Nam Phi "thi thử" World Cup

HUY THỌ (TỪ NAM PHI) 05/07/2009 09:07 GMT+7

TTCT - Đúng một năm nữa World Cup 2010 sẽ diễn ra tại Nam Phi - quốc gia đầu tiên của lục địa đen vinh dự được tổ chức ngày hội bóng đá thế giới.

Đúng một năm trước ngày khai cuộc World Cup, Nam Phi đã tổ chức Confederations Cup mà Brazil đăng quang rạng sáng 29-6. Giải đấu này được ví như một kỳ thi thử cho chủ nhà Nam Phi, và họ đã đạt điểm cao...


 
 Ảnh: Eurosports



Một trong những điều mà FIFA ngại nhất là trình độ đá bóng của đội chủ nhà quá kém cỏi. Bởi làm sao có một ngày hội thật sự nếu chủ nhà làm khách quá sớm?

Điểm 10 chuyên môn

Nam Phi xưa nay chưa phải là đội hàng đầu châu Phi, vậy nên FIFA rất muốn xem đội chủ nhà chơi như thế nào tại cuộc “thi thử” ở Confederations Cup 2009. 

FIFA đã cử đến đây hơn 20 chuyên gia để làm nhiệm vụ thống kê, ghi chép, đánh giá về chất lượng giải đấu, đặc biệt với đội chủ nhà. Tờ Nation của Nam Phi sung sướng chạy nhan đề lớn với vỏn vẹn hai chữ “Very good” (Quá hay!) do đại diện của nhóm chuyên gia này đánh giá.

Confederations Cup năm nay là một giải đấu vào loại hấp dẫn nhất trong lịch sử còn mỏng manh của nó. Chí ít người ta cũng nhớ đến một đội Mỹ làm nên điều kỳ diệu là quật ngã số 1 châu Âu Tây Ban Nha và suýt làm đội quân vàng - xanh ôm hận. 

Và một điều cũng rất quan trọng: chủ nhà Nam Phi đã làm cho FIFA yên tâm rằng tại World Cup 2010 họ sẽ không chịu đóng vai phụ trong vở đại kịch của bóng đá thế giới!

Tại cuộc “thi thử”, Nam Phi đã khiến Brazil “lên ruột” ở bán kết khi cầm cự ngon lành đến gần hết trận. Phải đến phút 88, hậu vệ Alves mới giúp Brazil thở phào nhẹ nhõm bằng một cú sút phạt thần sầu. 

Tiếp đến đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng FIFA cũng hú hồn với Nam Phi trong trận tranh hạng ba. Bàn thắng mở tỉ số của Mphela (9) từ cú sút phạt gần 30m đã được bình chọn là một trong những bàn đẹp nhất của bóng đá thế giới tuần qua.

Nam Phi cũng làm hài lòng FIFA khi tổ chức các hoạt động đi kèm nhằm tạo nên không khí lễ hội bóng đá. 

Ví dụ trong thời gian diễn ra cuộc “thi thử” tại quảng trường Nelson Mandela, chủ nhà đã tổ chức một giải bóng đá mini phong trào rất sôi động. Ở đó, trong sân được bao kín bằng lưới, các cầu thủ phong trào đua tranh hào hứng.

Bao quanh là những cửa hàng bia luôn sôi động của mọi người ưa thích hội hè và cả ưa thích những màn múa cổ động bốc lửa của các cô gái chân dài, biểu diễn giữa các hiệp đấu! 

Rồi Fan’s Fest, một mô hình thành công của Đức hồi World Cup 2006, cũng được Nam Phi học theo bằng một màn hình khổng lồ dành cho người không có vé, ngay gần sân vận động...

Nỗi lo an ninh?

Nỗi lo an ninh khi đến Nam Phi không phải là không có lý. Bạn hãy vào Wikipedia mà xem: Nam Phi được gọi là “thủ đô của nạn cưỡng hiếp”! Báo hại mấy cô gái đi chung đoàn chúng tôi mới 6g chiều đã lo về khách sạn, dứt khoát không chịu đi đâu.

Và sau bữa tối ở khách sạn thì lo về phòng cửa đóng then cài! Cũng trong Wikipedia: “Tội phạm là một vấn đề nổi bật của Nam Phi trong những năm đầu thế kỷ 21”. 

Rồi vào đầu năm 2008, Hiệp hội các nhà hàng Nam Phi (RASA) bắt buộc phải nâng xếp loại an ninh các nhà hàng ở thủ đô thành “khu vực cẩn thận”, khi tệ nạn xông vào cướp bóc ngay trong nhà hàng gia tăng đáng kể. 

Theo RASA, chỉ trong tháng 1-2008 đã có 15 người bị giết trong 687 vụ tấn công tại các nhà hàng thành viên của hiệp hội này.

Ngay ở vòng loại Confederations Cup 2009, các cầu thủ Ai Cập đã bị trộm viếng lấy mất 2.400 USD! Giá trị vật chất thiệt hại không lớn nhưng hình ảnh Nam Phi sứt mẻ nghiêm trọng. 

Sau đó, cảnh sát Nam Phi đã “cứu nguy” cho chính mình khi đưa ra các bằng chứng cho thấy cầu thủ Ai Cập đã rước “chị em ta” vào phòng vui chơi và bị chính các cô gái này cuỗm tiền! 

Nhưng, nói gì thì nói, việc bảo vệ phải lỏng lẻo thế nào mới có chuyện để cầu thủ rước gái làng chơi về phòng mà không hay. Nên nhớ, tại những giải đấu ở khu vực “vùng trũng” bóng đá thế giới như AFF Cup, nơi trú ngụ của các đội bóng đều luôn được cảnh sát canh gác nghiêm ngặt, không thể có chuyện “chị em ta” ra vào hành nghề được.

“Ở World Cup 2006, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người xem bóng đá qua truyền hình cao hạng tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Brazil và nước chủ nhà Đức. Tôi hi vọng với World Cup 2010 tại Nam Phi, số người Việt Nam xem bóng đá sẽ tiếp tục tăng” - Yamaguchi, trưởng điều hành Dentsu Alpha, công ty giữ bản quyền truyền hình World Cup 2010 tại VN.

Dù vậy Lindsey Kann, nữ hướng dẫn viên du lịch (gốc Anh) theo sát đoàn chúng tôi, khẳng định: “Vấn đề tội phạm đang dần trở thành chuyện quá khứ. Những con số mà Wikipedia đưa ra đều được thống kê cách đây vài năm". 

"Chính phủ đã rất nỗ lực giải quyết tệ nạn này từ khi được FIFA trao quyền tổ chức World Cup... Các bạn có thể đi lang thang ngoài phố vào ban đêm nhưng làm ơn đừng đi vào những nơi phức tạp”.

Tôi và một anh bạn trong đoàn đã thử nghiệm điều đó, đi bát phố đến gần nửa đêm và chứng thực người Nam Phi rất nhộn, hiếu khách.

Thomas, một cổ động viên môn bóng bầu dục đến từ Anh, cũng chứng thực cho lời Lindsey Kann khi cho biết: “Mỗi năm, làm gì thì làm chúng tôi đều không thể bỏ qua hai trận đấu kinh điển của đội nhà với Nam Phi và Úc (ba đội thi đấu vòng tròn trên sân nhà, sân khách để tranh giải thưởng lớn môn bóng bầu dục)". 

"Hàng ngàn cổ động viên chúng tôi hăng năm đều đến Nam Phi mà năm nay đúng vào dịp Confederations Cup. Chưa bao giờ có chuyện không hay xảy ra cho chúng tôi. Nếu có, chắc Nam Phi sẽ không thu hút cả chục triệu khách du lịch mỗi năm”.

Một đất nước thú vị

Nam Phi có diện tích gần gấp bốn lần VN, nhưng dân số chỉ bằng một nửa. Đặc biệt quốc gia này có đến ba thủ đô: Cape Town (thủ đô lập pháp), Pretoria (thủ đô hành chính) và Bloemfontein (thủ đô tư pháp).

Đặc sản nổi tiếng nhất của Nam Phi là hai thứ mà du khách bình thường không mơ đến nổi: vàng và kim cương - hai thứ đã biến vùng đất này trở thành miếng mồi béo bở, thu hút thực dân da trắng kéo đến vào thế kỷ 19.

Và cũng nhờ nó mà Nam Phi trở thành đất nước khá giàu có, xếp hạng 32 thế giới tính theo GDP. 

Song sự phân hóa giàu nghèo rất lớn ở quốc gia này, rõ nhất tại thị trấn Soweto thuộc TP Johannesburg (nơi diễn ra trận chung kết Confederations Cup giữa Brazil với Mỹ) mà trong các tour du lịch thể nào du khách cũng được đưa đến. Ở đó có nhiều con đường mà bên này là những biệt thự sang trọng còn bên kia là những khu ổ chuột với nhà cửa toàn bằng thùng cactông, tôn cũ!

Cũng rất thú vị khi đến Nam Phi là đi thăm khu bảo tồn động vật hoang dã Krugersdorp vào loại số 1 thế giới, nơi du khách không cần qua rào ngăn vẫn có thể đến gần sư tử, tê giác, trâu rừng, voi, báo (năm loài động vật đặc trưng của Nam Phi, được in trên năm loại tiền giấy mệnh giá 200 rand, 100 rand, 50 rand, 20 rand, 10 rand)!

Và nếu có dư dả thời gian lẫn tiền bạc rủng rỉnh, bạn có thể làm một chuyến đến mũi Hảo Vọng nổi tiếng thế giới, nơi giao nhau của dòng nước lạnh Đại Tây Dương với dòng nước ấm của Ấn Độ Dương. Chỉ riêng nơi này, mỗi năm Nam Phi thu hút khoảng 5 triệu du khách.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận