Người bán ảnh rùa

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG 19/03/2006 19:03 GMT+7

TTCN - Dép tổ ong mòn vẹt, quần áo tuềnh toàng, mũ cối sờn bạc, chiếc xe đạp cũ kỹ, ông lão 60 tuổi ấy nổi bật giữa đất Hà thành ngựa xe như nước bởi ba điều: những tấm ảnh độc đáo về cụ rùa hồ Gươm; nói cười hóm hỉnh và quên nghèo khó để làm từ thiện. Con người kỳ lạ ấy là Lưu Đức Ngò.

Phóng to
TTCN - Dép tổ ong mòn vẹt, quần áo tuềnh toàng, mũ cối sờn bạc, chiếc xe đạp cũ kỹ, ông lão 60 tuổi ấy nổi bật giữa đất Hà thành ngựa xe như nước bởi ba điều: những tấm ảnh độc đáo về cụ rùa hồ Gươm; nói cười hóm hỉnh và quên nghèo khó để làm từ thiện. Con người kỳ lạ ấy là Lưu Đức Ngò.

Mê đắm nghệ thuật của khoảnh khắc và ánh sáng, mày mò tự học chụp và rút kinh nghiệm qua mỗi lần rửa ảnh nên chẳng bao lâu thầy giáo Ngò đã trở thành “nhiếp ảnh gia” của làng tương Bần, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Nhưng phải đến năm 1994, rời bục giảng trường làng lên dạy tại Trường THCS Yên Sở, huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai), Hà Nội, ông mới theo nghề ảnh một cách chuyên nghiệp.

Tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi, ông đạp chiếc xe cà khổ lang bạt khắp băm sáu phố phường Hà Nội để săn tìm việc hay, người tốt, những chuyện chướng tai gai mắt... để thể hiện bằng những tấm ảnh sinh động, những bài viết ngắn gọn, súc tích gửi cộng tác với các báo. Nghiệp làm báo tự do ấy không ngờ lại đưa thầy giáo Ngò đến một bước ngoặt khiến ông nổi tiếng, ấy là cái duyên chụp ảnh cụ rùa hồ Gươm.

Cơ duyên với cụ rùa

Ngày 9-10-2002, vừa đạp xe tới khu vực hồ Gươm, ông nghe mọi người kháo nhau: “Cụ rùa nổi”. Dựng vội cái xe bên ghế đá, ông xách máy ảnh lao ngay vào điểm nóng. Bao năm học rồi lại dạy lớp lớp học trò về truyền thuyết hồ Gươm mà đây mới là lần đầu tiên được tận mắt chiêm ngưỡng cụ rùa nên ông Ngò sướng đến run chân run tay. Chen qua đám đông hiếu kỳ, ông tiếp cận mục tiêu và chụp liên tiếp 22 kiểu ảnh.

Ba tấm hình rõ nét và độc đáo nhất trong số đó ngay ngày hôm sau được báo Nhân Dân, Lao Động, Hà Nội Mới Gia Đình & Xã Hội đăng trang trọng, là một sự kiện thú vị trong ngày kỷ niệm giải phóng thủ đô. Đó cũng là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời chụp ảnh cụ rùa của ông bởi lần đầu tiên được tận mắt chiêm ngưỡng cụ rùa; đặc biệt hơn, lần đó chỉ duy nhất ông Ngò chụp được ảnh cụ.

Từ dạo ấy, ông Ngò như có cơ duyên với cụ rùa, bất cứ lần nào rùa nổi lên mặt nước ông cũng may mắn có mặt và chụp được những tấm ảnh sinh động. Trong hơn 300 ảnh cụ rùa có được cho tới nay, ông Ngò tâm đắc nhất hai chùm ảnh. Một là vào ngày 14 tháng giêng năm Giáp Thân (2004), ông ra bờ hồ, hôm đó mấy vị lãnh đạo TP Hà Nội đi thuyền ra tháp rùa thắp hương; ít phút sau, cụ rùa bỗng ngoi từ dưới đáy hồ lên, bơi vào khu tháp, ngước mắt nhìn.

Rồi khi đoàn người chèo thuyền vào bờ, thật kỳ lạ, cụ cũng bơi theo hàng chục mét. Mừng rơn, ông Ngò bấm máy lia lịa và được chùm ba ảnh Cụ rùa tiễn khách. Còn chùm bốn ảnh Cụ rùa bơi marathon, chụp ngày 4-12-2004, được ông cao hứng vần vè mấy câu chú thích:

Nổi hơn ba tiếng, cả đầu lẫn mai
Yếu, già, nghỉ lập lờ mai
Đội viên trật tự tưởng ngài qui tiên
Mặc rét, cởi áo xuống liền
Sững người! Ngơ ngác! Cụ... liền cảm ơn.

Chả là hôm đó cụ rùa nổi lên và bơi quanh hồ Gươm suốt ba giờ đồng hồ. Đến khu vực trước cửa đền Vua Lê (76 Hàng Trống), do quá mệt nên cụ gục đầu xuống nước và bơi lập lờ. Anh Nguyễn Quốc Hùng, đội viên trật tự, ngỡ trời quá lạnh nên cụ qui tiên, liền hốt hoảng nhảy ùm xuống làn nước buốt giá, định đỡ cụ vào bờ. Ai dè khi anh vừa lội đến gần thì cụ nhô lên, ngúc ngoắc đầu rồi lặn mất.

Từ những bức ảnh, dựa vào những dấu hiệu nhận dạng như: đốm bạc ở má, vết lõm trên mai... ông Ngò đưa ra một nhận xét gây ngỡ ngàng dư luận: có tới năm cụ rùa đang ngự trong lòng hồ Gươm. Sai, đúng chưa bàn nhưng những tấm hình rõ nét, sinh động, những lập luận sắc sảo của ông được đăng trên các báo đã truyền thêm tình yêu mến cụ rùa, cũng như ngày càng khắc sâu trong lòng công chúng huyền thoại “rùa vàng nhận gươm thần”...

Bán ảnh rong, làm từ thiện

Phóng to
Ông Ngò say mê giới thiệu và bán ảnh cụ rùa cho đông đảo mọi người
Mỗi lần ngồi mân mê những tấm ảnh quí giá về cụ rùa hồ Gươm, ông Ngò lại trăn trở: người dân Hà thành hiếm khi được nhìn thấy cụ rùa, nói gì đến dân tỉnh khác và du khách nước ngoài. Rùa hồ Gươm đã đi vào truyền thuyết dân gian VN, nếu các thầy cô giáo, các em học sinh có những bức ảnh cụ, sẽ giúp việc giảng dạy và học tập được tốt hơn.

Những tấm ảnh ấy cũng sẽ góp phần nối dài huyền tích hồ Gươm, cũng như là món quà lưu niệm quí giá cho du khách nước ngoài mỗi khi đến Hà Nội. Vậy là ông quyết định phóng những bức ảnh cụ rùa ra thành nhiều kích cỡ rồi cần mẫn đạp xe đi khắp hang cùng ngõ hẻm để rao bán.

Có bỏ cả buổi lẽo đẽo theo ông đi bán ảnh, tôi mới cảm nhận hết niềm say mê mà không ít người cho là hâm, là khùng của thầy giáo nghèo Lưu Đức Ngò. Quanh khu hồ Gươm, trước cổng các bảo tàng, nhà hát - nơi tập trung đông khách du lịch, hay cổng các trường học - nơi tập trung đông đảo học sinh, sinh viên, là địa bàn hoạt động chính của ông.

Xuất hiện ở đâu là ông liến thoắng rao ời ời: “Mời mọi người đến xem và mua ảnh cụ rùa, huyền thoại hồ Gươm đây!”. Khi mọi người bu quanh chiếc xe đạp cũ kỹ, ông lôi trong chiếc cặp sách ra một xấp ảnh và bắt đầu hào hứng kể về những lần chụp ảnh cụ rùa, những bài báo về tập tính cuộc sống của cụ.

Hứng thú với màn trình diễn đặc biệt ấy, mọi người nhanh chóng đổ xô xem (1.000 đồng/ảnh/người/phút) và mua những bức ảnh độc đáo, đủ kích cỡ về cụ rùa: 30x45cm (30.000 đồng/ảnh), 45x60cm (50.000 đồng/ảnh)... Không chỉ bán cho người Hà Nội và khách du lịch trên địa bàn thủ đô, ông Ngò còn khăn gói quả mướp đến tận Huế, Đà Nẵng, Hội An... để mua sự trầm trồ của đông đảo mọi người.

Chuyện ông Ngò đi khắp gần xa để giảng giải và bán ảnh cụ rùa đã là một sự lạ, nhưng chuyện ông lão này quên cuộc sống gia đình nhiều khốn khó mà dồn cả bạc triệu đi khắp nơi làm từ thiện thì còn khiến người ta ngạc nhiên gấp bội. Dò dẫm một hồi qua từng bậc cầu thang tối om, ẩm thấp, tôi mới tìm được tới nhà ông để rồi thấy người lành lạnh.

Căn nhà 30m2 trên mãi tầng năm của khu tập thể 48 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội ấy thật tuềnh toàng. Chiếc tivi cũ, bộ bàn ghế bạc hết lớp vécni, bộ ấm chén cọc cạch... lẽ ra phải được cho về hưu từ lâu lắm rồi. Không có tiền để thu vén cuộc sống gia đình, ấy thế mà chủ nhân của căn nhà ấy lại bỏ ra cả chục triệu đồng để đi khắp nơi làm từ thiện.

“Đã trải cuộc đời gian khổ nên tôi thấu hiểu nỗi cơ cực của những người cùng cảnh ngộ và mong góp một phần nhỏ giúp họ vượt qua khốn khó”. Tâm niệm thế nên cứ thấy ở đâu có những cảnh đời bất hạnh, những gia đình khó khăn là ông Ngò lập tức tìm đến và giúp đỡ hết lòng.

Ấn tượng nhất là đợt ông tất tưởi đi làm từ thiện nhân Ngày thương binh - liệt sĩ 27-7-2004. Dậy từ mờ đất, ông đạp xe một tua: về xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên - nơi chôn rau cắt rốn; vòng lên thị trấn Bần, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên - nơi sinh sống, dạy học và cuối cùng là quay về phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - nơi cư trú.

Đến đâu ông cũng vào gặp chính quyền địa phương để trình bày ý tưởng, xin danh sách của các gia đình thương binh, liệt sĩ rồi gửi tặng lần lượt ở các nơi là 114, 174 và 121 suất quà (50.000 đồng/suất); giá trị vật chất tuy ít ỏi nhưng nghĩa cử cao quí ấy của một người dưng, thực hiện vào đúng ngày kỷ niệm đáng nhớ ấy, đã gây xúc động trong tất thảy mọi người.

Tất tả ngược xuôi đến tối mịt mới hoàn thành nghĩa cử cao đẹp ấy, trở về đến căn nhà nhỏ, ông Ngò đã té xỉu vì cái bụng lép kẹp, đôi chân rã rời cùng cái cổ họng khản đặc. Trường hợp ông giúp đỡ em Nguyễn Thị Lan, học sinh lớp 6 Trường THCS xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên thì lại ấn tượng ở một cung bậc khác.

Biết cô bé bị dị tật tim bẩm sinh, nhà nghèo không có tiền chữa trị nên phải nghỉ học nằm nhà chờ chết; không thể đơn thương độc mã giúp đỡ em, ông Ngò liền viết một bài báo đăng trên báo điện tử VietNamNet kêu gọi mọi người chung tay kéo em Lan thoát khỏi cơn nguy kịch.

Thật diệu kỳ, sau khi bài báo được đăng, các nhà hảo tâm từ khắp nơi, cả trong và ngoài nước, tới tấp gửi về được 95 triệu đồng (người ủng hộ nhiều nhất là một Việt kiều gửi về từ Mỹ số tiền 30 triệu đồng) giúp em phẫu thuật thành công và dưỡng lành bệnh. Hiện nay, em Lan đã khỏe mạnh và được tiếp tục cắp sách đến trường...

Tính từ năm 2003 đến nay, ông Lưu Đức Ngò đã làm từ thiện với số tiền gần 50 triệu đồng, tích lũy được từ những tháng ngày đạp xe đi bán rong ảnh cụ rùa. Bỏ ra bằng ấy tiền để làm phúc cho thiên hạ trong khi chính gia đình mình vẫn ngày ngày vật lộn với bao khó khăn; chỉ cần một phần trong số ấy vợ con ông sẽ có những bữa ăn ngon hơn, tấm áo đẹp hơn.

Hay ít ra ông cũng kiếm được chiếc xe máy tinh tươm làm phương tiện đi lại thay cho cái xe đạp vốn từ lâu đã lọc xọc như răng bà lão; hoặc giả cũng thay được chiếc máy ảnh “Sokon 4” cũ mèm để ông bớt vất vả khi tác nghiệp, để cho ra đời những tấm ảnh đẹp hơn?

Đọc được ý nghĩ ấy trong mắt tôi, ông cười khà khà bảo: “Mình thiếu thốn một chút nhưng còn khỏe mạnh, còn có cái cần câu để kiếm cơm. Làm từ thiện cũng chính là cách tôi đi chia lộc cụ rùa cho mọi người”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận