"Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình"

DANH ĐỨC 18/09/2023 08:00 GMT+7

TTCT - Chủ nhật 10-9-2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tuyên bố chung xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Mỹ.

Sự kiện đó đánh dấu bước ngoặt mới trong hành trình phát triển quan hệ đã hơn 10.000 ngày, tính từ ngày 3-2-1994, khi tổng thống Mỹ Bill Clinton chấm dứt lệnh cấm vận Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: CNN

Trong thời gian 29 năm rưỡi đó, quan hệ đã được nâng dần vì lợi ích cả hai bên.

Không thể không ghi nhận tổng thống Clinton đã chủ ý chọn ngày 3-2-1994, ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, để tuyên bố: "Hôm nay tôi dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam", như cách biểu thị một thông điệp mới: quan hệ "bất kể chính thể" không còn cấm kỵ ý thức hệ.

Bình thường hóa quan hệ, hai bên được gì?

Giờ đây, khi đời sống đã nhiều nơi dư dật, có thể mua được hàng hóa xuất xứ toàn thế giới, các visa B1, B2 đi Mỹ là chuyện thường tình, thì khái niệm cấm vận cũng không còn mấy người biết. 

Đến đầu những năm 1990, nước ngọt Coke chính hãng chỉ có hàng lậu từ Campuchia, còn không thì đành hài lòng với hàng Tribeco của ông Phạm Phú Ngọc Trai. Trước đó đời sống còn khó khăn nữa, những năm 1980, nhiều nơi còn nhận hằng tháng chút đường hay dầu ăn của Chương trình Lương thực Thế giới PAM.

Tất nhiên thuật lại chuyện này nhằm mô tả bầu không khí của giai đoạn cấm vận, chớ lịch sử của nó thì lâu hơn nhiều. Sau 1975, Chính phủ Mỹ đơn giản mở rộng lệnh cấm vận ban đầu đã áp dụng với miền Bắc từ tháng 5-1964. 

Theo lệnh cấm vận thương mại này, tất cả công dân và doanh nghiệp Mỹ bị cấm xuất hoặc nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào từ Việt Nam. Lệnh cấm vượt ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ và áp dụng cho bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào thuộc quyền tài phán của Mỹ, bao gồm tất cả công ty con ở nước ngoài của các công ty Mỹ và bất kỳ các bên thứ ba khác. (Theo Thomas R. Stauch, "Mỹ và Việt Nam: Vượt qua quá khứ và đầu tư vào tương lai").

Lệnh cấm vận này là trở ngại với đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cả từ những nước khác, tỉ như Nhật Bản, và có tác động tới các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu họ muốn cho Việt Nam vay vốn. 

Chẳng hạn năm 1991, một đề xuất của Pháp nhằm thanh toán số nợ IMF trễ hạn của Việt Nam đã thất bại trước sức ép của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, việc tổng thống Clinton tháo gỡ lệnh cấm vận tháng 2-1994 là thay đổi lớn với nền kinh tế và đời sống. Tất nhiên, về phía Mỹ, ông Clinton qua đó ghi điểm với cử tri Mỹ nhờ giải quyết sớm vấn đề POW-MIA (tù nhân chiến tranh - mất tích trong chiến tranh) mà ông từng thề thốt khi tranh cử "Với cá nhân tôi, đây là một vấn đề rất lớn" (Los Angeles Times 4-2-1994). 

Cần biết thậm chí tới cả bây giờ, tháng 9-2023, Tổng thống Biden vẫn "bày tỏ sự biết ơn của nhân dân Mỹ đối với sự hỗ trợ lâu dài của Việt Nam trong việc tìm kiếm thông tin và hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh"; và "Việt Nam khẳng định tiếp tục hợp tác toàn diện với Mỹ tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh" (Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện).

Thiệt ra, tháo bỏ lệnh cấm vận còn giúp giới doanh nghiệp Mỹ tránh cảnh "trâu chậm uống nước đục", khi nhiều quốc gia khác đã đổ vốn vào Việt Nam. Thành ra, tổng thống Clinton, sau khi tuyên bố tháo bỏ lệnh cấm vận hôm 3-2-1994, qua năm sau tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao hôm 11-7-1995. 

Phát biểu của ông tóm tắt tình hình: "Chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ thương mại với Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế hiện đang tự do hóa và hội nhập vào nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bình thường hóa cũng phục vụ lợi ích của chúng ta trong nỗ lực vì một Việt Nam tự do và hòa bình ở một châu Á ổn định và hòa bình". 

Cùng lúc ông Clinton phát biểu, rạng sáng 12-7 (giờ Việt Nam), thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện

Năm 2013, nhân chuyến thăm của chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ theo lời mời của tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. 

10 năm sau, đến lượt Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10-9 vừa rồi. Tuyên bố này rất chi tiết, dài tới 5.105 từ, cho thấy chỉ riêng về mặt hình thức quan hệ song phương đã sâu rộng thêm ra sao (tuyên bố 10 năm trước dài 3.151 từ).

Câu hỏi đặt ra là nâng tầm quan hệ đồng nghĩa với những điều gì mới? Trước hết, có thể nghĩ là từ nay hai bên đã có sự tin tưởng lẫn nhau hơn trước, cùng những đảm bảo qua lại và sự tự tin nhất định, thể hiện qua cả các định hướng hợp tác chính trị, an ninh, và quốc phòng. 

Nhưng tất nhiên, sẽ không chỉ có những quan hệ hợp tác chính thức và có tính chính trị - ngoại giao đấy.

Sông có khúc, người có lúc, và những bận tâm của hai bên, cũng như những lĩnh vực hợp tác, cũng thay đổi tùy theo hoàn cảnh đấy. 

Nhưng cam kết "toàn diện" rõ ràng cho thấy khả năng để hai bên làm sâu sắc thêm mối quan hệ là còn rất nhiều, từ hợp tác giáo dục, đào tạo, đến sản xuất con chip bán dẫn mới, điện toán đám mây, viễn thông, trí tuệ nhân tạo... Những điều này Tổng thống Biden đều đã nhắc trong bàn tròn với các CEO hôm 11-9.

"Các chương trình mới nhằm giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học, tăng cường lực lượng lao động STEM và nắm bắt nền kinh tế kỹ thuật số", ông Biden nói. "Quan hệ đối tác của chúng ta không chỉ dừng lại ở sự đổi mới và đầu tư. Đó là về con người. Đó là về người dân của chúng ta. Và điều đó nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó là rất thật".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận