Người sao vai vậy, còn gì là phim?

NGUYỄN VŨ 22/09/2023 08:32 GMT+7

TTCT - Nhiều người muốn vai diễn thế nào cứ để cho người có nhân dạng thế ấy đóng mà quên mất một điều quan trọng: diễn viên là nghề hóa thân thành trăm, ngàn nhân vật khác nhau.

Ngày xưa tài tử Laurence Olivier có thể hóa trang bôi đen mặt để đóng vai Othello trong bộ phim cùng tên năm 1965. Nay để đóng vai người da đen, không diễn viên da trắng nào dám làm như thế vì sẽ bị dư luận phản ứng dữ dội. 

Chuyện này có thể hiểu được vì từ những năm 1830 các đoàn kịch cho người da trắng bôi đen mặt để đóng vai da đen theo kiểu biếm họa, mô tả người da đen như những kẻ khù khờ, chỉ biết giỏi múa hát. Thế nhưng người ta đang đẩy câu chuyện này đi quá xa khi đòi hỏi vai đồng tính phải do người đồng tính đóng, vai người chuyển giới phải giao cho người chuyển giới... 

Một trường hợp "có ý kiến" quá xa như thế vừa diễn ra với diễn viên gạo cội Helen Mirren khi vào vai nữ thủ tướng Israel Golda Meir trong phim Golda.

Khó lòng nhận ra Helen Mirren khi bà hóa thân thành Golda Meir.

Khó lòng nhận ra Helen Mirren khi bà hóa thân thành Golda Meir.

Bà Meir làm thủ tướng Israel từ năm 1969 đến 1974. Phim chỉ tập trung vào thời điểm tháng 10-1973 trong cuộc chiến Yom Kippur 19 ngày, khi Ai Cập và Syria đánh nhau với Israel. Mirren vào phim với khuôn mặt hóa trang đậm nét để người xem không còn thấy hình ảnh quen thuộc của bà, thay vào đó là một nữ thủ tướng bàn tay sắc, hút thuốc liên tục, bàn chuyện chiến tranh với các tướng lĩnh. Ngay cả giọng nói cũng được Mirren đổi hẳn đi cho trầm xuống y như giọng của bà Meir ngày xưa.

Nói chung đây là vai diễn hóa thân xuất sắc, không cường điệu hóa, không làm màu mè. Thế mà vẫn có nhiều người phê phán Helen Mirren, rằng bà đâu phải là người Do Thái đâu mà đòi đóng vai Golda Meir?

Thời thế thay đổi thật nhanh. Mới năm 1993, Tom Hanks và Antonio Banderas có thể vào vai một cặp đồng tính trong cơn bão bùng phát bệnh AIDS trong phim Philadelphia mà không ai nói gì. Vai diễn đồng tính này còn giúp Hanks đoạt giải Oscar diễn viên xuất sắc năm 1994.

Đến năm 2015 khi Eddie Redmayne vào vai một người chuyển giới trong phim The Danish Girl thì dù diễn rất ngọt, vai diễn được đề cử giải Oscar diễn viên xuất sắc năm 2016, nhưng anh vẫn phải lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc đã nhận vai chuyển giới khi có dư luận phản đối phân vai chuyển giới cho một nam diễn viên bình thường. 

Đáng lưu ý là các cột mốc phát biểu của Redmayne. Ngay khi phim vừa được phát hành, anh nói dư luận phê phán như thế là một "cuộc thảo luận quan trọng"; đến năm 2018 anh nói nghĩ lại thì không biết mình có nên nhận vai này không và cuối cùng đến năm 2021, anh bày tỏ sự hối tiếc, cho rằng mình đã sai lầm khi nhận vai.

Áp lực dư luận kiểu "vai diễn thế nào cứ để cho người thế ấy diễn" rất lớn. Năm 2018, nữ diễn viên nổi tiếng Scarlett Johansson đã phải từ chối, rút khỏi một vai chuyển giới sau khi dư luận lên tiếng. Năm 2020, hai diễn viên da trắng Jenny Slate và Kristen Bell phải từ bỏ hợp đồng lồng tiếng cho hai nhân vật trong một phim hoạt hình chỉ vì hai nhân vật này da đen.

Hiện nay, ngoài chuyện diễn viên Helen Mirren vào vai Do Thái còn có những phê phán nặng nề dành cho Hugh Grant, một diễn viên có chiều cao bình thường vào vai người tí hon Oompa-Loompa; hay với Brendan Fraser khi anh mặc thêm bộ đồ da để giả làm người béo phì trong phim The Whale. 

Những người phê phán cho rằng vai tí hon cứ để cho người lùn đóng, vai béo phì để người béo phì bất kể Oompa-Loompa là người tí hon chứ không phải lùn và bất kể Fraser trước đó cũng cực khổ trăm đường vì bị béo phì trong nhiều năm. Bradley Cooper đeo mũi giả để vào vai một người Do Thái trong phim Maestro sắp phát hành cũng bị phê phán.

Timothée Chalamet và Hugh Grant (phải) trong phim Wonka. Ảnh: Warner Bros./Everett Collection

Timothée Chalamet và Hugh Grant (phải) trong phim Wonka. Ảnh: Warner Bros./Everett Collection

Những lời chê bai vào vai không đúng nhân dạng của diễn viên bỏ quên một điều quan trọng: nghề diễn phim, đóng kịch là nghề hóa thân thành trăm, ngàn nhân vật khác nhau. Diễn viên giỏi vào vai tổng thống rất đường hoàng oai vệ, vai kẻ cướp rất hung tợn, vai kẻ lừa đảo rất ma mãnh... 

Không lẽ phải yêu cầu vai diễn tướng quân đội phải do một vị tướng thật ra đóng? Và khi yêu cầu vai đồng tính phải dành cho người đồng tính, dư luận quên vế ngược lại: nếu vậy các vai không phải đồng tính không dành cho người đồng tính; diễn viên đồng tính sẽ chờ suốt năm vì chỉ được đóng vai đồng tính...

Ngược lại, những người đồng tình chuyện ai như thế nào sẽ đóng vai ấy lập luận, diễn viên bị điếc hay diễn viên lùn rất hiếm có cơ hội nhận vai, nên khi có vai phù hợp thì phải ưu tiên chọn họ. 

Ưu tiên không có nghĩa khép hẳn cánh cửa chọn người khác nếu diễn viên đúng nhân dạng lại không đạt yêu cầu. Nói cách khác, cách tiếp cận đúng đắn và sòng phẳng là chọn vai theo năng lực của diễn viên chứ không phải chọn vai theo tiêu chí "phải đạo".

Trở lại vai diễn thủ tướng Golda Meir, tờ Economist có một nhận định đáng lưu ý: vấn đề then chốt trong hình ảnh nhân vật của phim Golda là sự quyết đoán của một phụ nữ chung quanh toàn là nam giới, phải đưa ra các quyết định sinh tử cho nhiều người, cho binh lính của mình. Tính cách đó đòi hỏi năng lực diễn xuất của một người tầm cỡ Helen Mirren chứ không phải chuyện bà là người Do Thái hay không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận