Nga sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine: Thế giới phản ứng ra sao?

HỮU NGHỊ 08/10/2022 15:43 GMT+7

TTCT - Ngày 30-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin long trọng tuyên bố kết nạp Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk, vùng Zaporizhia và Kherson vào Nga. Diễn biến này dẫn đến những phản ứng khác nhau.

Nga sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine: Thế giới phản ứng ra sao? - Ảnh 1.

Quốc kỳ Nga phấp phới ở Sevastopol, Crimea, trên màn hình là hình ảnh Tổng thống Putin trong lễ sáp nhập các lãnh thổ mới được truyền hình trực tiếp. Ảnh: AP

Việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác phủ quyết và lên án là chuyện đã đành, song chuyện ông Thủ tướng Hun Sen của Campuchia cũng nhanh chóng lên tiếng phản đối là đáng tò mò...

Từ Đông Nam Á xa xôi...

Hôm 1-10, ông Hun Sen đang chủ tọa một buổi lễ ở tỉnh Siem Reap thì được Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế thỉnh thị chỉ đạo về vấn đề này. 

Ông lập tức nhấn mạnh quan điểm của Campuchia: không ủng hộ hành động của Nga và chống lại việc chia tách lãnh thổ của một quốc gia khác để lập ra một nhà nước, cũng như việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với một quốc gia có chủ quyền.

Ông nêu thí dụ: "Thử nghĩ xem: Nếu có một quốc gia gửi quân đến Siem Reap và tổ chức trưng cầu ý dân để tách [nó] thành một quốc gia độc lập, thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận". 

Ông Hun Sen cũng giải thích thêm, để cho thấy ông coi đó là vấn đề nguyên tắc, chứ không phải vì chuyện phe phái: "Chính vì lý do đó mà Campuchia vẫn chưa công nhận Cộng hòa Kosovo đã được Hoa Kỳ và NATO thành lập như một nhà nước".

Và không chỉ mỗi ông Hun Sen ở chốn Đông Nam Á xa xôi vùng chiến sự nghĩ vậy. Một số nhân vật rất quen thuộc với người Nga, thậm chí từng thọ ơn ông Putin ngay trong năm nay chớ không phải xa xưa gì, như ông Tổng thống Kazakhstan Kassym Tokayev - mà hồi đầu tháng 1 năm nay, đã hú vía thoát khỏi một âm mưu lật đổ nhờ quân lực Nga - cũng đã phải tỏ thái độ trái chiều.

Hôm 3-10, thông tấn xã Nga TASS đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Aibek Smadiyarov tuyên bố trong một cuộc họp báo: "Kazakhstan coi trọng các nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, bình đẳng chủ quyền và chung sống hòa bình theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc". 

Thật ra, không phải đợi đến tuần này, ngay từ tuần rồi, hôm 26-9, tức trước khi các cuộc "trưng cầu ý dân" của Nga ở Ukraine kết thúc, Bộ Ngoại giao Kazakhstan đã ra tuyên bố sẽ không công nhận các kết quả bỏ phiếu ở đông Ukraine (Reuters 26-9).

...Tới những nơi gần gũi

Một đồng minh thân cận khác của Nga là Serbia đã thể hiện thái độ tương tự hôm 26-9 khi ngoại trưởng nước này, Nikola Selakovic, tuyên bố Belgrade không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu ý dân do Nga tổ chức tại lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở đông và nam Ukraine (Balkan Insight 26-9). 

Ông Selakovic nhấn mạnh trong một cuộc họp báo sau khi trở về từ phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York: "Phù hợp với Hiến chương LHQ, nhưng cũng phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực được chấp nhận chung của công pháp quốc tế, Serbia không thể chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở các khu vực Ukraine, càng không thể công nhận sự sáp nhập này do lẽ thừa nhận các cuộc bỏ phiếu là hoàn toàn đi ngược lợi ích quốc gia dân tộc chúng tôi, đi ngược chính sách gìn giữ sự vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền của chúng tôi, cùng cam kết với nguyên tắc bất khả vi phạm các biên giới".

Dù thân Nga tới đâu, Serbia cũng không thể chấp nhận việc sáp nhập lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền, khi chính họ còn vướng mắc về vấn đề nhà nước ly khai Kosovo, "ra riêng" trên thực tế từ năm 2008 sau một cuộc chiến đẫm máu. 

Đó là một cân nhắc không chỉ về mặt đạo lý, mà còn hết sức thực tế: không thể nào vì quan hệ đồng minh, dù là đồng minh chiến lược, mà tự trói mình với lợi ích của người khác, ngoảnh mặt với lợi ích sống còn của chính đất nước mình.

Câu chuyện thậm chí thể hiện qua cả Belarus, đồng minh "sát rạt" của Nga. Hôm thứ ba 4-10, TASS loan tin Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã phải lên tiếng trong một cuộc họp báo rằng Minsk không có kế hoạch động viên vào lúc này. 

Ông Lukashenko nói các phe phái đối lập ở hải ngoại đã tung tin đồn Belarus động viên để tham chiến hòng gây bất ổn cho nước ông: "Họ lợi dụng cơ hội, hô hoán rằng Nga động viên, Belarus cũng sẽ làm theo. Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta đâu có gì để cần phải động viên. Đâu có chiến tranh ở Belarus!".

Một láng giềng khác của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn duy trì quan hệ với cả hai phía từ khi cuộc chiến bắt đầu, cũng sớm lên tiếng nói "không". 

Hôm 1-10, Ankara đã bác bỏ vụ sáp nhập của Nga với lời giải thích từ Bộ Ngoại giao rằng quyết định của Matxcơva "vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc đã được thiết lập của luật pháp quốc tế, không thể được chấp nhận" và "Thổ Nhĩ Kỳ đã không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea trong cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp năm 2014 và nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ với toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của Ukraine trong mọi trường hợp".

Một láng giềng không xa Nga lắm là Israel cũng lên tiếng hôm 30-9: "Israel ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập bốn khu vực. Israel đã lặp lại lập trường rõ ràng này nhiều lần, kể cả trong những ngày gần đây". ■

"Nghị quyết lên án cuộc trưng cầu ý dân của Nga tại các lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine" ở LHQ đã không thể thông qua, theo bản tin SC/15046 của Hội đồng Bảo an hôm 30-9. Chỉ có 10 phiếu thuận.

Nga phủ quyết. Brazil, Trung Quốc, Gabon và Ấn Độ bỏ phiếu trắng. Đại diện Trung Quốc Cảnh Sảng giải thích quan điểm của nước ông là nhất quán và rõ ràng: chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải được bảo vệ và các mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các bên phải được coi trọng.

Cùng chiều hướng đó, đại diện Brazil Ronaldo Costa Filho nhấn mạnh Brazil kiên trì nguyên tắc vẹn toàn lãnh thổ của mọi quốc gia và "hành động sáp nhập lãnh thổ [của Nga] không thể được coi là hợp pháp", song giải thích dự thảo nghị quyết không đáp ứng mục tiêu ngay tức khắc là xuống thang căng thẳng và khởi động đàm phán hòa bình.

Tối thứ ba 4-10, thông tấn xã TASS chạy tít: "CHDCND Triều Tiên ủng hộ kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập các khu vực mới vào Nga".

TASS dẫn lại lời ông Jo Chol Su, vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói với Hãng tin Triều Tiên KCNA: "Chúng tôi tôn trọng ý chí của người dân mong muốn hội nhập vào Nga và ủng hộ quan điểm của Chính phủ Nga".

Nhà ngoại giao này còn bình luận thêm: "Sẽ không bao giờ trở lại những ngày mà Mỹ có thể sử dụng Hội đồng Bảo an LHQ làm lá chắn và phương tiện gây hấn để duy trì vị thế tối cao".

Cùng ngày, Triều Tiên phóng một tên lửa có tầm bắn được ước tính là 4.600km, xa nhất cho tới nay, bay qua lãnh thổ Nhật Bản, có lẽ để thông điệp của họ được lắng nghe hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận