Ngân sách cho giáo dục: “Cơ chế phân bổ, sử dụng thiếu rõ ràng, minh bạch”

THÁI BÁ DŨNG 15/06/2018 03:06 GMT+7

Theo nghị quyết của Quốc hội, mỗi năm Chính phủ dành ra 20% tổng chi ngân sách cho ngành giáo dục. Số tiền không hề nhỏ này đã được sử dụng ra sao? TTCT đã trao đổi với bà Ngô Thị Minh - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - về câu chuyện này.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Bà Ngô Thị Minh nói: Việc cải cách giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đã được Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành triển khai. Tuy nhiên trên thực tế cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Thứ nhất, đổi mới phải xuất phát từ đâu? Nếu là đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông theo nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIII thì đã đáp ứng kỳ vọng của dân chưa? Đây là câu hỏi rất lớn mà Bộ GD-ĐT chưa giải đáp rõ ràng.  

Trước đó, nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X cũng đặt ra chuyện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2000-2010, đến nay những nội dung đã nêu trong nghị quyết 40 vẫn còn nguyên giá trị. Ý tưởng của những người xây dựng chương trình giai đoạn đó đã tính đến điều kiện sĩ số lớp học, trang thiết bị dạy học. Nhưng việc cung cấp trang thiết bị không đồng đều, ta lại chưa có sự đổi mới cách dạy và học nên các phòng, bộ môn chức năng ta chưa có sự chuẩn bị, trang thiết bị đầu tư xong để đó, không phát huy được công năng. Sĩ số lớp vẫn quá đông...

Vừa rồi với nghị quyết 88, chúng ta một lần nữa đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông. Nhưng việc đổi mới đó nếu chỉ tập trung biên soạn chương trình và biên soạn SGK thôi thì tôi và cử tri cũng hết sức lo ngại. Chúng ta lại tiếp tục vấp phải những trở ngại khi không thực hiện được thành công nghị quyết trước đó, do chưa có những giải pháp căn cơ chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Ta cũng chưa có giải pháp làm giảm sĩ số học sinh ở những khu đô thị lớn, nên không thể áp dụng được phương pháp giáo dục mới, đó là phát triển năng lực cho người học.

Bộ GD-ĐT nên nhìn thẳng vào những vấn đề này để thấy trách nhiệm của mình, sự phối hợp của bộ với các đơn vị khác. Từ đó tham mưu với Chính phủ giải quyết căn cơ những vướng mắc hiện nay, có lộ trình để dựa vào ngân sách nhà nước chi cho ngành giáo dục thật hiệu quả.

Bà Ngô Thị Minh. Ảnh: Việt Dũng
Bà Ngô Thị Minh. Ảnh: Việt Dũng

Theo bà biết thì khoản 20% ngân sách hằng năm đã được Bộ GD-ĐT quản lý, điều tiết và sử dụng như thế nào?

- Giáo dục là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhưng ngay cả Bộ GD-ĐT cũng không nắm được khoản 20% này đã được sử dụng như thế nào. Nguyên tắc là Bộ GD-ĐT phải phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý ngân sách đó, nhưng hiện cơ chế phối hợp giữa các bộ để phân khai, điều tiết ngân sách về các tỉnh, cho từng bộ để phục vụ lĩnh vực giáo dục tôi có thể khẳng định là chưa có sự minh bạch, chưa rõ ràng. Bộ GD-ĐT không nắm được đầy đủ sự phân bổ đó. Đây chính là vấn đề mà Chính phủ phải nghiêm khắc xem xét để vai trò tham mưu của Bộ GD-ĐT làm sao rõ, hiệu quả hơn, nếu không thì cứ lùng bùng như bây giờ.

Tôi cho rằng phải bắt đầu từ bài toán vĩ mô, ngân sách đầu tư cho mỗi cấp học thì Bộ GD-ĐT phải biết, phải giám sát, xem địa phương sử dụng ngân sách đó có hiệu quả không. Hiện nay ngân sách dồn về cho trường công quá lớn. Việc xã hội hóa để các nhà đầu tư đầu tư vào các trường ngoài công lập tốt hơn thì hiện nay chưa như mong muốn. Minh chứng là hiện có 1,3 triệu giáo viên từ mầm non tới cao đẳng, đại học thì có tới trên 90% trong đó đang công tác ở hệ thống trường công. Tương tự, số học sinh học trường công cũng đang quá lớn. Vậy thì ngân sách có nhiều hơn nữa, mà cứ dồn vào trường công như thế thì sẽ quá tải, không hiệu quả, tiêu chí phân bổ cũng sẽ không rõ ràng. Vai trò của Bộ GD-ĐT trong việc phân bổ ngân sách tương đối mờ nhạt. Khi sửa Luật giáo dục thì phải xem xét thấu đáo việc này.

Thực tế có đến 80% trong số 20% ngân sách dành cho giáo dục là dùng để trả tiền lương, theo bà, điều đó có hợp lý?

- Việc chi ngân sách và sử dụng ngân sách cho ngành giáo dục hiện đang có vấn đề. Bởi trên 80% là chi đầu tư cho con người, thậm chí nhiều nơi mức này tới 90%. Vậy thì phần còn lại đầu tư cho hoạt động dạy và học trong nhà trường là quá ít, còn đâu tiền nữa mà đầu tư cho trường tư? Thực tế chúng ta đang quá ưu tiên trường công, giáo viên và học sinh cứ tập trung vào khối này. Chúng ta chưa có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, các trường ngoài công lập vẫn bị phân biệt đối xử. Chúng ta cứ nói hỗ trợ bằng cơ chế đất đai, tín dụng... cho trường tư nhưng thực tế thì thế nào? Người dạy, người học ở những cơ sở đó đã nhận được gì? Chúng tôi mong muốn nhanh chóng có Luật đối tác công tư, từ đó mới lẩy ra được trách nhiệm của Nhà nước đối với trường ngoài công lập như thế nào. Nhà đầu tư cũng muốn có sự minh bạch, chứ không thể anh quy hoạch tùy tiện, rồi nhà đầu tư bỏ tiền ra làm trường ít lâu sau lại mọc lên cái trường công khác kế đó. Rồi chính sách cho họ như thế nào, mình hỗ trợ được những khoản nào? Hiện nay chúng ta vẫn nặng tính xin - cho, chưa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Nói như thế mới thấy được rằng tài chính cho giáo dục vẫn là vấn đề rất lớn, chưa có sự công bằng trong đầu tư, chưa bám sát mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã đặt ra.

Hiện nay số lượng học sinh tham gia khối trường tư vẫn còn ít. Một lý do là chi phí học tập của học sinh quá cao...

- Tôi cho rằng gốc rễ của vấn đề là phải thay đổi cách tiếp cận. Chúng ta bắt đầu từ Hiến pháp 2013, trên cơ sở quyền con người và công dân. Trách nhiệm của Nhà nước với những học sinh bậc học phổ cập là sau năm 2020, Nhà nước phổ cập bắt buộc 9 năm chứ không phải tiểu học bây giờ nữa. Vậy thì trách nhiệm Nhà nước đối với việc phổ cập này như thế nào? Nếu cứ phải vào trường công mới được hưởng chính sách đó thì bị thiên lệch. Nên ta phải đảm bảo lợi ích của trường tư với trường công, thể hiện bằng lượng hóa trên mỗi học sinh. Nếu học sinh trường công được đầu tư 8 triệu đồng/em/năm thì ở trường tư chúng ta thông qua đất đai, hỗ trợ tín dụng cũng phải tính xem mỗi năm con số đầu tư là bao nhiêu? Từ đó sẽ tính ra được khoản tiền chênh lệch mà học sinh ở trường tư phải đóng. Như bây giờ, toàn bộ số học sinh khối mầm non nhiều nơi không có khoản hỗ trợ gì từ Nhà nước, phải đóng học phí từ A-Z, quá cao, dẫn đến sự mất bình đẳng rất lớn. Rõ ràng với khối trẻ này, trách nhiệm là của Nhà nước, không thể bỏ bê được.

Với việc dùng khoản ngân sách khá lớn để trả lương, bà có cho rằng nên tính đến việc sắp xếp, tinh giản biên chế trong ngành giáo dục?

- Tinh giản biên chế là chủ trương chung của Nhà nước, nhưng với ngành giáo dục, tôi mong muốn Bộ GD-ĐT phối hợp chặt với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan để có sự tham mưu phù hợp đặc thù của ngành hơn nữa với các lý do: Thứ nhất, hiện nay việc tinh giản biên chế dành cho đội ngũ giáo viên là chưa phù hợp, cần tính lại làm sao khi giáo viên không đáp ứng được công việc trong giai đoạn mới thì sẽ làm được công việc gì khác ngoài biên chế. Ví dụ, họ có thể được đào tạo thêm để làm bảo mẫu, mở các nhóm trẻ tư thục để tận dụng khả năng nghề giáo, Nhà nước phải có chính sách đối với nhóm trẻ mà các giáo viên đó phụ trách. Làm được như thế thì sẽ khích lệ họ chuyển đổi công việc, đồng thời có thêm cơ hội cho sinh viên sư phạm ra trường tìm việc làm.

Thứ hai, để có mức lương cao cho giáo viên phải tính đến việc chuyển dần giáo viên từ hệ thống công qua tư, từ 10% giáo viên công tác ở trường tư hiện nay lên mức 40%. Để làm được điều đó, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là phải làm rõ tính đặc thù, vị trí nghề nghiệp của nhà giáo, từ đó việc giảm biên chế mới thực sự được đẩy mạnh.

Xin cảm ơn bà!■

Thời gian qua Bộ GD-ĐT đã đưa rất nhiều chương trình đổi mới, các đề án cải cách giáo dục, thi cử... nhưng nhiều chương trình, đề án hiệu quả thấp hoặc bị dư luận phản đối ngay từ đầu. Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có được tham gia ý kiến những chương trình, đề án trên?

- Với các chương trình, đề án thí điểm, nếu Bộ GD-ĐT trao đổi với ủy ban thì chúng tôi sẽ cho ý kiến để đảm bảo sự thận trọng hơn. Tuy nhiên vừa qua có những việc thí điểm, quyết sách của Bộ GD-ĐT, luật không yêu cầu bộ phải trao đổi với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Chúng tôi thấy có một số việc phát sinh thực sự là không hài lòng, nhưng khi đã diễn ra rồi thì trách nhiệm của ủy ban là phải giám sát. Có những cái không phù hợp gây lãng phí tiền của Nhà nước, đây là điều cần được xem xét một cách nghiêm túc trong thời gian tới.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận