Nếu phải "đếm tháng kể ngày" đi học…

HOÀNG THI 02/11/2023 05:00 GMT+7

TTCT - Một năm nên học mấy ngày? Mỗi ngày ngồi trong lớp mấy giờ? Câu trả lời tùy vào nơi được hỏi.

Ảnh: woodleywonderworks/Flickr

Ảnh: woodleywonderworks/Flickr

Tìm con số thích hợp nhất cho một năm học là vấn đề "đến hẹn lại lên", và ai cũng kỳ vọng học sinh sẽ là người cuối cùng được lợi, dù điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra.

Nhiều nhất 220 ngày/năm

Tại Mỹ, suốt 100 năm qua, 180 luôn được xem là "đại diện quốc gia" cho số ngày trung bình học sinh phải đến trường trong năm, còn con số cụ thể của từng bang có thể khác nhau.

Cứ vào mỗi đầu năm học, Trung tâm nghiên cứu Pew lại phân tích dữ liệu của Ủy ban Giáo dục Mỹ về số ngày đến trường của học sinh. Năm nay, khoảng 30 tiểu bang chọn để năm học kéo dài 180 ngày, chứng tỏ con số này vẫn đủ sức làm chuẩn chung. 

Với chuẩn này, có thể hiểu nôm na học sinh Mỹ sẽ được nghỉ đến quá nửa năm. Ấy vậy mà vẫn có bang quy định năm học còn ngắn hơn: 7 bang dưới 180 ngày, điển hình là Minnesota (165 ngày) và Colorado (160). "Quán quân" học nhiều là bang Kansas với 186 ngày.

Nhiều địa phương không dùng đơn vị ngày mà dùng giờ. Nếu tính theo cách này, con số được nhiều tiểu bang chọn nhất là 990 giờ học mỗi năm. Khác biệt sẽ theo cấp lớp. Ví dụ, South Dakota đặt ra mức tối thiểu là 875 giờ học mỗi năm đối với học sinh lớp 4 nhưng yêu cầu 962,5 giờ học đối với học sinh lớp 8. Đối với học sinh lớp 11, số giờ tối thiểu trong một năm học dao động từ 720 giờ ở bang Arizona đến 1.260 giờ ở bang Texas.

Vậy 180 ngày hay 990 giờ mỗi năm là nhiều hay ít? Thử nhìn ra các nước khác. Vẫn theo số liệu của Pew, học sinh tiểu học Nga dành 470 giờ trên lớp mỗi năm, ít hơn một nửa so với các bạn Mỹ. Học sinh ở Nga đi học 5 ngày một tuần và thường vô học từ 8h sáng, ra về lúc 1 hoặc 2h chiều. Thời gian tối thiểu mà học sinh được xả hơi trong các kỳ nghỉ mỗi năm thường là 4 tháng.

Một thống kê do Liên minh châu Âu thực hiện chỉ ra số ngày học của một học sinh tiểu học các nước trong khối dao động từ 165 - 200 ngày. Ít nhất là ở Albania và Malta với 165 ngày học, nhiều nhất là Đan Mạch và Ý với 200 ngày. 

Khoảng một nửa số quốc gia trong khối quy định học sinh tiểu học đến trường từ 170 - 180 ngày và 13 quốc gia ấn định con số từ 181 - 190 ngày. Ở phần nhiều các nước châu Âu, số ngày học ở cấp tiểu học và trung học khá tương đồng.

Tại Nam Mỹ, học sinh Brazil đến trường 200 ngày mỗi năm, nhưng các em chỉ học 4 giờ mỗi ngày theo ca sáng hoặc chiều. Nhật và Hàn Quốc ghi nhận số ngày học tối thiểu thường trên 200. 

Năm 1996, nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy học sinh Nhật phải đi học đến 240 ngày trong năm. Hiện con số này giảm còn 210 ngày. Còn học sinh Hàn Quốc hiện phải đi học trung bình 220 ngày mỗi năm, được xem là nhiều nhất hiện nay.

Ảnh: STOCK PHOTO/Getty Images

Ảnh: STOCK PHOTO/Getty Images

Cuộc tranh cãi bất tận…

Ở Mỹ, số ngày học của trẻ em nên kéo dài hay thu gọn từ cột mốc 180 ngày là một chuyện "khổ lắm nói mãi" hàng chục năm qua. Nhà tâm lý học Erika Patall từ Đại học Texas cho biết một lý do khiến câu hỏi này vẫn chưa có hồi kết là cả hai phe vẫn chưa thật sự đưa ra lý lẽ hoặc bằng chứng mang tính quyết định.

Trung tâm quốc gia về thời gian và học tập là một tổ chức phi lợi nhuận, vận động cho việc tăng thời gian học sinh đến trường. Nhà sáng lập và chủ tịch tổ chức này, bà Jennifer Davis, cho rằng quy định tối thiểu 180 ngày/năm học là quá lỗi thời, phần nào khiến học sinh Mỹ ngày càng khó cạnh tranh với bạn bè đồng trang lứa ở các nước có thời gian học nhiều hơn.

Quy định 180 ngày thật ra là để phục vụ cho các trang trại và nhà máy ở Mỹ đầu thế kỷ 20 - học sinh được cho nghỉ nhiều để có thời gian làm thêm hoặc phụ giúp gia đình, còn nghỉ hè kéo dài để cả nhà có thể ra khỏi các thành phố ngột ngạt. Nhiều chính trị gia đang lấy tính lỗi thời này làm lý do chính để kêu gọi thay đổi chính sách giáo dục Mỹ.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục Mỹ từng lên tiếng về khoảng cách có thể bị nới rộng giữa học sinh Mỹ và các nước nếu không thay đổi số ngày học. Số liệu thường được dẫn chứng là bảng xếp hạng PISA - một khảo sát quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đề xuất, xem xét khả năng của học sinh 15 tuổi về toán, khoa học và đọc hiểu.

Cụ thể trên bảng xếp hạng PISA 2023, những nước có số ngày học cao hơn như Hàn Quốc (220 ngày), Nhật (210 ngày), Trung Quốc (194 ngày, tính tại Thượng Hải), Singapore (193 ngày), Đức (190 ngày), Phần Lan (190 ngày) đều có thứ hạng cao hơn Mỹ - hiện đang đứng thứ 22. 

Những người ủng hộ tăng thời gian học cũng cho rằng thêm số ngày học sẽ giúp nâng cao thành tích, tạo ra nhiều cơ hội hơn để trải nghiệm và xây dựng thêm mối quan hệ sâu sắc hơn giữa giáo viên và học sinh.

Trái lại, trong bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân trên Forbes, nhà nghiên cứu chính sách giáo dục Frederick Hess cho rằng nếu đã tính số ngày học trong năm thì cần kết hợp thêm số giờ học mỗi ngày. Hiện tại, trung bình một ngày của học sinh Mỹ dài 6,5 giờ. 

Phần Lan, Đức hay Nhật dù có tổng số ngày học trong năm nhiều hơn Mỹ nhưng số giờ học mỗi ngày lại thấp hơn, lần lượt là 5 giờ, 5,5 giờ và 6 giờ. Theo cách tính này, ông cho rằng OCED đã thống kê trong 9 năm học đầu tiên, một học sinh Mỹ học 8.903 giờ, nhiều hơn 1.264 giờ so với trung bình của các nước OCED.

Học sinh Phần Lan trong giờ ngoại ngữ. Ảnh: Ville Viitamäki / Yle

Học sinh Phần Lan trong giờ ngoại ngữ. Ảnh: Ville Viitamäki / Yle

Phải chăng có vấn đề trong thời gian học thực tế trên trường? Chuyên gia Frederick Hess dẫn nghiên cứu được thực hiện tại một trường trung học ở bang Massachusetts. Nhóm nghiên cứu này nhận thấy lâu lâu có những ngày tan trường sớm, những ngày thi cấp trường, thi cấp bang… 

Cuối cùng, tổng thời gian giảng dạy chỉ chiếm 62% trong số 1.076 giờ học trong năm của trường học này. Nói cách khác, 410 giờ, tương đương 13 - 14 tuần, không được trực tiếp dành cho lớp học.

Một nghiên cứu khác được thực hiện năm 2021 thống kê số lần gián đoạn trong một ngày học tại các trường học ở thành phố Providence, bang Rhode Island. Kết quả nhận thấy một lớp học điển hình ở Providence bị gián đoạn hơn 2.000 lần mỗi năm, quy ra tương đương 10 - 20 ngày. 

Sự gián đoạn đôi khi chỉ từ những chuyện vụn vặt: các thông báo của trường, các lần thầy cô khác ghé qua "tám chuyện", học sinh đi ra đi vô, học sinh đi trễ… Tuy nhiên, các quản trị viên trong nhà trường thường không bận tâm lắm đến những sự gián đoạn này.

"Các trường học có thể cần thêm thời gian. Tuy nhiên ở nhiều nơi, rất nhiều thời gian ở trường - có thể gần nửa năm học - không được sử dụng một cách hiệu quả. Lãnh đạo trường học nên rà soát các thói quen và xem lại lịch kiểm tra, quy định kỷ luật và cả vấn đề chuyên môn để tối đa hóa thời gian học tập", ông Frederick Hess viết.

Giáo sư tâm lý học giáo dục Kirsti Lonka từ Đại học Helsinki (Phần Lan) cũng nêu quan điểm tương tự. Theo bà, một trong những điều tệ nhất trong giáo dục là khiến cho một ngày học trở nên quá dài. 

Dù thầy cô dạy các kiến thức, chủ đề hay đến đâu đi chăng nữa, nếu nhồi nhét cho trẻ quá nhiều thông tin trong ngày, các em sẽ không thể xử lý tốt. Trẻ dưới 12 tuổi không nhất thiết học 6 tiếng mỗi ngày.

 "Quay cuồng trẻ trong những giờ học cả trong lẫn ngoài nhà trường vì thành tích là điều không nên, nhất là với học sinh dưới 12 tuổi. Trẻ em nên được có tuổi thơ" - bà Lonka nói.

1 tuần học 4 ngày thì sao?

Xu hướng được ghi nhận tại một số trường học ở Mỹ thời gian gần đây là giảm thời gian học xuống 4 ngày trong tuần. Phó giáo sư Paul Thompson thuộc Đại học bang Oregon (Mỹ) cho biết hiện có khoảng 1.600 học khu trên toàn quốc, phổ biến ở các bang Texas, Arkansas, Missouri, Colorado… đã triển khai chính sách cho học sinh học 4 ngày/tuần thay vì 5 ngày/tuần như trước đây. Trong 3 năm qua, chỉ riêng ở bang Texas, hơn 70 học khu đã thay đổi thời lượng xuống 4 ngày.

Từng dành nhiều thời gian nghiên cứu tác động của lịch học 4 ngày, phó giáo sư Paul Thompson cho biết các học khu nhỏ hay ở vùng nông thôn khá thích thú với thay đổi này. Gom số ngày dạy trong tuần giúp trường tối ưu hóa nhân lực, giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở vùng xa. Chi phí vận hành hay tiền thuế cũng thấp hơn, giúp họ có thể tăng lương cho thầy cô. Hoặc có trường dành ngày nghỉ trống đó để tổ chức các hoạt động nâng cao chuyên môn cho giáo viên.

Tuy nhiên theo phó giáo sư Paul Thompson, nhiều ý kiến quan ngại trong chuyện học 4 ngày, người bị thiệt là học sinh. Ông thấy một số trường tại tiểu bang Oregon giảm ngày học đang ghi nhận thành tích của học sinh có phần giảm sút. Ngoài ra, ai trông chừng tụi nhỏ trong ngày nghỉ cũng là điều trăn trở mà nhiều phụ huynh quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, một số trường mở lại dịch vụ học thêm vào ngày được cho nghỉ, với giá dao động 35 USD mỗi em.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận