Nga chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc: Biển Đen dậy sóng

TƯỜNG ANH 06/08/2023 06:39 GMT+7

TTCT - Sau khi đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc, từ 18-7 Nga bắt đầu pháo kích dữ dội các cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine ở khu vực Odessa. Không chỉ thế, ngày 21-7 Bộ Quốc phòng Nga thông báo hạm đội Biển Đen đang tiến hành tập trận ở tây bắc biển Đen.

Chuyến tàu chở ngũ cốc thương mại đầu tiên rời bến theo Sáng kiến biển Đen tháng 8-2022.  Ảnh: unctad.org

Chuyến tàu chở ngũ cốc thương mại đầu tiên rời bến theo Sáng kiến biển Đen tháng 8-2022. Ảnh: unctad.org

Các cuộc tấn công từ 18-7 được thực hiện bằng "vũ khí trên không và trên biển có độ chính xác cao" nhằm vào các cơ sở sản xuất và kho chứa thuyền không người lái ở cảng Odessa và Ilyichevsk, khu vực Odessa. 

Đặc biệt, các cơ sở hạ tầng nhiên liệu và kho đạn dược của Ukraine ở khu vực Nikolaev cũng bị phá hủy. Việc tăng cường pháo kích khiến tất cả các hoạt động đi lại trong vùng nước này đều dừng lại: cả tàu Ukraine và nước ngoài đều không thể rời Odessa và các cảng lân cận. Ít nhất 12 tàu vẫn bị kẹt ở đó, theo đại diện của công ty vận tải Thổ Nhĩ Kỳ Oras Denizcilik ve Ticaret nói với Newsru.

Liên quan tới cuộc tập trận trên biển Đen, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ trong cuộc tập trận, "tàu tên lửa Ivanovets đã bắn tên lửa hành trình chống hạm vào tàu mục tiêu tại một khu vực huấn luyện chiến đấu". Bên cạnh đó, tàu và lực lượng hàng không của hạm đội đã "cô lập khu vực đang bị tạm thời đóng cửa hàng hải, đồng thời thực hiện một loạt biện pháp để bắt giữ tàu vi phạm".

Thông cáo Bộ Quốc phòng Nga ngày 19-7 về việc chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc nhấn mạnh: "Từ 0h Matxcơva ngày 20-7-2023, tất cả tàu thuyền trên đường đến các cảng của Ukraine ở biển Đen sẽ được Nga coi là tàu chở hàng quân sự tiềm tàng. 

Ngoài ra, một số vùng biển phía tây bắc và đông nam của vùng biển quốc tế biển Đen được tuyên bố là vùng nguy hiểm tạm thời với hàng hải. Các cảnh báo rút lại đảm bảo an toàn cho thuyền viên đã được ban hành".

Ukraine khó bán ngũ cốc

Thiệt hại của Kiev trước quyết định này của Nga có thể hình dung qua thống kê trên Bloomberg: làm giảm một nửa tiềm năng xuất khẩu hằng tháng của Kiev và ảnh hưởng tới việc cung ứng vũ khí. 

Trung tướng Andrey Gurulev, thành viên Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga, cho biết giờ đây điều quan trọng nhất với Nga là "ngăn chặn việc cung cấp vũ khí… qua biển Đen cho Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự". 

Phó đại diện thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyansky cho biết trong một năm qua, "dưới vỏ bọc Sáng kiến biển Đen, Kiev đã tích lũy đáng kể năng lực nhiên liệu, công nghiệp quân sự tại các cảng". Ông nói thêm rằng Nga coi cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine là nơi triển khai và bổ sung vũ khí phương Tây cho Ukraine.

Ngay sau khi Nga dừng thỏa thuận ngũ cốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã gửi thư đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc có thể cùng Ukraine đảm bảo hoạt động của hành lang lương thực và kiểm tra tàu xuất khẩu ngũ cốc mà không cần Nga. 

Tuy nhiên, Bloomberg hoài nghi về khả năng này: "Nếu không có đảm bảo an ninh cho hành lang vận chuyển, thương mại (ngũ cốc) của Ukraine sẽ chết". 

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, dựa trên tính toán của các nhà môi giới bảo hiểm và chủ tàu thì từ tháng 1-2023, 12/13 hãng lớn cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 90% tàu biển trên thế giới đã từ chối bảo hiểm rủi ro quân sự liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, kể cả khi có bảo đảm từ phía Nga với thỏa thuận ngũ cốc.

Vận chuyển bằng đường bộ hiện không phải là lựa chọn. Theo thống kê của tờ Vzglyad, Ukraine chỉ có thể xuất khẩu không quá 15% lượng lương thực bằng đường bộ. Ngoài ra còn có những khó khăn về chính trị. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cảnh báo việc Nga chấm dứt thỏa thuận không có nghĩa là các hạn chế một số nước EU đã áp đặt trước đây với lương thực Ukraine sẽ được nới lỏng.

Cần nhắc là một ngày sau khi Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã nhất trí gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine (có hiệu lực đến 15-9), dù vẫn cho duy trì quá cảnh. 

Lệnh cấm này là do các thành viên EU trên phải bảo hộ nông sản nước mình. Theo Arkadiusz Artyshak - giáo sư tại Đại học Khoa học Tự nhiên Warsaw, trên tờ Rzeczpospolita, thì khối lượng ngũ cốc Ukraine được nhập khẩu vào Ba Lan năm 2022 đã tăng 168 lần và nhập khẩu ngô tăng 300 lần so với năm 2021.

Trong bốn tháng đầu năm 2023, lúa mì Ukraine nhập khẩu vào Ba Lan nhiều hơn 610 lần so với cùng kỳ năm 2022. Còn theo một dự báo của IMF, việc dừng hành lang ngũ cốc đồng nghĩa Ukraine có thể mất 290 triệu USD/tháng thu nhập từ xuất khẩu.

Ukraine: Chớ quên số phận tuần dương hạm Matxcơva

Đáp lại việc Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc, chính quyền Ukraine tuyên bố sẽ đánh chìm bất kỳ tàu nào đi đến các cảng của Nga. Kiev có thể coi những tàu này là chở hàng quân sự "với tất cả những rủi ro đi kèm". 

Các chuyên gia lưu ý việc Bộ Quốc phòng Ukraine nhắc lại trong tuyên bố này số phận của tuần dương hạm Matxcơva, như một răn đe. (Tức vụ tàu Matxcơva bị tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine đánh chìm vào tháng 4-2022, dù Nga nói soái hạm này chìm là do hỏa hoạn gây nổ kho đạn).

Trung tướng Viktor Sobolev, thành viên Ủy ban Quốc phòng Đuma Nga nói ông không loại trừ khả năng phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine các nguồn vũ khí bổ sung liên quan đến hải quân và phòng thủ bờ biển. 

Nhà báo A. Kots của tờ Sự thật Komsomol cho biết mặc dù trên thực tế hải quân Ukraine không còn tồn tại, Kiev vẫn có những năng lực nhất định. Ukraine có một số tên lửa chống hạm Neptune do chính họ thiết kế, được đưa vào trang bị vào năm 2020. Tên lửa này có tầm bắn lên tới 280km và đầu đạn nặng 150kg. 

Ngoài ra, Mỹ đã bàn giao cho Ukraine tên lửa chống hạm Harpoon có khả năng bắn đi từ tàu, máy bay và lắp đặt trên mặt đất. Chúng thua Neptune về tầm bắn (150km), nhưng có đầu đạn mạnh hơn nhiều (225kg). 

Ukraine còn nhận được từ Na Uy một số tên lửa chống hạm NSM làm bằng vật liệu composite và nổi tiếng với khả năng hiển thị radar thấp. Những tên lửa này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho cả tàu dân sự và tàu chiến ở biển Đen.

Hải quân Nga sẽ hoạt động thế nào trên biển Đen?

Các vùng lãnh hải được bảo vệ bởi Lực lượng biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), bằng các tàu của hạm đội Biển Đen. Bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý là vùng biển trung lập. Sau khi Nga không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, căng thẳng ở vùng lãnh hải tây bắc biển Đen đã gia tăng đáng kể. Hải quân Nga giờ đây có thể bắt giữ các tàu nếu có vũ khí hoặc phương tiện không người lái trên tàu.

"Nếu đoàn kiểm tra của chúng tôi tìm thấy vũ khí hoặc phương tiện không người lái trên tàu, chúng tôi phải yêu cầu tàu quay đầu và về cảng của mình. Nhưng chúng tôi cũng có quyền bắt giữ tàu, hộ tống nó đến cảng của chúng tôi và báo cáo với Bộ Ngoại giao Nga để cơ quan này có thể tiến hành các thủ tục tiếp theo", ông Gundarov nói. 

Ông nhấn mạnh nếu tàu nước ngoài đang ở trong vùng biển trung lập từ chối khám xét thì Nga có quyền bắn chỉ thiên. Nếu sau đó tàu vẫn không dừng lại, Nga có thể nổ súng nhắm thẳng mục tiêu.

Trong thông điệp video tối 22-7, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg triệu tập cuộc họp Hội đồng Ukraine - NATO để thảo luận về tình hình an ninh biển Đen và mở phong tỏa hành lang ngũ cốc. Ngày 23-7, có tin NATO đã xác nhận Hội đồng Ukraine - NATO "sẽ được tổ chức trong thời gian tới". 

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga M. Zakharova dẫn bản ghi nhớ của Sáng kiến ngũ cốc cho biết thỏa thuận có hiệu lực trong ba năm và nếu một trong các bên có ý định chấm dứt thì phải thông báo trước ba tháng. "Chúng tôi đã thông báo, nên Liên Hiệp Quốc có thêm ba tháng để triển khai nhằm đạt được kết quả cụ thể". ■

Tại Istanbul ngày 22-7-2022, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hiệp Quốc đã đạt được thỏa thuận về tổ chức hành lang hàng hải an toàn cho hàng nông sản. Tên chính thức của thỏa thuận này là Sáng kiến vận chuyển ngũ cốc và thực phẩm an toàn từ các cảng của Ukraine.

Sáng kiến gồm hai phần chính. Phía Ukraine: được đảm bảo đi lại an toàn cho tàu chở hàng hóa từ ba cảng biển Đen quan trọng Odessa, Chornomorsk và Yuzhny, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước này. Phía Nga: được nới lỏng các hạn chế với xuất khẩu nông sản và phân bón. Nhưng Nga cho rằng trong khi họ đã tuân thủ việc để Ukraine xuất khẩu hàng hóa qua ba cảng, phần lợi ích của họ đã không được đáp ứng trên thực tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận