Người ngồi ở ghế sau nhưng vẫn đang lái xe?

MẠNH KIM 16/03/2008 01:03 GMT+7

TTCT - Trong rừng người nồng nhiệt chào đón cùng trống chiêng cờ xí, ông Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan, đã trở về Thái Lan sau 17 tháng lưu vong. Bất luận rồi đây ông sẽ còn phải đối mặt trước tòa về lời cáo buộc tội tham nhũng, sự trở về này cho thấy ông vẫn là tâm điểm chính trị của đất nước này.

Phóng to
Có thể nói đến thời điểm này, ông Thaksin Shinawatra có thể lại “chaiyo!” trong tư cách người trở về chiến thắng

Cựu thượng nghị sĩ Jon Ungpakorn mô tả: “Ông ấy ngồi ở ghế sau nhưng vẫn đang lái xe”...

Cuộc đời của cựu thủ tướng Thái này như đã viết xong hai chương, còn chương thứ ba đang dang dở: làm một tiến sĩ khoa bảng thì êm ái, nhẹ nhàng, làm một nhà doanh nghiệp thì trắc trở nhưng cũng đã thành công, còn làm một chính khách thì đúng là hoạn lộ. Ở đất nước này, từ Thế chiến thứ hai đến nay đã có đến 18 vụ đảo chính và 18 lần thay đổi hiến pháp.

“Chaiyo!”

Thaksin Shinawatra sinh ra trong gia đình trung lưu gốc Hoa. Ông cố nội là người tộc Hakka đến từ Mai Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Thời đi học, cậu học trò Thaksin đã nổi trội, là người duy nhất trong khu phố có được chiếc xe đạp và cậu cũng không ích kỷ đến nỗi không cho bọn trẻ cùng trang lứa mượn chạy long nhong (như lời kể của bạn cũ Suthat Chaiongkon). Nổi tiếng học chăm, nhất là thường nhanh nhảu giơ tay khi thầy đưa ra bài toán khó, rồi sau đó hét tướng lên: “Chaiyo!” (chiến thắng) mỗi khi giải xong. Cậu cũng là một “thủ lĩnh” khôn lanh và ưa quậy khi cùng đám con nít chặt chuối làm ngựa chơi trò cao bồi.

Sau này Thaksin vẫn thường tự hào có thể phân tích và giải quyết các vấn đề chính trị bằng logic toán học. “Tất cả những gì tôi làm là nghiên cứu và tìm câu trả lời theo lăng kính khoa học. Nếu phân tích đúng, tôi không bao giờ lưỡng lự trong việc đưa ra quyết định cuối cùng”.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát hoàng gia, Thaksin lập gia đình với con gái một viên tướng cảnh sát. Thaksin sang Mỹ theo học tiến sĩ tại Đại học Sam Houston (Texas). Vị thủ tướng tương lai của Thái Lan ngày ấy từng kiếm tiền bằng việc phục vụ tại một cửa hàng ăn thuộc dây chuyền Kentucky Fried Chicken, trong khi vợ ông làm nghề giữ trẻ. Họ sinh con đầu lòng trên đất Mỹ. Trở về Thái, Thaksin gia nhập Cục Cảnh sát đô thị Bangkok và dạy tại các trường cảnh sát.

Lương tháng của một cảnh sát đô thị chỉ khoảng 150 USD. Trong khi nhiều cảnh sát lúc đó kiếm thêm từ các “nguồn” khác thì Thaksin lo dành dụm để khởi nghiệp - từ làm lụa, sản xuất, phân phối phim cho đến mua bán linh tinh... Tất cả đều thất bại! Đó là giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời của ông nhưng lại góp phần làm nên một Thaksin sau này. Thời gian ấy, như sau này ông còn nhớ có những lúc trở về nhà, ông buồn rầu báo cho vợ biết lại có thêm một vụ làm ăn xôi hỏng bỏng không, rồi vào phòng ngủ con trai đang ngon giấc, tự nhủ không biết rồi mình sẽ làm gì để thoát khỏi tình trạng túng quẫn!

Năm 1982, ông cùng vợ thành lập công ty mà sau đó phát triển thành Shinawatra Computer (quan hệ kinh doanh với IBM). Nhờ vợ, Thaksin thiết lập quan hệ với ngành cảnh sát: cho các phòng ban cảnh sát thuê máy tính. Lần này, Thaksin thành công, từ đó lăn lưng đầu tư vào thị trường máy nhắn tin và điện thoại di động, tung ra vệ tinh thương mại đầu tiên ở Thái vào thời điểm mà không ai tin rằng ông có thể thu lợi. Thaksin trở thành tỉ phú.

Thành công thương trường lại đưa ông vào chính trường và đó là một con đường khổ ải. Từ đây, những thăng trầm, khi lên voi lúc xuống chó cũng bắt đầu. Năm 1998, Thaksin thành lập Đảng TRT (Người Thái yêu người Thái). Giai đoạn 101 ngày làm ngoại trưởng năm 1994 của Thaksin là “thời kỳ trăng mật”. Dư luận đánh giá ông khá cao, nhưng những năm 1995-1996 cũng như thời gian sau này (năm 1997) khi làm việc cho chính phủ Chavalit Yongchaiyudh ở cương vị phó thủ tướng, ông bị chỉ trích mạnh mẽ.

Trong cuộc bầu cử thủ tướng năm 2001, Thaksin Shinawatra lại giành chiến thắng. Nhật báo Thái The Nation mô tả chiến thắng của Thaksin đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho chính trường Thái Lan. “Đây là lần đầu tiên một doanh nhân nắm quyền điều hành đất nước”. Người ta còn nhớ trong chiến dịch vận động tranh cử, Thaksin Shinawatra có mặt gần như ở bất kỳ góc phố nào, gần như ở bất kỳ ngôi đền nào và gần như bất kỳ nhà dân nào. Ông là trung tâm của cơn bão thông tin.

Thaksin là chính trị gia đầu tiên ở Thái biết khai thác truyền hình và Internet cho cuộc vận động tranh cử. Trước Thaksin Shinawatra, các thủ tướng Thái gần như tránh xa truyền hình, hạn chế sự có mặt trong phạm vi các buổi lễ khai mạc lớn, dịp kỷ niệm quân đội và yết kiến hoàng gia. Tên ông trở nên quen thuộc tại Thái, với hình ảnh là một trong những người giàu nhất có tài sản trị giá hơn 1,2 tỉ USD. Gần như nơi nào cũng xuất hiện logo trắng - xanh - đỏ của TRT, và tài xế taxi ở Bangkok hay tài xế tuk tuk tại Chiang Mai thường nở nụ cười đồng thời giơ ngón cái biểu thị hài lòng và tin tưởng khi nghe nói đến tên Thaksin. Họ nói: “Thaksin biết kiếm tiền cho người Thái”.

“Thaksinomics”

Phóng to
Khoảng 10.000 người Thái chào đón sự trở về của ông Thaksin

Một đoạn ngắn trong bài ghi nhận về chính sách hỗ trợ người nghèo trong cái gọi là “Thaksinomics” (chính sách kinh tế kiểu Thaksin), đăng trên The Common Touch (31-1-2005): “Winai Tatasuthai, 45 tuổi, sống tại ngôi làng nhỏ Baan Dongsaensuk là một trong những người hàm ơn ông Thaksin. Ba năm trước, Winai gần như không thể nuôi nổi chính mình; bây giờ, ông là một doanh nghiệp nhỏ có đồng ra đồng vào.

Cuộc đời Winai thay đổi khi năm 2001, thủ tướng Thaksin tiến hành chương trình hỗ trợ vốn cho 80.000 ngôi làng nhỏ. Winai vay 250 USD từ nguồn Quĩ làng quê với ngân sách 2 tỉ USD. Ông mua vài con gà, một chiếc xe ba gác máy, vỉ nướng than và bắt đầu dạo quanh nhiều ngôi làng rao ơi ới: “Ai ăn gà nướng hông?”. Công việc thuận buồm xuôi gió giúp Winai tậu thêm chiếc xe tải thùng, mua dăm con bò và không còn vò đầu bứt tai khi nhớ đến khoản học phí của thằng con 16 tuổi...”.

Sau bốn năm lãnh đạo của ông Thaksin, như bài báo ghi nhận, GDP Thái tăng tổng cộng 22,2% (tỉ lệ nhanh nhất Đông Á, sau Trung Quốc, kể từ vụ khủng hoảng kinh tế khu vực 1998). Thu nhập vùng quê tăng 20%/năm trong hai năm 2004-2005; và Thái Lan có thể trả nợ Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước thời hạn hai năm; dự trữ ngoại tệ tăng từ 30 tỉ USD năm 2001 lên 64 tỉ USD năm 2006...

“Thaksinomics” là một trong những giải pháp cứu con tàu Thái sau cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 1990. Nó bao gồm củng cố kinh tế vùng quê, giúp nông dân thoát nghèo để tăng mức tiêu dùng cho kinh tế nội địa nhằm hạn chế nhập khẩu. Thiết lập mạng lưới thị trường để giúp thợ thủ công xuất khẩu hàng. Lập Ngân hàng Nhân dân để hỗ trợ cho vay nhỏ và đưa ra chương trình chăm sóc y tế chi phí thấp cùng dự án trường điểm chất lượng cao...

Năm 2005, Daniel Lian, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Morgan Stanley, khen ngợi Thaksin là đã vạch ra được “lộ trình hoàn chỉnh cho hướng đi tương lai của Thái Lan”. Báo chí ghi nhận thành công của Thaksin trong giai đoạn 2003-2006. BusinessWeek (28-3-2003) thừa nhận Thaksin đã làm cho Thái Lan giàu hơn. Tờ The Straits Times (10-3-2004) thậm chí còn viết: Thaksin “có cơ hội để trở thành nhà lãnh đạo tầm khu vực”...

Tuy nhiên, Thaksinomics cũng có mặt trái. Việc Thaksin yêu cầu hệ thống ngân hàng nhà nước hỗ trợ cho vay, đặc biệt vấn đề nhà ở, đã khiến nợ từ các hộ gia đình tăng nhanh, lên 62% từ năm 2001-2005. Wichai Turongpun, giám đốc Viện Quản lý phát triển quốc gia, sau khi nghiên cứu một năm tại 19 tỉnh đã lưu ý chương trình Quĩ làng quê có nhiều kết quả trái ngược. Nhiều thanh niên làng quê vay tiền chỉ để tậu xe máy hoặc sắm điện thoại và rủ nhau đi nhậu. Một số trường hợp người nghèo trở nên nghèo hơn bởi nợ chồng nợ chất do làm ăn thất bại.

Điều sẽ xảy ra?

Dù thế nào, hình ảnh Thaksin vẫn in đậm dấu ấn trong đa số người nghèo Thái Lan. Hơn một năm trước, báo Time (1-2-2007) từng viết: “Nếu tổng tuyển cử được tổ chức thời điểm này, Thaksin có thể chiến thắng”. Tất nhiên là nhờ lá phiếu của người nghèo. Có thể lượng định sức mạnh bao trùm của cái bóng Thaksin đối với Thái Lan như thế nào, khi biết rằng chính quyền quân sự tạm quản (sau khi lật đổ Thaksin) từng chặn sóng buổi truyền hình phỏng vấn của ông trên Đài CNN; và khi Thaksin gặp phó thủ tướng Singapore vào tháng 1-2007, chính quyền tạm quản đã nổi giận hủy cuộc gặp ngoại giao với Singapore!

“Chính trị Thái Lan bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới với sự trở về của Thaksin”. Như nhận xét của Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh thuộc Đại học Chulalongkorn (Bangkok): “Việc ông ấy xử lý mọi việc như thế nào bây giờ thuộc ông ấy. Bây giờ là thời khắc của ông ấy và chúng ta sẽ chứng kiến ông ấy muốn điều khiển cánh tay chiến thắng như thế nào”.

Trong thực tế, cái bóng Thaksin vẫn phủ lên đời sống chính trị Thái mà điển hình là chiến thắng của Đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) - một phiên bản “cập nhật” từ Đảng TRT của ông trước đây - trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 12-2007. Sombat Thamrongtranyawong, giáo sư Viện Quản trị phát triển quốc gia, nói: “Từ bây giờ, các bộ trưởng sẽ phải hỏi ý kiến Thaksin, lãnh đạo thật sự của họ, thay vì (thủ tướng) Samak Sundaravej”.

Sân khấu chính trị Thái vốn chẳng là vùng sóng lặng gió êm. Có nhiều khả năng lành dữ khó lường đang chờ Thaksin. Có lẽ trước mắt là án binh bất động, cho đến khi phiên tòa xử tội tham nhũng (12-3-2008) ngã ngũ với phán quyết cuối cùng (ngày 3-4-2008) như thế nào. Về lý thuyết, ông có thể đối mặt 15 năm tù, bị cấm hoạt động chính trị trong bốn năm tới...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận