Ngô Bảo Châu: Toán học, đi, và về

THANH HÀ - TRỊNH VĨNH HÀ 21/08/2010 16:08 GMT+7

TTCT - Sau 15 năm gần như “ở ẩn” để tập trung cho nghiên cứu toán học, việc chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, đã đưa Ngô Bảo Châu trở thành nhà toán học tầm cỡ thế giới.

GS Ngô Bảo Châu với cuốn Đại số tuyến tính. Tác giả cuốn sách - GS Ngô Thúc Lanh - là bác họ của GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: Nguyễn Á

Không phải chờ đến ngày 19-8 tại Hyderabad (Ấn Độ), nhiều năm trước, Ngô Bảo Châu đã là niềm tự hào của giới toán học VN với nhiều kết quả nghiên cứu được vinh danh.

Từ học toán đến làm toán

Có lẽ, thất bại duy nhất trong sự nghiệp học hành của Ngô Bảo Châu là lần thi... trượt vào lớp chuyên toán của Trường Trưng Vương. Năm sau thi lại, Châu đã đỗ với thứ hạng cao và gắn bó với toán học từ đó. 

Sau khi giành giải nhất học sinh giỏi toán quốc gia ở năm cuối cấp II, Ngô Bảo Châu vào học khối chuyên toán Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội) và liên tiếp giành hai huy chương vàng Olympic toán quốc tế với điểm số tuyệt đối 42/42. 

Cũng với niềm say mê toán học ấy, 18 tuổi, anh rời VN, xa gia đình đến Pháp bắt đầu cuộc sống du học và trong suốt 15 năm sau, dồn sức cho nghiên cứu toán học tại Paris. 

Từ năm 2004, tên tuổi Ngô Bảo Châu liên tục xuất hiện với những kết quả nghiên cứu được công bố và ghi nhận. Khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, anh đã được giới toán học cả thế giới ngưỡng mộ.

Thế giới cân bằng của Châu

Kỷ niệm khiến GS Ngô Huy Cẩn hào hứng nhất khi nói về những năm tháng đi học của con trai không phải là những giải thưởng. “Châu học giỏi nhưng cũng rất nghịch. Hồi học lớp 7, một lần Châu nghịch nhảy lên bàn bị thầy giáo bắt viết kiểm điểm. Lo bố mẹ biết sẽ buồn, tan học Châu không dám về nhà mà đi lang thang. Hồi đó (năm 1983), xe cộ ở Hà Nội đâu đã có nhiều, nhà ở ngay phố Hàng Bài mà Châu một mình lang thang đến tối, xuống tận khu Cầu Giấy, bị lạc đường, được một anh công an đưa về tận nhà - ông nhớ lại - Nhìn thấy con về mừng quá, không còn nghĩ đến chuyện mắng mỏ gì nữa”. 

Nhìn nụ cười thật hiền hậu, ấm áp trên gương mặt người cha khi nhắc về một lần mắc lỗi từ cách đây 27 năm của con trai, chúng tôi thật sự cảm nhận được sự may mắn của Ngô Bảo Châu, không phải vì anh sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là GS, TS mà bởi vì anh có hai điểm tựa rất lớn, luôn nâng đỡ và khuyến khích anh hướng về phía trước.

“Sẽ là tính cách ấy, ý chí ấy, không thể nào khác, khi được hưởng nề nếp giáo dục, lối sống từ cha mẹ. Ngô Bảo Châu thừa hưởng không chỉ gen làm khoa học từ cha mẹ mà còn cả phong cách sống của những nhà khoa học chân chính, yêu lao động, luôn khát khao học hỏi, tìm tòi trong chuyên môn...” - đó là nhận xét chung của những người mà chúng tôi đã gặp, dù trong giới toán học, cơ học hay chỉ là những người bạn học cũ của cha mẹ Ngô Bảo Châu. 

Họ ghi nhớ hình ảnh người cha của Ngô Bảo Châu - GS.TSKH Ngô Huy Cẩn - như một hình mẫu về tinh thần làm việc và cả trong cuộc sống mẫu mực, vững vàng hằng ngày.

“Khi Châu học cuối cấp I, tôi thấy Châu giải toán rất nhanh nên khuyên con đi học chuyên toán, mong ước là sau này Châu sẽ đi theo con đường nghiên cứu khoa học của cha mẹ” - GS Ngô Huy Cẩn nhớ lại lý do giản dị đã đưa con trai mình đến với toán học. “Tôi luôn cho rằng GS Cẩn đóng một vai trò đặc biệt trong con đường đến với toán học của Châu, dù ông không phải người làm về toán” - GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, phó viện trưởng Viện Toán học VN, nói. 

Những định hướng của người cha luôn được Châu đón nhận và thực hiện thành công, và cũng chính GS Cẩn khi phát hiện năng khiếu và niềm say mê toán học của con trai đã mời các thầy Lê Tuấn Hoa, Vũ Đức Thái, Vũ Đình Hòa... dạy cho Châu.

Nếu người cha mang đến cho Châu một định hướng đúng đắn trong học tập thì người mẹ lại hoàn thiện cho Châu những giá trị tinh thần. Niềm tự hào của người mẹ về Ngô Bảo Châu không chỉ là những thành tựu khoa học rực rỡ mà còn ở cách đối nhân xử thế, lối sống... Bà tự hào khi bộc bạch: “Châu có phong cách của người Hà Nội gốc và chịu ảnh hưởng nhiều từ ông ngoại. Có lẽ vì thế là dân toán nhưng Châu có thể viết văn hay và rất dí dỏm”. Những ai đã từng đọc những bài viết về nhiều chủ đề khác nhau trên blog của Ngô Bảo Châu đều bị cuốn hút bởi văn phong sâu sắc, dí dỏm đầy bất ngờ.

Ảnh hưởng của cha mẹ không chỉ giúp Ngô Bảo Châu thành công trong sự nghiệp mà còn có một cuộc sống gia đình bình yên và hạnh phúc với vợ cùng ba cô con gái. Bà Vân Hiền rất tự hào khi “khoe” về con trai: “Dù bận bịu đến đâu, ngày nào Châu cũng dành thời gian kèm cặp các con học bài”. Chính gia đình đã tạo cho Ngô Bảo Châu một thế giới cân bằng giữa toán học và cuộc sống.

“Khi làm khoa học, Châu được làm việc cùng các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tốt nhất thế giới. Điều đó đã giúp tài năng của Châu tỏa sáng. Tuy nhiên, phải nói là Châu có tư chất hiếm từ nhỏ. Châu có khả năng nghĩ dài hơi hơn những bạn cùng trang lứa. Ví dụ các trò khác chỉ có thể nghĩ cách giải một bài toán trong vài giờ thì Châu có thể nghĩ vài ngày một vấn đề cho đến khi tìm ra lời giải. Suy nghĩ dài hơi, kiên trì - điều đó rất quan trọng đối với người làm toán” - GS Lê Tuấn Hoa, người thầy của Ngô Bảo Châu, nhận xét.

Ra đi và trở về

Mùa hè năm 2007, GS Ngô Bảo Châu nhận lời mời của Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (IAS) - viện nghiên cứu số một về toán của Hoa Kỳ - đồng thời vẫn làm việc tại Đại học Tổng hợp Paris 11. Đầu năm 2010, anh nhận lời làm giáo sư của ĐH Chicago (Hoa Kỳ).

Đối với giới toán học VN, những chuyến đi - về của Ngô Bảo Châu đã quen thuộc trong nhiều năm nay dù anh luôn bận rộn với công việc nghiên cứu. Trong những lần đi về không hề ồn ào, anh hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh VN, giới thiệu nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ của VN với những nhà toán học hàng đầu thế giới. 

Anh cùng Viện Toán và ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị Nhà nước cho phép mở một chương trình đặc biệt đào tạo thạc sĩ toán trình độ quốc tế và đảm trách vai trò đồng giám đốc một đề án của Viện Toán.

“Tổ chức của Viện Nghiên cứu và đào tạo cấp cao về toán sẽ khác với Viện Toán học hiện tại. Đó sẽ như một “trại sáng tác” nhưng thời gian không chỉ vài tuần mà từ sáu tháng đến một năm. Khi các học viên có đề tài nghiên cứu, ban lãnh đạo viện sẽ duyệt và nếu được sẽ có kinh phí, bố trí chỗ làm việc để họ ở lại nghiên cứu.

Sự ra đời của viện sẽ giải quyết nhiều cản trở trong nghiên cứu toán ở VN. Hiện tại, tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ học ở nước ngoài muốn về VN làm việc nhưng không có thềm để dừng chân như chỗ làm việc ngay, họ mất rất nhiều thời gian lo chỗ ăn, chỗ ở. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa là cán bộ giảng dạy ở các trường ĐH hiện nay không có cơ hội để nghiên cứu khoa học mặc dù họ có rất nhiều khả năng. Viện sẽ tạo điều kiện cho họ trong vòng sáu tháng đến một năm “rũ bỏ” việc giảng dạy, quản lý để tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu khoa học. Viện sẽ có kinh phí để đảm bảo cuộc sống cho họ trong thời gian nghiên cứu, sau đó họ quay lại trường tiếp tục công tác bình thường. Đây cũng có thể là một đà mới để họ phát triển sự nghiệp của mình. Cách tổ chức như thế này không mới, ở các nước đã làm rất nhiều, tôi thấy rất hiệu quả. Với những người say sưa với khoa học thì đây là chỗ tiếp sức để họ thực hiện nghiên cứu khoa học của mình” - Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Gần 20 năm sống và làm việc ở nước ngoài, Ngô Bảo Châu vẫn giữ quốc tịch VN và luôn mang theo mình cuốn hộ chiếu VN. GS.TSKH Lê Tuấn Hoa nhắc lại với chúng tôi một chi tiết làm ông xúc động: “Khi đọc báo cáo tại Hội nghị toán học quốc tế IMU 2006 ở Madrid (Tây Ban Nha), Ngô Bảo Châu đã ghi hai địa chỉ của mình: ĐH Tổng hợp Paris 11 và Viện Toán học Việt Nam”.

Giới toán học chúng tôi rạch ròi lắm”

“Nếu Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng Fields, đánh giá công bằng, thành tựu ấy trước hết phải thuộc về nước Pháp và trường ĐH với những người thầy đã tạo ra môi trường nghiên cứu cho Châu phát huy hết năng lực, tài năng của mình. Nếu nhận đó là thành tựu của toán học VN là không chính xác. Giới toán học chúng tôi rạch ròi lắm.

Nhưng rõ ràng VN cũng có đóng góp một phần trong thành tích của Ngô Bảo Châu, đó là đã phát hiện, đào tạo ban đầu cho một mầm tài năng toán học, các thầy đã cùng nhau truyền cho Châu tình yêu bền vững với toán học. Sau Châu, VN còn có nhiều “mầm toán” khác có thể trở thành những chuyên gia toán hàng đầu thế giới trong tương lai. Tiếc là những “mầm toán” trưởng thành trong nước vẫn còn ít, các “đỉnh cao” đều được tiếp tục nuôi dưỡng ở những nền toán học nước khác. Trong hơn một thập kỷ qua, những người thành danh chưa được quy tụ để toán học VN có thể trở thành “rừng cây lớn”.

Nếu chỉ làm việc ở VN, sẽ không có Ngô Bảo Châu hôm nay và những thành tựu nghiên cứu mà cậu ấy đã công bố. Bởi nghiên cứu toán học ở VN đang quá thiếu thốn những điều kiện tối thiểu. Nhiều người dự đoán “hiện tượng Ngô Bảo Châu” phải ít nhất 20-30 năm nữa mới lặp lại nhưng tôi thấy thế vẫn là quá lạc quan, phải ít nhất 50 năm sau chúng ta may ra mới lại có một nhà toán học như Châu... Nếu không có những thay đổi trong chính sách và đầu tư cho toán học từ hôm nay, có lẽ chúng ta cũng chỉ có thể tự hào về gốc Việt của những nhà khoa học, còn thành tựu thật sự của họ phải thuộc về những quốc gia khác”.

___________

Ngày 19-8, Đại hội quốc tế các nhà toán học (ICM) lần thứ 26 họp tại Hyderabad (Ấn Độ) tổ chức lễ trao giải Fields năm 2010 cho các nhà toán học trẻ tuổi xuất sắc nhất thế giới đương đại. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được mời đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể của ICM.

Ngô Bảo Châu cùng cha mẹ trước ngày lên đường đi Ấn Độ dự Đại hội toán học thế giới - Ảnh: Nguyễn Á

Mang tên nhà toán học người Canada John Charles Fields, giải thưởng Fields được trao bốn năm một lần (và không quá bốn người/lần) cho những nhà toán học dưới 40 tuổi (tính đến ngày 1-1 năm xét giải), gồm một huy chương vàng và tiền mặt (năm 2006 là khoảng 15.000 USD). Đây là giải thưởng nhằm vinh danh và hỗ trợ các nhà toán học trẻ đã có những đóng góp quan trọng cho toán học, thường là với nhiều công trình nghiên cứu.

Chương trình Langlands và “bổ đề cơ bản”

Khi Fields 2010 khởi động, tên của Ngô Bảo Châu đứng đầu nhiều danh sách dự đoán của cộng đồng mạng cả trong và ngoài giới toán học về khả năng đoạt giải do ảnh hưởng cực lớn từ công trình năm 2008 của anh chứng minh “Bổ đề cơ bản” trong chương trình Langlands...

Năm 2004, Ngô Bảo Châu cùng thầy của mình là GS Gerard Laumon (ĐH Sư phạm Paris) đã công bố công trình dày 100 trang chứng minh “Bổ đề cơ bản” cho các nhóm Unita. Kết quả này đã giúp giới toán học quốc tế tiến một bước dài đến việc chứng minh các giả thuyết khác trong chương trình Langlands, thực hiện giấc mơ nhiều thế hệ của họ về sự thống nhất vĩ đại trong toán học.

Tạp chí Time cho hay từ năm 1979, nhà toán học Robert Langlands (người Mỹ gốc Canada) phát triển một lý thuyết đầy tham vọng và mang tính cách mạng nhằm kết nối hai nhánh của toán học là lý thuyết số và lý thuyết nhóm. Người ta cho rằng nếu chứng minh được nó, loài người sẽ có được cái nhìn thống nhất cho nhiều ngành của toán học hiện đại. 

Lý thuyết ấy ngày nay được gọi là “Chương trình Langlands”. Langlands cùng các cộng sự và sinh viên của ông đã chứng minh được những trường hợp đặc biệt của định lý cơ bản, nhưng chứng minh tổng quát là công việc khó hơn rất nhiều so với dự đoán.

Trên thực tế, họ phải chờ tới 30 năm sau, tới lúc Ngô Bảo Châu công bố một chứng minh hoàn chỉnh cho “Bổ đề cơ bản” trong trường hợp tổng quát cho các đại số Lie. 

“Khi công trình được kiểm tra và khẳng định là chính xác, các nhà toán học trên toàn thế giới đã thở phào nhẹ nhõm” - tạp chí Time viết khi vinh danh công trình dài 188 trang của Ngô Bảo Châu (được các nhà toán học hàng đầu dành hơn một năm kiểm chứng các nội dung chi tiết) là một trong mười khám phá khoa học hàng đầu năm 2009.

Đã từng lên phim

Hơn 70 năm qua, kể từ lúc giải Fields ra đời (1936), có tất cả 48 nhà toán học của 11 quốc gia được trao giải thưởng này gồm Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Phần Lan, Ý, Thụy Điển, Đức, New Zealand và Úc. 

Trong đó chỉ có ba người có quốc tịch châu Á (đều là người Nhật), hai người gốc Hoa là Shing Tung Yau (quốc tịch Mỹ) và Terence Tao (quốc tịch Úc) được trao giải thưởng Fields, nhận giải vào các năm 1954, 1970, 1982, 1990 và 2006.

Giải thưởng này cũng được giới điện ảnh vinh danh theo cách riêng, ít nhất qua hai bộ phim Good will hunting (năm 1997) qua nhân vật giáo sư Gerald Lambeau (Stellan Skarsgård đóng) nhận giải Fields cho công trình nghiên cứu về tổ hợp toán học. 

Trong bộ phim A beautiful mind, John Forbes Nash (Russell Crowe đóng) cũng than phiền về việc không được nhận giải Fields.

 - Năm 1989, Ngô Bảo Châu trở thành học sinh VN đầu tiên giành liên tiếp hai huy chương vàng Olympic toán quốc tế IMO.

- Năm 2004, anh là nhà toán học đầu tiên mang quốc tịch VN nhận giải thưởng toán học Clay danh giá.

- Năm 2005, anh là người VN đầu tiên đang sống và làm việc ở nước ngoài được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đặc cách công nhận chức danh giáo sư, trở thành người đầu tiên được công nhận giáo sư ở độ tuổi 33.

- Năm 2009, anh là người VN đầu tiên có mặt trong danh sách 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm do tạp chí Time (Mỹ) bình chọn...

- Năm 2010, anh là ứng cử viên và có thể sẽ trở thành nhà toán học đầu tiên không chỉ của VN mà còn của khu vực Đông Nam Á nhận giải thưởng Fields.

Các ứng viên mùa giải 2010

Trong số 20 gương mặt được mời báo cáo tại ICM lần này, ngoài Ngô Bảo Châu, giới chuyên môn còn nhắc đến năm ứng viên tiềm năng nhận giải Fields.

1- Giáo sư Christopher Hacon, sinh năm 1970 tại Anh, hiện làm việc ở Đại học Utah (Mỹ). Ông nhận giải Clay năm 2007, giải Cole của Hiệp hội Toán học Mỹ năm 2009, giải Sloan của Quỹ Alfred P. Sloan vào năm 2003, giải thế kỷ của Hiệp hội Toán học Mỹ năm 2006.

2- Artur Avila (Brazil), sinh năm 1979, hiện làm việc tại Viện Toán học Clay (Mỹ). Anh từng đoạt các giải thưởng Salem (2006), giải của Hiệp hội Toán học châu Âu (2009), giải Herbrand của Viện Khoa học Pháp (2009).

3- Ben Joseph Green (Anh), sinh năm 1977. Anh đoạt các giải thưởng Clay (2004), giải Salem (2005), giải của Hiệp hội Toán học châu Âu (2008).

4- Manjul Bhargava (người Canada gốc Ấn Độ), sinh năm 1974, đang là giáo sư toán tại Đại học Princeton (Mỹ) và là giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của trường này. Anh đoạt giải Morgan dành cho sinh viên toán xuất sắc (1996), giải Hasse (2003), giải Clay (2005), giải Cole của Hiệp hội Toán học Mỹ (2008).

5- Danny Calegari (Úc), sinh năm 1972 tại Úc và đang là giáo sư toán tại Viện Công nghệ California (Mỹ). Anh nhận giải Clay năm 2009.

Khi GS Ngô Bảo Châu chạm tay đến giải Fields, giới truyền thông cũng như giới học thuật trong nước đều rộ lên câu hỏi: Ngô Bảo Châu có về VN làm việc hay không sau những lời đề nghị từ trong nước? Và sau Ngô Bảo Châu, đối với những nhà toán học nói riêng và các nhà khoa học người Việt thành công ở nước ngoài, việc mời họ về hẳn VN làm việc sẽ thế nào?

GS Lê Tuấn Hoa không ngại ngần bày tỏ ý kiến: “Với Ngô Bảo Châu, nếu anh về hẳn VN làm việc chưa chắc đã tốt, có khi lại bất lợi cho cả anh và cho nền toán học nói chung”. Tạm gạt sang bên chuyện VN khó có thể trả lương xứng đáng cho GS Châu hay những GS danh tiếng, chỉ bàn về môi trường làm việc và nghiên cứu, theo GS Hoa: “Người làm toán, dù đã thành danh, nếu muốn tiếp tục khám phá khoa học phải có đồng nghiệp tương đồng hoặc giỏi hơn về trình độ, phải có sự trao đổi, có mối quan hệ rộng rãi trong giới làm toán đỉnh cao. Trong bối cảnh VN hiện nay, không nên đặt ra chuyện GS Châu hay những người làm toán hàng đầu thế giới về hẳn VN làm việc, như thế ta sẽ thiệt nhiều hơn được”.

Trao đổi về việc này, GS Đỗ Đức Thái cũng mong muốn: lý tưởng nhất là có cơ chế tốt để có thể mời các chuyên gia giỏi về VN trong những khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, nếu mời được GS Đinh Tiến Cường (ĐH Paris 6, Pháp) về VN làm việc trong ba năm, mỗi năm sáu tháng cũng đảm bảo ngành giải tích phức của VN sẽ tiến bộ vượt bậc, trong các lĩnh vực hẹp khác của toán cũng có thể làm vậy.

Những người đứng đầu ngành toán VN đều mong muốn tạo dòng chảy nhiều chiều để tận dụng chất xám cho toán học VN, không phải việc thu hút một hay vài cá nhân mà là hình thành môi trường trao đổi, giao lưu giữa các nhà toán học trong nước và nước ngoài.

___________

LTS: Dựa vào lời Ngô Bảo Châu trên trang blog thichhoctoan.wordpress.com: “Thích học toán không giữ bản quyền, chỉ đề nghị ai sao chép thì ghi rõ nguồn gốc”, TTCT trích đăng một số bài viết từ blog của anh.

GS Ngô Bảo Châu (thứ hai từ phải qua) cùng các nhà toán học trong và ngoài nước tại Viện Toán học VN - Ảnh: Nguyễn Á

Ôi, tiếng Việt

Các bạn nhà báo yêu quý của chúng ta vốn thường xuyên xử tệ với tiếng Việt. Có yêu quý đến mấy thì bần đạo vẫn cho rằng các bạn rất đáng trách, nhất là khi phải xem những trang như trang VietNamNet hôm nay.

Tại sao “Cảnh sát diễu phố trên nắp capô lại bị bóp cổ”? Hay là vì “Nửa đêm, xác chết loạn đường phố” sau khi “Maradona đổ bộ xuống Nam Phi”. “Bộ Xây dựng ra đòn chống sốt đất” vì không biết “Thực hư chuyện tiền tỉ nối long mạch”.

Còn trong cái tít “Dùng đũa đe dọa nạn nhân đòi hiếp dâm”, bần đạo thành thực không biết là phải đặt dấu phẩy ở đâu. Ai ơi giúp tôi với. Giúp cho cả “Bộ râu của thủy thủ Canada có nguy cơ bị đe dọa” trên báo Lao Động. Đã đành phải lo cho bộ râu của thủy thủ Canada, nhưng còn sự trong sáng của tiếng Việt thì sao?

Thời tiết Hà Nội

Hai năm dài đằng đẵng mới quay trở lại hít thở cái nóng ngột ngạt của Hà Nội. Cái thú đi bộ coi như đi tong. Ra ngoài trời nắng năm phút là bắt đầu thấy thương cái thân phận của cục đường trong ly cà phê.

...

Sau mấy hôm nắng kịch liệt, trời thương cho một cơn mưa rào. Đứng trên lan can hưởng mưa, quan sát mấy nhà hàng xóm thật thú vị. Cái ngõ nhỏ biến thành một dòng suối cuồn cuộn chảy. Garage bỗng chốc thành bể bơi. Cần phải khen ngợi các cơ quan bảo hiểm có tinh thần lá lành đùm lá rách, không để xe cộ đỗ dưới đáy bể bơi chịu thiệt thòi.

Thú vị nhất là cái phương án chống lụt mới của chính quyền thành phố. Hồ Bảy Mẫu trong công viên Lênin đã được hút cạn. Mỗi khi có lũ lụt, ta chỉ việc bơm nước vào đó. Đơn giản vậy mà xưa nay không ai nghĩ ra. Nhất định phải nhân rộng sáng kiến này ra khắp cả nước. Nên nghĩ cả đến chuyện phổ biến cho các nước anh em hay lụt lội như Bangladesh. Tiến tới chúng ta sẽ hút cạn cả hồ Tây để giải quyết triệt để hiện tượng úng lụt đô thị, và để người Hà Nội khỏi phải nơm nớp lo trước mỗi cơn mưa rào mùa hạ.

Trong cái nóng nức, bụi bặm của khí quyển, dọc theo những dãy phố mới cũ nhếch nhác, xấu xí, người đi xa về vẫn không khỏi xốn xang. Hình như cuộc sống xung quanh đây đã chuyển mình.

Tự nhận mình “có khiếu mở miệng ra thơ con cóc”, Ngô Bảo Châu thường xuyên chia sẻ với bạn bè những câu thơ vui vui này trên blog.

Cuội

Rong chơi để rơi mất tuổi,

Mải đùa với bướm chú Cuội mất tên

Con đường là mục đích

Có một con đường ta đi,

Giá chi không bao giờ tới đích

Godel (*)

Định lý đủ, 

Định lý thiếu

Biết bao nhiêu thì đủ

Sao bao nhiêu cũng thiếu

Ông Godel xin kiếu.

Cháo chay quy nạp

Lô-gic bần đạo không rành

Cháo chay quy nạp lại thành cháo khê

Xơi vào lại hóa cháo mê

Quy đi nạp lại biết về lối nao?

Proust và Goldmund (**)

Ngày xưa có một ông tây

Cắn một miếng bánh viết vài ngàn trang

Loay hoay đi tìm thời gian

Tìm ra con rắn trên giàn su su

Cất nỗi buồn vào đâu?

Cất nỗi buồn vào tài khoản tiết kiệm

Để ngày mới là niềm vui tươi rói

Còn cho ta rảnh chân thanh thản

Rảo bước với thời gian...

__________

(*) Kurt Godel: nhà toán học và logic học nổi tiếng người Áo, được tạp chí Time bình chọn là nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20.

(**) Marcel Proust: nhà văn người Pháp nổi tiếng với tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất, được Time xếp thứ tám trong danh sách những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận