Người thầy họa sĩ

NGUYỆT CẦM 20/11/2010 12:11 GMT+7

TTCT - Đúng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 này, phòng tranh của họa sĩ Hoàng Trầm - nhà giáo kỳ cựu với hơn 40 năm giảng dạy hội họa, người được phong danh hiệu nhà giáo nhân dân năm 2010 - sẽ khai mạc tại nhà triển lãm của Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM (*).

Phóng to
Họa sĩ Hoàng Trầm

“Thiệt ra tôi chỉ tính bày một số ký họa, phác thảo để làm mẫu cho sinh viên, không dè thành một triển lãm tới hơn trăm bức, cả tranh sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ... vẽ trong nhiều năm. Mà đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi”. Thật khó tin khi một tác giả lớn của mỹ thuật VN, theo nghiệp vẽ từ năm 14 tuổi, tới nay khi đã quá bát tuần thượng thọ mới có được một triển lãm tranh cho riêng mình. Nhưng bậc tôn sư của nhiều thế hệ họa sĩ trong Nam ngoài Bắc, tác giả của gần chục tác phẩm được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chẳng để tâm đến sự chậm trễ, muộn màng như thế. Mà cũng chậm trễ, muộn màng tương tự là danh hiệu cao quý nhà giáo nhân dân chỉ đến với ông sau khi đã nghỉ hưu, rời bục giảng từ... hơn 20 năm trước! Họa sĩ Hoàng Trầm chỉ cười thật hiền lành, thoáng chút hóm hỉnh trong ánh mắt như bản tính cố hữu của ông.

Phóng to
Phong cảnh Hạ Long (tranh sơn mài)

“Tôi được học nhiều thầy giỏi”

Họa sĩ Hoàng Trầm sinh ngày 18-6-1928 tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An (Long An ngày nay). Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật (2001), nhà giáo ưu tú (2005), nhà giáo nhân dân (2010), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, giải A Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980 (tranh sơn mài Mẹ kháng chiến), huy chương bạc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1985 (tranh sơn dầu Trận địa mới).

Vì sao nhà giáo nhân dân Hoàng Trầm từ đầu chỉ có ý định bày ký họa, phác thảo trong triển lãm tôn vinh sự nghiệp sáng tác và giảng dạy dài lâu của ông? Đơn giản là vầy: “Sinh viên bây giờ ít chịu ký họa quá, đi thực tế các em đã có máy chụp hình làm thay rồi. Tụi tôi hồi xưa vẽ bất kỳ gì cũng phải ký họa, phác thảo trước thật kỹ lưỡng”.

Những ký họa của Hoàng Trầm không chỉ làm cái nền vững chắc cho tác phẩm mà còn là “nhân chứng cảm động, chân thực của một thời gian khó” (nhà nghiên cứu Nguyễn Quân) - thời của hai cuộc kháng chiến đã qua khi ông là một chiến sĩ ở tuyến đầu. Đó là những ký họa chân dung các mẹ chiến sĩ, mẹ liệt sĩ, nữ du kích, nữ giao liên Nam bộ, cô công nhân mỏ than Hòn Gai, người lái đò đưa bộ đội vượt sông dưới mưa bom Mỹ, những nữ dân quân Ngư Thủy với trận địa pháo đã thành huyền thoại chiến trường cùng rất nhiều chân dung người lính ở mặt trận, đối tượng gần như xuyên suốt trong tác phẩm của Hoàng Trầm.

Hoàng Trầm bảo ông vẽ kỹ, luôn ký họa và làm phác thảo trước khi dựng tác phẩm nhờ học được bài học ấy từ những người thầy giỏi, tâm huyết với nghề. Đó là các thầy Nguyễn Anh, Nguyễn Long, Lưu Đình Khải... khi chàng học sinh Hoàng Trầm trải qua ba năm học tại Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (1942-1945). Nam bộ kháng chiến nổ ra, Hoàng Trầm dở dang việc học, trở thành họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động, chân dung lãnh tụ, vẽ báo, in báo... trước khi tập kết ra Bắc năm 1954. Sau một thời gian làm họa sĩ thiết kế sân khấu và phục trang diễn viên cho đoàn văn công Tổng cục Chính trị, ông tiếp tục học trung cấp rồi đại học mỹ thuật, được thọ giáo các bậc thầy Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Văn Tỵ, Tạ Thúc Bình, Phạm Văn Đôn... “Toàn thầy giỏi, nhất là thầy Nguyễn Tiến Chung. Thầy Chung vẽ sơn dầu rất đẹp còn khắc gỗ thì số 1” - nhà giáo nhân dân Hoàng Trầm hồi tưởng những năm tháng học tập ở Hà Nội, khi đó bạn cùng lớp của ông là Huỳnh Phương Đông, Lê Thị Kim Bạch, Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Thanh Châu, Hà Quang Phương, Quách Phong, Thái Đắc Phong, Văn Tâm... sau này đều có danh vị, chỗ đứng trong làng mỹ thuật.

Phóng to
Nữ dân quân trận địa pháo Ngư Thủy (ký họa chì than)

Ông thầy khiêm tốn

Ngừng câu chuyện về các vị thầy, ông lục tìm tập sách in ký họa và tác phẩm của Văn Tâm, người bạn cùng thời cũng là đồng nghiệp lâu năm của ông tại Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM. “Văn Tâm mới là thầy giỏi, phụ trách chuyên ngành sơn mài, đào tạo được nhiều họa sĩ thành danh; còn tôi làm quản lý chung, dạy môn trang trí cho sinh viên hai năm đầu, khoa cần gì thì mình làm vậy thôi”.

Sau hơn một thập niên giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Hội, khi đất nước thống nhất họa sĩ Hoàng Trầm về Nam tiếp tục nghiệp sư phạm ở Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, vừa giảng dạy vừa làm chủ nhiệm khoa trong hơn một thập niên cho tới ngày nghỉ hưu năm 1988. Cho tới nay, nhiều thế hệ sinh viên vẫn nhắc đến ông thầy tận tụy, tài năng nhưng khiêm tốn, nói năng nhỏ nhẹ nhưng sâu sắc, có những nhận xét ngắn gọn về các bài thực hành của sinh viên khiến họ nhớ đời. Trong sách 12 gương mặt họa sĩ Nam bộ của họa sĩ Lê Thanh Trừ (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2005), tác giả kể lại nhiều câu chuyện thật thú vị về cách hướng dẫn sinh viên của nhà giáo Hoàng Trầm. Chẳng hạn có lần một sinh viên trình thầy phác thảo chuyến đi thực tế Tây nguyên vẽ cảnh các cô gái dân tộc thiểu số tắm suối, trông rất “thơ” nhưng “thầy Trầm liếc qua rồi cười: Cái này “thiên thai” quá, cất đi để dùng vào việc khác”. Hoặc “xem tranh của một sinh viên, thầy cười: “Tựa như mời người ta đến nhà rồi không nói gì”. Thế là người học trò hiểu tranh của mình chỉ hào nhoáng bề ngoài, không cảm xúc”. Nhà giáo dạy lý luận mỹ thuật Hà Văn Ngọc Sương nhận xét: “Ông thường suy nghĩ rất lâu trước khi đưa ra những lời nhận xét, đôi khi những vấn đề khúc mắc của sinh viên ám ảnh ông suốt sau giờ lên lớp...”.

Từ sau ngày nghỉ hưu, Hoàng Trầm chuyên tâm cho sáng tác. Cũng thật khó tin khi ông vẫn làm việc đều đặn. Đến nhà ông bao giờ cũng thấy có tác phẩm mới. Bức sơn mài Phong cảnh Hạ Long mới hoàn thành ghép bốn tấm, kích thước 1,2 x 2,4m, được ông thực hiện trong nhiều tháng trời. Chỉ hình dung một lão trượng 82 tuổi chăm chỉ và nhẫn nại với bao công phu cho tác phẩm khổ lớn như vậy đã kính nể! Kỹ thuật điêu luyện, già dặn càng tôn vinh cái tình của tác giả phả vào tranh.

Xem tranh ông, đặc biệt là tranh sơn mài - chất liệu được Hoàng Trầm ưa nhất, vẽ nhiều nhất - dễ nhận ra chất Nam bộ giản dị mà đậm đà, rõ nét nhất so với nhiều tác giả cùng thời. Có thể nói ông đã tạo được một phong cách sơn mài của riêng mình, “chất Hoàng Trầm” không lẫn vào đâu được.

Phóng to
Hoàng Cảnh, người chèo đò chở bộ đội qua sông (ký họa màu nước)
Phóng to
Chị em (tranh sơn mài)

__________

(*) Tại số 5 Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh. Dịp này, một tập sách về cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ - nhà giáo nhân dân Hoàng Trầm sẽ được phát hành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận