Nghiệp văn không đơn giản

MA KẾT 13/08/2008 21:08 GMT+7

TTCT - Thời gian gần đây, có lẽ Hà Thủy Nguyên là cái tên biên kịch được nhắc tới nhiều nhất trên truyền thông cũng như các diễn đàn Internet. Lời chê nhiều mà lời khen cũng chẳng ít. Tất cả đều xuất phát từ bộ phim truyền hình 25 tập phát sóng hằng ngày trên VTV1 Vòng nguyệt quế mà tác giả đã hoàn thành trong thời gian ngắn “kinh hoàng”: một tháng!

Phóng to
Hà Thủy Nguyên và con gái
TTCT - Thời gian gần đây, có lẽ Hà Thủy Nguyên là cái tên biên kịch được nhắc tới nhiều nhất trên truyền thông cũng như các diễn đàn Internet. Lời chê nhiều mà lời khen cũng chẳng ít. Tất cả đều xuất phát từ bộ phim truyền hình 25 tập phát sóng hằng ngày trên VTV1 Vòng nguyệt quế mà tác giả đã hoàn thành trong thời gian ngắn “kinh hoàng”: một tháng!

30 ngày: 25 tập

Kịch bản Vòng nguyệt quế ra đời khi hai vợ chồng Hà Thủy Nguyên đang trong những ngày tháng rất khó khăn: một tháng chỉ có 2 triệu đồng vừa để sống vừa nuôi con nhỏ. Có những lúc hai vợ chồng cùng nhịn đói để dành phần ăn cho bác giúp việc và đứa bé con. Hà Thủy Nguyên đã viết hơn 20 tập phim chỉ trong vòng một tháng, có ngày viết xong một tập. Xong tập nào cô chuyển ngay cho nhà văn Thùy Linh biên tập.

Sau khi phim công chiếu, dư luận phần lớn phản đối hơn ủng hộ. Những tưởng sẽ gặp một Hà Thủy Nguyên mặt mũi hốc hác đầy lo lắng và chán nản, nhưng không, cô gái trẻ 22 tuổi này lại dửng dưng.

Nhưng cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho Hà Thủy Nguyên. Những gì khán giả được chứng kiến là sản phẩm cuối cùng của cả một dây chuyền chuyên nghiệp bao gồm biên kịch, biên tập, đạo diễn, quay phim, diễn viên. Chỉ cần một trục trặc nhỏ đã có thể tạo ra nhiều hạt sạn. Những câu thoại như “Em nghĩ sao về tình dục?”, “Theo em, tình dục rất đẹp” của Phan Long và Đông Bích trong phim rất “chối”, nhưng trong kịch bản lại hoàn toàn chấp nhận được.

Viết tiểu thuyết từ tuổi 15

Hà Thủy Nguyên tên thật là Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1986, hiện đã tốt nghiệp khoa văn học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Đã in hai tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian (NXB Phụ Nữ, 2004) và Cầm thư quán (NXB Phụ Nữ, 2008).

Cô là tác giả và đồng tác giả nhiều kịch bản phim truyền hình dài tập: Đi về phía mặt trời (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Rubic tình yêu (đạo diễn Nguyễn Quang), Vòng nguyệt quế (đạo diễn Mai Hồng Phong).

Có lẽ Đông Bích trong Vòng nguyệt quế còn may mắn hơn Hà Thủy Nguyên ngoài đời. Từ năm lớp 10 cô đã viết xong cuốn tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian dày hơn 1.000 trang, nhưng đến nay cô không hề nhận được một lời khen chê đích đáng từ khi nó được xuất bản. Phần lớn mọi người, kể cả những người rất yêu mến cô như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng chỉ tò mò muốn xem một cô bé quá trẻ viết một cuốn tiểu thuyết đầu tay quá đồ sộ như thế nào.

Sự thành công quá sớm dễ dẫn tới ảo tưởng. Mà ảo tưởng luôn là mầm mống như ung thư trong mỗi người viết. Nó có thể giống như chất kích thích khiến nhà văn được thăng hoa, nhưng có thể hủy hoại nhà văn ngay từ khi cầm bút. Mà phần lớn người mới cầm bút đều rơi vào trường hợp thứ hai. Hà Thủy Nguyên cũng không thoát khỏi quy luật trên.

Một thời gian dài sau tiểu thuyết đầu tay, Hà Thủy Nguyên bắt đầu viết trong sự ve vuốt danh vọng. Cô viết vội, viết nhanh để “kiếm tiền như điên”: truyện ngắn, báo, kịch bản, thậm chí còn làm hướng dẫn viên du lịch. Những truyện ngắn vô duyên, những bài báo rẻ tiền, những kịch bản vô vị liên tục được sản xuất tuy hăng tháng đem lại số tiền không nhỏ cho cô nhưng tất cả đều vô nghĩa. Hà Thủy Nguyên thất vọng, trống rỗng và hoang mang: “Hay mình không có sứ mệnh viết văn?”. Nhiều người không còn quan tâm tới cô. Nhưng nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên vẫn động viên: “Cháu hãy trung thành với con đường của mình”.

Hai nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và Đỗ Lai Thúy lúc ấy nhìn ra điểm yếu của Điệu nhạc trần gian nhưng họ không phát biểu trên báo chí, cũng không nói với Hà Thủy Nguyên. Điểm yếu của tiểu thuyết này là tính không mục đích: không thông điệp, không xác định người đọc. Nó chỉ đơn giản là một “cuộc chơi” nhằm thỏa mãn kỹ thuật viết văn mà cô học được rất nhiều từ những cuốn sách đầu đời như Thủy Hử, Nam Hoa Kinh, kho tiểu thuyết võ hiệp đồ sộ của Kim Dung.

Sau thời gian dài chìm nổi với danh vọng, ảo tưởng và thấm thía sự phù phiếm của giới văn chương, Hà Thủy Nguyên rời bỏ tất cả. Nhưng cô nàng đến với văn chương cũng như tình yêu từ rất sớm này không dễ gì rời xa chúng lâu ngày. Năm thứ nhất đại học, Hà Thủy Nguyên đã kịp... lấy chồng và sinh con. Chồng hơn vợ 14 tuổi, là một nghệ sĩ opera. Hai vợ chồng đều thuộc loại “phá gia chi tử” theo nghĩa kiếm cũng nhiều nhưng tiêu tiền còn nhiều hơn.

Ảo vọng tuổi trẻ

Phóng to

Cảnh trong phim Vòng nguyệt quế

Tháng 12-2007, Hà Thủy Nguyên ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ hai dày 200 trang Cầm thư quán. Cầm thư quán cũng mượn không gian cổ xưa nhưng không kiếm hiệp, không thần tiên ma quỷ. Truyện kể về khát vọng tự do của hai cô gái Ngọc Cầm và Ngọc Thư.

Qua đó, tác giả muốn khắc họa một lối sống sang trọng, cao khiết, tiêu diêu, tự tại của tầng lớp nhà Nho tài tử với mối tình của hai cô gái và vua Lê Thánh Tông. Bên cạnh còn có những nhân vật có thật khác như Phù Thúc Hoành, Ngô Chi Lan và bóng dáng của sử gia Ngô Sĩ Liên. Cuốn sách ra mắt chưa được bao lâu thì bị Nhà xuất bản Phụ Nữ tịch thu toàn bộ bởi một số trục trặc nhỏ. Sau khi phát hành trở lại, Cầm thư quán dường như bị độc giả lãng quên.

Nói một cách thẳng thắn, văn phong của Hà Thủy Nguyên tuy trau chuốt nhưng không có nhịp điệu. Không gian trong tác phẩm cố phác lên nét cổ xưa nhưng gượng gạo. Chẳng hạn trong Cầm thư quán, cô đưa vào đó rất nhiều câu thơ cổ nhưng không gian tương tự như không gian của những câu chuyện điển tích Trung Quốc xưa. Tình tiết cũng như cá tính nhân vật có vẻ như muốn bắt chước truyện kiếm hiệp nhưng không hấp dẫn và phong phú bằng. Lối hành văn đơn giản, lớp lang văn hóa nghèo nàn.

Hà Thủy Nguyên sử dụng lịch sử làm không gian trong tiểu thuyết, nhưng lại phủ nhận tính xác thực cần thiết của lịch sử và văn hóa. Cho dù cô rất tự hào với phương châm “văn chương là chở đạo”, nhưng e rằng phương châm này cô hướng tới thì nhiều, nhưng đi chẳng được là bao.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, Hà Thủy Nguyên có tâm sự những kinh nghiệm rút ra được từ dư luận: “Trước khi là một nghệ sĩ, chúng ta phải là một hiệp sĩ, sẵn sàng chiến đấu với những chướng ngại vật để đi con đường của mình”. Khát vọng làm một “hiệp sĩ” trên con đường văn chương hoàn toàn đẹp đẽ và cao thượng, nhưng Hà Thủy Nguyên cũng không nên trở thành Đôn Kihôtê, bởi thời đại của sự ngây thơ hoang đường và ảo vọng qua lâu lắm rồi.

Dẫu sao, tác giả trẻ này cũng là một cây bút thú vị, chí ít hơn hẳn những nhà văn trẻ nữ đang ngày ngày quằn quại và rên rỉ với đời sống ái tình của mình. Quay trở về quá khứ để nói lên những câu chuyện hiện tại là một lựa chọn sáng suốt và khôn ngoan. 22 tuổi, Hà Thủy Nguyên còn rất nhiều thời gian để trau dồi và hoàn thiện lối viết “hiện thực huyền ảo” như cô mong muốn. Hi vọng một ngày không xa, văn học VN sẽ có thêm một “Nguyễn Xuân Khánh của Mẫu thượng ngàn” thứ hai.

Vòng nguyệt quế

Vòng nguyệt quế được khán giả chú ý bởi trước hết đời sống giới văn chương là đề tài mới lạ chưa từng được khai thác toàn diện. Người xem đủ mọi lứa tuổi, phần lớn vì tò mò muốn biết cuộc sống nhà văn, nhà thơ sau những tác phẩm ra sao. Nhưng ngay khi chưa đi hết nửa chặng đường đã có nhiều ý kiến phản hồi gửi đến Đài truyền hình VN yêu cầu dừng chiếu bộ phim.

Bởi những gì họ từng hình dung và gán cho giới văn chương nay bị xâm phạm và “bóc trần”: nhà văn Đông Bích tài năng nhưng quá bướng bỉnh, tự kiêu, đa tình (trong phim Đông Bích có quan hệ tình dục với ba người đàn ông); nhà thơ Thái quá yếu đuối, nhạy cảm tới mức vì phẫn uất mà sụp đổ, lao vào con đường nghiện ngập; doanh nghiệp trẻ Quang kinh doanh sách nhưng thiếu độ tinh tế và khôn ngoan của một người sành sỏi thị hiếu đám đông.

Nhiều tình tiết vô lý, nhiều phân cảnh và lời thoại khiên cưỡng như kịch. Để phân trần “lỗi” này, tác giả Hà Thủy Nguyên giải trình cô không phải là người thiếu vốn sống thực tế và những gì cô viết ra được chắt lọc từ cuộc sống văn chương mà cô đang tồn tại và đấu tranh. Rồi cô bảo những người không thích phim của cô là “có tật giật mình”.

Hà Thủy Nguyên quá kiêu hãnh? Có thể. Nhưng những người chê cô cũng phạm sai lầm không kém. Họ nghĩ tác giả bôi nhọ và bóp méo giới văn chương. Trên thực tế, giới văn chương còn phức tạp, rối rắm và nhiều câu chuyện còn khốc liệt hơn nhiều. Nếu muốn “đánh” đúng, như Hà Thủy Nguyên đang “chờ đợi”, là phải phê phán vào sự thiếu mạch lạc của tác phẩm. Điểm yếu nhất của Vòng nguyệt quế chính là nhân vật trung tâm - nhà văn Đông Bích.

Theo như tác giả “thú nhận”, Đông Bích được xây dựng mỏng mảnh và phi logic. Là nhà văn nhưng thế giới quan của Đông Bích quá chật hẹp, đơn điệu. Ngoài khả năng tưởng tượng đôi khi “cải lương”, Đông Bích không có nhiều tư chất của một nhà văn tài năng như khả năng quan sát tinh tế, thiếu trải nghiệm thực tế, thiếu sự giày vò nội tâm và độ quái dị nhất định. Có thể Hà Thủy Nguyên muốn đẩy nhân vật đến sự đơn độc kiệt cùng, nhưng sự đơn độc đó lại song hành với một cá tính không lấy gì làm đặc sắc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận