TTCT - Đoàn Hành trình VN xanh vừa dừng chân ở Hạ Long - Cô Tô trong cuộc hành trình biển đảo. Nguyễn Mỹ Linh, biên tập viên quen thuộc của talk show Văn hóa - sự kiện - nhân vật (VTV3) - chủ nhiệm dự án Hành trình VN xanh, đã chia sẻ với TTCT những ngạc nhiên buồn bã của chị với một vịnh biển Hạ Long đang bị tàn phá về môi trường. Phóng to Những bãi thải do khai thác than lộ thiên ở Hạ Long, Cẩm Phả đang góp phần gây ô nhiễm nước vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long do các mỏ than chưa có hệ thống xử lý nước thải trước khi nước đổ ra vịnh - Ảnh: Na Sơn Cô gái đẹp được bầu sô tổ chức đi thi... Phóng to BTV Nguyễn Mỹ Linh* Chuyến thăm biển đảo của Hành trình VN xanh này là cuộc hành trình thứ tư. Nó có gì đặc biệt, thú vị hoặc khác biệt so với ba cuộc hành trình miền Trung, Tây nguyên và Tây Bắc trước? - Hành trình VN xanh của chúng tôi xây dựng nội dung các điểm đến từ hơn một năm trước, lựa chọn trên tiêu chí là những nơi cần được quan tâm với những vấn đề cấp thiết. Chúng tôi có mạng lưới chuyên gia môi trường hỗ trợ thông tin, cố vấn để mỗi hành trình đều thật sự có ích cho người đi và ngõ hầu có thể làm được điều gì cho xã hội. Hành trình biển đảo là một hành trình đặc biệt vì dù sao mùa hè được đi làm ở biển cũng dễ chịu hơn trèo đèo lội suối như lên núi. Cũng mùa này năm ngoái lúc thực hiện hành trình Tây nguyên, cả đoàn chúng tôi có lúc phải đi bộ gần 20km để thị sát cảnh phá rừng. Đi dưới nắng nóng chang chang của mùa hè cao nguyên cũng mệt lắm... Háo hức được đến biển, nhưng bất ngờ là hơn mười ngày ở biển mà chỉ được xuống biển duy nhất một lần khi ở đảo Cô Tô con. Hạ Long và cả Cô Tô bãi biển đều bẩn quá! Cảm giác rất ức chế. Tự nhiên thấy thương cho cái vịnh được mang danh di sản thế giới, rồi còn có danh hiệu kỳ quan thiên nhiên mới nữa. Cả đoàn chúng tôi cứ đùa nhau ví vịnh Hạ Long như một cô gái đẹp được bầu sô tổ chức cho đi thi hoa hậu. Khi đạt danh hiệu rồi thì tìm cách kiếm tiền từ cô ấy chứ chẳng nghĩ đến cách làm sao giữ được cho cô ấy nét đẹp xứng với vương miện. Đùa thế, nhưng thấy cũng gần với sự thật. * Hạ Long chắc chắn không xa lạ với chị, vậy tại sao lần này đến Hạ Long chị và các bạn vẫn bày tỏ sự kinh ngạc đầy chua xót với thực trạng môi trường biển nơi đây? - Đúng là không xa lạ thật nhưng vẫn đủ để khiến chúng tôi ngạc nhiên. Chỉ khi nhìn sự vật khác đi, có trách nhiệm hơn, bạn sẽ thấy không thể yên lòng. Nhất là khi bạn đi sâu tìm hiểu thêm nhiều vấn đề nữa. Rừng ngập mặn ngăn cản phù sa vào vịnh như một tấm lưới lọc đã bị phá từ nhiều năm, giờ mới nhen nhóm được trồng lại, đất đổ lấn biển khắp mọi nơi khiến vịnh ngày một thu nhỏ lại, nông hơn. Nước thải từ thành phố, từ thuyền du lịch hằng ngày đổ không biết bao nhiêu xuống vịnh mà không có sự kiểm soát. Kinh khủng chứ! Chúng ta đang bóc lột vịnh Hạ Long, chúng ta tổ chức biết bao chương trình để quảng bá, biết bao hội thảo để bàn cách phát triển du lịch, tìm cách sinh lợi từ vịnh, nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu chương trình được xây dựng để bàn cách bảo vệ môi trường của vịnh Hạ Long? Thật ra điều này không phải bây giờ mới được nói đến, các nhà khoa học đã lên tiếng từ lâu, nhưng có lẽ tiếng nói của họ không nhận được sự cộng hưởng trong xã hội, đặc biệt là những nhà quản lý. Phóng to Một thanh niên nhặt rác trên vịnh Hạ Long, khu vực ven khu lấn biển ở Cọc 5, TP Hạ Long * Nhưng người ta vẫn đổ xô tới Hạ Long, vẫn mua những suất du lịch nghỉ dưỡng trên các du thuyền hạng nhất đi tham quan vịnh. Chẳng lẽ du khách không nhìn thấy những gì mà đoàn Hành trình VN xanh của các chị đang thấy? - Nếu đi và nhìn sự vật như con mắt của người du lịch, bạn có thể thấy rác nổi lềnh bềnh trên mặt vịnh, bạn có thể thấy những cái cống hôi thối đổ nước ra vịnh chỉ cách bãi tắm của người dân vài chục mét... Bạn sẽ tự bảo mình "Ta không vứt rác, ta không tắm ở đây" thế là yên tâm. Có một thực tế thế này mà chúng ta phải tự công nhận: Người Việt rất yêu Tổ quốc. Đôi khi tình yêu đó khiến chúng ta nhắm mắt lại mà không thấy những điều cần phải thấy để lên tiếng. Thêm một điều nữa là công tác quảng bá về vịnh Hạ Long cũng rất tốt, mục đích để làm kinh tế nhưng cũng mang lại không ít hiệu quả. Ai chẳng muốn một lần đến vịnh? Ai chẳng muốn khoe với bạn bè quốc tế là đất nước tôi có một thắng cảnh rất đẹp? Chúng ta yêu đất nước và chúng ta muốn nhìn thấy đất nước đẹp như trái tim chúng ta muốn. Chúng ta để cho trí óc ngủ quên. Hoặc có lúc nào đó chúng ta muốn nói nhưng lại ngại tiếng nói của mình lạc lõng, đi ngược lại tiếng nói của nhiều người. Khách du lịch đến với những du thuyền hạng nhất không thấy bởi họ đang mải mê hưởng thụ những tiện ích mà du thuyền mang đến. Ngửa mặt ngắm trăng, tay nâng ly rượu, lênh đênh giữa biển trời... cảm xúc lãng mạn cho phép quên đi một thực tế là nước biển bãi Ti-Tốp nhớt, thỉnh thoảng lại gặp thuyền đồng nát đi thu lượm vỏ lon vỏ chai trên vịnh. Chúng ta cũng nên làm một khảo sát xem khách nước ngoài đến vịnh Hạ Long nhận xét thế nào và họ có trở lại nữa không. Tôi dám chắc những bà con đi xe buýt, đến từ Tây Bắc, đồng chiêm trũng, những người phải tích cóp có khi cả năm thu nhập để được một lần đi thăm di sản cũng sẽ có cảm giác thất vọng như chúng tôi. Họ tắm biển vì không có sự lựa chọn. Người Hạ Long có mấy ai tắm biển Hạ Long? Không lẽ họ không yêu biển của họ? Họ yêu nhiều hơn chúng ta nhưng chưa thể đủ để quên đi cảm giác sợ bị ghẻ như lời một anh tài xế taxi gốc năm đời Quảng Ninh chia sẻ với chúng tôi... * Các chị có nhắc đến Cù Lao Chàm như một tấm gương về việc không sử dụng túi nilông ở nơi đây để giữ môi trường xanh. Nhưng Cù Lao Chàm khá biệt lập, người thưa... Cách nào để chị tin những tuyên truyền về việc này vẫn sẽ có hiệu quả ở Hạ Long, Cô Tô? - Cù Lao Chàm và Cô Tô có điểm tương đồng: đều là huyện đảo, lại có cùng số dân như nhau. Có thể Cô Tô lớn hơn một chút. Vấn đề là ở Cù Lao Chàm có ông Nguyễn Sự! Tôi nghĩ chuyện hạn chế dùng túi nilông không phải là điều gì quá xa xỉ, vấn đề là có muốn làm và quyết tâm làm hay không. Đoàn Hành trình VN xanh đã tổ chức việc tuyên truyền và thuyết phục người dân ở đây dùng túi nilông có thể phân hủy sau hai năm. Bà con ai cũng hào hứng. Chúng ta có sự ủng hộ từ dân, vấn đề còn lại là lãnh đạo. Trước khi rời đảo, chúng tôi đã nhận được lời hứa của Bí thư Nguyễn Đức Thành là đến năm 2014 Cô Tô cũng sẽ trở thành hòn đảo không nilông. Chúng ta chờ nhé, sao lại không hi vọng? Phóng to Một miệng cống xả trực tiếp nước thải xuống vịnh Hạ Long ở khu vực Bãi Cháy. Hiện có hàng trăm miệng cống thải như thế hằng ngày đổ nước thải sinh hoạt của TP Hạ Long xuống vịnh - Ảnh: Na Sơn Ðồng tiền không thể lớn hơn nỗi nhục * Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị thẩm mỹ, và được tái công nhận lần thứ hai với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000. Còn bây giờ, chị đánh giá thế nào? - Đây là một câu hỏi khó. Nói không xứng đáng là bất công với vịnh Hạ Long vì quả thật cảnh quan vịnh Hạ Long quá đẹp. Còn nếu chúng ta không thay đổi cách ứng xử với môi trường thì đó là lỗi của chúng ta. Chúng ta nên biết xấu hổ vì điều đó. Tôi nghĩ chúng ta bạc bẽo với đất nước nếu cứ để mọi sự diễn ra như thế này. Đồng tiền từ những dự án bất động sản, từ du lịch, từ nhiều nguồn có thể rất lớn nhưng không thể lớn hơn nỗi nhục nếu một ngày vịnh Hạ Long bị rút danh hiệu di sản thế giới. Tôi thấy Ban quản lý vịnh Hạ Long là đơn vị đang quản lý vịnh nhưng họ có thực quyền đến đâu lại là việc cần phải bàn. Quản lý vịnh Hạ Long ngày hôm nay chưa thật sự hợp lý. Ban quản lý vịnh không thể kiểm soát nổi nước thải của thành phố, của những bãi thải đất đá từ các mỏ than xuống vịnh. Không được kiểm soát việc cấp phép cho các tàu thuyền đi lại trên vịnh. Cũng không phải là đơn vị có thể nói có hay không với việc lấn biển cho những dự án bất động sản đang hằng ngày thu hẹp và nông hóa vịnh Hạ Long. Quản lý chằng chịt đang tạo điều kiện cho những bất cập xảy ra. Hay nói cách khác là những quyền lợi khác đang được đặt lên trên vịnh Hạ Long. Khái niệm phát triển bền vững đang bị che lấp bởi những món lợi ngắn hạn. * Trong đoàn có rất nhiều thành phần khác nhau, mỗi người trong số các chị đã có những cách khác nhau như thế nào khi "ứng xử" với thực trạng Hạ Long hôm nay? - Chúng tôi có nhà báo, nhà nhiếp ảnh, nhạc sĩ, người làm truyền thông, diễn viên điện ảnh.... mỗi người đều phải có một dự án cá nhân để nói về những gì họ nhìn thấy, mang ảnh hưởng của họ đến cộng đồng. Chúng tôi hi vọng tiếng nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau của chúng tôi sẽ gợi ra được những điều tích cực trong xã hội. Ít ra hiện tại đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự hào hứng của mọi người, nhiều bạn tình nguyện viên từ nhiều vùng miền khác nhau muốn gia nhập đoàn. Vậy tại sao lại không thể tin là nếu kiên trì chúng ta có thể làm được điều gì đó? * Cảm ơn Mỹ Linh. Phóng to Làng chài Cửa Vạn hiện có hơn 167 hộ dân với hơn 640 nhân khẩu. Đây là làng chài lớn nhất trong số các làng chài trên vịnh Hạ Long và là điểm tham quan du lịch thú vị dành cho du khách. Tuy nhiên, hằng ngày nước thải sinh hoạt của hàng trăm con người vẫn thải trực tiếp xuống vịnh Hạ Long - Ảnh: Na Sơn Dự án “Hành trình VN xanh” không chỉ là những chuyến đi thực địa mà thông qua đó còn là cuộc hành trình thể hiện sự chuyển biến nhận thức của mỗi người từ chỗ chưa biết, chưa quan tâm đến các vấn đề môi trường xung quanh mình, đến sự hiểu biết và quan tâm hơn nữa để tiến tới hành động hữu ích. Dự án “Hành trình VN xanh” có sáu cuộc hành trình: Tây nguyên, Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, các làng nghề miền Trung, các khu công nghiệp tại TP.HCM và Bình Dương, các khu du lịch biển tại Quảng Ninh và Đà Nẵng. Tiêu chí lựa chọn thành viên đoàn: quan tâm đến các vấn đề môi trường, có tầm ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực họ đang hoạt động; cam kết thực hiện dự án cá nhân nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các vấn đề môi trường sau khi kết thúc cuộc hành trình. Ngoài ra cũng sẽ có tám chương trình phóng sự truyền hình thực tế được thực hiện. Hãng phim truyện VN thực hiện dự án theo quyết định của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. CÁT KHUÊ thực hiện Tags: Biển đảoBiển Hạ LongHành trình VN xanhCô TôNguyễn Mỹ Linh
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc: Nhiều du khách Hàn mê món phở NHƯ BÌNH 04/10/2024 Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ cho biết người Hàn Quốc hầu như ai cũng biết đến món phở Việt Nam.
Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị mức án chung thân TUYẾT MAI 04/10/2024 Sáng 4-10, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội đối với bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm. Theo đó, bà Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị mức án chung thân về tội lừa đảo.
Bão Krathon dị thường, đổ bộ Đài Loan rồi dội ngược trở lại đường đi tới LÊ PHAN 04/10/2024 Bão Krathon sau khi đổ bộ vào phía nam Đài Loan thì bất ngờ quay trở lại, tuy suy yếu nhưng đường đi này của bão cũng cần lưu ý.
Thầy cô giáo phải giữ cái uy, không thể hòa đồng theo kiểu dễ dãi với học sinh NGUYỄN VĂN CÔNG 04/10/2024 Thầy cô thân mật, hòa đồng với học trò là tốt. Nhưng sự dễ dãi, tùy tiện, kiểu "cá mè một lứa" là không thể chấp nhận.