Người sót lại của... cải lương

CÁT VŨ THỰC HIỆN 19/12/2008 01:12 GMT+7

TTCT - Đi đứng khó khăn vì một bên chân bị tật do di chứng sốt bại liệt từ năm 6 tuổi, nhưng vì mê cải lương, năm 25 tuổi, Hoàng Song Việt đã bỏ ngang công việc ổn định của một cán bộ văn hóa để đi nhắc tuồng cho Đoàn cải lương Tuổi Trẻ (thuộc sự quản lý của Sở Thương nghiệp TP.HCM).

Phóng to

Soạn giả Hoàng Song Việt

Ròng rã bảy năm đi khắp Bắc Trung Nam, từ người nhắc tuồng, anh tiến lên làm “tác gia” viết bài ca lẻ, rồi trở thành người chỉnh sửa kịch bản cho đoàn trên đường lưu diễn. Năm 1992, khi Đoàn cải lương Tuổi Trẻ giải tán, anh định chuyển sang nghề khác sinh sống, nhưng bất ngờ đọc báo thấy TP.HCM đang tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu, anh gửi liền một lúc hai vở cải lương để dự thi.

Cả hai đều được đánh giá cao: Giấc mộng không tên (giải ba) được đạo diễn Đoàn Bá dựng cho Nhà hát Trần Hữu Trang, còn Sám hối được nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga dựng trên sân khấu Đoàn Văn công TP.HCM. Hai kịch bản “chào hàng” này đã đưa cuộc đời anh gắn bó với Nhà hát Trần Hữu Trang từ đó đến nay. Hiện anh là đoàn trưởng đoàn Thắp sáng niềm tin, nắm trong tay hơn 20 nghệ sĩ trẻ đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, diễn hàng tuần tại rạp Hưng Đạo (TP.HCM).

Từ nhiều năm nay, Hoàng Song Việt được biết đến như người sung sức hiếm hoi còn sót lại của giới soạn giả cải lương phía Nam. Bên cạnh việc sáng tác, anh còn nổi tiếng là một tác giả chuyển thể chắc tay. Sau kịch bản Kim Vân Kiều (phóng tác) và Chiếc áo thiên nga (chuyển thể từ tác giả Lê Duy Hạnh) được biểu diễn trong chương trình Hội ngộ tài năng liên tiếp hai mùa tết âm lịch vừa qua tại Nhà thi đấu QK7, Hoàng Song Việt đang lao vào chuyển thể vở cải lương thứ ba Hoàng đế Quang Trung (dự kiến diễn trong hai đêm 18 và 19 tháng giêng Kỷ Sửu tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).

* Chuyển thể một vở kịch nói sang cải lương có phải chỉ là việc gài thêm những bài ca vào kịch bản có sẵn? Công việc này có thuận lợi cho anh hơn khi phải tự mình sáng tác kịch bản cải lương?

- Chuyển thể một kịch bản ở thể loại này sang thể loại khác là một công việc không dễ dàng bởi mỗi chủng loại kịch có những đặc điểm riêng. Lời của kịch nói không thể ca được nên người chuyển thể phải thay đổi hoàn toàn cấu trúc trong câu thoại. Thường là người chuyển thể phải “nhúng bút” từ 70-80% để biến một kịch bản kịch nói sang kịch bản cải lương. Gặp những kịch bản tác giả viết không chắc tay, tôi gần như phải viết lại hoàn toàn.

Ở những kịch bản của người viết nhiều kinh nghiệm như nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, thì việc chuyển thể nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tôi không phải mất sức để phá ra làm lại, chỉ thêm thắt những chi tiết nhỏ cho chặt khi chuyển sang lời ca mà thôi. Nói gì thì nói nhưng tôi vẫn thích sáng tác hơn vì được làm theo ý mình, hay dở gì cũng là của mình, không bị áp lực trong khi làm công việc chuyển thể luôn chịu áp lực từ nhiều phía. Mình làm hay lên thì người ta khen... tác giả kịch bản gốc, còn nếu chẳng may bị dở đi thì trăm dâu đổ đầu tằm. Đã có không ít người chuyển thể bị tác giả than phiền là “làm mất đi kịch bản gốc của tôi”!

Phóng to
Cảnh trong vở cải lương Phước Lộc Thọ (soạn giả Hoàng Song Việt) trên sân khấu Đoàn Thăp sáng niềm tin do anh phụ trách
* Và hẳn là anh cũng từng mang nỗi đau?

- Có, nhưng ở một góc độ khác. Tôi đi xem kịch, bắt gặp vở diễn nào hay thường thấy thích thú tự nhiên có sự thúc giục nào đó từ bên trong muốn chuyển thể sang cải lương. Thế nhưng không dưới hai lần tôi bị từ chối. Các tác giả ấy nói rằng rất cảm ơn tôi nhưng họ sợ khi chuyển sang cải lương, tác phẩm của họ không còn giữ được chất lượng vàng như nguyên tác.

Tôi nghe mà cảm thấy bị tổn thương, thương cho cả sân khấu cải lương nhưng nghĩ cho cùng họ lo cũng phải, vì mỗi thể loại có thế mạnh riêng, có đối tượng khán giả riêng. Tôi chuyển thể không nhiều, chỉ khoảng 20 vở.

Trước khi chuyển thể, tôi luôn trao đổi, tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa mình và tác giả. Nếu không tìm được tiếng nói chung, tôi sẽ không tiếp tục. May mắn là những tác giả tôi chuyển thể đều hiểu biết và yêu thích cải lương nên công việc của tôi luôn thuận lợi. Mặc dù có những lúc tôi phải viết lại 100% kịch bản nhưng vẫn vui vẻ chia đôi nhuận bút với tác giả bởi tôi nghĩ đây là trách nhiệm của mình.

* Chuyển thể cho một vở cải lương thử nghiệm nhiều cái mới như hai vở Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga có khác với khi chuyển thể những vở cải lương bình thường không? Điều gì anh tâm đắc khi chuyển thể cho những vở cải lương thử nghiệm trên?

- Vì đó là những vở cải lương có sự tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật khác nên thời lượng dành cho cải lương thật sự không nhiều bằng những vở cải lương bình thường nên tôi sẽ phải cân nhắc chỉ chọn những bài bản cải lương nào thật tinh túy. Bài bản cải lương là cái vốn chung nhưng sự khác nhau về tài năng ở người chuyển thể là biết chọn bài ca nào phù hợp nhất, chuyển tải được ý đồ và cảm xúc nhiều nhất.

Ở vở Chiếc áo thiên nga, ngoài việc phức tạp khi chọn bài phù hợp cho hai phía đối nghịch là Âu Lạc phía Nam và Triệu Đà phương Bắc, tôi còn đưa được bản Lệ rơi thắm đáGiang nam, hai bài cải lương gần như bị thất truyền vì lâu nay không được ai sử dụng cho Kim Tử Long và Trinh Trinh ca. Trong vở Hoàng đế Quang Trung lần này, vì ông là người quê miền Trung, đất của hát bội, bài chòi, dân ca liên khu 5,... nên tôi sẽ cố gắng đưa những nét đặc trưng này vào vở.

* Soạn giả cải lương bây giờ thưa vắng, tên tuổi xuất hiện tương đối đều đặn hiện nay dường như chỉ còn mình anh. Anh có cảm thấy cô đơn không hay đang tận hưởng cảm giác của kẻ “độc cô cầu bại”?

- Thật ra, giới soạn giả thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những cái tên quen thuộc như Đăng Minh, Lam Tuyền, Tô Thiên Kiều, Hữu Lộc (Long An), Huỳnh Anh (Tiền Giang), Quốc Khánh (Cà Mau),... và người viết cải lương giỏi cũng còn đó nhưng tình hình sân khấu hiện nay không nuôi nổi họ nên họ phải đi làm việc khác để mưu sinh. Họ viết kịch nói hoặc chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình, vừa nhanh vừa có tiền. Trước kia, TP.HCM có trên 20 đoàn cải lương, nay chỉ còn lại 3 đoàn đều thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang và cũng chỉ diễn mỗi tuần vài buổi. Nhu cầu kịch bản ít, viết không có chỗ dùng thì viết làm gì.

Tác giả trẻ dù tâm muốn nhưng không có lực để theo. Họ phải làm việc khác để sống, tâm trí phải để vào đó, còn chút gì cho cải lương thì rồi cũng sẽ vơi đi dần. Tôi yêu thích cải lương ngay từ hồi còn nhỏ nên đã xác định dù khó khăn đến mấy cũng không bỏ, theo cho đến khi nào cải lương không còn nữa mới thôi. Mà theo như những trải nghiệm đã qua, cải lương có thăng trầm, có chuyển dịch hình thái nhưng sẽ khó... chết. Tôi sống độc thân, thì giờ dành hết cho cải lương, suốt ngày chỉ nghĩ về nó. Có những việc tôi làm được mà người khác không làm được vì họ không có thời gian như tôi.

Soạn giả Hoàng Song Việt viết khoảng trên 70 kịch bản cải lương, chuyển thể khoảng trên 20 vở. Một số vở tiêu biểu anh đã viết: Duyên kiếp, Đứa con họ Triệu, Bến phà kỷ niệm, Truyền thuyết một lời nguyền, Phước Lộc Thọ, Thanh xà Bạch xà,... Chuyển thể: Cây lẻ bạn (Nguyễn Thu Phương), Rồng phượng, Chiếc áo thiên nga (Lê Duy Hạnh), Nhảy múa với quỷ dữ (Kim Chi), Câu chuyện dòng sông Thu (Hồ Hải Học)...

* Đoàn Thắp sáng niềm tin của anh gồm hầu hết những diễn viên trẻ từng đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang nhưng chưa ai trở thành ngôi sao cải lương thật sự. Vì sao vậy?

Có phải họ chưa thoát khỏi những cái bóng quá lớn của lớp nghệ sĩ thế hệ trước? Và phải chăng đó cũng là lý do để khán giả không còn nô nức đến với sân khấu cải lương như xưa nữa?

- Ngày xưa, mỗi cuối tuần, mẹ tôi hay sai chúng tôi chở bà đi coi cải lương. Bây giờ, cuối tuần chúng tôi phải mời bà đi coi cải lương, nhưng bà nói mệt lắm, ở nhà coi băng được rồi! Khán giả bây giờ có nhiều thứ giải trí để chọn lựa, chưa nói đến chuyện đi ra đường đến rạp hát bây giờ nhiêu khê lắm. Đoàn Thắp sáng niềm tin khi ra vở mới, vài ba đêm đầu cũng đông khách nhưng chỉ đến đêm thứ tư là vắng vì bây giờ người ta chỉ xem có một lần rồi thôi, không còn người coi một vở đến thuộc lòng như xưa nữa. Ngay những vở có đầy sao lớn trong sân khấu vàng cũng vậy thôi, diễn hai đêm là hết khách.

Tình hình khán giả ngày nay là như vậy, nên rất khó khăn cho việc dựng những vở cải lương chính quy, nghệ thuật nên bây giờ có những người làm vở theo kiểu ăn xổi ở thì, lấy tuồng cũ, gom vội một số ngôi sao, làm rầm rầm rộ rộ vài đêm rồi bỏ, không định hướng lâu dài, làm cho khán giả có cái nhìn xấu về cải lương. Có người nói xưa tôi xem tuồng này hay quá mà sao giờ thấy diễn gấp gáp, sơ sài vậy. Người chưa biết lại hỏi cải lương là vậy sao! Tổ chức chụp giựt, mượn danh nghĩa để kinh doanh, ăn trên vinh quang của quá khứ là chính. Kiểu làm này không phải là cách để cải lương tồn tại. Nó sẽ làm cải lương bị biến dạng.

* Như vậy theo anh, để cải lương tồn tại, nhất là tồn tại được trong lòng giới trẻ, phải bắt đầu từ đâu?

- Trên trang web Đoàn Thắp sáng niềm tin của chúng tôi (http://www.cailuong.org.vn/) hằng ngày đều nhận được rất nhiều ý kiến của khán giả trẻ. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, luật sư,... đã đến xem vở diễn và gửi đến chúng tôi những nhận xét, góp ý, phê bình... qua đó chúng tôi hiểu họ rất yêu thích cải lương và muốn chúng tôi có nhiều hơn nữa những vở diễn chất lượng như họ đã xem.

Còn ở nhà hát, tôi đã từng gặp nhiều bạn sinh viên đến xin vào xem miễn phí vì các em không có tiền mua vé. Nhu cầu xem cải lương trong công chúng còn nhiều nhưng điểm diễn hiện nay quá ít. Chúng tôi chỉ diễn tại rạp nhà Hưng Đạo, đi chỗ khác thì chịu không nổi tiền mướn rạp.

Ngay đoàn của Vũ Luân khi diễn ở Hưng Đạo thì có lãi nhưng khi ra quận 11 diễn thì lỗ chi phí. Các diễn viên trẻ trong đoàn Thắp sáng niềm tin không thể sống được nếu chỉ diễn một điểm ở Hưng Đạo. Nghề nghiệp vẫn nuôi được các em nhờ những hoạt động cải lương ở bên ngoài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận