​Muốn tự chủ đại học, phải có đường lối quản trị đúng

THƯ HIÊN THỰC HIỆN 20/08/2014 02:08 GMT+7

TTCT - “Mô hình viện nghiên cứu tách rời các trường ĐH và cơ chế bộ chủ quản là hai vấn đề lớn có tác động xấu đến sự phát triển của cả hệ thống giáo dục ĐH VN”.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Ảnh: Nguyễn Khánh
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Ảnh: Nguyễn Khánh

​GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nói với TTCT. 

Theo giáo sư Lâm Quang Thiệp, những nhược điểm trong quản trị giáo dục ĐH của VN cần được xét từ tầm vĩ mô, tức là cả hệ thống: “Điều đầu tiên là sự tách biệt của hai hệ thống: viện nghiên cứu và trường ĐH mà VN đã thực hiện theo mô hình Liên Xô, tách biệt nghiên cứu và đào tạo.

Giáo dục ĐH thì nghiên cứu và đào tạo là hai nhiệm vụ song hành, tách ra không chỉ làm yếu đào tạo mà còn làm yếu cả nghiên cứu, bởi bên ĐH tuy rất sẵn lực lượng làm nghiên cứu lại không có kinh phí để nghiên cứu, bên viện không có sinh viên nên nghiên cứu mà không có người kế thừa.

Có người nhận xét 70% những người có năng lực nghiên cứu nằm trong các trường ĐH của Bộ GD-ĐT nhưng kinh phí nghiên cứu rót cho Bộ GD-ĐT chỉ khoảng 7%. Tôi không chắc con số này là chính xác, nhưng thực tế đội ngũ nghiên cứu ở trường ĐH rất nhiều trong khi kinh phí nghiên cứu rót rất ít là điều chắc chắn.

Vấn đề này đã được nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn ra từ những năm 1990, sau khi tham vấn một số chuyên gia. Tôi chứng kiến ông và nguyên phó thủ tướng Nguyễn Khánh ngồi họp suốt bốn buổi liền với Hội đồng khoa học và công nghệ quốc gia để bàn thảo vấn đề này.

Cuộc họp có những tên tuổi nổi tiếng của giới nghiên cứu khoa học hồi đó như giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, giáo sư Nguyễn Văn Đạo. Kết thúc cuộc họp, tất cả thành viên tham dự đều đồng ý với ông Võ Văn Kiệt rằng cần phải đưa các viện về với các trường ĐH. Tiếc rằng sau cuộc họp, ý tưởng này không được thực thi”. 

* Lý do là gì, thưa giáo sư?

- Tôi ngẫm thế này: ở ta tách ra thì dễ, nhập vào lại rất khó, bởi tách ra thì thêm ghế, nhập vào thì mất ghế. Vì thế mà dự định của ông Kiệt thất bại. Về sau, hai viện lớn là Viện KHCN và Viện KHXH&NV khi thì là viện, khi thành trung tâm nhưng về cơ bản hệ thống viện nghiên cứu với trường ĐH vẫn bị tách rời.

Về chuyên môn, viện do Bộ Khoa học - công nghệ quản lý, trường ĐH do Bộ GD-ĐT quản lý. 

* Các ĐH quốc gia và ĐH vùng cũng được hình thành trong giai đoạn này trên cơ sở nhập một số trường ĐH với nhau?

- Hồi đó chúng ta thành lập trường ĐH theo mô hình của Liên Xô nên hầu hết các trường đều đào tạo đơn ngành, đơn lĩnh vực như ĐH Xây dựng, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Giao thông vận tải... ĐH Bách khoa Hà Nội tuy đào tạo đa ngành nhưng là đơn lĩnh vực, chỉ có kỹ thuật công nghiệp chứ không có kỹ thuật nông nghiệp...

Trong đào tạo ĐH thì có hai giai đoạn: đào tạo đại cương (tổng quát) và đào tạo chuyên ngành. Giai đoạn đại cương rất quan trọng bởi là quãng thời gian giúp người học khai phá kiến thức, hình thành phẩm chất của một người làm khoa học.

Muốn đào tạo tốt phải có thầy giỏi, trong khi các trường đơn ngành chỉ có thầy giỏi trong chuyên ngành của họ, làm sao có được những thầy giỏi ở các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội? Nhưng đó lại là ưu thế nổi bật của mô hình “University” ở Mỹ và các nước phương Tây.

Một ưu thế khác là dễ dàng tạo sự liên kết giữa những giáo sư ở các ngành khác nhau để cùng thực hiện những đề tài nghiên cứu tổng hợp - điều vô cùng cần thiết cho xu hướng nghiên cứu đa ngành như hiện nay. 

Hồi đó chúng tôi (Vụ ĐH, Bộ ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp) đã tư vấn cho bộ đề xuất Chính phủ thành lập ĐH theo mô hình University. Lúc đó chúng ta có Trường ĐH Tổng hợp, tiếng là lớn nhưng quy mô bé lắm, chỉ khoảng nghìn sinh viên. Vì thế phải nhập nhiều trường lại mới ra được một University.

Nhưng như trên đã nói, ở ta tách ra thì dễ, nhập vào rất khó nên các trường phản ứng. Để thế thì có 3-4 ông hiệu trưởng, nhập vào chỉ còn một ông hiệu trưởng. Cho nên chùng chình mãi không làm được, cuối cùng tất cả đi đến thỏa hiệp: nhập vào nhưng vẫn để riêng từng trường. Đó là lý do tồn tại một mô hình ĐH rất “riêng biệt” của Việt Nam hiện nay: trường ĐH hai cấp. 

* Tức là một ý tưởng đúng nhưng không thực hiện được, sau một quá trình thỏa hiệp thì ta có sản phẩm không giống ai phải không, thưa giáo sư? 

- Đúng thế. Trong quản trị giáo dục ĐH chúng ta cũng từng có những quyết định đúng, nhưng rồi không làm nổi. Ví dụ, nghị quyết 14 của Chính phủ ban hành năm 2005 về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục ĐH giai đoạn 2005-2020 đã đưa được nhiều nội dung tiến bộ vào, trong đó có việc bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Sau đó, trong chuyến sang Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (đi cùng có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân), các giáo sư ở các trường ĐH của Mỹ rất khen tinh thần của nghị quyết 14. Họ nói về phương hướng chung để xây dựng hệ thống giáo dục ĐH thì VN đã đi đúng đường, quan trọng là thực hiện thế nào.

Lẽ ra sau đó Bộ GD-ĐT phải có một chương trình hành động cụ thể nhưng họ chẳng làm. Giờ có nhiều nội dung trong nghị quyết 14 không được thực hiện. 

* Luật giáo dục ĐH cũng bỏ cơ chế bộ chủ quản? 

- Trên thực tế chúng ta vẫn thực hiện mô hình bộ chủ quản. Trong quản trị giáo dục ĐH, đây là một cơ chế rất dở bởi tước đoạt quyền tự chủ của các trường. Bộ chủ quản thì các trường phải trực thuộc.

Thành ra tất cả công việc quan trọng nhất của một trường ĐH là bộ quyết định chứ không phải trường quyết định, chẳng hạn như về nhân sự cao cấp và về tài chính. Nhân sự cao cấp là hiệu trưởng, hiệu phó thì bộ quyết định, tài chính cũng bộ quyết định. Hai cái đó bộ đều quyết định thì còn gì là tự chủ nữa?

* Giống như việc các văn bản luật và dưới luật quy định phải có hội đồng trường nhưng trên thực tế không mấy trường có?

- Lần đầu tiên chúng ta đề ra quy định phải có hội đồng trường là năm 2003 - trong điều lệ trường ĐH, sau đó đưa vào Luật giáo dục năm 2005, nhờ các chuyên gia đấu tranh mạnh mẽ. Năm 2011, khi xây dựng Luật giáo dục ĐH, trong lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng có ý kiến khác nhau về hội đồng trường, cho rằng thực tế bao năm qua cho thấy hội đồng trường không hoạt động được.

Họ còn đề nghị lấy ý kiến của các hiệu trưởng xem có cần hội đồng trường không! Mà chắc chắn 90% hiệu trưởng không thích hội đồng trường rồi (cười).

* Theo giáo sư, vì sao các hội đồng trường không hoạt động được? 

- Một trong những chức năng của hội đồng trường là đề cử hiệu trưởng. Ở các nước phương Tây, hội đồng trường rất mạnh nên họ cử luôn hiệu trưởng mà không cần ai duyệt. Nhưng hội đồng trường của mình không làm được điều đó, vì có một luật khác quy định Vụ Tổ chức bộ của bộ chủ quản phải lo việc bổ nhiệm hiệu trưởng.

Thử hình dung giờ mất cái quyền rất to là quyền làm nhân sự, bao nhiêu lợi ích trong cái quyền đó?

Muốn trao quyền tự chủ cho trường ĐH và thực thi quyền dân chủ thì trong một trường ĐH phải có hai thực thể: hội đồng trường và bộ máy của hiệu trưởng (chứ không chỉ riêng ban giám hiệu). Vai trò của hội đồng trường trong một trường ĐH giống như quốc hội của một quốc gia, bộ máy của hiệu trưởng giống như một chính phủ.

Hội đồng trường đưa ra đường hướng phát triển, các chủ trương quan trọng, còn trách nhiệm thực hiện là bộ máy của hiệu trưởng. Nếu trường chỉ có bộ máy của hiệu trưởng sẽ dẫn đến tình trạng hiệu trưởng tự quyết định hết mà không có ai kiểm soát.

Một khi có hội đồng trường thì hiệu trưởng chỉ là người có trách nhiệm thực hiện những cái mà hội đồng trường quyết định. Hội đồng trường tuy không can thiệp các việc mà hiệu trưởng làm nhưng họ có quyền phê phán, thậm chí cách chức nếu hiệu trưởng không làm được. 

Vì nhiều ràng buộc trong chính sách quản lý mà hội đồng trường ở ta cho đến nay hoạt động mang tính đối phó, hình thức. Có những hội đồng trường được thành lập nhưng chủ tịch lại là người trong trường, nhận lương của hiệu trưởng, có vị thế thấp hơn hiệu trưởng thì tác dụng gì?

Chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng ít ra phải ngang hàng nhau về vị trí công tác, nếu cao hơn và là người ngoài trường thì tốt nhất. Thành lập hội đồng trường nhưng hội đồng trường ngồi “cho có”, hiệu trưởng không cần đến hội đồng trường, bộ chủ quản cũng không cần đến hội đồng trường vì đã có hiệu trưởng báo cáo, vô hình trung vô hiệu hóa hội đồng trường.

Hội đồng trường là đại diện của sở hữu cộng đồng, bao gồm cả các phía có lợi ích liên quan cả bên ngoài trường ĐH. Một cán bộ cao cấp của Đảng từng phân tích trong một hội thảo về quản trị giáo dục ĐH rằng Đảng lãnh đạo dựa vào hệ thống giá trị mà Đảng theo đuổi chứ không phải dựa vào sự áp đặt bằng quyền lực, trong khi đó hội đồng trường là một thực thể quyền lực.

Sự lãnh đạo của Đảng ủy sẽ hỗ trợ những quyết định đúng đắn của hội đồng trường và ngăn chặn những quyết định không đúng đắn, do đó sẽ tạo sự đồng thuận trong nhà trường để nhà trường phát triển tốt. 

* Cảm ơn giáo sư!

Năm 2009, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức giám sát về giáo dục ĐH (báo cáo giám sát được trình Quốc hội năm 2010), chúng tôi lấy báo cáo của tất cả trường ĐH và đi khảo sát trực tiếp gần 100 trường ĐH và CĐ.

Theo báo cáo của các trường ĐH, lúc đó chưa đến 10 trên tổng số 441 trường có hội đồng trường. Chúng tôi đã đến ĐH Tây Nguyên - một trường có hội đồng trường nhưng hội đồng đó gần như không hoạt động vì chẳng có vai gì cả. Trong hội đồng có hai đại diện ngoài xã hội, trong đó có một doanh nhân nổi tiếng nhưng gần như họ chẳng tham gia gì. 

Theo tôi biết thì tình hình đến giờ không mấy thay đổi. Tổng số trường ĐH, CĐ trong cả nước tăng lên nhưng số trường có hội đồng trường và hoạt động có hiệu quả rất ít.

GS Phan Thanh Bình - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết hội đồng trường này hoạt động tương đối hiệu quả, nhưng tôi cho rằng nếu được như thế thì có thể do sáng kiến, bản lĩnh của cá nhân giáo sư Bình chứ không phải nhờ quy định chung. Mình cần là cần luật quy định để hội đồng trường nào cũng hoạt động được như hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM. 

Cái khó của các hội đồng trường bây giờ là thiếu những quy định cụ thể của luật. Hội đồng trường của Mỹ chẳng hạn (theo báo cáo của nhóm nghiên cứu ĐH Harvard) có nhiệm vụ quan trọng nhất là bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng.

Ở Pháp, một số hội đồng trường như trường ĐH quốc gia về nông nghiệp ở Toulouse còn quy định chủ tịch hội đồng trường phải là người ngoài trường.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận