TTCT - Từ Gói thuốc lá với nhân vật phóng viên Lê Phong của Thế Lữ đầu những năm 1940 cho tới nay, hầu như không nhà văn nào viết truyện trinh thám kinh dị. Phóng to Dường như đó là một mảng lõm không ai màng ngó tới trong nền văn học VN, dù độc giả của nó không phải không đông đảo. Phần lớn những nhà văn VN nói chung đều e dè thể loại này, vì nó yêu cầu cao về kết cấu quy mô, tư duy logic, những chi tiết kỹ thuật kỹ càng như thuật ngữ khoa học phá án, kỹ thuật hình sự hiện đại... Chưa kể, có viết thành công cũng lại bị mang tiếng là nhà văn văn ba xu, giải trí. Nhưng thời gian gần đây đã có một nữ nhi dám bước chân vào chốn gai góc này, với những tác phẩm đang dần gây được một con đường độc đạo riêng. Nhà văn này mang biệt danh khá lạ: Di Li. “...Tôi là người phức tạp...” Di Li gây ấn tượng bởi vẻ đẹp của femme fatale (từ của người Pháp chỉ về người đàn bà định mệnh trong những tiểu thuyết trinh thám, kinh dị). Đó là một nhân vật nữ khêu gợi, bí hiểm, có sức quyến rũ đến tê dại, thường là mầm mống của tội ác. Chẳng hiểu bên ngoài những trang sách, “mầm mống của tội ác” mà Di Li gây ra đối với những người đàn ông đến đâu, nhưng rõ ràng chị rất đẹp. Một vẻ đẹp rạng rỡ, thông minh và đôi chút kiêu kỳ. Di Li ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế xalông, ngả người vào chỗ dựa êm, mái tóc xoăn nhuộm vàng sành điệu, chiếc áo khoác sọc đen trắng, quần lụa bó màu đỏ như khiêu khích người đối diện, nhưng tư thế ngồi ngả hẳn người vào ghế dựa dường như là cố tình tạo nên khoảng cách. Một khoảng cách mơ hồ. Tôi ngồi đối diện với chị. Người đang phát ra những tia sóng của sự tự tin, mạnh mẽ và hoàn hảo. Có vài người qua lại trong quán cà phê. Nếu túm lấy một người trong đó, bắt chơi trò đoán nghề nghiệp, anh ta sẽ lắc đầu, nói: - Tươi cười thế này thì không thể là nhà văn. - Đỏm dáng thế này thì không thể là giảng viên đại học. - Thảnh thơi thế này thì không thể là dịch giả. - Trau chuốt thế này thì không phải là nhà báo. - Trẻ trung thế này càng không phải là doanh nhân, giám đốc. Vậy mà Di Li lại kiêm tất cả các nghề trên. Và mỗi nghề đều có những thành công không hề nhỏ. Tên thật của Di Li là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978. Bút danh Di Li vốn do cố nhà thơ Bế Kiến Quốc gợi ý, lấy tên tắt từ tên khai sinh, Diệu Linh. Diệu Linh vốn là giảng viên tiếng Anh Trường cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội. Vừa viết văn, viết báo, dịch thuật, dạy học, chị cũng là giám đốc quảng cáo cho một công ty du lịch. Ham lắm nghề thế nhưng lúc nào trông Di Li cũng thảnh thơi. Thảnh thơi và dửng dưng cái kiểu chỉ biết đến mua sắm, làm đẹp và tán dóc. Nhiều người ban đầu thấy cách Di Li làm việc, lắc đầu: điệu đàng thế này làm sao làm xong việc? Ấy thế mà Di Li vẫn làm xong. Một cách tử tế và hoàn chỉnh. Bí quyết của chị là luôn đặt kế hoạch chi tiết cho từng năm, từng tháng, từng tuần. Kế hoạch năm 35 tuổi của Di Li là hoàn thành xong cao học và ra cuốn sách đầu tiên. Thế nhưng chị đã làm xong điều ấy khi ở tuổi 30, với tấm bằng thạc sĩ cùng ba cuốn sách. Luôn tự hào về khả năng độc lập và điều khiển cuộc sống của mình, nhưng những bước ngoặt lớn trong cuộc đời Di Li đôi khi không phải do chị quyết định. Trái với nhiều người suy nghĩ, truyện trinh thám kinh dị châu Á là phải dính tới yếu tố liêu trai chí dị kiểu Bồ Tùng Linh của Trung Quốc, truyện của Di Li tuy cóp nhặt yếu tố tâm linh phương Đông nhưng hành động và cách giải quyết vấn đề lại mang màu sắc duy lý phương Tây. Điều này tạo cho Di Li nhiều lợi thế khi khai thác những đề tài đương đại. Chẳng hạn sau Trang trại, Di Li dự định viết một cuốn tiểu thuyết tạm mang tên Giáo phái. Ở tiểu thuyết này, chị sẽ viết về tà giáo, trong đó giới tính thứ tư là tôn chỉ của hội. Giới tính thứ tư là chi tiết có thật, nhưng sẽ được giải mã vào phút cuối. Ngoài ra còn nhiều chi tiết có thật khác như loại thuốc khiến con người có bộ mặt khủng khiếp như ma quỷ. Di Li đã vạch sẵn cho mình cả cuốn tiểu thuyết thứ ba, về đề tài chiến tranh. Một đề tài dài hơn và chắc chắn sẽ tốn công sức hơn hẳn cuốn Trang trại và Giáo phái. Trong thời gian tới, Di Li sẽ cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Trang trại đang được đăng tải trên blog, cùng cuốn Bút ký từ Đông sang Tây và hai truyện dịch khác.* Bạn bè học phổ thông cùng chị nói rằng: nếu Diệu Linh trở thành nhà văn thì chẳng có gì lạ, nhưng nếu trở thành cô giáo thì ngạc nhiên đấy. Tại sao hồi đấy chị lại chọn thi vào trường sư phạm, khoa ngoại ngữ? - Có hai việc lớn trong đời tôi đi theo mẹ đẻ và mẹ chồng tôi, đó là theo đuổi ngành ngoại ngữ và trở thành cô giáo. Trước chẳng bao giờ tôi nghĩ mình trở thành nhà văn, dù cũng đã có bài đăng trên Hoa Học Trò. Tôi vẫn đinh ninh tôi theo đuổi ngành mà mình say mê, nhưng mẹ tôi nói: muốn tôi học ngoại ngữ cho dễ xin việc, đỡ viển vông. Việc thi đại học theo ngành ngoại ngữ là theo ý mẹ đẻ. Việc thứ hai, trở thành giáo viên là do gia đình nhà chồng tôi. Ngay khi tôi ra trường đã có một số công ty nước ngoài mời làm với mức lương khởi điểm rất cao, nhưng gia đình chồng tôi không đồng ý. Họ nói rằng: nếu làm liên doanh ở ngoài thì chúng tao không cho cưới. Thế là tôi đi theo (cười). Tôi là người khá bảo thủ, cũng là dạng cứng đầu. Nhưng tôi rất ngạc nhiên là mọi thứ đến với tôi như định mệnh. Ngay cả việc viết văn này. Những cái đó tôi không tính trước được. * Gia đình chị phản ứng ra sao khi chị mới lao vào viết văn? - Nói chung nhà tôi không ai đồng ý. Dù hiện nay thấy tôi phát triển được nghề viết và kiếm được tiền từ nó. Thật ra so với những công việc bình thường khác, nếu tôi tập trung vào viết tôi cũng kiếm được tiền đủ sống, thậm chí hơn các nghề khác. Bây giờ không phản đối nhưng trước đây rất phản đối. Theo kiểu, việc viết lách là một thứ lẩm cẩm. Mọi người không dám nói thẳng, mà nói xa xôi như kiểu tôi không còn tỉnh táo. * Chị tâm sự rằng chị sợ sự đơn độc. Nhưng nhà văn, từ tiểu thuyết theo lối hàn lâm hay ba xu, cũng đều cần những “khoảng lặng không ồn ào. Tác giả trẻ Nguyễn Thúy Hằng, cũng tầm tuổi chị, có câu: “Cảm giác kinh khủng” là một cảm giác tốt. Với chị, “cảm giác kinh khủng” ấy và cảm giác thanh bình bên gia đình được luân chuyển ra sao để chúng va chạm vào nhau? - Những người thân nhất với tôi cũng nhận xét rằng tôi là người phức tạp. Có người sống với tôi 15, 20 năm vẫn nói chỉ hiểu được 5% con người tôi. Bình thường tôi ít khi chia sẻ những điều tôi nghĩ, vì tôi vừa nói họ đã nói không hiểu rồi. Tôi rất cởi mở với những câu chuyện bình thường, tán dóc, nhưng chuyện riêng tư thì không. Đó là cái thường tình. Một nhà thơ lớn (không tiện nêu tên) đã nói với tôi rằng: cho đến bây giờ mình mới nhận ra một điều là tất cả những gì mình tưởng mình kinh khủng với vợ mình, hóa ra cô ấy không coi đó là cái gì cả. Tôi nghĩ đúng thôi, vì người ta nhàm với mình rồi. Bạn tôi tôi cũng không tặng sách. Thứ nhất người ta không quan tâm đến văn học. Nếu người ta có quan tâm thì cũng thế thôi. Họ quý mình về tính cách, chứ không vì tác phẩm. Tôi sợ... Phóng toĐúng là Di Li không mạnh mẽ và can đảm như chính những người gần chị nhất thầm tưởng. Di Li thuộc loại người bề ngoài mạnh nhưng bên trong thì yếu đuối. Thi thoảng thấy Di Li cứng đầu với sếp thật đấy, ghê gớm với nhân viên thật đấy, quyết liệt theo đuổi tận cùng với đam mê thật đấy, nhưng đằng sau bề ngoài được tô vẽ rất chi là tỉa tót kia lại là một tâm hồn dễ bị tổn thương bậc nhất. Những chuyên gia “hù nhát” mọi người mới chính là những người mang trong mình nhiều nỗi sợ nhất. Từ những nỗi sợ cụ thể về thiên tai, nước, độ cao, đến những nỗi sợ vô hình như ma quỷ, thế giới tâm linh, sự trừng phạt, sự trả thù... Ngày trước, sao nhà văn Nam Cao viết về cái đói hay thế, ấy là vì ông run sợ cái đói, ghê tởm cái đói. Nhiều nhà văn viết truyện trinh thám kinh dị trên thế giới, trong những tháng ngày cuối cùng của hào quang sự nghiệp, cũng thú nhận rằng: họ vô cùng sợ cái thế giới mà họ gây dựng nên. Phải chăng khi ta sợ điều gì thì điều đó và tất cả những tưởng tượng xung quanh nó hút về phía ta nhiều nhất? * Thú nhận đi: Di Li sợ ma chứ? - Tôi là người khá sợ ma. Cũng giống như nhiều người khác thôi, nhưng đó không phải là điều khiến tôi viết truyện “nhát người”. Không hiểu sao trong đầu tôi luôn có sẵn rất nhiều cốt truyện kinh dị. Trí tưởng tượng của tôi ở lĩnh vực này có lẽ là không giới hạn. Rất nhiều người hỏi tôi: đã bao giờ đến vùng đất ấy, đã bao giờ nhìn thấy loài hoa màu đỏ như thế chưa? Nói thật, tôi chỉ tả nó theo kiểu văn chương, cũng như những khuôn mặt đau đớn, méo mó đến sợ hãi trong truyện, đó là do người đọc tưởng tượng, không phải là hình ảnh mà tôi đưa vào. * Vậy thì ngay tại lúc này, Di Li có tưởng tượng ra một con ma, hay một kẻ sát nhân nào đang lởn vởn tại quán cà phê này không? - Như thế thì thành tẩu hỏa nhập ma mất rồi! (cười to). Tôi lấy ý tưởng kinh dị từ những câu chuyện, đôi khi rất tình cờ. Chẳng hạn tiểu thuyết Trang trại, là từ một lần nói chuyện với bà chị họ của tôi. Chị ta định mua một căn hộ, nhưng chủ nhà bị điên. Hàng xóm xung quanh lại cho biết nhà này đã có nhiều người trẻ tự tử. Chị tôi sợ quá không dám mua nữa. Câu chuyện dẫn tôi nghĩ tới những lời nguyền, trong một dòng họ. Cốt truyện kiểu này thì không có gì lạ, nhưng quan trọng là mình lý giải vì sao có lời nguyền đó. Cho đến tận chương cuối cùng độc giả mới biết được điều đó, một cách trần tục và thông thường, không có gì bí ẩn cả. * Khi nào chị cảm thấy mình yếu đuối nhất, như kiểu ra trận mà bị tước bỏ mọi vũ khí và áo giáp? - Đã có giai đoạn thời sinh viên, tôi chỉ có 1.000đ để ăn trưa. Tôi để tờ 1.000đ nhàu nát đó vào trong ví (1.000đ đủ ăn bánh giò). Khi trả tiền, tôi giả vờ tìm xem có tờ tiền lẻ nào không, mãi mớt rút ra tờ 1.000đ. * Chị sợ người khác nhìn thấy sự thiếu thốn của mình? - Tôi không muốn ai thương hại tôi. Cho đến bây giờ, có điều gì khó khăn ít khi tôi chia sẻ với người khác. Thời điểm ấy tôi tự nhủ mình sẽ không bao giờ trải qua chuyện này lần thứ hai. Điều đó như một nỗi ám ảnh. Hoặc những ám ảnh khác như dư luận, chỉ trích. May mắn là từ khi viết đến giờ, chưa có một bài nào phê bình, kể cả những bài đụng chạm đến tên tôi. Tôi nghĩ rằng nếu như chỉ có một bài báo phê bình thôi, tôi sẽ rất sốc. Tôi chưa sẵn sàng đương đầu với dư luận. Tầng thứ nhất và Điệu valse địa ngục tuy hấp dẫn nhưng vẫn chưa đi tới tận cùng và thiếu cao trào của kịch tính. Nhiều tình huống chưa mới, thiếu cảm xúc. Nhưng với cuốn tiểu thuyết Trang trại đang được đăng tải trên blog, Di Li đã chứng minh được sự trưởng thành nhanh chóng của mình. Với tiểu thuyết sắp ra mắt này, chị đã vượt qua được rào cản của giới nhà văn và phê bình. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói một câu duy nhất: Xuất sắc! Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi đi đâu cũng mau mau chóng chóng về để đọc truyện của cô. Nhiều nhà văn khác như Trần Thị Trường, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái... cũng nói những câu tương tự. Vậy là đã có một nữ nhi bước những bước đầu tiên trên con đường độc đạo của thể loại trinh thám kinh dị VN. Liệu Di Li có trở thành “Nữ hoàng tội ác” - cách người Anh phong tặng nhà văn Agatha Christie của họ? Điều này còn phải trông chờ ở nhiều sự nỗ lực vượt bậc nữa. Đường văn học còn dài và lắm nhọc nhằn. Thế đã là bản lĩnh lắm rồi, như câu thơ của nữ thi sĩ Vân Đài: Chớ rằng yểu điệu loài hoa cỏ Gió rét thi gan với bách tùng.
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Hàng ngàn người dân xếp hàng xem triển lãm quốc phòng quốc tế HÀ QUÂN 21/12/2024 Sáng 21-12, tại sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội, hàng ngàn người dân xếp hàng từ sớm, có người phải đi từ 5h, 6h sáng để có chỗ xem tốt.
Trường đại học 'đua' đạt chuẩn tiến sĩ MINH GIẢNG 21/12/2024 Đưa ra chính sách thu hút tiến sĩ, buộc giảng viên làm nghiên cứu sinh... là các giải pháp mà nhiều trường đại học đang 'đua' để đạt chuẩn.
Lừa đảo đang nhắm người lớn tuổi có nhiều tiền ĐỨC THIỆN 21/12/2024 Những kẻ lừa đảo đang nhắm đến người lớn tuổi bằng những chiêu lừa khá đơn giản, thậm chí không hề mới.
Vụ chồng bị khởi tố vì ném hỏng điện thoại của vợ: Điện thoại là tài sản chung hay riêng? TUYẾT MAI 21/12/2024 Vụ việc ông Lê Văn Tuấn bị khởi tố về hành vi hủy hoại tài sản khi ném hỏng chiếc điện thoại của vợ đang được nhiều người quan tâm.