TTCT - Thảm họa động đất ở Myanmar, éo le thay, đã đưa đất nước này trở lại với sự chú ý của thế giới, sau khi hầu như rơi vào lãng quên từ sau vụ chính biến ngày 1-2-2021 của giới quân nhân. Một nhân viên cứu trợ đang làm việc ở Mandalay ngày 31-3. Ảnh: Reuters"Động đất mạnh 7,7 độ. Mandalay, Myanmar. Ngày 28-3-2025, lúc 06:20:52 (giờ quốc tế UTC) 21,996° N (Bắc), 95,926°E (Đông), độ sâu 10,0 km". 06:20:52 giờ quốc tế, tức 12:50:52 giờ Yangon, ngày 28-3. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), kèm theo bản đồ tương tác, bản đồ rung lắc và bản đồ thông tin khu vực, chính thức loan báo vụ động đất mà giây lát sau sẽ trở thành thảm họa nhân đạo. Tới sáng 1-4, USGC loan báo liên tục 20 địa chấn quanh khu vực đó, cho thấy có thể tất cả vẫn chưa kết thúc.Từ khước từ cứu trợ...Qua hôm sau, thứ bảy 29-3, thượng tướng Min Aung Hlaing, chủ tịch Hội đồng hành chính nhà nước (SAC) kiêm thủ tướng Chính phủ, lên truyền hình loan báo với dân chúng rằng đã có thiệt hại đáng kể được báo cáo ở Mandalay, Sagaing và Naypyidaw, 144 người đã chết; thêm vào đó, 732 người bị thương, và dự kiến thương vong sẽ còn tăng cao nữa. Tướng Min Aung Hlaing, sau khi thông báo đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở tất cả khu vực bị ảnh hưởng, đã lẳng lặng cho hay ông "đã mở mọi kênh có thể để nhận hỗ trợ quốc tế". Ông nói: "Tôi muốn tiết lộ rằng Trung tâm AHA (Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm họa) đã xác nhận rằng hàng cứu trợ khẩn cấp sẽ được gửi vào ngày 29-3 và Ấn Độ cũng đã đề nghị gửi hàng cứu trợ trong ngày 29-3".Đây là chuyện cách đây chưa lâu còn là rất khó khăn. Giới quân nhân Myanmar vốn đã "quen" với một đất nước khép kín, bao gồm từ khước trợ giúp quốc tế bất kỳ từ đâu, đến mức khoảng thời gian này năm ngoái, chính xác là ngày 3-4-2024, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp phiên SC/15651 để bàn về tình hình không nhận trợ giúp nhân đạo, đặc biệt là trợ giúp cho trẻ em, ở một vài khu vực xung đột, gồm Myanmar, Sudan, Afghanistan, Ukraine và cả Gaza (bị Israel vây hãm)...Chuyện từ khước viện trợ gần nhất là sau khi cơn bão Mocha đổ bộ vào đất liền ngày 14-5-2023, chính quyền quân sự đã từ chối cấp phép đi lại và thị thực cho nhân viên cứu trợ để giải phóng các nguồn cung cấp khẩn cấp từ hải quan và kho hàng, hoặc không chấp nhận nới lỏng các hạn chế phiền hà và không cần thiết với hoạt động hỗ trợ cứu sinh.Bão Mocha là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào khu vực này, với sức gió mạnh nhất lên tới 250 km/h, để lại hậu quả tàn khốc. LHQ ước tính có 7,9 triệu người bị ảnh hưởng, với 1,6 triệu người cần viện trợ khẩn cấp trên khắp 5 tiểu bang và vùng của Myanmar: Rakhine, Chin, Sagaing, Magway và Kachin. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn tòa nhà bị hư hại. Sự cố mất liên lạc viễn thông làm chậm trễ việc tiếp cận và đánh giá nhu cầu, khiến cộng đồng càng thêm cô lập.Năm 2008, sau khi cơn bão Nargis giết chết 138.000 người, chính quyền quân sự khi đó từng bị cáo buộc là ban đầu từ chối không cho nhân viên và vật tư nhân đạo được tiếp cận các khu vực bị thảm họa.... Tới cấp tốc kêu gọi trợ giúpCó thể tạm kết luận rằng sau thảm họa thiên tai và nhân tai do từ khước trợ giúp quốc tế năm 2023, năm 2024, chính quyền Myanmar đã rút kinh nghiệm. Tướng Min Aung Hlaing đưa ra lời kêu gọi viện trợ nước ngoài hiếm hoi sau khi lũ lụt khiến ít nhất 33 người thiệt mạng ở nước này và buộc hơn 235.000 người phải rời bỏ nhà cửa hồi tháng 9. Lúc đó tại Myanmar, hơn 235.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt, tờ Le Nouvel Observateur 14-9-2024 ghi nhận. Nguyên nhân trực tiếp gây lũ lụt là bão Yagi, ảnh hưởng đến khoảng 70 thị trấn ở 9 tiểu bang và vùng miền trung, miền đông và đông nam, trang web chuyên cứu trợ reliefweb trích báo cáo của UNICEF và IFRC 18-9-2024.Thế cho nên, ngay sau vụ động đất kinh hoàng vừa qua, hôm 30-3, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao U Than Swe đã họp khẩn cấp với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN qua hội nghị truyền hình. Cuộc họp được triệu tập để điều phối hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ và phục hồi tại các khu vực bị ảnh hưởng ở Myanmar và Thái Lan sau động đất, tờ New Light of Myanmar (NLM) 31-3 đưa tin.Tại cuộc họp, ông U Than Swe bày tỏ lòng biết ơn đối với những bên đã hỗ trợ nỗ lực cứu trợ ngay sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ngày 28-3. Ông tóm tắt những nỗ lực của Chính phủ Myanmar trong cứu trợ và nêu ra yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp trong các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, nơi trú ẩn tạm thời và dịch vụ y tế khẩn cấp sau trận động đất khủng khiếp. Ông cũng cho biết cần thêm hỗ trợ đánh giá an toàn cho các công trình còn đang đứng vững và tái thiết hạ tầng đã sụp đổ. Và ông cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ đến những người bị ảnh hưởng và kêu gọi hỗ trợ thêm.Ảnh: ReutersMyanmar cũng có chuẩn bịThảm họa động đất hay bão lụt cũng như chiến tranh đều đòi hỏi các nước luôn chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Thiệt ra, Myanmar từng sắp sẵn từ tháng 12-2017 kế hoạch "Chuẩn bị và ứng phó tốt hơn", tên một dự án thực hiện tại nước này được đài thọ 800.000 euro từ Ủy ban châu Âu và Chương trình Phát triển LHQ. Từ dự án đó, trong thời gian từ 1-7-2017 tới 31-12-2018, những cơ quan hữu trách đã nghiên cứu, tính toán, hình dung ra thảm họa động đất có thể xảy ra ở Myanmar, từ đó cân nhắc năng lực của Chính phủ Myanmar, ở cấp quốc gia và địa phương, chống chọi với thiên tai, và chuẩn bị tốt hơn phục hồi các cộng đồng dễ bị tổn thương.Kết luận đầu tiên của dự án là một cảnh báo tổng thể: (1) Myanmar dễ xảy ra động đất vì nằm trên các đường đứt gãy chính như đứt gãy Sagaing, Kyauk Kyan và Kabaw. (2) Đất nước này đã chứng kiến những trận động đất tàn khốc trong quá khứ gần đây, dẫn đến mất mát về người, tài sản, sinh kế và các kiến trúc di sản. (3) Do đô thị hóa quá nhanh không theo kế hoạch, trong khi năng lực chuẩn bị ứng phó với động đất lại hạn chế, nên rủi ro động đất hiện tại đang gia tăng.Kết luận số 1 và số 2 coi như là thuộc phạm trù thiên tai, song kết luận số 3 lại thuộc phạm trù "nhân tai", tức liệu các chính phủ đã sẵn sàng những kế hoạch ứng phó tình trạng khẩn cấp hay không. Riêng về Myanmar, kế hoạch nói ở trên, trên lý thuyết, cũng đã chuẩn bị sẵn phần "phòng ngừa và ứng phó động đất cấp tiểu bang cho vùng Yangon". Nôm na mà nói, nhà chức trách Myanmar, từ thủ đô tới địa phương, đều đã biết phải làm gì khi hữu sự. Tối thiểu cũng phải đáp ứng ngay được các nhu cầu cấp thiết gồm: bữa ăn nóng, nơi trú ẩn khẩn cấp, nước sạch và nước uống, di tản cư dân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, theo bản kế hoạch.Nhưng trước mắt, tính đến ngày 2-4, số người chết đã lên tới hơn 2.700, theo nhiều hãng tin. Một báo cáo khác của reliefweb 30-3 cho biết cơ sở hạ tầng bao gồm sân bay (sân bay quốc tế Mandalay đóng cửa), cầu, trường đại học, khách sạn, di tích lịch sử và nhiều dịch vụ công thiệt hại nghiêm trọng: mạng lưới điện và thông tin gián đoạn, nhiều người dân mất nhà cửa và phải ngủ ngoài đường, hàng nghìn tòa nhà bị sập và các cơ sở công cộng hư hại nặng nề.Lần này, nhờ hỗ trợ quốc tế, phản ứng đã nhanh chóng hơn. Tỉ như Human Initiative, tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại Indonesia, đã cử đội phản ứng nhanh đến hiện trường ngay đêm đầu tiên động đất, tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở Naypyidaw và Mandalay, phối hợp với tình nguyện viên địa phương tại Myanmar và Thái Lan, tiến hành sơ tán cứu sinh, phân phối viện trợ thiết yếu cho người sống sót và đánh giá tác động của thảm họa, cũng theo reliefweb. Human Initiative phải phối hợp với BNPB (Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia) và cơ quan ngoại giao Indonesia tại Yangon.■ Trong bối cảnh đó, NBC News của Mỹ phê bình Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Bắc Kinh đi đầu trong nỗ lực cứu hộ quốc tế mà Hoa Kỳ quá vắng mặt. Một đội của Hoa Kỳ vẫn chưa xuất hiện tại hiện trường trận động đất ở quốc gia Đông Nam Á này, xảy ra cùng ngày Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo cho hàng nghìn nhân viên của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đơn vị quản lý viện trợ nước ngoài dân sự, rằng gần như tất cả các vai trò của họ đã bị xóa sổ". NBC nêu dẫn chứng: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Myanmar, một trong những nước nghèo nhất thế giới, cho biết trong một bài đăng trên X rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp 2 triệu đô la viện trợ qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar. Trong khi đó, Trung Quốc đã công bố khoản viện trợ 14 triệu đô la trực tiếp cho Myanmar. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Động đất Myanmar Tiếp theo Tags: Cứu trợCứu hộ ở MyanmarThảm kịchTrung QUốcĐộng đất,
Gia hạn hơn 100.000 tỉ đồng thuế và tiền thuê đất năm 2025 ÁNH HỒNG 07/04/2025 Theo ước tính, tổng số thuế được gia hạn trên cả nước là gần 102.000 tỉ đồng, trong đó số thuế giá trị gia tăng dự kiến được gia hạn là 62.000 tỉ đồng.
Dior âm thầm gỡ hình ảnh Thùy Tiên sau vụ kẹo rau củ Kera TÔ CƯỜNG 07/04/2025 Một số tin tức nổi bật: Dior âm thầm gỡ hình ảnh Thùy Tiên sau vụ kẹo rau củ Kera; Nam vương Lào gây chú ý bởi một nhan sắc của thí sinh; Khán giả nhí bị cảnh sát đuổi khỏi rạp vì cảnh 'Chicken Jockey'...
Giá vàng lên xuống chóng mặt ÁNH HỒNG 07/04/2025 Giá vàng lần đầu xuống dưới mốc 3.000 USD kể từ giữa tháng 3-2025.
Giá dầu thế giới giảm mạnh, Nga đánh giá tình hình 'hỗn loạn, căng thẳng' THANH BÌNH 07/04/2025 Điện Kremlin cho rằng giá dầu giảm là hệ quả của tình hình kinh tế toàn cầu đang vô cùng căng thẳng.