Ngô tươi nỗi nhớ...

LÊ MINH HÀ 22/06/2018 02:06 GMT+7

TTCT - Đang ăn khoai lila, khoai màu tím, khoai lang, thằng con lại nhắc mẹ mua món ngô cầm. Bố ngẩn. Mẹ ngẩn. Mãi mới hiểu ngô cầm của con là bắp ngô có râu, ngô đường, đầy ở đất này.

MH

Vào mùa, cửa hàng rau quả Thổ chất đầy ngô tươi. Từng bắp căng, mát tay cầm và thơm mùi tươi thanh, bâng quơ. Gió vu vơ thổi qua những cánh đồng thường thơm ngẩn ngơ như thế.

Ngô mua về, để nguyên râu, bóc đi đôi ba lớp bẹ ngoài rồi chọn cái xoong rộng lòng mới đủ chỗ để xếp nguyên bắp rồi đem luộc. Ngô chín, nhấc ra chuyền từ tay nọ qua tay kia, hít hà, thổi phù phù cho bớt nóng rồi bóc hết áo lá, vặt râu, bẻ đôi chia cho nhau, ăn hết ba bắp rồi làm thêm bát nước ngô, coi như xong một bữa chính trong ngày.

Hạt ngô vàng gần như ngô ta, mềm hơn ngô ta, dễ dàng chinh phục bằng hàm răng cái còn cái mất của thằng bé đang tuổi thay răng. Lại ngọt, “ngọt như đường, em có cho thêm đường khi luộc không?” - bố nó hít hà. Nồi ngô luộc quyến rũ cả nhà, riêng tôi thì không. Tại vì hạt ngô màu vàng như ngô tẻ nhà mình. Ngô tẻ thì ai lại luộc.

Ngô tẻ với tôi trước tiên phải là ngô rang, bà khơi bếp làm cho cả chảo ngày mưa bão, là ngô rang bọn trẻ cùng xóm móc túi chia cho. Hạt ngô nở trắng, dính cái mày vàng ram rám, thơm đôn hậu, ngọt tằn tiện thật thà. Đôi ba hạt chưa kịp nở lọt trong kẽ túi, một hôm buồn tình sờ thấy, đưa vào miệng lần lần rồi cắn vỡ, vị ngọt còn nguyên. Những thứ bỏng ngô thêm bơ thêm đường quay bằng máy hỏi có ngon không, thì cũng là ngon, nhưng cái gì bồng bột quá thì không quyến luyến.

Ngô luộc phải là ngô nếp. Ở Hà Nội, ngô nếp tươi thành một thức quà bảo thèm quay quắt thì không, nhưng mà khó bỏ. Ngô nếp tươi, dẻo và mềm, trong vị ngọt của mùa còn có chút gì béo béo mà vẫn nhã. Ngô nếp, đêm không ai ăn luộc mà phải là ngô nướng.

Biết bao người Hà Nội một thời đã phải nhặt nhạnh từ mấy bắp ngô, thêm cặp vào đồng lương đùa nhả để nuôi con. Hàng xóm nhà tôi, cả vợ lẫn chồng sau khi không còn làm công nhân nhà nước được vì đất nhà máy bán cho liên doanh đã tự động ra đường kiếm ăn nhờ mấy bắp ngô như thế. Đầu tiên là kiếm thêm, sau thành nghề toàn tâm toàn ý, cũng hai mươi năm có lẻ rồi.

Mùa ngô, vợ đạp xe ra cuối chợ đầu ô mua ngô tươi. Ờ khi đó còn ô, bên ngoài ô đã là cánh bãi ngô đậu thì thào. Ngày nào cũng phải mua ngô tươi, không bán ngô bẻ hôm trước, ấy là một cách giữ khách.

Phố mùa đông có nhiều hàng ngô nướng lủi thủi ở một góc tường nhà, dưới cột đèn... Chẳng bao giờ ngô nướng lại là món ăn của một cửa hàng có mái che, có bàn ghế nào cả. Chủ của mấy hàng ngô nướng thường là đàn bà bấn bíu chồng con, có lúc được một bà lão hay một bé gái đỡ tay.

Khách ăn ngô nướng cũng chẳng mấy khi là người giàu. Bụng phì nhiêu mông phì đại thì làm sao ngồi được trên mấy cái ghế bé tí hin của hàng ngô được. Than đượm. Ngô nướng vừa chín tới, thơm mà không cháy, vừa tới độ dẻo và ngọt, ngồi nhấm nháp giữa cơn gió mùa mới đổ về, với rất nhiều người, là một thức quà đêm đặc biệt của những đêm mùa đông Hà Nội. Một thời, nó còn là cơm áo của không ít cuộc đời chẳng hề nghĩ bị đánh cắp, lặng lẽ và nhẫn nhịn thế đi qua từng ngày.

Ở đây, muốn ăn thì cũng không khó. Ngô nếp, y như khoai lang, luộc sẵn và cấp đông, dẻo và ngọt và mềm, đủ cả, nhập khẩu từ Việt Nam đàng hoàng. Nhưng tìm đâu ra ngô nếp tươi? Chỉ nhớ thôi vậy. Những đồng ngô tẻ ngô nếp quê hương giờ mỗi ngày một bớt mênh mông dần. Vì đất gầy đi hay vì ta lớn? Những người đàn bà sáng bán ngô luộc chiều bán ngô nướng ngày xưa giờ có đổi đời, hay lại có những truyền nhân là cháu là con kế tục?

Có những ngày tuổi còn đang lớn một mình đạp xe lên cầu ngang qua sông Hồng chẳng để làm gì. Bãi nổi phơ phất cờ ngô. Mưa bụi giăng nỗi nhớ tới tận những cánh đồng ngô thuở ấu thơ. Khi đó đâu biết còn có những đồng ngô bên ngoài quê hương. “Những đồng ngô”, số nhiều. “Nỗi nhớ”, ơ hay, chỉ là số ít.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận