Ngôi nhà mắc mưa

TRẦN MINH HƠP 29/11/2017 02:11 GMT+7

TTCT - Bước chân đến Bà Rịa trong xế chiều mưa ẩm ướt, mồ hôi trong áo dấp dính. Nền sân đất nhão nhoẹt, lún những dấu dép. Rướn mắt lên, một bụi cỏ đã nảy cao ngang đầu người ngay trên nóc nhà. Nước mưa rỉ rả rơi xuống làm cảnh chiều thêm thê lương.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

 Nóc nhà nhưng không phải là nóc, chỉ là một tấm bạt được giăng trên những cây đòn dông đóng rất chắp vá, chất thêm ít tàu lá dừa đã mục rã, bón thêm phần xanh tốt cho lùm cỏ dại...

Bước vào nhà, tổ kiến đã ùn lên như đống tro tàn trong lò nấu rượu. Ngôi nhà chỉ có một mặt tường gạch, những đường gạch xiên xiên yếu yếu vì nó được dựng nên từ mép đất chứ không phải từ móng nền sâu và cứng chắc. Những cục gạch đi xin từ... người chết.

Chú kể đi lang thang, nhìn đống gạch vừa mở cửa mả, chắp tay khấn người khuất mặt khuất mày để xin vác về nhà thay cái vách tôn mục. Ngày đó trời nắng ráo nên khu chôn cất bớt ảm đạm. Mồ mả vừa xây xong, người nằm xuống vừa yên nghỉ, chú cũng kiếm được đủ gạch cho bức vách rách của mình. Người đã xa khuất tương trợ cho người khổ còn sống, là cõi tạm nhận phúc phần cõi thiêng...

Lúc tôi vào, chú vẫn ngồi nép vào một góc nhà để tránh mưa dột. Chú mặc cái quần lửng đã ố phèn, cẳng chân lộ rõ những vết nám đen và thịt da gầy gò. Gió giật nước mưa tạt ướt chỗ ngồi, chú lết sang chỗ ráo hơn, tay bụm mớ gừng mà vợ chú mới giã đắp lên chân. Chân chú bị đau dai dẳng vì bàn chân đã rong ruổi khắp các sườn núi miền Đông để rà vỏ mìn, vỏ bom kiếm sắt vụn.

Chiến trường miền Đông hồi xưa đỏ đạn chiến tranh, giờ chú tìm đến, từ Bà Rịa, Bình Thuận sang vùng Bình Phước. Những mảnh đạn vỡ là kế mưu sinh. Chú đeo chiếc tai nghe cũ, vác chiếc máy cũ rà rà trong sỏi, trong cỏ, mong manh tìm một mảnh bom đạn sót lại... Công việc chập chờn hiểm nguy đến cả mạng người. Những tiếng nổ sát sinh có thể đến bất ngờ từ trái lựu đạn điếc...

Hỏi tại sao lại đi làm xa xôi và nhiều hiểm nguy như vậy, chú nói sức đã già, chẳng còn một ai muốn thuê mướn khuân vác hay cày cuốc, biển giã thì càng không, không đi thì đói chết. Với chú, sự sống hiện tại quan trọng hơn nỗi sợ chết, sống đến kề cái chết cũng phải ráng sống thôi...

Người chồng xin những cục gạch ống dư từ ngôi mộ, người vợ lại có một sự đợ nhờ phần khác của người xa khuất, là cái bàn thờ cũ, thấp giữa nhà. Nhà rách trên lủng dọc, cô chui vào đụt mưa dưới gầm bàn thờ của cha mẹ, co người ngồi chồm hổm đợi mưa tan. Chân cẳng cô ít đau hơn nên nhường cho chồng những phần khô ráo ngoài nền nhà.

Ngồi dưới bàn thờ, cô còn lo cho người con trai ba mươi tuổi đang lang thang đâu đó với căn bệnh trầm cảm khiến cậu đã hai lần tự tử hụt. Nhiều khi cô lôi hạt điều vào dưới bàn thờ tranh thủ lột để giao hàng cho xưởng làm kẹo.

Bàn tay của cô thâm đen, các đầu ngón tay lấp đầy những lớp mủ điều. Bên những gốc nhang lạnh và ẩm nước, như di ảnh người đi trước nhìn xuống, thấy đầu tóc bạc của con mình trong đôi mắt xót và rát. Nếu nước mắt hiện ra được, di ảnh trên bàn thờ cũng ướt.

Ngày mưa là ngày cả nhà rất sợ, ngày đối chọi thêm cái khổ vì bị dột ướt. Ngôi nhà mắc mưa, cuộc đời cũng mắc mưa đìu hiu. Tôi nhớ lại một trong những ngôi nhà mắc mưa ở Củ Chi, người mẹ già với đứa con trai học cấp ba, cũng chui xuống gầm bàn thờ khi trời mưa xối rã mái tôn và tạt nát mấy tấm bồ trên vách.

Những ngôi nhà mắc mưa, cũng may còn có cái bàn thờ làm nơi trú ngụ. Hay may hơn thì có một bức tường gạch chắn những hồi gió lạnh...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận