Nền giải trí vận đồ ngủ

NHÃ XUÂN 19/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - Nếu ví ngành giải trí thế giới như một bộ phim, thì có lẽ cơn đại dịch COVID-19 đã bấm nút “pause” để tạm dừng, hoặc chí ít chuyển nó sang chế độ slow-motion (chuyển động chậm).

Ảnh: Cathryn Virginia/billboard.com
Ảnh: Cathryn Virginia/billboard.com

Trong khi người dân các nước phải (hoặc được khuyến khích) tự cách ly ở nhà để ngăn dịch bệnh lây lan thì thế giới giải trí - bao gồm điện ảnh, kịch nghệ, các sự kiện văn hóa giải trí - cũng phải “phong tỏa”: hàng loạt tụ điểm vui chơi bị đóng cửa, các dự án sản xuất, ra mắt phim, nhạc lần lượt bị hủy, hoãn.

Sau một thời gian thích nghi dần với “cú pause” bất ngờ này, những người trong cuộc đang dần tìm cách để “sống chung với lũ”, dẫn đến nhiều sự thay đổi trong cách thức mà ngành giải trí xưa nay vẫn vận hành.

“Nền giải trí pyjama”

Hạ tuần tháng 3, DJ nổi tiếng người Mỹ D-Nice tổ chức một buổi tiệc khổng lồ kéo dài đến 9 tiếng với hơn 100.000 người tham dự, trong đó rất nhiều cái tên nổi tiếng như Jamie Foxx, Alicia Keys, Naomi Campbell, John Legend, Michelle Obama…

Phải chăng những tên tuổi này phớt lờ các yêu cầu giãn cách xã hội và coi thường bệnh dịch? Sự thật là buổi tiệc âm nhạc diễn ra tại… căn bếp của D-Nice, nơi “chủ xị” ăn vận đơn giản chơi nhạc và trò chuyện với người tham dự qua màn hình trực tiếp trên Instagram Live.

“Từ trong căn bếp của mình, tôi có thể gửi đến các bạn những rung cảm tích cực. Cảm ơn vì đã “cháy” hết mình cùng tôi” - D-Nice chia sẻ về bữa tiệc anh tổ chức nhằm cổ vũ tinh thần những người đang tự cách ly tại nhà.

Buổi phát sóng trực tiếp của D-Nice là một điển hình của “nền giải trí vận đồ ngủ” hay “nền giải trí pyjama”, theo cách gọi của cây bút Steven Zeitchik của tờ Washington Post. Trong bài viết “Nền giải trí pyjama, sự thay đổi văn hóa mới nhất của kỷ nguyên virus corona”, Zeitchik cho rằng sản phẩm của hình thức giải trí mới này là những sáng tạo mang tinh thần “giản dị ở nhà” mà nhiều người Mỹ đang cảm thấy trong những ngày tự cách ly.

Bài viết trên Washington Post cũng trích lời Preston Beckman, người từng có nhiều năm làm giám đốc điều hành cho FOX và NBC, cho rằng “thời corona” chính là “thời điểm của sự sáng tạo, của những thứ không phải bóng bẩy hay xinh đẹp, mà quan trọng là tính giải trí”.

Thế nào là gạt bỏ những thứ “bóng bẩy hay xinh đẹp”? Chương trình The Rosie O’Donnell Show do nữ diễn viên hài nổi tiếng Rosie O’Donnell thực hiện nhằm gây quỹ ủng hộ các nghệ sĩ đang gặp khó khăn khi giới giải trí bị “đóng băng” vì COVID-19 hồi tháng trước là một ví dụ.

Suốt show diễn kéo dài 3 tiếng rưỡi được livestream trực tiếp trên kênh YouTube của nhà hát kịch Broadway, Rosie O’Donnell xuất hiện không trang điểm, ngồi trong garage nhà mình trò chuyện cùng khách mời, những người cũng đang “ai ở đâu yên đấy”, qua video call.

Các khách mời của chương trình cũng “biểu diễn” từ nhà mình: nữ diễn viên Patti LuPone dẫn người xem dạo một vòng tầng hầm của cô, trong khi nữ diễn viên nhạc kịch Broadway Adrienne Warren thì khoe giọng hát từ trong… bồn tắm ở nhà.

“Khán giả bây giờ không quan tâm là khách mời có trang điểm, làm tóc hay phục sức lộng lẫy hay không nữa” - Paul Wontorek, biên tập trang Broadway.com kiêm đạo diễn The Rosie O’Donnell Show, nhận định.

Bản thân Wontorek cũng thực hiện việc chỉ đạo chương trình từ xa ở nhà của mình. Theo vị đạo diễn, chính tinh thần “anh ở trong bếp nhà anh, tôi ở phòng khách nhà tôi” của các ngôi sao tham gia buổi diễn nói trên giúp người hâm mộ “hiểu thêm về nghệ sĩ theo cái cách mà trước đây mình chưa hề biết đến”.

Lối đi hay nhưng có trường tồn?

Một sự kiện mà toàn bộ các nghệ sĩ tên tuổi như Alicia Keys, Billie Eilish, Mariah Carey và Sam Smith đều biểu diễn từ phòng khách nhà mình là The iHeartRadio Living Room Concert for America, chương trình tôn vinh những người đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Mỹ, được phát trực tiếp trên kênh truyền hình FOX ngày 29-3.

Gần đây, nhiều ngôi sao ca nhạc như Chris Martin, Yungblud, Christine And The Queen, Keith Urban… cũng tổ chức các buổi biểu diễn ngẫu hứng tại gia trên các nền tảng mạng xã hội, tích cực giữ liên lạc với người hâm mộ trong những ngày không ai có thể ra khỏi nhà này.

Nếu văn hóa nổi tiếng đã biến người bình thường thành ngôi sao, thì “nền giải trí pyjama” lại biến các ngôi sao thành người bình thường, không còn lớp bóng bẩy, hào nhoáng của truyền hình hiện đại. Không phải lo địa điểm tổ chức, còn thiết bị phát trực tiếp, công nghệ và lượng người hâm mộ thì đã sẵn, các nghệ sĩ chỉ cần có thêm óc sáng tạo là có thể gia nhập “cuộc chơi” pyjama.

Nhưng câu hỏi là liệu khán giả sẽ hứng thú với loại hình này trong bao lâu? Phải chăng khi cảm giác mới lạ của việc nhìn ngắm các ngôi sao trong bộ đồ ngủ mất đi thì xu hướng này cũng sẽ biến mất nhanh như lúc nó đến?

Đã có các ý kiến lạc quan từ người trong cuộc, rằng “nền giải trí pyjama” sẽ không bị Hollywood đánh bại, mà ngược lại, sẽ hòa nhập “một cách cẩn thận” vào đó. “Tôi nghĩ chúng có thể cùng tồn tại. Ai đó sẽ tìm ra cách giữ được sự gần gũi đó và biến nó thành một hiện tượng đại chúng” - Preston Beckman nói.■

Stageit, nền tảng cho phép các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, kiếm tiền, tương tác với người hâm mộ từ bất cứ đâu, cũng “ăn nên làm ra” nhờ đại dịch. Khi các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội bắt đầu được áp dụng khắp thế giới, Stageit thu về 250.000 USD chỉ trong một tuần vào giữa tháng 3.

Theo Forbes, người dùng đăng ký tài khoản trên Stageit chỉ mất nửa đôla là có thể mua được “ghế hạng nhất” để xem các buổi diễn của các nghệ sĩ tên tuổi như Jon Bon Jovi và Sara Bareilles qua livestream.

Ngay cả Nhà hát Metropolitan Opera ở New York cũng tiến hành streaming các buổi biểu diễn hằng đêm của mình trên dịch vụ này.

Stageit hiện có hơn nửa triệu người dùng và vừa “bỏ túi” thêm 10.000 người đăng ký chỉ trong hai ngày, sau khi tổ chức lễ hội âm nhạc ảo Shut In & Sing hồi tháng trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận