Người có học

TS HỒ THIỆU HÙNG 30/09/2008 03:09 GMT+7

TTCT - Alwin Toffler, nhà tương lai học nổi tiếng, đã nhận định: “Trong thế kỷ 21, người thất học không phải là người không biết đọc biết viết, mà là người không biết cách học, thôi học rồi học lại”.

Phóng to
Học trong thế kỷ 21: cách học + cách suy nghĩ + cách phát hiện và giải quyết vấn đề
TTCT - Alwin Toffler, nhà tương lai học nổi tiếng, đã nhận định: “Trong thế kỷ 21, người thất học không phải là người không biết đọc biết viết, mà là người không biết cách học, thôi học rồi học lại”.

Ba “công cụ” chính, rất cơ bản, không thể thiếu được đối với người có học không phải là tiếng mẹ đẻ, toán học và ngoại ngữ mà là cách học, cách suy nghĩ, cách phát hiện và giải quyết vấn đề của một người chủ động xây dựng tương lai của chính mình. Chính đây mới là ba công cụ chủ yếu mà người có học trong thế kỷ 21 phải biết sử dụng thành thạo, là tiêu chí để phân biệt người có học với người thất học.

Việc học cách sử dụng chúng phải được diễn ra trong mọi môn học, cả trong những môn học mà giáo dục hiện đại đang rất đề cao là nghệ thuật, mỹ thuật vì chúng giúp phát triển năng lực sáng tạo, năng lực độc lập suy nghĩ và thấu hiểu người khác. Đó là những năng lực mà cuộc sống hiện đại và tương lai hết sức coi trọng, trong mọi hoạt động và giai đoạn của đời người.

Người biết cách học có thể chưa kịp học một kiến thức cụ thể nào đó nhưng biết cách tìm ra kiến thức đó khi cần. Người không biết cách học có thể nhớ được nhiều kiến thức trong một thời gian nào đó nhưng rồi sẽ dần dà quên nó đi và tệ hại hơn là sẽ không biết cách bù đắp những khiếm khuyết trong hiểu biết của mình. Trong tình hình tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật, khi kiến thức loài người tăng theo cấp số nhân còn thời gian học tập trong trường chỉ có hạn thì một số chân lý tiếp thu hôm nay có thể chỉ vài năm sau đã trở nên lạc hậu, thậm chí vô dụng, cần phải được “quên đi”.

Khi đó người biết cách học, đặc biệt là biết tự học, sẽ biết cách bồi bổ những kiến thức mới cần thiết cho nghề nghiệp để theo kịp thời đại, loại bỏ những kiến thức đã thành vô bổ để “bộ nhớ” của mình có thêm chỗ chứa; còn người không biết cách học sẽ bị đào thải cùng với mớ kiến thức cũ của mình. Quy tắc 25/75 về học tập cho biết rằng con người cho đến nay chỉ nhận được 25% kiến thức cần thiết cho cuộc sống từ nhà trường, còn 75% còn lại là học từ cuộc sống.

Người biết cách suy nghĩ - suy nghĩ một cách khoa học, sáng tạo, biết phê phán - sẽ hơn hẳn người chỉ biết cách suy nghĩ rập khuôn và từ đó hành động rập khuôn trong một thế giới mà sự sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm sẽ là hàng hóa được mua với giá cao nhất. Trong thế giới hiện đại, hàm lượng chất xám trong hàng hóa mới là thứ đem lại siêu lợi nhuận, người sở hữu càng nhiều chất xám càng có cơ hội làm giàu cho mình và xã hội. Bill Gates, người sáng lập Công ty công nghệ phần mềm Microsoft, là một minh chứng đầy sức thuyết phục.

Người biết phát hiện và giải quyết vấn đề sẽ là những công dân có ý thức công dân cao, không chờ đợi được đốc thúc hay chỉ bảo mới làm việc có lợi cho cộng đồng, cho xã hội; sẽ là những công dân có khả năng lựa chọn, giàu khát vọng và ý chí lựa chọn, dám chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của chính mình. Đó là những đảm bảo để họ trở thành công dân tích cực của một xã hội văn minh, thành viên năng động của một xã hội học tập, người chủ có trách nhiệm cao của một gia đình.

Trong khi đó người thụ động đợi chờ nhà nước hay cộng đồng chỉ ra vấn đề, giao việc cho mình giải quyết sẽ là những công dân thụ động, ít đóng góp được cho xã hội cũng như cho chính gia đình và cộng đồng của mình. Quốc gia nào gồm phần lớn là những công dân “thất học” này thì khó thoát khỏi số phận nước yếu hèn, không thể nào vẻ vang sánh vai cùng cường quốc năm châu như Bác Hồ từng ao ước.

Điều đáng lo là xã hội chúng ta đến bây giờ vẫn quan niệm cứ tốt nghiệp đại học là thành người có học. Nhưng đại học thì đến năm 2008 chỉ dành cho chưa đến 30% số thanh niên tốt nghiệp THPT, nghĩa là dành cho số ít. Rất đông thanh niên phải bỏ học giữa chừng khi chưa học hết lớp 12, thậm chí chưa hết lớp 9 để rồi đi làm lao động phổ thông với tâm lý “người thua cuộc” mà không hề được đào tạo nghề...

Nguy cơ thành người thất học của thế kỷ 21 đang treo lơ lửng trên đầu những người lao động này, kể cả người tốt nghiệp đại học rồi mà chưa biết cách sử dụng ba công cụ kể trên. Chúng ta không thể chấp nhận để đa số thanh niên bị biến thành người thất học như vậy.

Ngay từ lúc này, dù đang học hay đã thôi học, thậm chí thôi học khi chưa qua tiểu học đi nữa thì thanh niên phải bắt tay ngay vào việc rèn luyện mình thành người biết cách học, cách suy nghĩ, cách phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm khỏi trở thành người thất học của thế kỷ 21. Đừng than vãn là mình được học ít quá, đừng trách nhà trường chưa dạy mình cách làm chủ ba công cụ của người hiện đại. Miễn là có định hướng đúng đắn và có ý chí thì có ngày bạn sẽ làm chủ được ba công cụ này để chủ động xây dựng tương lai của chính mình.

Hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm với chính bản thân, tinh thần dám nghĩ dám làm để rèn luyện mình suốt đời nhằm thành người có học của thế kỷ 21. Trong cuộc rèn luyện chắc chắn sẽ gian khổ này, chúng ta được động viên bởi tấm gương thành công của Bác Hồ, người đã để lại cho hậu thế tấm gương sáng ngời về ham học, học suốt đời, lấy tự học làm cốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận