Ngắm tranh xưa, thắc mắc về những nụ cười...

MAI MAI HƯƠNG 19/03/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Nụ cười trên những bức tranh chân dung xưa không chỉ đơn giản mô tả diện mạo của nhân vật mà còn ẩn chứa nhiều quan điểm của xã hội và thẩm mỹ đương thời.

Trải nghiệm “trang nghiêm” mà ta thường có khi xem tranh xưa không phải chỉ là vì những bối cảnh quyền quý với thức cột cổ điển, cầu thang cẩm thạch, áo quần nhung lụa, mà còn là vì hiếm được gặp những khuôn mặt có nụ cười tươi tắn trên các kiệt tác.

Những nụ cười tiên phong

Họa sĩ xưa ít khi vẽ nụ cười, đặc biệt là cái cười hở miệng. Chúng ta thường nghĩ việc này để tránh làm lộ ra hàm răng xấu. Của đáng tội thì vệ sinh răng miệng kém thời xưa phổ biến thật. Nhưng điều đó chẳng bị xem là làm mất đi vẻ đẹp.

Tử tước Palmerston III (Henry John Temple, 1784 - 1865), thủ tướng thời Nữ hoàng Victoria của nước Anh, dẫu bị mất vài răng cửa vì tai nạn lúc đi săn vẫn được miêu tả là có “khuôn mặt và vóc dáng điển trai đầy lôi cuốn”. Răng xấu không phải là vấn đề!

 

 Henry John Temple 

Câu trả lời đầu tiên cho thắc mắc vì sao hiếm thấy nụ cười trong tranh xưa lại rất đơn giản. Theo giải thích của nhà nghiên cứu Nicholas Jeeves - giảng viên của Trường Nghệ thuật Cambridge (Anh) - trong bài phân tích có tựa đề The Serious and the Smirk - The Smile in Portraiture (Nghiêm trang và Cười mỉm - Nụ cười trong vẽ chân dung), là do việc vẽ tranh mất nhiều thời gian.

“Nụ cười giống như một cái đỏ mặt - nó là một phản ứng chứ không phải là một biểu cảm, vì vậy nó không thể dễ dàng giữ lâu hay dễ dàng ghi lại”, Jeeves viết.

Một nụ cười tươi có thể biến thành một cái cười xệ trong tích tắc, nếu việc chụp ảnh, vì lý do nào đó, trở nên lâu hơn bình thường. Thì trong chân dung, vẽ nụ cười khó khăn vì không người mẫu nào có thể cười tươi suốt hàng giờ.

Trong giai đoạn nghệ thuật Phục Hưng, họa sĩ Ý Antonello da Messina (1430 - 1479) là một trong số ít cây cọ thường vẽ nụ cười. Được đào tạo các kỹ thuật vẽ kiểu Hà Lan, kỹ thuật tân tiến đương thời mô tả được những gì trực tiếp quan sát trong tự nhiên, Messina tiên phong thể nghiệm vẽ nụ cười để diễn đạt nội tâm nhân vật. 

Nhưng bức Ritratto d'ignoto marinaio (Chân dung thủy thủ vô danh, 1475), một tác phẩm điển hình của Messina, vẫn tạo ra một nụ cười đầy bí ẩn. 

Người đàn ông có một đường hằn cạnh khóe miệng, lúm đồng tiền trên má, nét cười ở khóe mắt, nhưng sự mâu thuẫn giữa bản chất tĩnh của bức tranh và sự sinh động của nụ cười đã làm người xem bối rối, đến nỗi cảm thấy khuôn mặt người đàn ông trở nên khó hiểu, theo phân tích của Jevees.

 

 Ritratto d'ignoto marinaio (Chân dung thủy thủ vô danh), 1475, của Antonello da Messina, 31x24,5cm, sơn dầu trên ván.

Sau đó vài thập niên, danh họa Leonardo da Vinci (1452 - 1519) với kỹ thuật vẽ mờ sfumato tạo ra trong chân dung một hiệu ứng chuyển động khiến nụ cười tinh tế hơn, như trên bức chân dung nổi tiếng La Joconde(1503 - 1506).

Nhưng nụ cười trong bức Saint John the Baptist (Thánh John Tẩy giả, 1513 - 1515) mới là một hiện tượng gây chú ý hơn cả trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, đó là một cái mỉm cười rộng nhất.

 Saint John the Baptist (Thánh John Tẩy giả), 1513 - 1515, của Leonardo da Vinci, 69x57cm, sơn dầu trên ván.

Đến năm 1602, Caravaggio (1571 - 1610) đã có một nụ cười đầy nổi loạn trong bức Amor Vincit Omnia(Tình yêu chinh phục tất cả) vẽ thần Eros hé miệng cười vừa thể hiện sự thơ trẻ vừa chứa đựng sự khát khao và tinh quái.

 

 Amor Vincit Omnia (Tình yêu chinh phục tất cả), 1602, của Caravaggio, 156×113cm, sơn dầu trên canvas.

Còn nụ cười trong 100 năm tiếp đó xuất hiện trên tranh chân dung kèm theo những kỳ thị xã hội, và cái cười hở miệng bị xem là thiếu lịch sự ngay cả trong đời sống.

Những định kiến trăm năm

Thánh Jean-Baptiste De La Salle (1651 - 1719), trong quyển The Rules of Christian Decorum and Civility (Quy tắc nghi thức và nghi lễ Cơ đốc giáo, 1703), đã viết: “Có vài người nâng môi trên của họ lên quá cao... đến nỗi răng của họ gần như thấy hết cả. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nghi thức, cấm để răng lộ ra, vì tạo hóa cho chúng ta đôi môi để che răng lại”. 

Tranh chân dung quý tộc và nhà giàu của châu Âu thế kỷ 17 thế là hiếm hoi nụ cười. Muốn thấy nét hoan hỉ, phải tìm những bức tranh trường phái Hà Lan, nơi các họa sĩ thường xuất thân từ tầng lớp thấp đã sử dụng tài năng của mình hướng đến việc ghi lại sự đa dạng của cuộc sống đời thường.

Những tên tuổi của trường phái Hà Lan như Jan Steen, Franz Hals, Judith Leyster Jan Steen... đều có những bức tranh đầy tiếng cười với cảnh say sưa đàn hát, góp phần tạo nên trong từ “chất Hà Lan” một mặt nghĩa chỉ sự phóng túng.

Tài nhất trong số họ, theo Jeeves, là Gerrit Van Honthorst (1592 - 1656), một người hâm mộ Caravaggio và đã tìm đến Ý học kỹ thuật phối màu sáng tối. Khi quay lại quê nhà Utrecht ở Hà Lan, ông dùng kỹ thuật đó để ghi lại cảnh ăn uống, đàn hát thâu đêm với những nụ cười rộng miệng, mà sung sướng nhất là trong bức The Laughing Violinist (Nghệ sĩ violin cười đùa, 1624). 

The Laughing Violinist (Nghệ sĩ violin cười đùa), 1624, của Gerrit van Honthorst, 81x64cm, sơn dầu trên canvas.

Nếu từ thời Phục Hưng, hình ảnh nụ cười cùng các nhạc cụ mô tả việc đàn ca vui vẻ để nói đến tâm trạng khi yêu, thì Van Honthorst lại đi xa hơn thế. Ông vẽ nghệ sĩ ôm violin, cười rộng miệng, với một cử chỉ dung tục trên đôi tay, ẩn chứa mặt nghĩa chấn động hơn: tình dục.

Sự thoải mái đó không bao giờ thực sự thấy được ở những nước thịnh hành thái độ giai cấp như ở Anh. Họa sĩ William Hogarth (1697 - 1764) của nước này trong quyển Analysis of Beauty (Phân tích sắc đẹp, 1753) đã viết rằng ông chấp nhận những nét “tạo thành một nụ cười dễ chịu ở khóe miệng”, nhưng lại ghét một khuôn mặt có nét mặt quá mức, xem đó là “cái vẻ ngớ ngẩn hay khó ưa”.

Vào các thời hiện đại hơn, có họa sĩ người Mỹ John Singer Sargent (1856 - 1925), trong bản vẽ nghiên cứu Miss Eleanor Brook (1890), đã mô tả chủ thể với một nụ cười rất tươi tắn và sinh động. 

John Singer Sargent

Nhưng họa sĩ sau đó đã bỏ bản vẽ này để chọn một sự biểu cảm điềm tĩnh hơn cho bản hoàn thiện, mà rõ ràng là không được đẹp như bản nghiên cứu. Chính ông cũng nêu rằng “một bức chân dung là hình một người với thứ gì đó sai sai trên khuôn miệng”.
 

 Bản nghiên cứu và bản hoàn thiện của bức Miss Eleanor Brook, 1890, của John Singer Sargent, 155x79cm, sơn dầu trên canvas.

Dù vậy, những nụ cười mỉm tươi tắn hơn của Mona Lisa vẫn thi thoảng được vẽ trên chân dung phụ nữ quyền quý để thể hiện một sự quyến rũ kín đáo, như bức chân dung Isabella Brant mà Peter Paul Rubens (1577 - 1640) vẽ vợ vào khoảng năm 1620 - 1625, bức chân dung Doña Isabel de Porcel (khoảng năm 1805) của Francisco de Goya (1746 - 1828), và bức Madame Jacques-Louis Leblanc (1823) của họa sĩ người Pháp Jean Auguste Dominique Ingres (1780 - 1867).

 

 Chân dung Isabella Brant, 1620 - 1625, của Peter Paul Rubens, 53x46cm, sơn dầu trên ván.

Năm 1877, nhiếp ảnh gia tiên phong Eadweard Muybridge chụp loạt ảnh The Horse In Motion (Con ngựa đang chuyển động) rồi những bức tranh vẽ ngựa từ sau đó mới có thêm những tư thế sống động hơn với cả cảnh phi nước đại. Và khi nhiếp ảnh chụp được những nụ cười, tranh chân dung từ đó về sau mới có những nét rạng rỡ hơn.

 Hình ảnh trong phim ngắn The Horse in motion.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận