TTCT - Để xem tuần này, ngày 21-7, người Bỉ mừng quốc khánh như thế nào. Không vì chuyện đau lòng xảy ra ở Nice (Pháp) tuần trước mà sợ hãi hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm ngày độc lập, nhưng trong hồ sơ chống khủng bố và sổ tay cảnh sát đã ghi nhớ thêm vũ khí đáng sợ mới: xe tải. Block chặn đường đặt sẵn trên đường phố Ghent, Bỉ 1 Chẳng cần bí mật tạo bom, không phải lén lút giấu súng, một chiếc xe tải cũng đủ gây ra thảm sát kinh hoàng. Lại là Pháp. Thêm vết thương mới khi niềm đau cũ chưa kịp mọc da non. “Phát ốm vì những thứ rác rưởi này”, nỗi giận dữ pha màu bi quan lan ra trên cộng đồng mạng. Ở các lễ hội đang và sắp diễn ra, thêm nhiều khối bêtông chắn đường đặt ngổn ngang trên đại lộ và quảng trường. Vẫn thấy chưa đủ cứng rắn. Cần xe tăng quân đội mới chặn được xe tải điên. Chúng ta đang sống trong thời đại gì thế này? Ông bố của Mohamed Bouhlel phân trần con mình bị trầm cảm lâu rồi, hàng xóm thấy anh ta lạnh lùng đáng sợ, họ hàng chẳng tin hắn ngoan đạo, “có bao giờ ló mặt vào đền thờ, vẫn uống rượu ngon lành, dùng đủ thứ thuốc và dán mắt vào đàn bà”. Trầm cảm ư? Đó là bệnh của biết bao người trong xã hội hiện đại, trầm trọng thì có quyền tự chấm dứt đời mình chứ không được phép tước đi cuộc sống của người khác. Lạnh lùng ư? Người không sở hữu gương mặt niềm nở, thân thiện vẫn có tấm lòng ấm áp nhân hậu. Vô thần ư? Vẫn sống tốt nếu biết yêu mình và trân trọng cuộc sống quanh mình. Ở điểm này, chính trị gia như Benjamin Franklin đã nghĩ giống nhà văn như Mark Twain. Benjamin Franklin nói phần lớn những nỗi thống khổ của nhân loại đều do con người tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của nhiều điều. Còn Mark Twain thấu thị: “Khi chân lý còn mang giày, lời nói hoang đường đã chạy tới hơn nửa phần của thế giới”. 2 Những người lái xe tải đường trường hẳn đang buồn lắm. Phương tiện nuôi sống bản thân và gia đình của họ bỗng nhiên bị Mohamed Bouhlel biến thành thứ vũ khí hủy diệt bị đánh dấu đỏ. Không ít lần đỗ xe ở trạm dừng chân dọc những con đường cao tốc xuyên châu Âu, tôi thấy các bác tài khuôn mặt còn ngái ngủ mở cửa cabin xe tải cao lừng lững. Khăn mặt vắt vai, họ tranh thủ đánh răng ngay khi đang đun nóng xúp và rán xúc xích trên chiếc bếp gas nhỏ xíu phía sau thùng container khổng lồ. Từ chiếc cửa mở hé ra ấy, tôi thấy băng ghế dài còn ngổn ngang chăn gối, góc cabin chứa đầy gấu bông, ảnh vợ ảnh con cài khắp mép kính, những bức tranh con cái vẽ tặng được treo lên đầu xe như bùa thiêng hộ mệnh dọc đường... Xe tải là ngôi nhà thứ hai của họ. Thời gian ngồi trong xe còn nhiều hơn ở nhà. Xe tải phục vụ cuộc sống chứ không phải thứ hủy diệt cuộc sống. Còn khi phải chiến đấu, không cần xe tải cũng chẳng đợi dọa bom hạt nhân, bản thân con người đã là thứ vũ khí đơn giản nhất mà dữ dằn nhất. Mới đây thôi chứ xa xôi gì, trên đường đến nhà thờ ở thành phố Balad của Iraq, Najih Shaker al-Baldawi đã lao vào ôm một kẻ đánh bom liều chết của IS để hạn chế tối đa thương vong cho mọi người xung quanh. Rồi cũng cuối tuần qua, lại là dân thường ở Thổ Nhĩ Kỳ nằm ra đường ngăn xe tăng quân đội đảo chính. Người dân không chọn quân đội, nhưng cũng chưa chắc chọn chính quyền. Chân lý đơn giản cần phải chiến đấu vì sự bình yên, bởi đã “phát ốm vì những thứ rác rưởi này rồi”. Rạng sáng 16-7-2016 chẳng khác nào ngày độc lập mới của người Thổ. Henry David Thoreau, người tiên phong theo thuyết Tiên nghiệm, đã chiêm nghiệm: phản kháng chính là nền tảng thật sự của tự do. 20 năm trước, Hollywood làm phim giả tưởng Independence day - Ngày độc lập rất ăn khách. Người đàn ông có triệu chứng trầm cảm, nát rượu vẫn kịp tỉnh táo lái máy bay chở bom lao thẳng vào khối vật thể lạ khổng lồ đè lên bầu trời Mỹ. Đời thực không như phim. Dẫu sao vẫn có một điều cần thiết cả phim cũng như đời đều đã diễn giải rõ nghĩa: còn là con người, còn phải chiến đấu để sống và tồn tại. Bảy người nhập cư trái phép từ Iran vào Anh qua cảng biển ở Zeebrugge (Bỉ) vừa chọn chân lý này. Ngồi ép chặt trong thùng container chở rượu vang trên chiếc xe tải đang di chuyển theo lộ trình của bọn buôn người, bảy người Iran chưa vào được thiên đường Anh đã thấy cận kề địa ngục: bắt đầu ngộp thở vì thiếu oxy. Không rõ trong túi áo người tị nạn ghi bao nhiêu số điện thoại khẩn cấp. Nhưng từ thùng container bít bùng, nhóm này quyết định cứu mạng sống của mình bằng cách bấm số gọi cảnh sát Zeebrugge.■ Tags: Đánh bomPhápNgày độc lập
Sân bay Tân Sơn Nhất: Nhà ga T1 và T3 bao giờ mới thật gần? CÔNG TRUNG 22/04/2025 Sau ba ngày mở cửa đón khách, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bước đầu giúp giảm áp lực cho nhà ga quốc nội T1 nhưng cũng bộc lộ một điểm nghẽn đáng lo ngại: hành khách gặp khó khi di chuyển giữa các nhà ga T1, T2 và T3.
Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần mang điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID THÀNH CHUNG 22/04/2025 Tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" được báo Tuổi Trẻ tổ chức nhằm thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa các cơ quan, doanh nghiệp và người dân với VNeID.
Sáng nay, trực thăng kéo cờ, tiêm kích nhào lộn ở trung tâm TP.HCM LÊ PHAN 22/04/2025 Sáng nay các phi đội trực thăng, tiêm kích xuất phát từ sân bay Biên Hòa vào trung tâm TP.HCM tiếp tục tập luyện trước thềm ngày diễu binh 30-4.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ người đàn ông và phụ nữ chết trên đường phố Đà Nẵng ĐOÀN CƯỜNG 22/04/2025 Cơ quan chức năng đang tiến hành phong tỏa hiện trường, điều tra vụ nghi án mạng xảy ra trên đường phố ở Đà Nẵng.