Nghĩ lớn...

QUỐC THANH THỰC HIỆN 30/10/2005 00:10 GMT+7

TTCN - Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, hiện VN là một trong những lựa chọn có thể giao những hợp đồng gia công phần mềm trị giá từ vài triệu USD đến hàng chục triệu USD.

Phóng to

VN có được hình ảnh này là nhờ sự chóng lớn và trưởng thành rất nhanh của các doanh nghiệp phần mềm như TMA, FPT, PSV...

Mới đây, lần đầu tiên TMA công bố kế hoạch đầy tham vọng: trong hai năm tới sẽ nâng tổng số lập trình viên làm việc tại đây lên 2.000 người, trở thành một trong những doanh nghiệp phần mềm VN mang tầm quốc tế và đồng thời sẽ cho ra đời “đại học doanh nghiệp” tại VN. Trao đổi với chủ tịch doanh nghiệp phần mềm TMA - tiến sĩ NGUYỄN HỮU LỆ, Việt kiều Canada.

* Có người bảo khi nhắc đến ông là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh “ông Lệ rất có tài ăn nói nhưng nói tiếng Việt không được trơn tru lắm”...

- Dĩ nhiên rồi! Năm nay tôi 56 tuổi nhưng đã có đến 33 năm sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, cơ hội nói tiếng Việt hiếm lắm. Nói thật, năm 1992 - lần đầu tiên tôi trở về nước - khả năng nói tiếng Việt của tôi còn tệ hơn (từ năm 2000 ông Lệ về quê hương sinh sống và làm việc lâu dài). Tôi rất mừng là bạn bè đã khen ngợi khả năng nói tiếng Việt của tôi ngày càng tiến bộ và chính tôi cũng rất cố gắng rèn luyện để sử dụng tiếng mẹ đẻ trơn tru như hàng chục triệu người Việt khác. Nhưng với tôi dù sử dụng ngôn ngữ nào, làm việc ở đâu... thì điều quan trọng nhất là lúc nào tôi cũng tự hào mình là người Việt Nam.

* TMA là một doanh nghiệp phần mềm có tốc độ phát triển chóng mặt, trung bình 75%/năm. TMA được như ngày hôm nay, như có người nhận xét, là nhờ tài ăn nói, tiếp thị... của ông chủ tịch Lệ?

-... Cái này chỉ đúng ở góc độ nào thôi. Vì TMA làm gia công phần mềm cho nước ngoài là chủ yếu nên phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng lớn, thành ra rất cần có khả năng ngôn ngữ và diễn đạt thật tốt mới thuyết phục được họ. Chẳng những thế, làm ăn với các nước còn phải có khả năng hiểu biết “song văn hóa” nữa, nghĩa là văn hóa của mình và của khách hàng. Tôi nghĩ bất cứ một doanh nghiệp VN nào nếu muốn tham gia thị trường nước ngoài thì cần những người có tối thiểu ba khả năng: song ngữ, “song văn hóa”, kinh nghiệm về tổ chức và làm việc với công ty quốc tế.

Nhưng ở một doanh nghiệp nếu chỉ có một hay một vài người “có tài ăn nói” không thôi thì hẳn là chưa đủ. Điều này có thể giúp tạo được ấn tượng ban đầu đối với khách hàng. Song, nếu thu hút được khách hàng đã là rất khó thì việc giữ được khách hàng làm ăn lâu dài còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Muốn giữ được khách hàng lâu dài không có con đường nào khác là cả đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp phải có khả năng phục vụ khách hàng tốt nhất và làm ra những sản phẩm chất lượng nhất...

* Từ chỗ có sáu lập trình viên năm 1997, chỉ sau tám năm TMA có gần 700 lập trình viên... TMA chắc không dừng lại ở qui mô này?

- Trong tám năm qua TMA đã chọn con đường 100% hoạt động là gia công phần mềm cho các hãng nước ngoài. Thời điểm này là bước ngoặt tương đối lớn đối với TMA. Chúng tôi nghĩ mình đã “đủ lông đủ cánh” rồi nên sẽ mở rộng phát triển tối thiểu ở ba phương diện: tự nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần mềm ngay tại VN để bán ra thị trường; tham gia những dự án phần mềm lớn ở thị trường VN; lập trường đại học để đào tạo nâng cao trình độ nhân lực cho ngành công nghệ thông tin và phục vụ chính doanh nghiệp của mình. Đến năm 2007 TMA dự kiến có đến 2.000 người làm việc.

Phóng to
Các lập trình viên của TMA
* Kế hoạch này xem ra đầy tham vọng?

- Nếu muốn làm được việc lớn thì cần có tham vọng lớn. Nhưng tham vọng đó phải thực tế và cũng phải có tính lâu dài, chứ không phải làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”...

Nếu so sánh với những nguồn lực trí tuệ từ các nước mà tôi có cơ hội làm quản lý như Canada, Anh, Nhật, Ấn Độ... thì nguồn nhân lực của nước ta không thua họ bất kỳ điều gì về khả năng chuyên môn, tính năng động, sáng tạo...

* Nhưng có vẻ như TMA không quan tâm lắm đến việc phát triển thị trường phần mềm nội địa?

- Vào thời điểm này chúng tôi đã bắt đầu quan tâm vì thời cơ đã đến. Đồng thời với nguồn lực VN hiện tại, chúng tôi cũng đã đủ sức làm đối tác phía VN cho các đề án phần mềm lớn mà lâu nay thường rơi vào tay các tập đoàn đa quốc gia.

* Có bạn trẻ cho rằng thời buổi này sản xuất và kinh doanh phần mềm đơn giản lắm, chỉ cần có ít vốn, mua mấy chiếc máy vi tính và tuyển dụng một số người là có thể lập công ty phần mềm... Riêng ông nghĩ sao?

- Không đơn giản đến mức như vậy đâu. Quan trọng nhất là các bạn trẻ cần học thêm ngoài “trường đời” rất nhiều trước khi lập công ty riêng và điều hành chúng. Ở Bắc Mỹ có nhiều “công ty khởi nghiệp”, nhưng ít trường hợp người lập công ty mới rời ghế giảng đường được một vài năm. Tốt nhất là các bạn trẻ nên tìm cách thu nhận càng nhiều kinh nghiệm thương trường càng tốt trước khi có ý định lập và điều hành một công ty.

Các bạn nên tận dụng mọi cơ hội làm việc ở các tập đoàn, các dự án lớn... để tích góp vốn liếng (chủ yếu là kinh nghiệm) cho bản thân mình. Khi đã có khấm khá rồi thì mức độ rủi ro khi ra thương trường sẽ được hạn chế...

* Thế “tuổi già” như ông chủ tịch Lệ đang ôm những hoài bão gì?

- Bây giờ tôi cũng đã 56 tuổi rồi, có lẽ độ chục năm nữa cũng sẽ phải “gác kiếm” thôi... Tôi rất hi vọng đến lúc ấy tôi đã xây dựng được cho TMA có số lập trình viên và kỹ sư phần mềm làm việc tại đây lên đến 5.000 người. Song song đó là một trường đại học do chính doanh nghiệp điều hành cũng sẽ ra đời... Và điều cuối cùng là tôi rất hi vọng từ môi trường của TMA sẽ có nhiều nhà doanh nghiệp trẻ VN thành công.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận