Mùi sông

TRỊNH THỊ CẨM 08/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Hết kỳ nghỉ, nó xách giỏ ra khỏi nhà trở lại thành phố. Bà ngoại dúi theo đủ loại bánh mứt, không quên kèm theo món thịt muối chiên mà nó rất thích. Nó vừa đeo khẩu trang vừa lèm bèm: con đã nói ngoại rồi, gửi theo chi hổng biết, ngoại để ở nhà ăn đi!

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


Mồ tổ cha mày, ráng xách theo mà ăn, trên đó gạo châu củi quế, đụng thứ gì cũng tiền, mẹ mày nó may vá cực khổ. Ngoại nhìn theo mái tóc dày mượt đang vùng vằng, chép miệng âu lo: tóc này đây rồi sẽ khổ!

Nó đi rồi, nỗi quạnh hiu cắm sào trong cái nhà vắng ngắt. Mẹ nó ra tiệm khai trương lấy ngày rồi ở ngoài đó luôn. Vườn trước vườn sau lặng trang. Buổi sáng ngoại ngồi trên bộ vạt trước hàng ba, nghe gió nước mặn từ sông xồng xộc ùa vào nhà. Mấy vạt bông vạn thọ sắp tàn, lại có cớ để ngã rạp.

Từ ngày có tờ đơn ly dị, mẹ nó ít ở nhà. “Nhà mình trong này hẻo quá, không có khách. Dời ra lộ, khách đông hơn!”. Ngoại làm bạn với con bìm bịp ngày nào cũng vỗ cánh trong đám sậy, với tiếng võng, với mấy lọn khói bếp bay ra bay vô cái chái củi thấp lè tè. Những lọn khói quẩn quanh nhiều khi cũng muốn bay đi luôn, nhưng chắc còn thương mùi bông bưởi sau hè nên lấn cấn.

Những tiết học đầu năm thật uể oải. Nó ngầy ngật nghe tai này chạy qua tai kia. Lời rủ rê “phượt” cuối tuần làm nó lơ đãng. Những cung đường vàng nắng, những đèo dốc quanh co, những mai anh đào rực rỡ nơi cao nguyên xa lạ, những lời ngọt mật trong vòng tay mơn trớn “tóc em thơm ghê” luôn có sức hút như nam châm.

“Cha mày mê mẹ mày cũng từ mái tóc. Mà đàn ông thường mau quên, hễ có mới nới cũ”. Nó nghĩ ngoại già nên lẩm cẩm, chứ đâu có ai giống ai. Gió biết cái cảm giác rạo rực háo hức được tựa vai anh, được nhắm mắt hít hà mùi đàn ông quyến rũ rồi lướt đi theo tốc độ cao của con chiến mã mà giá trị của nó hơn hẳn mảnh đất chó ngồi ló đuôi của ngoại. Và những chùm mưa trên sông cũng thầm biết ngồi sau lưng anh đâu chỉ chừng đó người.

“Trên đời đâu có ai cho không ai thứ gì!” - thằng bạn thân hồi phổ thông hay gần xa. Nó liếc một cái dài ngoằng: nói gì hay hơn đi, ông làm như tui con nít! Và cái đứa tưởng mình lớn khôn một ngày kia ra sông vò đầu bứt tóc, xéo nát đám cỏ gà khi người tình phân khối lớn biến mất sau thông báo “hai vạch” của nó.

Trở về phòng trọ chật hẹp, khẩu trang che kín mặt mày, một đứa có hình hài giống nó tự trấn an: có ai biết gì đâu mà sợ! Nhưng khi đêm xuống, trăng lên, mùi sử quân tử trước sân nhà trọ dìu dịu len vào, nó chợt giật mình. Mấy hũ bánh mứt ngoại cho nó còn để nguyên trong giỏ xách. Hộp thịt muối chiên cũng mốc meo.

Mùi thịt khen khét thơm thơm lòn trong ký ức, đẩy nó trôi ngược về bến sông dập dờn bông tra. Nước mát rượi khỏa vào buổi trưa những giấc mơ mát lạnh. Ngoại phơi thau đồ to tướng lên dây treo rồi ra bến gội đầu.

Tóc ngoại dày, màu muối nhiều hơn màu tiêu. Những sợi tóc dài thả trôi như rong chạm lòng bàn tay nó nhồn nhột. Nó cũng thích cái đầu tóc “củ hành” ngoại hay bới cao gọn ghẽ sau gương mặt phúc hậu. Rồi cái củ hành nhỏ dần, lần nào đưa tay lên bới ngoại cũng than mỏi.

Lần nào về nó cũng giành bới tóc cho ngoại. Mà lạ, cái lần gần đây nhứt là lần nào nó tuyệt nhiên không còn nhớ. Y như cái kỷ niệm đó không hề tồn tại. Y như nó đã biệt mù tăm tích trong vòng tay của sóng. Y như cái lần hồi xưa chết hụt, nó chìm nghỉm chưa kịp nhớ phải gọi tên ai.

Chỉ nhớ tóc ngoại rũ rượi trên người nó giữa tiếng la ó: tỉnh rồi, tỉnh rồi. Nước mắt ngoại đầm đìa nhểu lên mặt nó mùi sông, cái mùi tanh đặc trưng của bùn, của lá mục lẫn vị mặn của mồ hôi. Đó là lần đầu tiên nó thấy ngoại vừa thở hổn hển vừa cười vừa khóc.

Mỗi ngày nó vẫn đi về ngang sông. Mỗi lần qua đó nó lại xốn xang. Sóng vẫn điềm nhiên ngày lặng gió. Những vệt xe nhanh chóng trùng lấp lên nhau, dấu vết chìm trong dấu vết. Phố ơ hờ xa lạ. Phố náo nhiệt ồn ào. Những đồng bạc lẻ ngoại bán củi được cất kỹ trong cái lon sữa cũ, hễ canh nó gần về lại đem ra vuốt phẳng phiu.

Mọi thứ vẫn y nguyên. Con sông giấu biệt những đổi thay tận đáy bùn sâu.

Những khớp xương mòn mỏi đưa tay vuốt vuốt mấy sợi tóc loẻn ngoẻn còn lại. “Gọn rồi! Từ nay khỏi bới đầu, khỏi mỏi tay, hén má!”. Cái tiếng “ừ” của ngoại gọn bâng, chìm nghỉm theo tiếng sóng ì oạp vỗ dưới chân nhà sàn. Lần cuối cùng con sông nhìn thấy nó, chừng như đã lâu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận