TTCT - Nói chung, khi một người quyết định dọn dẹp nhà cửa hay văn phòng, trong lòng người ấy đang có một cuộc cách mạng. Khi xem phim Tây, một môtip rất phổ biến là nhân vật chính ở đầu phim nhận thông báo “bị sa thải”, cảnh tiếp theo là anh/chị ấy cắp nách một cái hộp giấy đựng đồ đạc đi thẳng ra cửa.Giây phút ấy, ta không thắc mắc đời nhân vật ấy rồi sẽ ra sao (chuyện ấy đã có đạo diễn lo), ta sửng sốt: “Góc làm việc của họ gọn gàng đến thế sao, chớp mắt là thu dọn được sao?”. Chứ còn với chúng ta - những người đã lấy cơ quan làm nhà - muốn dọn góc làm việc, phòng làm việc riêng tại cơ quan cũng phải mất đứt hai, ba ngày; nâng lên đặt xuống giữa đống bừa bộn xem cái gì là tài liệu, cái gì là rác.Sự hình thành của cái đống tích tụ kia là do cái mà người này gọi là bừa, người kia gọi là “đang làm việc”; người này gọi là thừa, người kia gọi là “sẽ có lúc dùng”. “Người khác không thể quyết được hộ ta thế nào là bừa” - Cynthia Townley Ewer của trang Organized Home nói một cách cân nhắc.Theo trang WebMd, các chuyên gia sắp xếp nhà cửa và văn phòng cho biết bừa là khi các khách hàng phải gọi tới họ và diễn tả cùng một phản ứng trước mớ hỗn độn: năng lực cạn kiệt, tìm gì cũng khó, làm chật chội khó xoay trở, khiến ngại bắt tay vào công việc. “Một vài người thậm chí cảm giác bị áp đảo, không làm việc được hoặc làm không ra gì” - chuyên gia sắp xếp văn phòng Lynne Gilberg nói.Theo cô, đồ đạc, giấy tờ bừa bãi rất hại cho sức khỏe. Bụi, mốc, xác côn trùng tích tụ và ta hít thở cả một bầu không khí đậm đặc ấy, trong góc phòng của riêng ta! Những hệ lụy về cơ thể như khó thở, hen suyễn, dị ứng kéo theo u ám về tinh thần. Tinh thần càng trì trệ hơn khi nhìn thấy trước mắt nhiều thứ lưu cữu. Một số người lại bừa vì chứa những thứ “chưa biết sẽ dùng tới lúc nào”.Peter Walsh, trong quyển Đống bừa bộn này có làm mông tôi béo ra? (Does This Clutter Make My Butt Look Fat?), đã nhận ra mối liên hệ giữa bừa bãi với tăng cân. Mẫu số chung: người bừa bãi thiên về đời sống tiêu thụ: quá nhiều thứ để tích tụ, quá nhiều thứ để ăn.CHUẨN BỊ DỌNSau khi đã thấm cái sự bừa, dĩ nhiên người ta bắt tay vào dọn. Nhưng dọn thế nào để việc dọn không thành một trải nghiệm khủng khiếp?Các chuyên gia khuyên: ta nên đi từng bước như bước vào một trận đánh.Đầu tiên là mường tượngThay vì đưa cho khách hàng một danh sách các việc cần làm để dọn mớ bừa bãi, chuyên gia Peter Walsh sẽ đề nghị họ tự trả lời: “Tôi muốn đời mình như thế nào?”. Theo ông, đó là tiêu chuẩn để quyết định nên giữ cái gì lại. Thí dụ, bạn muốn mình sống khoa học, ngăn nắp; hay bạn muốn quan trọng là người khác thấy được sự sang trọng và thành tích của mình; hay bạn muốn sống giản dị, dễ chịu...Tuy rằng mục tiêu chính là gọn gàng, nhưng mỗi sự gọn gàng có một sắc thái riêng. Sắc thái đó là do chính bạn chọn, để sống hòa hợp trong đó mà làm việc được hiệu quả.Kế là phân loạiTrước khi bắt tay vào dọn dẹp văn phòng, cần phân định rõ trong đầu có các loại bừa bộn. Bừa về kỷ niệm là những thứ nhắc ta về các sự kiện quan trọng. Bừa về công việc là những thứ liên quan đến các dự án đang diễn ra. Bừa về “phòng thân” là những thứ để sẵn phòng khi dùng tới.Dù là loại gì, mất thời gian nhất là nấn ná trên những thứ nên vứt hay cứ giữ lại một thời gian; đặc biệt là với đồ vật liên quan tới kỷ niệm, giấy tờ nhà đất, tài sản đã xong xuôi (nhỡ đâu có lúc cần thì sao). Vì thế, bạn nên có ba cái hộp, ghi rõ bên ngoài: Vứt, Giữ, Tạm. Sau khi đã phân loại xong, tránh trộn lẫn những thứ trong hộp Giữ với hộp Tạm, sau này khỏi lăn tăn cân nhắc với chúng: thường những thứ đã nằm trong mục Tạm nhiều khả năng sau này sẽ qua mục Vứt.Đi từ từTích thì lâu, bỏ thì nhanh. Việc dọn dẹp nếu tiến hành gấp gáp đôi khi sẽ kéo theo hối hận. Nhiều người muốn bỏ ra hẳn một ngày để dọn. Với quét vườn thì có thể, đốt rác thì có thể, nhưng dọn dẹp thì không nên thế.Theo một chuyên gia về tổ chức đời sống, dọn dẹp cần có thứ tự. Mỗi lần dọn một ngăn tủ, một ngăn kéo hoặc một giá sách thôi. Liền tù tì một chuỗi ngày nhưng mỗi ngày một ít. Tránh lam nham từ phòng này nhảy qua phòng kia, đến khi quay về lại phải ngẫm nghĩ: “Lần trước mình dọn tới đâu rồi?”.BẮT ĐẦU DỌNĐi vào dọn dẹp chi tiết, bạn có thể áp dụng những phương pháp sau của các chuyên gia1. Nguyên tắc 80/20: 80% thời gian sử dụng của bạn chỉ đổ lên đầu 20% số đồ vật bạn đang có, đặc biệt là sách, tài liệu. Cần loại bớt những thứ mà 80% thời gian bạn không dùng đến: một cuốn sách đã đọc rồi không đọc lại nữa, một cái khăn quàng mấy năm mới dùng tới...Có người còn cực đoan, cái gì 6 tháng không dùng tới coi như loại. Cái gì cầm lên mà không biết khi nào dùng tới cũng nên loại. Cái gì khiến mình ngơ ngác về công dụng cũng nên loại: rõ ràng lâu quá rồi bạn không còn nhớ ra. “Loại” không có nghĩa là vứt vào thùng rác. Bạn nên để vào một hộp giấy, đồng nghiệp nào thấy dùng được thì lấy dùng. Cả văn phòng nên làm thế cho tiết kiệm.2. Bắt đầu bằng những món to: Để lên tinh thần, hãy bắt đầu bằng những món to - một quyển sách to, một chồng tài liệu dày, một đống báo cũ. Khi có không gian rồi, bạn sẽ lên tinh thần để tấn công những món nho nhỏ mà khó nghĩ.3. Loại đi những món đồ cũ: Ở thời đại tiêu dùng này, nhiều món đồ đã trở nên quá rẻ trong khi không gian ngày càng đắt đỏ. Bạn có thể quyến luyến với một cái máy ảnh cũ đã hỏng (“sửa lại vẫn dùng được mà!”), một cái điện thoại thừa ra hoặc mấy sợi dây cáp nối máy. Chuyên gia bảo hãy nghĩ xem chúng có cộng thêm giá trị gì cho đời bạn không, hay chỉ đơn thuần chiếm không gian và nằm yên vị từ năm này qua năm khác.4. Loại đi những thứ lỡ mua: Chuyện này rất hay gặp với các nữ nhân viên: rủ nhau đi siêu thị và ào ạt mua về những thứ mà sau này thấy vô dụng, thấy ghét. Bạn nên loại những món này ngay lập tức, ít nhất là không khiến bạn bực mình mỗi ngày.5. Sau một đêm mới vứt: Sau khi đã lọc ra những thứ cần vứt, bạn cứ để qua một bên, không việc gì phải bỏ ra thùng rác ngay. Hãy nghỉ tay, tắm rửa và ngủ ngon, đến sáng ra, theo lời chuyên gia, không thể sống nếu thiếu vật gì bạn sẽ biết ngay. Bạn có thể lôi ra lại từ đống đồ định bỏ và nâng niu lại như chưa có gì xảy ra!SAU KHI DỌNNói chung, khi một người quyết định dọn dẹp nhà cửa hay văn phòng, trong lòng người ấy đang có một cuộc cách mạng. Theo WebMD, cuộc cách mạng ấy là tiến bộ, nhiều thì muốn đời mình thay đổi lành mạnh hơn, ít thì cũng là để khỏi phải phát điên mỗi khi tìm chìa khóa.“Khi dọn dẹp rồi, năng lượng người ta hình như tăng cao - một chuyên gia nhận xét - Một khi đống bừa bãi được dẹp, nhiều người bắt đầu lao vào giải quyết các vấn đề khác”. Người ta tự thấy mình có can đảm dứt bỏ, nhìn thấy một việc được hoàn thành tới nơi tới chốn, tinh tươm. Có người đứng trong căn phòng gọn ghẽ mà ngạc nhiên với chính mình, tự thán phục mình. Cái năng lượng tự yêu mình ấy dùng được vào khối việc sau đó.Tuy nhiên, quan trọng là duy trì được việc gọn gàng. Cần hẹn với bản thân cứ đúng lịch là dọn dẹp, thậm chí hẹn luôn giờ dọn trên điện thoại, đồng hồ. Trong chế độ duy trì này, bám chặt một số nguyên tắc sau:1. Hạn chế đồ trang trí: Đặc biệt là ở văn phòng. Nếu có quá nhiều kỷ vật, mỗi lần chỉ nên bày một, hai món và luân phiên thay đổi.2. Nguyên tắc “Mang về 1 món bỏ đi 2 món”: đặc biệt là sách báo, đồ trang trí bàn làm việc. Với các bà nội trợ, nguyên tắc mua 1 bỏ 2 cần áp dụng triệt để với cái tủ lạnh!3. Giữ các mặt phẳng trống trơn: mặt bàn, mặt tủ là những chỗ rất tiện tay để vứt các thứ linh tinh. Kết thúc một ngày, bạn hãy kiểm tra để các bề mặt ấy trống hết mức có thể.4. Những thứ giống nhau phải ở cạnh nhau: nguyên tắc này đơn giản nhưng mọi người vẫn mắc - ngăn kéo nào cũng có một cái bút, một chai dầu gió, vài cái kẹp giấy...5. Số hóa tài liệu: Với một số hóa đơn, giấy tờ nho nhỏ dễ lạc, ngay khi nhận được bạn nên chụp ảnh hoặc scan lại, gửi vào hộp thư chuyên để trữ tài liệu, rồi vứt bản in giấy đi nếu không quá cần. Không để tích tụ.6. Gói gọn mỗi dự án: Mỗi khi xong một việc, dù trên máy hay trên giấy tờ, bạn nên dọn hết các bản nháp, lưu bản chung kết và cất vào một nơi, có ghi tên để khi cần gọi ra sẽ dễ. Tóm lại, dọn dẹp là một việc can đảm nhưng thú vị. Can đảm vì dám vứt bỏ. Thú vị vì đã... vứt được. Niềm vui và niềm kiêu hãnh đó bạn hoàn toàn có thể tự tạo cho mình mỗi ngày, ở bất cứ đâu, trong bất kỳ không gian nào. Nếu không để đời mình mạnh mẽ và ngăn nắp hơn thì ít nhất cũng để phòng... bớt bụi.■(*): tổng hợp và dịch. Tags: Văn phòngDọn dẹpTối giảnVứt bỏNgăn nắp
Tin tức thế giới 10-12: Israel chiếm đất Syria, Ai Cập lên án; Mỹ lên tiếng 'có lợi ích' ở Syria BÌNH AN 10/12/2024 Kế hoạch xây đại sứ quán mới của Trung Quốc tại Anh bị bác; Thái Lan bước đầu chặn được làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí cán bộ khi tinh gọn tổ chức bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Dinh tổng thống Syria hoang tàn sau khi ông al-Assad chạy ra nước ngoài LIÊN AN 10/12/2024 Dinh tổng thống, biểu tượng quyền lực suốt thời gian dài ở Syria, đã rơi vào cảnh hoang tàn chưa từng thấy sau khi Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước.
Tin tức sáng 10-12: Mở thêm đường sắt đô thị, tàu điện ngầm tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố TUỔI TRẺ ONLINE 10/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Khai mạc phiên họp 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét sáp nhập đơn vị cấp huyện, xã của tỉnh Ninh Bình; Tiếp tục triển khai đường sắt đô thị, tàu điện ngầm tại Hà Nội, TP.HCM...