Nga đang thua cuộc chiến tuyên truyền

TƯỜNG ANH (TRÍCH DỊCH) 10/04/2018 21:04 GMT+7

TTCT - Trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh mới đang lơ lửng, tiến sĩ khoa học chính trị Nga Igor Panarin trả lời phỏng vấn fedpress.ru đã phân tích về cuộc chiến tranh hỗn hợp (hybrid warfare) Mỹ - Nga với lợi thế đang nghiêng về người Mỹ. TTCT trích giới thiệu.

Igor Panarin. Ảnh: Wikipedia.org
Igor Panarin. Ảnh: Wikipedia.org

 

Fedpress: Igor Nikolayevich, hãy bắt đầu từ lịch sử của hiện tượng này. Ai là người khởi xướng và chúng đã ra đời thế nào?

Igor Panarin: “Hybrid warfare” đã được biết đến từ lâu. Ngay từ năm 1949, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Liên Xô. Nhằm mục đích này, một ủy ban đặc biệt được thành lập để quyết định những gì được phép cung cấp cho Liên Xô và những gì không.

Khi đó cụm từ “hybrid warfare” vẫn chưa được sử dụng, còn cụm từ “chiến tranh thông tin” được sử dụng từ năm 1967, do (cựu giám đốc CIA) Allen Dulles giới thiệu. Thuật ngữ “chiến tranh thông tin” được sử dụng rộng rãi từ năm 1985, và định nghĩa này được đưa ra lần đầu tiên ở Trung Quốc. Còn thuật ngữ “hybrid warfare” được bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis và thuộc cấp của ông là Frank Hoffman đưa ra năm 2005.

Theo đó, họ hiểu rằng trong những cuộc xung đột tương lai cần phải tính đến yếu tố này. Nhưng từ phía thuật ngữ học, thuật ngữ này chưa được hoàn toàn định hình. Nó được sử dụng ở các nước khác nhau với những tên gọi khác nhau. Năm 2016, tôi đã đưa ra thuật ngữ của mình “chiến tranh hỗn hợp”.

Những cuộc chiến tranh này bao gồm những gì?

Chiến tranh hỗn hợp bao gồm thông tin sai lệch (80% chuyên gia được hỏi đã đưa đặc điểm này lên vị trí đầu tiên), cấm vận, chiến tranh thông tin, “cách mạng màu”, các chiêu thức thông tin - tâm lý và gây sức ép kỹ thuật thông tin, tấn công mạng, chủ nghĩa khủng bố và những công cụ khác, tổng cộng khoảng 12 yếu tố.

Việc bóp méo thông tin cũng rất khác nhau... Tôi cũng đưa hoạt động của các đơn vị đặc biệt vào phạm trù chiến tranh hỗn hợp này.

Những cơ chế và giai đoạn nào là tiêu biểu cho những cuộc chiến tranh hỗn hợp?

Trong quyển sách của tôi được xuất bản vào tháng 3-2018 Trump, nước Nga và chiến tranh hỗn hợp, tôi đã giải mã một chuyển động ba bước đơn giản. Tình báo Anh MI-6 thảo kế hoạch. Cựu lãnh đạo “Ban phụ trách Nga” của cơ quan mật vụ này chuẩn bị một hồ sơ bóp méo thông tin, sau đó bán cho người Mỹ.

Tiếp theo, một vụ xìcăngđan nổ ra, mà những cú tấn công đánh vào cả Nga lẫn ông Trump. Nhưng đòn tấn công chính đã giáng vào khả năng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ. Sau khi ông Trump tuyên bố ông muốn bình thường hóa quan hệ, một chiến dịch kinh điển nhồi nhét thông tin sai đã được tiến hành.

Chỉ đến ngày 2-2 năm nay, khi lần đầu tiên ông Trump phê chuẩn việc công bố một tài liệu tối mật mang tên người đứng đầu Ủy ban tình báo hạ viện, “bản ghi nhớ Nunes”, toàn bộ bếp núc của việc này mới được phơi bày - việc theo dõi bất hợp pháp của FBI và những biện pháp thực hiện hồ sơ này của tình báo Anh. Xìcăngđan này đến nay tạm lắng, mặc dù câu thuộc lòng “Trump, Nga và quan hệ Nga - Mỹ” vẫn lập đi lập lại một năm rưỡi nay. Kết quả là quan hệ Nga - Mỹ tụt xuống tận đáy.

Có nghĩa, khởi xướng là người Anh?

Anh là bậc thầy trong việc gây đối đầu giữa các nước khác, đặc biệt trong việc tạo xung đột giữa Nga và Hoa Kỳ, và họ thu lợi trong việc này. Phương pháp chiến tranh hỗn hợp đã được phát triển ở Anh.

Sự tinh tế của khoảnh khắc hiện nay là đâu?

Ngày nay, đặc thù của chiến tranh hỗn hợp là ở chỗ nó đa dạng hơn qua con bài khủng bố. Khủng bố “điện thoại” và khủng bố “drone” lại càng đưa tình hình lên một mức độ khác. Từ tháng 9 đến tháng 12-2017, ở nước Nga có làn sóng khủng bố điện thoại. Có vẻ như mọi thứ đã được dập tắt, nhưng trước kỳ bầu cử tổng thống Nga nó lại bắt đầu lần nữa.

Ngày 25-2, một lần nữa lại có một cuộc gọi báo động giả và 4.000 người đến dự một sự kiện bên cạnh điện Kremlin đã được di tản. Tất cả là một phần của công nghệ gây mất ổn định ở Nga. Đặc thù của chiến tranh hỗn hợp là ở chỗ, những phương pháp trước kia được sử dụng lộn xộn - lúc thì trong khuôn khổ chiến tranh lạnh, lúc thì trong chiến tranh thông tin - giờ trở nên có hệ thống.

Thách thức là hiểu được hiện tượng này. Vài năm đã trôi qua kể từ 2005 đến nay, và Mattis lẫn Hoffman khi đưa thuật ngữ này vào đều nghĩ tới việc áp dụng nó ở Iraq.

Họ có những công cụ mà chúng ta không có?

Đúng. Để hiểu chúng ta tụt hậu thế nào trong vấn đề này, tôi sẽ đề cập thêm một cơ chế của chiến tranh hỗn hợp, đó là ngoại giao tuyên truyền. Bản thân thuật ngữ này cũng chưa được giải quyết. Đầu tiên nó được sử dụng vào năm 1965, sau đó trong một thời gian dài nó không được dùng đến, nhưng từ cuối thập niên 1990 nó lại được tích cực sử dụng. Người Mỹ bắt đầu phân tích quá trình ứng dụng kiểu ngoại giao này.

Ở đây quan trọng hai điểm chính. Vào năm 1998 họ thông qua học thuyết các chiến dịch thông tin. Đặc thù của nó là họ tiến hành các chiến dịch thông tin cả trong thời bình lẫn thời chiến. Tức thời bình cũng là nguyên cớ và môi trường cho các chiến dịch thông tin. Điểm quan trọng thứ hai: họ xác định các chiến dịch này có thể là tiến công và phòng thủ. Hơn nữa, không chỉ có đối thủ của Hoa Kỳ, mà cả các đồng minh của họ như Đức, cũng rơi vào các chiến dịch tấn công.

Tôi quen với các tác giả của học thuyết này và đã đích thân giao tiếp cùng họ. Đó là những nhà phân tích chiến lược rất chuyên nghiệp và thông minh của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Năm 1999, Hoa Kỳ đã thông qua quyết định thành lập chức thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề dư luận và công chúng.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dường như cũng như bộ ngoại giao của chúng ta..., nhưng khác biệt cơ bản là ở chỗ chúng ta không có người chịu trách nhiệm cho ngoại giao tuyên truyền.

Mỹ và phương Tây đang có ưu thế trước Nga trong cuộc chiến tranh hỗn hợp, với chủ đạo là năng lực tuyên truyền thông tin. Ảnh: The Sleuth Journal
Mỹ và phương Tây đang có ưu thế trước Nga trong cuộc chiến tranh hỗn hợp, với chủ đạo là năng lực tuyên truyền thông tin. Ảnh: The Sleuth Journal

 

Bản chất kiểu ngoại giao này là gì?

Năm 1953, người Mỹ thành lập một cơ cấu đặc biệt - Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ (USIA), tức một bộ máy mới trong tuyên truyền đối ngoại chống Liên Xô. Năm 1991, Liên Xô biến mất, nhưng USIA vẫn còn. Từ đó họ hiện đại hóa nó.

Khác biệt cơ bản là nếu trước đây USIA trực thuộc tổng thống Hoa Kỳ, thì năm 1999 nó trở thành một bộ phận của Bộ Ngoại giao. Và vị thứ trưởng phụ trách giám sát không chỉ đài “Tiếng nói Hoa Kỳ” của USIA cũ, mà cả truyền hình và một loạt những nguồn thông tin khác.

Tức đã diễn ra sự tập trung hóa các nguồn lực thông tin về dưới trướng Bộ Ngoại giao. Điều đó dẫn tới việc trong các đại sứ quán trên lãnh thổ các nước khác, trong đó có Nga, các đại sứ sử dụng những nguồn lực này để tiến hành thông tin tuyên truyền.

Hoạt động này có hiệu quả không, và nếu có thì ra sao?

Tuyệt đối hiệu quả. Có thể đánh giá điều này theo bảng xếp hạng tất cả các phương tiện truyền thông Nga của Medialogia. Đối với chúng tôi, đây là một chỉ dấu đáng báo động, nếu đánh giá các mạng xã hội của năm qua. Giới trẻ không chỉ hiện diện trên Internet, mà họ thật sự sống trên đó, và thường xuyên ưu tiên những nguồn thông tin của người Mỹ.

Xếp hạng của Medialogia năm 2017 cho thấy trên truyền thông xã hội Nga, theo số trích dẫn thì đứng đầu là những đài phát thanh nhà nước Hoa Kỳ. Trước nhất, tài sản truyền thông của CIA - Đài Phát thanh tự do - đạt gần 5 triệu trích dẫn. Về nhì là “Tiếng vọng Matxcơva”, thứ ba là “Tiếng nói Hoa Kỳ” trực thuộc Bộ Ngoại giao. Còn các đài phát thanh của chúng ta, Tin tức FM và Radio-1 - xếp hạng 7 và 8, cùng nhau cũng chỉ được gần 80.000 trích dẫn.

Các đài phát thanh đấy chẳng hề yêu mến nước Nga...

Vâng, và điều này đã nói lên hiệu quả của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Thậm chí, “Đài Phát thanh tự do” có quan hệ trực tiếp với cơ quan này. Nó được giám sát bởi một bộ phận được thành lập năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: “Trung tâm tương tác toàn cầu”, phối hợp các khả năng của Lầu Năm Góc và CIA, và tất cả dưới quyền vị thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề dư luận.

Trong khuôn khổ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng thành lập các cơ cấu phối hợp liên ngành, xác định đường lối tuyên truyền đối ngoại. Còn có USIA cấp tài trợ cho các giáo viên và sinh viên, tổ chức trao đổi sinh viên và các hoạt động khác.

Còn chúng ta làm gì?

Bộ Ngoại giao Nga không có những nguồn thông tin riêng. Chúng ta có RT, có Đài Sputnik. Trước đây ta từng có “Tiếng nói nước Nga”, nơi tôi làm việc 5 năm. Nếu “Tiếng nói Hoa Kỳ” phát sóng bằng 45 ngôn ngữ thì “Tiếng nói nước Nga” phát sóng bằng 42 thứ tiếng. Đài phát thanh “Sputnik” thì số ngôn ngữ phát đi nhỏ hơn nhiều.

Sức mạnh của cuộc chiến tranh hỗn hợp là gì?

Đầu tiên là ở việc tạo ra một chương trình nghị sự chung cho các thành viên của một phạm vi thông tin. Người Mỹ chính thức có 16 cơ quan tình báo. Mặc dù ít ai biết trong Bộ Ngoại giao cũng có cơ quan tình báo đối ngoại. Bộ Ngoại giao cũng có một trung tâm thông tin mở, nơi 500 người phân tích những nguồn thông tin mở. Họ cũng có cơ quan thông tin và in ấn, như của chúng ta. Họ có một trung tâm phân tích hùng mạnh trên cơ sở thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Họ cũng có những cơ cấu phân tích chiến lược tư nhân như RAND Corporation và Stratfor. FBI cũng vừa thành lập một quỹ mà dưới khẩu hiệu đấu tranh chống khủng bố, họ xuất bản những báo cáo và hình thành nên một chương trình nghị sự có lợi cho mình.

Trong chiến tranh hỗn hợp chúng ta có cần những bước quy hoạch dài?

Chúng ta không có khả năng lên kế hoạch cho tới năm 2035, vì chúng ta tụt hậu khá xa. Ít nhất phải bắt đầu thảo ra chiến lược và dự báo cho 5 năm tới. Tôi nhắc lại là chúng ta rất cần một cơ chế phối hợp và phân tích như thế.

Mà người Mỹ dường như không đứng yên trong vấn đề chiến tranh hỗn hợp?

Dĩ nhiên rồi. Mới đây có tin Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong khuôn khổ đối tác mới với Lầu Năm Góc đã bắt đầu một cuộc vận động chống “tuyên truyền và làm sai lạc thông tin” của nước ngoài.

Lầu Năm Góc đã chuyển 40 triệu USD từ ngân quỹ riêng của mình để thực hiện các sáng kiến khác nhau về “chống lại tuyên truyền và làm sai lạc thông tin từ các nước ngoài”. Bộ Ngoại giao sẵn sàng tương tác với các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài, kể cả Nga, và sẽ nhận các đăng ký từ bất cứ cơ cấu hay nhóm nào chia sẻ “cam kết trong cuộc chiến chống lại việc bóp méo thông tin”.■

(Theo fedpress.ru/interview/1975914)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận