TTCT - Hiện nay, nhiều người dân Sài Gòn chịu khó bỏ “ngủ nướng” để dậy sớm luyện tập thể dục thể thao. Bởi theo họ, đó là thời điểm duy nhất trong ngày được hít thở không khí trong lành sau một ngày mệt nhoài vì công việc, khói bụi, kẹt xe... Tập chạy bộ ở công viên. Ảnh: Gia TiếnGần 4g30 sáng, từ những con đường lân cận đến trung tâm Thảo cầm viên, hàng trăm người len lỏi dưới con đường rợp bóng cây xanh. Có nhóm chạy, có nhóm đi, có nhóm tập thể dục nhịp điệu bài bản theo tiết tấu âm nhạc, có nhóm thi triển những bài quyền võ cổ truyền... Ẩn trong góc khuất vườn hoa, một bà lão đầu tóc bạc trắng chắp tay ngồi bất động, thi thoảng đứng dậy múa vài động tác “nhu chế cương” lả lướt như lá vàng rơi. Bà lão nhà ở quận 1, tên Nguyễn Thị Đãnh, 80 tuổi. Bà nén tay “khí tụ đan điền” rồi nhẹ giọng: “4g sáng là tôi có mặt ở đây để luyện khí thái cực quyền, chỉ duy nhất giờ này mới tìm được chút yên tĩnh của khoảng không trong lành. Mọi người chọn kiểu tập khác nhau để giữ gìn sức khỏe, có lúc tôi còn thấy người ta gõ mõ luyện tâm...”.Muôn mặt ở công viênTờ mờ sáng, công viên 23-9 rộng lớn luôn nhộn nhịp không khí tập thể dục. Những dụng cụ như lắc bụng, xà đơn, chạy tại chỗ... được gắn hỗ trợ luôn hoạt động hết công suất bởi người tập cứ xếp hàng chờ đợi. Anh Lê Minh Chiến, 37 tuổi, vừa lắc eo, vừa thở hổn hển, cho biết: “So với cách đây vài năm, số lượng người đi tập buổi sáng tại công viên này tăng đột biến, còn buổi chiều thì thưa thớt. Có lẽ ngoài buổi sáng, thời gian còn lại sẽ bị phản tác dụng khi tập luyện do khói bụi, kẹt xe và không khí xô bồ ở Sài Gòn”.Có lẽ vui nhộn nhất ở Sài Gòn mỗi buổi sớm chính là đoạn ngắn Lý Thái Tổ, quận 10 nối dài đến “công viên bé” Hùng Vương. Tại chốn này mỗi sáng, người ta có thể thấy các loại trang phục thể thao và đủ dáng người.Ngay góc nhỏ ven đường Hùng Vương có ba cụ bà dáng nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi đang vui kể chuyện gia đình. Cụ lớn nhất là Huỳnh Thị Liên, 84 tuổi, nhà ở đường Trần Phú và nhỏ nhất là cụ bà Nguyễn Thị Anh, 73 tuổi (nhà ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) đã thành lệ ra công viên từ hơn 20 năm nay. Sáng nào cũng vậy, ba cụ lại hẹn nhau tập thể dục và bàn chuyện đời. Cụ Anh cho biết: “Trước đây còn khỏe thì hăng lắm, giờ thì vừa tập vừa chơi là chính thôi”. Ngồi giữa hai bà cụ trên là bà Trần Thị Nguyệt Ngời, 83 tuổi, mỗi sáng bà từ chợ Bàn Cờ cùng ông xã chạy bộ tìm về đây. Với đôi chân run rẩy, đôi tai nghễnh ngãng phải dùng máy trợ thính nhưng hơn 20 năm nay hiếm có hôm nào hai ông bà bỏ tập nghỉ ở nhà. Bà nói: “Đã thành lệ rồi nên hôm nào có chuyện không đi được phải ở nhà là ngơ ngác như người mất hồn đến cả tiếng đồng hồ". "Người già chúng tôi không có nhiều thú vui, chỉ mong mỗi sáng thức dậy đủ sức ra đây gặp bạn bè hàn huyên là hạnh phúc lắm rồi”.Là một thanh niên hiếm hoi giữa chốn công viên mỗi sáng, bạn Huỳnh Thị Hoài Thu, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Trước đây tôi lười tập thể dục lắm nên thường bị chọc ghẹo về ngoại hình “thất vọng chiều cao, tự hào bề rộng”. Theo bạn bè chiều đi học bơi, sáng dậy sớm chạy ra công viên hít thở không khí, giờ tôi thon thả hơn nhiều mà tinh thần cũng thoải mái hơn, thể dục buổi sáng giúp mình bền bỉ, tự tin...”. Riêng cụ ông Lã Được (nhà ở quận Bình Thạnh) trên 80 tuổi, chia sẻ: “Ngày còn trẻ tôi đã có thói quen chạy xe đạp đến đây tập thể dục". "Gần 30 năm trôi qua, bây giờ sức khỏe không còn như trước, thành phố cũng chật chội và bớt trong lành hơn nhưng mỗi sáng tôi vẫn đạp xe đến đây nghe đài và hít chút không khí trong lành hiếm hoi trước bình minh”. Theo nhiều người chạy bộ buổi sáng, “nếu ai thích xem múa kiếm thì đến Tao Đàn”. Ở đây mỗi buổi sáng đều có một vài cao nhân ẩn dưới tán cây cổ thụ thi triển những đường kiếm đẹp để nâng cao kiếm thuật và rèn luyện thân thể. Riêng công viên 30-4 cạnh nhà thờ Đức Bà và công viên Hoàng Văn Thụ, ngoài đi bộ và chạy bộ, đây là nơi mà từng nhóm khoảng 10 người mang cả lưới căng ngang để đánh cầu lông. Một vận động viên “công viên” giải thích: “Sân chơi ít quá, gia đình, bạn bè chúng tôi có tiền nhưng đâu phải bỏ tiền ra là có chỗ đàng hoàng. Đó là chưa kể đến chuyện có gần nhà mình không nữa. Thôi giăng đại ngoài trời đánh cho sảng khoái rồi đi làm... Chỉ riêng chuyện sân bãi đã thấy người nghèo, người bình dân muốn tập thể dục cũng lắm nhiêu khê”.Tập kiểu... “tắc kè hoa”Mấy năm qua người dân ngụ đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh quá quen với hình ảnh một ông già chạy thể dục buổi sáng với ngoại hình... không đụng hàng. Đầu đội mũ phủ vành, mắt đeo kính đen, miệng bịt khẩu trang. Vừa đi vừa chạy kết hợp nhiều động tác kỳ lạ. Ông tên Phó Minh Triều, 75 tuổi, từng công tác ở xưởng đóng tàu Ba Son. Ông tâm sự: “Làm nổi cái gì, già cả rồi, mở kính ra thì bị đau mắt, mở khẩu trang thì bị viêm xoang. Nhiều người cũng tập thể dục kiểu “tắc kè hoa” như tôi. Môi trường thế nào thì biết cách thích nghi mà tập, coi chừng bị phản tác dụng là nguy to. Mỗi ngày tôi bỏ ra hai giờ buổi sáng tập bài tập dưỡng sinh này do bác sĩ Hưởng (cố bộ trưởng Bộ Y tế của Việt Nam dân chủ cộng hòa - PV) dạy riêng nên tôi tập khỏe đến giờ”.Nhiều người dân ngại đi xa chọn cho mình cách tập thể dục khác như chạy vòng quanh con đường gần nhà, nhưng gần đây “lô cốt” khắp nơi, muốn tìm một khoảng không yên tĩnh, trong lành không phải dễ. Ông Lê Văn Lan (đường Trần Quang Khải, quận 1) vuốt những giọt mồ hôi trên mặt, tâm sự: “Cách đây mấy tháng con đường này có nhiều người chạy thể dục lắm". "Nhưng khoảng tháng nay mấy cái “lô cốt” dựng lên, bụi bay mù mịt nên ai cũng nản lòng, họ bỏ dần rồi chẳng mấy người đi nữa. Tôi cũng phải “lánh nạn” qua một con đường khác. Thành phố càng ngày hiếm không gian cho những người già như chúng tôi”. Dạo quanh khu vực quận Gò Vấp, rất dễ gặp nhiều người mải miết chạy bộ trên lề đường đầy bụi và bêtông nằm ngổn ngang trên vỉa hè. Khó mà tìm thấy một khoảng trống xanh của công viên tại khu vực này. Đỗ Thị Phương Thảo, SV ĐH Kinh tế, cho rằng: “Thành phố quá ít sân chơi, cách đây không lâu mình có đến công viên Lê Văn Tám tập thể dục nhưng công viên thì nhỏ, người thì đông. Nhiều người phải chiếm cả lề đường để làm sân chơi”. Cũng đi tập thể dục như bao người nhưng bà Trần Thị Xụ, đường Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận, lại có câu chuyện riêng của mình. Trước đây nhà bà ở đường Hai Bà Trưng, ngày nào bà cũng ra công viên Lê Văn Tám tập thể dục, gần đây chuyển về quận Phú Nhuận nhưng ngày nào bà cũng đón xe ôm về đây gặp lại bạn bè. Bà Xụ chia sẻ: “Ở bên đó ít không gian, ít bạn bè tôi không quen, với lại tập ở đây mấy chục năm rồi, đi nơi khác thấy không thoải mái tí nào”. Khi nghe tin công viên này có thể bị giải tỏa để xây một hầm giữ xe lớn và hàng ngàn người dân TP.HCM có thể mất cơ hội tìm được chút trong lành ở nội ô thành phố, gương mặt bà Xụ buồn thấy rõ... Tags: Công viênTập thể dụcChạy bộBuổi sáng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.