Nga ứng phó trừng phạt kinh tế như thế nào?

PHAN XUÂN LOAN 07/03/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Cấm vận, trừng phạt của thế giới đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine tác động tới đâu trong đời sống người Nga? Và nhân tâm Nga? Đó là những câu hỏi được quan tâm trong những ngày này.

Ngày 28-2, trong lúc phái đoàn Nga đàm phán với phái đoàn Ukraine ở Belarus, thì tại Matxcơva, Tổng thống Vladimir Putin có cuộc làm việc với Chính phủ và Ngân hàng Trung ương về các giải pháp kinh tế trong tình hình mới. 

Cùng ngày, trả lời báo chí, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố đã chuẩn bị các giải pháp để làm giảm nhẹ ảnh hưởng của cấm vận lên cuộc sống người Nga.

Dân Nga xếp hàng đợi rút tiền mặt ở một ngân hàng tại Matxcơva. Ảnh: AP

 

Trừng phạt và phản đòn

Chuẩn bị cho các hoạt động quân sự, Nga đã dự phòng trước các tình huống như hiện nay.

Theo ông Georgy Ostapkovich, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường (Nga), 630 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại hối hiện nay tương đương hai lần ngân sách liên bang hằng năm. Với số tiền này, Nga có thể sống trong 3 - 4 năm. 

Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô hiện thậm chí còn tốt hơn nhiều so với thời Liên Xô.

Tuy nhiên, với quyết định đóng băng các tài khoản Ngân hàng Trung ương Nga ở Mỹ, EU và Canada, dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đột nhiên bị hạn chế mạnh, Nhà nước Nga đã quyết định tăng mua ngoại tệ bằng đồng rúp theo cách khác. 

Bộ Tài chính Nga thông báo từ ngày 28-2, bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải bán lại 80% các khoản thu ngoại hối; tức phải đổi thành rúp.

Đây cũng là 1 trong 5 biện pháp “phản trừng phạt” mà tổng thống Nga ký thông qua hôm 28-2. 

Bốn biện pháp còn lại là: (1) cấm các công ty Nga cho đối tác nước ngoài vay ngoại tệ; (2) cấm công dân và công ty Nga gửi ngoại tệ vào tài khoản và tiền gửi bên ngoài Nga; (3) các công ty Nga được phép mua lại cổ phần của họ từ thị trường; (4) không được chuyển tiền bằng các phương tiện thanh toán điện tử nước ngoài mà không mở tài khoản.

Đây là phản ứng của Nga đối với việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Trong trường hợp SWIFT bị vô hiệu hóa, hệ thống chi trả nhanh (SBP) và hệ thống thanh toán thẻ quốc gia (NPS) sẽ có hiệu lực đối với các chi trả trong nước. 

Ở thị trường nước ngoài, các tùy chọn thanh toán thay thế sẽ được sử dụng: tiền mặt, tiền điện tử và các loại khác. Nga cho biết đã có thỏa thuận với nhiều nhà thầu và đối tác thương mại nước ngoài về vấn đề này. 

Đại diện chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell thừa nhận: 

“Trong những năm gần đây, Nga đã chuyển ngày càng nhiều dự trữ vào những quốc gia mà chúng tôi không thể chặn. Nga đã chuẩn bị về mặt tài chính cho tình huống như vậy, rời xa đồng đôla và đầu tư vào dự trữ bằng đồng euro và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc”.

Ngoài ra, một số chuyên gia Nga đã đề nghị các biện pháp phản đòn trừng phạt, như: 

(1) Cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu (1/3 thị trường khí đốt châu Âu do Nga cung cấp). 

(2) Tước nguồn titan của Hoa Kỳ và châu Âu (động cơ và các thành phần khác cho ngành hàng không được làm từ kim loại này. Boeing mua 1/3 lượng titan ở Nga, Airbus là 2/3. Nga đứng đầu thế giới về sản xuất titan, chiếm 25% thị trường thế giới và cung cấp cho 50 quốc gia). 

(3) Ngưng xuất khẩu palladium - nhân tố cần thiết để sản xuất các bộ phận của máy bay, ôtô, máy tính xách tay, điện thoại di động. Thị phần palladium của Nga trên thế giới thậm chí còn cao hơn titan: chiếm một nửa. 

(4) Đóng cửa bầu trời với các hãng hàng không phương Tây (đã áp dụng, đáp lại các lệnh đóng cửa bầu trời từ phương Tây). Về tài chính là khả năng đóng băng tài sản trong các công ty Nga của các nước tham gia lệnh trừng phạt, bao gồm các khoản góp vốn.

Volodya Platonov, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Matxcơva, trên một diễn đàn Telegram, nói Nga đã phải sống dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây trong nhiều năm (tổng cộng khoảng 130 lệnh trừng phạt khác nhau đã được áp dụng), nhưng kinh tế Nga không sụp đổ. 

Ngược lại, chế độ trừng phạt của phương Tây tiếp thêm động lực để thay thế nhập khẩu và phát triển nhanh chóng một số ngành công nghiệp, nông nghiệp và du lịch nội địa. 

Đại dịch COVID-19 kéo dài hai năm cũng đã chứng minh các chính sách kinh tế và tài chính của Matxcơva nói chung có thể ứng phó một cách thỏa đáng với những thách thức nghiêm trọng nhất.

Tuy nhiên, như nhà phân tích kinh tế Alexei Klimovsky nhận xét cũng trên diễn đàn này: Các biện pháp trừng phạt đáp trả có thể làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn của nền kinh tế Nga. 

Ngoài ra, quy mô nền kinh tế Nga bằng 3% thế giới và cơ cấu hàng xuất khẩu có xu hướng thiên lệch lớn về năng lượng, không tạo nhiều cơ hội cho các biện pháp trả đũa.

Ảnh hưởng tới đâu?

Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dư luận toàn Nga (VTsIOM) Valery Fedorov cho rằng chẳng bao lâu nữa, cuộc xung đột hiện tại từ chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ đi vào cuộc sống của đa số người Nga. Ông hình dung cấu trúc của tác động này, cũng như độ ảnh hưởng của nó lên người dân như sau:

(1) Với tầng lớp thượng lưu (xấp xỉ 0,5% dân số): những người tiêu dùng của Globus Gourmet (một chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp), có đầu bếp riêng và trang trại, đi Bentley hoặc Rolls Royce, nghỉ ở St. Barth và Courchevel, tất cả tiêu dùng và tài sản được đôla hóa: tác động trung bình (chủ yếu vào giấy phép cư trú và bất động sản ở nước ngoài).

(2) Tầng lớp trung lưu bậc cao (khoảng 4,5% dân số): mua thực phẩm ở Azbuka Vkusa (chuỗi siêu thị tư nhân), có thu nhập và tài sản bằng rúp và đôla, sở hữu căn hộ thành phố và nhà ở nông thôn, đi BMW hoặc Mercedes, nghỉ ở châu Âu và các nước khác: Tác động của các biện pháp trừng phạt là rất cao (lạm phát, giá nhập khẩu cao hơn, du lịch châu Âu bị đóng cửa, viễn cảnh về một “tuổi già no ấm” đang biến mất).

(3) Tầng lớp trung lưu bậc trung (15% dân số): mua thực phẩm ở chuỗi siêu thị bậc trung Perekryostok, Metro, thu nhập bằng đồng rúp, tiêu dùng phần lớn là hàng nhập khẩu, mua nhà trả góp, đi Hyundai hoặc Kia, nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, gần đây là ở Crimea và Caucasus. Tác động của các biện pháp trừng phạt: cao (do lạm phát, khủng hoảng kinh tế, triển vọng tiến lên các nấc thang xã hội biến mất, nguy cơ thu nhập giảm mạnh).

(4) Tầng lớp trung lưu bậc thấp (30% dân số): ăn ở Auchan, Pyaterochka, tất cả thu nhập bằng rúp, vay tiêu dùng, mơ mua nhà trả góp, đi xe Lada hoặc ôtô Trung Quốc, nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ai Cập 3 - 5 năm một lần. Tác động của các biện pháp trừng phạt: vừa (do lạm phát, khủng hoảng kinh tế).

(5) Tầng lớp thấp (khoảng 40% dân số): mua thực phẩm ở cửa hàng giá rẻ Kopeyka - tất cả các bữa ăn đều tự nấu, tất cả thu nhập đều bằng rúp, chủ yếu dựa vào khu vườn và mạng lưới tương trợ tốt bụng và thân thiện. Tác động của các biện pháp trừng phạt: thấp (do mức tiêu dùng thấp và không liên quan nhiều đến nhập khẩu).

(6) Tầng lớp dưới (khoảng 10% dân số, những người sống dưới mức nghèo khổ). Tìm thực phẩm qua bán lẻ, bãi rác, từ thiện, thu nhập bấp bênh… Các biện pháp trừng phạt hầu như không ảnh hưởng tới họ.

Nói chung, cú đấm chính là nhắm vào tầng lớp thượng và trung lưu, điều hoàn toàn dễ hiểu với lối sống của họ. Các tầng lớp thấp hơn bình tĩnh hơn, ông Fedorov kết luận. 

Kết quả thăm dò của tờ Sự Thật Komsomol cho thấy trả lời câu hỏi người Nga sợ nhất những hậu quả gì của các biện pháp trừng phạt, 43% nói “không sợ các biện pháp trừng phạt” nào, 32% sợ không đủ tiền mua các vật phẩm thiết yếu, 11% sợ không có dược phẩm nhập khẩu, chỉ 4% sợ các thẻ ngân hàng không hoạt động…■

Nếu tác động vật chất của các lệnh trừng phạt ở mức độ nào đó có thể tính toán được, thì tác động của chiến dịch quân sự hiện nay đối với nhân tâm lại phức tạp hơn nhiều. 

Theo các thăm dò mới nhất (vào ngày 22-2) của VTsIOM, 73% người Nga ủng hộ ông Putin công nhận độc lập hai vùng Donetsk và Lugansk, còn với “chiến dịch quân sự đặc biệt”, mức ủng hộ là 68%.

Một số trí thức Nga cũng đã có thư ngỏ kêu gọi chấm dứt chiến tranh. 

Gần đây nhất, cổng thông tin đối lập Meduza.io tường thuật: vào ngày 27-2, trong một hội nghị trực tuyến về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, một thành viên của đoàn Nga, tiến sĩ địa lý Oleg Anisimov, đã “thay mặt tất cả người dân Nga, xin lỗi vì không thể ngăn chặn cuộc xung đột này”, rằng ông “cảm thấy xấu hổ, với tư cách một con người, một công dân…" 

"Tôi xấu hổ rằng chúng tôi đã không thể tạo ra các tổ chức xã hội dân sự ở đất nước của chúng tôi để có thể ảnh hưởng đến các quyết định của tổng thống và chính phủ. Và chúng tôi chỉ đơn giản là đối mặt với sự kiện - giống như những cư dân của Ukraine”.

Thế nhưng số người ủng hộ quyết định của ông Putin, nếu các cuộc thăm dò là chính xác, vẫn chiếm đa số. Trả lời người viết về phát biểu của ông Anisimov, chị Tatyana Rodinova, giám đốc thương mại NXB Piter (St. Petersburg) nói: “Tôi không xấu hổ!”, với lời giải thích: “Bước đi của Tổng thống Putin có thể biện minh. Một khi ông ấy quyết định như thế, có nghĩa là đã không còn lối thoát khác. Đó là chúng tôi đánh nhau với NATO, không phải với Ukraine”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận