Myanmar

HỮU NGHỊ 01/05/2023 15:24 GMT+7

TTCT - Đông Nam Á là địa bàn tranh chấp thường trực giữa các cường quốc. Các nước Đông Nam Á vì thế mà mua vũ khí cũng "khá bộn". Vấn đề không ở chỗ họ mua gì, mà còn là mua như thế nào.

Có thể xem xét thử qua hai trường hợp Malaysia và Myanmar.

Mua sắm vũ khí ở Đông Nam Á: Nhìn từ Malaysia và Myanmar - Ảnh 1.

LIMA , với chủ đề hàng hải và không gian, được cho là triển lãm quốc phòng duy nhất trên thế giới kết hợp cả hai lĩnh vực. Ảnh: Defense News

Malaysia, với 2.742km đường biên giới với Brunei (266km), Indonesia (1.881km) và Thái Lan (595km) cùng 4.675km bờ biển, lại kề cận những đường biển "nóng" như eo Malacca, và có một số tranh chấp thềm lục địa, ồn ào nhất là với "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, rõ ràng có nhu cầu mua sắm vũ khí, không chỉ để phòng thân, mà còn để đáp ứng những yêu cầu an ninh phi truyền thống như tuần tiễu chống khủng bố, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, chống nổi dậy, cứu trợ thiên tai...

Một kinh nghiệm ở Đông Nam Á

Phải nói là chưa bao giờ tình hình Đông Á và Biển Đông lại phức tạp như lúc này. Các nước đều phải ở trong tư thế sẵn sàng cho mọi bất trắc. 

Còn nhớ, trong một hội nghị tàu viễn dương châu Á - Thái Bình Dương cách đây hơn chục năm, người viết bài có quen biết, trong số những người tham dự với tư cách quan sát viên, một nhóm ba thanh niên nam nữ người Singapore tuổi 30 ngoài một chút, tốt nghiệp các trường võ bị quốc tế nổi tiếng, là công chức quốc phòng. 

Họ cho biết đơn vị của họ có nhiệm vụ đi dự cùng khắp các triển lãm, hội thảo quốc phòng trên thế giới chỉ để nghe ngóng, sờ mó, quan sát vũ khí và khí tài quân sự các nước, rồi về làm báo cáo đánh giá, khuyến cáo việc mua sắm.

Rồi chính Singapore cũng đứng ra tổ chức triển lãm, hội chợ, thao diễn quốc phòng để thu hút nhà cung cấp từ các nước, hầu "nghe ngóng, ngắm nghía" được nhiều nguồn hơn, kỹ lưỡng hơn. Trong tinh thần đó, Triển lãm hàng hải và không gian quốc tế Langkawi năm nay (LIMA 2023) diễn ra ở Malaysia đã là lần thứ 16 (hai năm một lần), sau bốn năm gián đoạn vì Covid.

LIMA 2023, dự kiến diễn ra từ 23 đến 25-5, sẽ quy tụ 600 công ty quốc phòng/an ninh và thương mại từ 30 quốc gia (gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, UAE, Indonesia, Thái Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Đức, Singapore, Hàn Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Saudi Arabia, Bỉ, Cộng hòa Czech và các nước khác), trưng bày khoảng 110 máy bay và 110 tàu các loại. 

Triển lãm dự kiến đón 45.000 khách thương mại, hơn 250.000 khách công chúng và 400 quan khách cao cấp cỡ bộ trưởng từ 59 quốc gia. LIMA năm nay, với chủ đề hàng hải và không gian, được cho là triển lãm quốc phòng duy nhất trên thế giới kết hợp cả hai lĩnh vực.

Tính cách "mở" cho mọi người của LIMA 2023 thể hiện qua việc tổ chức bay biểu diễn bốn phi đội bay nhào lộn là "Sukhoi" của Nga, "Bát nhất" của Trung Quốc, "Hắc ưng" của Hàn Quốc và "Jupiter" của Indonesia. 

Thật hiếm khi thấy máy bay Sukhoi của Nga thi thố nhào lộn cùng J-10 của Trung Quốc, T-50 của Hàn Quốc và KAI KT-1 của Indonesia. Cũng trong tinh thần "mở" đó, không quân hoàng gia Malaysia mời ba hãng sản xuất máy bay là Sukhoi (Nga), Boeing (Mỹ) và BAE (Anh) cùng biểu diễn.

Mở thì mở, thoáng thì thoáng, song chọn lựa là sau trải nghiệm và cân nhắc: cuối tháng 2 vừa rồi, Malaysia đã dành cho Hãng Korea Aerospace Industries (KAI) hợp đồng cung cấp 18 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 vào năm 2026, trị giá 4 tỉ ringgit (920 triệu USD) (FMT Reporters 24-2). 

Theo đó, Malaysia đã chọn KAI và FA-50 của Hàn Quốc thay vì Mig-35 của Nga, Tejas của Ấn độ, JF-17 của Pakistan và Hurizet của Thổ Nhĩ Kỳ. Cần nhắc, KAI có hợp đồng cung cấp máy bay cho cả Indonesia, Philippines và Thái Lan tại Đông Nam Á, còn ở tầm thế giới là Iraq, Ba Lan, Peru và Senegal.

Phải thấy rằng Malaysia đã cân nhắc các ứng viên rất đa dạng, chớ không dựa vào một mẫu độc nhất nào. Mặt khác, không quân Malaysia từng trải nghiệm thực tế cả các dòng máy bay Sukhoi 30MKM và Mig-29 của Nga lẫn F18/A của Mỹ, họ ắt đã rút ra được bài học từ đó. 

Nói ví dụ, Sách trắng quốc phòng 2019 của nước này nêu rõ: "Quyết định mua thiết bị quốc phòng từ Nga, các nước Đông Âu và Trung Quốc phải được xem xét kỹ lưỡng. Ví dụ, việc mua Mig-29N từ Nga diễn ra gần như đồng thời với việc mua F/A-18D Hornet từ Mỹ... Các tùy chọn nâng cấp của Mig-29N là hạn chế so với máy bay đa năng F/A-18D vốn có rất nhiều tùy chọn phụ tùng và khả năng tương thích với các máy bay của những nước thân thiện khác".

Đây là thái độ đánh giá nghiêm túc, biết rút kinh nghiệm từ quá khứ, và đặt trong một hệ thống khí tài tổng thể của quốc gia, chứ không chỉ đánh giá đơn lẻ mạnh yếu của từng sản phẩm. Trên cơ sở đó, Sách trắng quốc phòng Malaysia kết luận: 

"Cục quân giới phải nhân cơ hội này giải thích rõ ràng rằng việc mua sắm quốc phòng không được lẫn lộn với các lợi ích chính trị và phải gắn liền với nhu cầu quốc phòng của đất nước về lâu dài".

Sở dĩ có kết luận đó là bởi quân đội Malaysia từng cân nhắc mua sắm quốc phòng vì yếu tố chính trị. Sách trắng nêu rõ: 

"Có thể đặt câu hỏi với quyết định của Bộ Quốc phòng năm 2017 khi trao cho một công ty Trung Quốc hợp đồng đóng tàu tác chiến ven biển (LMS) cho Hải quân Hoàng gia Malaysia dù Tập đoàn Công nghiệp nặng Boustead (BHIC - của Malaysia) hoàn toàn có khả năng tự đóng các tàu trên. Hơn nữa, cần xem xét lại tính phù hợp của chương trình tích hợp vũ khí vào các tàu LMS (radar, súng, thiết bị tác chiến điện tử và các loại vũ khí khác) do Trung Quốc đóng với các tàu hải quân khác, vốn sử dụng vũ khí phương Tây".

Trường hợp Myanmar

Nếu trường hợp Malaysia cho thấy kinh nghiệm đắn đo từ người mua thì Myanmar có thể coi là kinh nghiệm từ người bán. 

Trên thực tế, kể từ khi giới tướng lĩnh Myanmar trở lại nắm quyền bằng Hội đồng Khôi phục trật tự và pháp luật nhà nước (SLORC) vào năm 1988, quân đội nước này đã đầu tư đáng kể để tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong nước nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Theo các tác giả nghiên cứu "Cung ứng cho nền sản xuất vũ khí của giới quân nhân Myanmar" do SAC-M (Hội đồng Tư vấn đặc biệt cho Myanmar) vừa công bố hôm 16-1-2023, giới tướng lĩnh nước này chủ trương tự sản xuất một số vũ khí thiết yếu bằng cách xây dựng nhà máy ở Yangon và ở miền trung, tức các vùng mà người Bamar chiếm đa số của đất nước.

Tuy nhiên, nhà cung cấp hàng đầu các nguyên liệu sản xuất vũ khí cho Myanmar vẫn là Trung Quốc, thông qua Tập đoàn Sản xuất vũ khí công nghiệp nhà nước (China North Industries Group Corporation, tức NORINCO). 

Song song, quân đội Myanmar hiện đại hóa các ngành công nghiệp phụ trợ - như nhà máy gang thép - để cung cấp nguyên liệu cần thiết, liên tục nâng cấp và đa dạng hóa dây chuyền sản xuất vũ khí hiện có, tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung ứng chiến lược để hạn chế tác động của các biện pháp trừng phạt và cấm vận hiện tại và cả tương lai.

Kết quả là quân đội Myanmar đã dần tự cung tự cấp một số vũ khí, nhất là vũ khí nhỏ (cá nhân), chủ yếu là súng trường bắn tỉa, súng trường bán tự động MA-1, tiểu liên BA-93 và BA-94 "nhái" tiểu liên Uzi của Israel. 

Các loại vũ khí này, mang logo DDI (Cục Công nghiệp quốc phòng), được sử dụng rất nhiều sau vụ chính biến tháng 2-2021. DDI trực thuộc Bộ Quốc phòng Myanmar và báo cáo với văn phòng tổng tư lệnh. Giám đốc chương trình tự sản xuất vũ khí này là trung tướng Kan Myint Than, cựu tư lệnh Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc phòng.

Dù có năng lực sản xuất mạnh mẽ, DDI vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp quốc tế, gồm nhiều loại nguyên liệu thô, bộ phận, linh kiện và thành phẩm, cũng như máy móc và công nghệ, cả được lẫn chưa được cấp phép nhượng quyền. 

Nghiên cứu của SAC-M ghi nhận với các lực lượng vũ trang của Myanmar, khả năng sản xuất vũ khí trong nước vẫn là yếu tố quan trọng, nguồn tự hào, và được coi là tối cần thiết để đối phó với các mối đe dọa với sự thống nhất và ổn định của đất nước - nói cách khác đối nội là chính.

Trớ trêu thay, cũng theo nghiên cứu nêu trên, chính các công ty ở Mỹ, châu Âu và châu Á đã giúp quân đội Myanmar sản xuất vũ khí. Cụ thể, các công ty từ 13 nước, gồm cả Pháp, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Singapore và Hoa Kỳ, đã và đang là nguồn cung cấp quan trọng cho việc sản xuất vũ khí ở Myanmar. 

Cơ chế này được mô tả như sau: DDI và các bên cung cấp sẽ thỏa thuận các hợp đồng chuyển giao công nghệ (ToT), bao gồm tiếp nhận toàn bộ nhà máy sản xuất vũ khí (dự án chìa khóa trao tay), nhận hỗ trợ trực tiếp từ kỹ sư liên kết với chủ sở hữu công nghệ, hoặc qua thỏa thuận liên doanh.

Nghiên cứu cho biết vai trò bất ngờ của Singapore và Đài Loan: "Singapore là điểm trung chuyển chiến lược cho khối lượng lớn các mặt hàng - bao gồm một số nguyên liệu thô - cung cấp cho sản xuất vũ khí của quân đội Myanmar", trong khi "Đài Loan là điểm trung chuyển quan trọng cho DDI, chuyên mua máy chế biến nguyên liệu thô có độ chính xác cao, kể cả từ các nhà sản xuất châu Âu, cho các nhà máy của quân đội Myanmar".■

"Các nhà hoạch định quốc phòng Đông Nam Á thường được thúc đẩy bởi tâm lý "theo kịp láng giềng". Một ví dụ điển hình là Thái Lan, nước này vào năm 2017 đã đặt mua 3 tàu ngầm từ Trung Quốc (dù việc giao hàng đã bị trì hoãn do lệnh cấm xuất khẩu động cơ) chỉ vì gần như tất cả các nước láng giềng đều có tàu ngầm (gồm Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Singapore và cả Myanmar). Tham nhũng là một yếu tố khác. Các giao dịch mua vũ khí lớn thường đắt đỏ và tạo cơ hội cho các chính trị gia tham lam biển thủ. Tham nhũng thường dẫn đến thiết bị kém chất lượng, hợp đồng bị thổi giá và mua hàng không cần thiết".

Ian Storey (chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS, Singapore)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận