Nghị lực của Nguyễn Thị Hòa

NGUYÊN KHÔI - KHƯƠNG XUÂN 01/05/2012 23:05 GMT+7

TTCT - Khác nhiều cầu thủ nữ khác, tiền đạo Nguyễn Thị Hòa (Hà Nội I) thi đấu tại Giải bóng đá nữ VĐQG - Cúp Thái Sơn Bắc 2012 với một khát vọng lớn: đem lại niềm vui cho người mẹ đang nằm một chỗ ở quê nhà vẫn dõi theo từng bước chân của con.

Phóng to
Nguyễn Thị Hòa ăn mừng bàn thắng trong trận thắng TP.HCM 1-0 hôm mở màn Giải VĐQG 2012 - Ảnh: N.K.

Tờ mờ sáng 23-2, bà Nguyễn Thị Táo, mẹ Hòa, đạp xe ra chợ sớm để mua lễ đi chùa đã bị một chiếc ôtô lao vào sát lề gây tai nạn rồi bỏ chạy. Đôi chân bà Táo bị xe nghiến nát không được cứu chữa kịp thời nên sau đó phải cưa cụt cả hai chân.

Thu nhập 3 triệu, tiền chữa trị cho mẹ trên 50 triệu

5g30 sáng. Hòa nghe điện thoại rồi tỉnh ngủ hẳn. Cô vừa khóc vừa cuống cuồng tìm đến phòng các chị và đồng đội ở CLB Bóng đá nữ Hà Nội để hỏi mượn tiền được chục triệu đồng. Trong suốt 10 ngày đầu tiên, Hòa hết túc trực ở bệnh viện lại chạy đi vay tiền khắp nơi để có tiền vô máu và phẫu thuật đôi chân cho mẹ. Ngoài 10 triệu đồng cầm theo, Hòa mượn thêm khoảng 50 triệu đồng trong nửa tháng trời bên cạnh mẹ.

Thu nhập của Hòa chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng từ tiền lương cố định 2 triệu và tiền ăn tiết kiệm được (ăn ít hơn 150.000đ/ngày được phát). Việc giúp đỡ bố mẹ một ít thường ngày đã là khó khăn, nói gì đến chuyện đùng một cái phải có nhiều tiền để chữa trị cho mẹ.

Mẹ Hòa bị thế ai cũng thông cảm, gom góp chút ít tiền bạc để chia sẻ. Nhưng Hòa là chân sút quan trọng của CLB Hà Nội I tại Giải bóng đá nữ VĐQG - Cúp Thái Sơn Bắc 2012 sắp khởi tranh lượt đi tại TP.HCM. Vì thế một tuần sau đó, Hòa cứ một buổi ở sân tập rồi một buổi ở bệnh viện chăm sóc mẹ. Nhìn mẹ xanh xao nằm một chỗ trên giường bệnh, Hòa nghĩ tại sao mình không xin phép nghỉ hết lượt đi để chăm sóc mẹ.

Nhưng người mẹ trước kia từng ngăn cản cô con gái út đến với bóng đá thì giờ lại chủ động khuyên con nên ra sân thi đấu. Hòa kể: “Mẹ bảo không sao đâu. Con cố gắng tập trung thi đấu tốt để mẹ nghe thấy là vui rồi. Anh trai tôi cũng đã nghỉ làm để chăm sóc mẹ nên khi nghe nói thế tôi cũng yên tâm phần nào. Tôi vào TP.HCM hôm 2-4 mà mẹ vẫn còn nằm viện, phải nén lòng lắm mới không quay trở lại”.

Hòa đã không cười nhiều trong những ngày ở TP.HCM. Gương mặt đượm buồn mỗi khi ai đó nhắc về mẹ. Nhưng ý chí phấn đấu thì thật mãnh liệt. Cô muốn thi đấu tốt để tạo niềm vui cho mẹ và còn vì một lý do khác không kém phần quan trọng: Hòa muốn cùng CLB Hà Nội I giành thêm nhiều trận thắng (đội thắng tại giải được thưởng 10 triệu đồng từ nhà tài trợ) và bảo vệ ngôi vô địch nhằm có thêm một khoản tiền kha khá để trả nợ và lo cho mẹ.

Trước khi kết thúc lượt đi, Hòa đã ghi được ba bàn thắng, trong đó bàn thắng duy nhất hôm mở màn giải đã giúp Hà Nội I giành chiến thắng quan trọng 1-0 trước chủ nhà TP.HCM. Nhìn gương mặt rạng ngời hạnh phúc sau bàn thắng đó của Hòa, ít ai biết rằng cô đang phải gánh chịu một nỗi đau quá lớn.

Phóng to
Anh Thuận cố nâng mẹ dậy để đấm lưng vì nằm lâu người đau và mất hết cảm giác - Ảnh: K.X.

Gia cảnh đáng thương

Chúng tôi tìm đến gia đình bố mẹ Hòa trên quốc lộ 21B, thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) trong một ngày chớm hè. Đón chúng tôi là Thuận (anh trai Hòa) với gương mặt lo lắng. Suốt hơn hai tháng nay gia đình này không có lấy một tiếng cười, ông Phương (bố Hòa) phải mổ ruột thừa cộng vết thương tái phát, mẹ bị tai nạn giao thông mất cả hai chân. Gia đình vốn đã khó khăn trong cuộc sống hằng ngày giờ càng túng quẫn.

Ông Phương năm nay đã 74 tuổi, từng là chiến sĩ tên lửa bị thương tại chiến trường. Cách nay hơn hai tháng, ông bị đau ruột thừa nhưng bác sĩ bệnh viện huyện chẩn đoán nhầm là chảy máu dạ dày. Đến khi ông đau bụng quá gia đình yêu cầu bệnh viện chuyển lên tuyến trên thì mới được mổ cấp cứu. Ca mổ tốn kém hơn chục triệu đồng khiến gia đình khánh kiệt. Năm ngày sau khi ông Phương ra viện thì vợ bị tai nạn giao thông. Ông kể mà như khóc: “Nếu người gây tai nạn có lương tâm dừng xe và đưa bà ấy đi cấp cứu thì có lẽ đã giữ lại được đôi chân”.

Ra viện đã được hai tuần, bà Táo vẫn nằm bất động một chỗ, ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải có người giúp. Thậm chí bà còn chưa nằm nghiêng hay tự ngồi dậy được. Tiền thuốc men đến thời điểm này tốn hơn 80 triệu đồng, gia đình phải vay mượn khắp nơi để lo chữa trị. Ngày trước bà Táo là lao động chính của cả gia đình khi đi bán than, rồi mua lợn con mới đẻ về bán. Còn giờ thì Thuận vừa chăm sóc cha già, vừa chăm mẹ thay em, vừa lo ra chợ làm thay công việc của mẹ.

Anh Thuận kể: “Từ lúc mẹ nằm một chỗ, nhà không có nguồn tiền nào hết. Tôi phải tạm thời nghỉ việc sửa chữa điện tử, sáng đi thu mua lợn con hôm được hôm không, vay mượn khắp nơi giờ đến lo cơm ăn hằng ngày cũng khó khăn. Bố tôi bị tái phát vết thương thời gian qua khiến mu bàn chân phải thối cả đốt không đi lại được. Hôm trước đi khám bác sĩ bảo phải nằm viện nhưng tiền không có, không người chăm sóc nên bố nhất định không chịu đi”.

Nằm trên giường với đôi chân cụt lủn bị cưa đến hai lần do một lần bị nhiễm trùng, bà Táo chảy nước mắt khi nghĩ về cô con gái đang thi đấu tại TP.HCM. Dù nằm bất động nhưng bà nhớ rõ ngày nào con thi đấu với ai, ghi bàn thắng lúc nào.

Bà khóc: “Tối nào đi tập về nó cũng điện thoại hỏi thăm mẹ thế nào, ăn mấy bát cơm. Lần nào tôi cũng bảo ăn ba bát thì nó lại hỏi mẹ nói thật hay đùa. Cả nhà đều phải giấu Hòa để em nó đi xa chuyên tâm thi đấu cho tốt và hoàn thành nhiệm vụ. Nhà chỉ có nó là con gái lại theo nghiệp quần đùi áo số, nếu tôi khỏe chân khỏe tay sau này nó có may mắn kiếm được tấm chồng còn có thể giúp con, giúp cháu. Giờ tôi mất cả hai chân rồi nên chắc sau này con Hòa phải tự lo liệu hết, khổ thân con tôi quá”.

Đến cuối tháng 7 này Hòa mới 22 tuổi, quá trẻ để có thể trở thành lao động chính nuôi bố mẹ già yếu và bệnh tật như thế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận