Mục tiêu năm mới: Đừng quên sức khỏe tinh thần

PHẠM HẰNG 09/01/2025 05:40 GMT+7

TTCT - Khi nghĩ về các quyết tâm đầu năm, chúng ta thường nghĩ đến việc trở nên khỏe mạnh hơn, nhưng đừng bỏ qua khía cạnh quan trọng không kém - sức khỏe tinh thần.

Mục tiêu năm mới: đừng quên Sức khỏe tinh thần - Ảnh 1.

Sức khỏe tinh thần năm 2024 chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi các thách thức toàn cầu như suy thoái kinh tế, chiến tranh, bạo lực, dịch bệnh, làm gia tăng đáng kể tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần, trong đó lo âu và trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu. Phải cải thiện tình hình thế nào trong năm 2025?

Bước sang 2025, 33% người Mỹ chọn "cải thiện sức khỏe tinh thần" làm quyết tâm đầu năm, tăng 5% so với năm ngoái, theo khảo sát tháng 12-2024 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA). Người trẻ chọn mục tiêu sức khỏe tinh thần nhiều hơn - 48% người trong độ tuổi 18-34 so với chỉ 13% ở nhóm từ 65 tuổi trở lên.

33% cũng là tỉ lệ cao nhất mà APA ghi nhận kể từ khi bắt đầu khảo sát về vấn đề này (2021). "Thật tốt khi thấy nhiều người trong chúng ta có kế hoạch tập trung vào sức khỏe tinh thần của mình vào năm 2025" - chủ tịch APA Ramaswamy Viswanathan nói.

Gia tăng bất ổn

"Sống trong một thế giới liên tục có tin tức về tình hình bất ổn toàn cầu và địa phương, một số lo lắng là điều tự nhiên và dự đoán được" - tiến sĩ Petros Levounis, cựu chủ tịch APA, cho biết.

Không chỉ ở Mỹ. Một khảo sát tháng 2-2024 của Resolution Foundation phát hiện 34% thanh thiếu niên từ 18-24 tuổi ở Anh mắc rối loạn tâm thần phổ biến như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn lưỡng cực - gia tăng đáng kể từ năm 2000 (khoảng 24%).

Báo cáo chỉ số hạnh phúc toàn cầu 2024 cho thấy chỉ số hạnh phúc giảm đáng kể ở nhóm quốc gia gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand - giảm gấp đôi ở nhóm trẻ so với nhóm già. 

Tại Trung Đông và Bắc Phi, người trung niên có mức giảm lớn hơn so với người già và người trẻ. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2023, cảm xúc tiêu cực xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới ở mọi khu vực.

Điều này cho thấy một nghịch lý: mặc dù nhận thức của xã hội về sức khỏe tâm thần đã tốt hơn, song tỉ lệ mắc lại gia tăng, đặc biệt ở người trẻ tuổi - nhóm ít có khả năng mắc rối loạn tâm thần trước đây. Sự gia tăng này cho thấy khó khăn của cuộc sống hiện tại.

Người trẻ ngày càng phải đối mặt với áp lực về thành tích học tập, khó khăn tìm việc làm và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, khiến họ nhìn nhận tương lai một cách ảm đạm, không thấy triển vọng và động lực phát triển bản thân.

Mặt khác, mạng xã hội được coi là tác nhân chính khiến sức khỏe tinh thần của người trẻ suy giảm. Theo Tổng y sĩ Hoa Kỳ Vivek Murthy, thanh thiếu niên dành hơn 3 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội đối mặt với nguy cơ mắc các triệu chứng lo âu và trầm cảm cao gấp đôi. Con số thực tế ở nhóm tuổi này, tính đến mùa hè năm 2023 là 4,8 giờ/ngày. 

"Ngoài ra, gần một nửa số thanh thiếu niên cho biết mạng xã hội khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân mình" - Murthy cho biết trên tờ The New York Times tháng 6-2024.

Mục tiêu năm mới: đừng quên Sức khỏe tinh thần - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Tiến bộ công nghệ

Các tiến bộ trong chẩn đoán và nhận thức người bệnh - cảm thấy thoái mái hơn khi tìm kiếm sự chăm sóc sức khỏe tinh thần - cũng làm tăng khả năng phát hiện bệnh. Tuy nhiên, khác với bệnh lý về thể chất - có tiêu chuẩn hoặc dấu ấn sinh học khách quan để chẩn đoán và kế hoạch điều trị rõ ràng - các rối loạn tâm thần chủ yếu dựa trên triệu chứng: biểu hiện như thế nào, kéo dài bao lâu và gây rối loạn gì?

Đây là một cách tiếp cận khá chủ quan, phụ thuộc nhiều vào quyết định của bác sĩ lâm sàng và sự mô tả của người bệnh. Điều này không tránh khỏi chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán quá mức, thường tương đối phổ biến trong ngành tâm thần học.

Ngay cả khi được chẩn đoán đúng thì điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Điển hình trong bệnh trầm cảm, điều trị gồm hai loại: liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm. Một nghiên cứu trên tập san BMJ từ năm 2019 cho thấy tác dụng của thuốc chống trầm cảm chỉ ở mức tối thiểu và "có thể không quan trọng đối với bệnh nhân mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng", khiến người bệnh chịu nhiều tác dụng phụ.

Các liệu pháp tâm lý đòi hỏi thời gian lâu dài và kết quả có thể bị thay đổi hoặc không hiệu quả với nhiều người. Do vậy, cần có sự "đột phá" để chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn. Ứng dụng công nghệ đã đạt được thành công bước đầu và tạo niềm hy vọng mới trong năm 2025.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng nhiều trong điều trị sức khỏe tâm thần. Ví dụ, AI có thể kết hợp và sử dụng thông tin chi tiết từ nhiều nguồn như sách giáo khoa y khoa, bài nghiên cứu, hồ sơ sức khỏe điện tử và biểu hiện lâm sàng, để giúp các chuyên gia sức khỏe tâm thần dự đoán trước cách bệnh nhân sẽ phản ứng và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp - điều mà các bác sĩ lâm sàng thường gặp nhiều khó khăn.

Kỳ vọng từ đột phá mới

Theo tạp chí Time, các tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần nổi tiếng là chậm và chủ yếu mang tính từng bước. Hiếm có phương pháp điều trị đột phá, trong khi số lượng chuyên gia được đào tạo lại quá ít để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, năm 2024 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, nhờ vào thành quả từ nhiều thập kỷ nghiên cứu và sự chú ý đến các vấn đề sức khỏe tinh thần sau đại dịch.

Tháng 3-2024, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận phê chuẩn Rejoyn, liệu pháp kỹ thuật số lần đầu được ứng dụng trong điều trị chứng rối loạn trầm cảm nặng. Sáu tháng sau, FDA tiếp tục phê duyệt loại thuốc cho bệnh tâm thần phân liệt Cobenfy; lần đầu tiên sau 30 năm mới có thuốc mới cho chứng này.

Rejoyn là một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh hoặc thiết bị di động, tương thích với cả thiết bị Apple và Android, được Time đánh giá "mở cửa cho một loạt liệu pháp mới có thể tăng đáng kể khả năng tiếp cận điều trị".

Mục tiêu năm mới: đừng quên Sức khỏe tinh thần - Ảnh 3.

Ứng dụng Rejoyn

Rejoyn hoạt động bằng cách cung cấp các bài học về liệu pháp nhận thức hành vi, cùng các bài tập ghi nhớ cảm xúc khuôn mặt. Các bài học thường mất khoảng 3-4 phút, các bài tập có thể mất từ 10-25 phút để hoàn thành. 

Trong 6 tuần sử dụng, các bài học và bài tập này có thể giúp củng cố và cân bằng lại một số kết nối não nhất định và có tiềm năng giải quyết tốt hơn nguyên nhân gốc rễ của bệnh trầm cảm.

Rejoyn nhắc nhở người dùng nhớ lại những cảm xúc được thể hiện trên khuôn mặt của mọi người, điều này đòi hỏi họ phải sử dụng cả trung tâm xử lý cảm xúc và nhận thức của não. Từ đó giúp người bệnh phản ứng tốt hơn với các phương pháp điều trị truyền thống như liệu pháp hành vi nhận thức hoặc thuốc chống trầm cảm. 

Trong các nghiên cứu lâm sàng, những người sử dụng ứng dụng Rejoyn nhận thấy các triệu chứng trầm cảm giảm chỉ sau 2 tuần và tiếp tục cải thiện trong suốt 6 tuần sử dụng. Rejoyn được kỳ vọng áp dụng cho các rối loạn tâm thần khác, dù tất nhiên, đây là liệu pháp còn mới mẻ và cần theo dõi lâu dài để hiểu đầy đủ và đánh giá tác dụng của chúng.

Trong khi đó, Cobenfy có cơ chế hoạt động hoàn toàn khác so với các loại thuốc hiện có và đã tạo nên sự phấn khích cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Cobenfy (thành phần xanomeline) nhắm vào hệ thống cholinergic, thông qua các thụ thể muscarinic, được các nhà khoa học tại công ty dược phẩm Eli Lilly (Mỹ) tình cờ phát hiện trong quá trình phát triển thuốc điều trị bệnh Alzheimer. 

Sau đó, thuốc tiếp tục được công ty dược phẩm sinh học toàn cầu Bristol Myers Squibb (Mỹ) phát triển. Các thử nghiệm Cobenfy trong 5 tuần cho thấy giảm đáng kể các triệu chứng như ảo giác, hoang tưởng và ảo tưởng, đồng thời các tác dụng phụ ở mức nhẹ đến trung bình và giảm dần theo thời gian.

Những tiến bộ đạt được trong năm 2024 đã tạo tâm lý lạc quan và niềm hy vọng cho người mắc bệnh rối loạn tâm thần và giúp họ thêm niềm tin vào cuộc sống.

Khi nghĩ về các quyết tâm đầu năm, chúng ta thường nghĩ đến việc trở nên khỏe mạnh hơn, bao gồm giảm cân, tập thể dục nhiều hơn và ăn uống lành mạnh hơn. Tất cả đều hướng tới sức khỏe tốt hơn, nhưng đừng bỏ qua khía cạnh quan trọng không kém - chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình.

Theo trang CNET, có nhiều cách miễn phí để cải thiện sức khỏe tinh thần trong năm 2025. Sử dụng các ứng dụng sức khỏe tinh thần để theo dõi tiến độ hằng ngày hoặc tự áp dụng các chiến lược của liệu pháp hành vi nhận thức (CBT).

Duy trì kết nối với mọi người xung quanh cũng rất quan trọng, bên cạnh việc thực hành chánh niệm và thiền định. Ngoài ra, nên tập thể dục đều đặn, dành thời gian ra ngoài để tận hưởng ánh nắng mặt trời, ưu tiên giấc ngủ chất lượng, và tạm thời rời xa mạng xã hội để có thể cân bằng lại tinh thần một cách hiệu quả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận