Ngắm “hoa tử thi” giữa mùa dịch

HIẾU THẢO 27/06/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Câu chuyện người bán cây cảnh ở bang California (Mỹ) mới đây mang một loài cây kỳ lạ có mùi như xác chết ra giữa phố cho bá tánh thưởng lãm là một điển hình thú vị cho một sở thích mới nảy sinh trong đại dịch COVID-19: quan sát, ghi chép về sự đa dạng sinh học trên toàn cầu.

 
 Solomon Leyva mang cây ra "triển lãm"

Solomon Leyva nuôi và bán các loại xương rồng, sen đá và những loài thực vật quý hiếm khác. Trong mùa dịch này, anh bầu bạn cùng một trong những loài thực vật kỳ quặc nhất thế giới: cây chân bê khổng lồ (titan arum), còn được biết đến với tên gọi cây hoa xác thối vì mùi hôi không thể nhầm lẫn tỏa ra từ hoa của nó để dẫn dụ các loại côn trùng ăn xác chết.

Cây thường chỉ “khoe hương khoe sắc” vài năm một lần và khi nở phần rìa rực rỡ của nó sẽ héo tàn chỉ sau một hoặc hai ngày. Chính vì những phút huy hoàng ngắn ngủi này mà khi “bé bự” chuẩn bị đơm bông vào tháng 5-2021, Leyva đã nhanh chóng kéo nó lên xe và mang đến trưng bày tại khoảnh đường trống trước một cây xăng bỏ hoang ở hạt Alameda, nơi anh sống, để những người đi dạo vận động tay chân sau mùa dịch có thể cùng chiêm ngưỡng loại cây quý hiếm này.

Cây khủng nhưng dễ trồng

Trong cuộc trò chuyện với trang Atlas Obscura, Leyva chia sẻ cây sống trong một nhà kính polycarbonate hai vách khổng lồ rộng khoảng 279 mét vuông để có thể kiểm soát phần nào khí hậu bên trong.

“Loài cây đặc biệt này thực ra không khó trồng chút nào, nó thích nhiệt độ trên 15OC nhưng vẫn có thể sống được dưới mức đó. Nó chỉ không thích bị đông đá bởi tiết trời quá giá lạnh thôi. Tôi có thảm nhiệt mở ở 23OC trong suốt 24 giờ mỗi ngày để sưởi ấm cho chúng” - anh nói.

Chú khủng long thân thảo này đương nhiên cần tiêu thụ một lượng lớn dưỡng chất để phát triển. Leyva bơm nước trực tiếp từ giếng nhà anh để tưới cây, nước thường có độ axit khá trung tính. Trước khi ra hoa, nó được tưới đẫm nước ba lần một tuần.

Cây thích nhiều canxi và có hàng chục loại phân bón dạng lỏng giá cả hợp lý có thể cung cấp đủ lượng cần thiết. Kích cỡ cây thường lấp đầy 1 cái chậu khoảng 95 lít, rất nhiều nước và chất dinh dưỡng thoát ra môi trường đất xung quanh chùm hoa có hình dáng tựa một cái chụp đèn khổng lồ này.

 
 Cây "hoa tử thi" lúc rực rỡ nhất. -Ảnh: Solomon Leyva

Ở quê nhà Sumatra (Indonesia) của giống cây này, đất đai rất trù phú, thổ nhưỡng thích hợp cho chúng phát triển tự nhiên. Nhưng khi được trồng trong chậu ở Mỹ thì lượng đất có khả năng cung cấp, nước, nhiệt, khí và các chất dinh dưỡng phù hợp cho cây cần được can thiệp bởi bàn tay con người nhiều hơn.

Dấu hiệu để nhận biết cây sắp ra hoa là khi cuống nhú lên báo hiệu một nụ đang chớm nở, nó có hình dáng gần như chóp hình nón nhọn hoặc như một ngọn giáo, thuôn dài, mập mạp và lệch một bên.

Riêng cây mà Leyva đem trưng bày lần này từng nở hoa cách đây ba năm và bây giờ đã sẵn sàng để đơm bông thêm lần nữa. Anh đã trồng từ 16 - 18 cây trong nhiều năm qua. Theo anh, loại cây mạnh mẽ này chỉ có thể gục ngã bởi một kẻ thù duy nhất là giun tròn (còn gọi là tuyến trùng).

Của thơm không hưởng một mình

Chia sẻ về động cơ thúc đẩy anh trưng bày loại cây quý hiếm này cho cư dân địa phương cùng chiêm ngưỡng, Leyva nói: “Việc sở hữu cái cây chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó sẽ chỉ nở vỏn vẹn vài ngày. Tôi thấy mình cần phải chia sẻ nó. Cộng đồng nhỏ nơi tôi đang sống rất dễ thương và tôi chỉ nghĩ họ sẽ thích ngắm mấy cái cây tôi trồng”.

Nơi lý tưởng nhất mà anh thợ làm vườn ngắm nghía để trưng bày cây là trạm xăng Art Deco - vốn đã ngừng hoạt động hơn 30 năm, đối diện tòa thị chính. Anh phải đặt một toa xe kéo cái cây vào khu trung tâm thị trấn vì nó quá cao (khoảng 1,6m).

Kết quả thật đáng khích lệ: Mọi người - hầu hết đều đã được tiêm vắc xin và đang muốn ra ngoài trở lại - đều rất phấn khích và thích thú. Hầu như ai cũng để ý đến mùi, nhưng một số lại không thấy mùi gì cho đến khi có một làn gió thoảng qua. Người ta còn tháo cả khẩu trang ra để trải nghiệm mùi hương khiến loại cây này nổi tiếng.

Theo Leyva, thật chẳng có cách nào tận hưởng những ngày kết thúc giãn cách xã hội tốt hơn là nhìn ngắm trẻ con và thú cưng nô đùa xung quanh cây cối. Anh cho rằng chẳng cần phải bảo bọc che chắn gì tác phẩm trưng bày của mình bởi lẽ nó cũng chỉ đặc biệt trong vài ba ngày mà thôi.

Kể về số phận của cây hoa sau đợt triển lãm, Leyva nói: “Tôi “xử trảm” nó và để lại bông hoa ở đó, mang phần còn lại của thân cây về nhà. Mọi người chơi với bông hoa trong vài ngày. Tôi thấy một vài đứa trẻ đến sờ và cầm nó lên chơi, một bà già nhặt vài cánh hoa rồi in mực và làm một số tác phẩm nghệ thuật từ đó”.

Con người và thiên nhiên trong đại dịch

Trước khi có COVID-19, Leyva bỏ công việc quản trị chuỗi cung ứng cho một công ty đồ cổ cao cấp để đi bán cây cảnh vì đi làm việc ở công ty tốn kém quá nhiều chi phí. Doanh số bán cây cảnh đã tăng kể từ trước khi đại dịch xảy ra. “Sau đó, khi dịch bùng nổ, mọi người mắc kẹt ở nhà và tìm đủ thứ để làm, doanh số bán hàng của tôi đã tăng ít nhất 300%” - anh nói.

Leyva cho rằng loài người đã mất đi mối liên hệ với thiên nhiên và hiện đang cố gắng để tìm lại sợi dây liên kết đó một cách đầy say mê. Người ta có thể cảm thấy không còn hào hứng với việc có con, nhưng việc họ đam mê cây cối trong mùa dịch này có thể xem là đang vô thức thực hiện việc nuôi nấng một cái gì đó vốn là bản năng của con người.

Ngoài tự tay chăm sóc, nhiều người đã bắt đầu thói quen ghi chép nhật ký ngắm nghía cỏ cây muôn thú trong mùa dịch này. Người thì kiên nhẫn mô tả quá trình nụ nở thành hoa, kẻ thì chộp lấy ống nhòm quan sát chim chóc trong vườn nhà hàng xóm.

 
 Con lười ba ngón cổ nâu. Ảnh: iNaturalist

Ứng dụng iNaturalist - một sáng kiến của Học viện Khoa học California và Hiệp hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ với ý tưởng lập bản đồ và chia sẻ các quan sát về đa dạng sinh học trên toàn cầu - đã ghi nhận số người dùng đăng chia sẻ nhật ký quan sát muôn loài tăng cao hơn bao giờ hết trong năm qua.

Điều này trái với các suy đoán khi giãn cách xã hội bắt đầu có hiệu lực trên khắp thế giới vào tháng 3 năm ngoái rằng hoạt động trên iNaturalist sẽ kém sôi nổi khi con người không thể tự do đi lại. Thực tế là số bài đăng đã tăng do người dùng có nhiều thời gian nhàn hạ hơn, và có ý kiến cho rằng con người đã tái hòa nhập với thiên nhiên nhờ rảnh rỗi trong đại dịch.

Tuy nhiên, iNaturalist khẳng định dữ liệu của họ không đủ để kết luận những thay đổi đao to búa lớn như vậy và rằng chỉ mỗi năm 2020 tự nó không thể được xem là bằng chứng khoa học cho bất cứ thay đổi nào của nhân loại.

Tuy vậy, tổng kết thường niên của iNaturalist ghi nhận các thành viên đã ghi chép hơn 23 triệu lượt quan sát trên hơn 198.000 loài động thực vật trong năm 2020.

Danh sách những quan sát được yêu thích nhất gồm có ảnh một con ong bắp cày cái khổng lồ đuôi dài Ichneumon chui vào bên một cái cây, một con lười ba ngón cổ nâu, một con nhện đánh nhau với kiến... Tất cả đều được các thành viên mạng lưới này dày công tìm kiếm, chăm chú quan sát, tỉ mẩn chụp ảnh và chia sẻ lại cho cộng đồng cùng xem.■

Ảnh: iNaturalist 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận