Người thầy và sự thay đổi

CAO HUY THẢO 06/06/2017 23:06 GMT+7

TTCT- Phải có cơ chế kiểm soát cùng với giúp đỡ. Đó là điều kiện đầu tiên của chủ trương thay đổi chính sách nhân sự giáo dục.

tt
Ảnh minh họa

 

Dù ở phía nào của cuộc tranh luận, cũng phải nhìn nhận chủ trương bỏ chế độ biên chế giáo viên là bước đi cần thiết, nếu thực sự muốn làm được một cuộc cải cách toàn diện, cơ bản cho giáo dục. Bởi nguồn lực quan trọng nhất để thực hiện chương trình giáo dục, chính là đội ngũ những người làm giáo dục.

Bỏ biên chế không chỉ giáo viên

Nếu chủ trương này là nhằm đưa ra một chính sách về đội ngũ song hành việc tạo động lực làm việc, tạo sức ép thay đổi và sự cạnh tranh tích cực trong môi trường làm việc, chắc chắn sẽ không ai phản đối, trừ những người không muốn làm việc.

Khi chúng ta mong muốn chất lượng công việc là hàng đầu, thì bỏ “biên chế” là tất yếu. Tính trì trệ, an phận thủ thường khi đã “vào biên chế” là căn bệnh mạn tính trong đội ngũ lao động nói chung, ngành giáo dục nói riêng.

Bao năm qua đã tồn tại trong xã hội chúng ta một hiện tượng lạ mà rất quen: rất khó chen đầu vào đội ngũ lao động, nhưng khi đã vào được rồi thì không cần cố gắng, mọi việc bình thường, lặng lẽ trôi qua cho đến ngày về hưu.

Chế độ biên chế có lẽ chỉ có một điều hay, là ổn định tâm lý và sinh kế cho người lao động, nhưng lại tạo ra não trạng không cần và không phải thay đổi để tồn tại.

Vấn đề là, chủ trương này cần được thực hiện như thế nào?

Nếu chỉ chủ trương bỏ biên chế giáo viên thì có lẽ Bộ GD-ĐT đang có cái nhìn chưa toàn diện. Trong đội ngũ ngành giáo dục, ngoại trừ đội ngũ công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục, ở các cơ sở giáo dục (trường học) luôn có ba thành phần: giáo viên (làm nhiệm vụ dạy học), giám hiệu (làm nhiệm vụ quản lý trường học), nhân viên (phục vụ các hoạt động giáo dục).

Để đảm bảo tính công bằng và khả thi trong thực hiện chính sách nhân sự, cần thực hiện bỏ chế độ biên chế để chuyển sang chế độ hợp đồng không chỉ với giáo viên, mà phải với cả ba thành phần này.

Có một điều cần chú ý: Sự lo lắng về “quyền” của hiệu trưởng ký hoặc tái ký hợp đồng, hoặc vấn đề “đặc quyền - đặc lợi”, cho thấy một thực tại bất ổn về mối quan hệ của đội ngũ giáo dục trong môi trường giáo dục.

Sâu xa hơn, đó là vấn đề nhận thức về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi thành viên trong đội ngũ giáo dục của nhà trường.

Trong trường học phổ thông hiện có nhiều tổ chức, đoàn thể đang hoạt động, có nhiều quy định phải thực hiện theo yêu cầu cấp trên, có nhiều nhiệm vụ và nhiệm vụ kiêm nhiệm phải hoàn thành với mỗi giáo viên và thành viên giám hiệu... Do đó nhiệm vụ hạt nhân tổ chức và thực hiện hoạt động dạy học bị loãng.

Bởi thế, nếu không giải quyết toàn diện, căn bản vấn đề hệ thống quản lý giáo dục từ trên xuống tận cơ sở giáo dục, thì có bỏ biên chế chuyển sang hợp đồng cũng chỉ là hình thức thôi.

Sở dĩ nói thế vì đến khi ký hợp đồng không thời hạn, người lao động đã được bảo đảm vị trí như người vào biên chế, ngoại trừ tên gọi.

Ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, như Úc và Singapore, một hợp đồng nhân sự giáo dục rất chi tiết, dài hạn hay ngắn hạn (không có loại không thời hạn), nêu rõ vị trí, nhiệm vụ cụ thể trong trường học, điều kiện phục vụ, lương, phụ cấp, điều kiện thôi việc, sa thải..., và chỉ ký sau quá trình thảo luận.

Kiểm soát và giúp đỡ

Có một mô hình “tay ba” về quan hệ lao động trong hệ thống giáo dục của nhiều nước (Tripartite Relationship gồm chính quyền - hiệp hội giáo chức - người sử dụng lao động). Trong đó, người sử dụng lao động là chủ tịch HĐQT hoặc hiệu trưởng có thẩm quyền ký hợp đồng lao động; chính quyền đảm bảo quản lý nhà nước, kiểm soát thực thi chính sách.

Đóng vai trò trung gian là hiệp hội giáo chức, nơi những người muốn và đủ điều kiện hành nghề giáo dục đăng ký, chịu thẩm tra, kiểm tra về năng lực sư phạm và điều kiện làm việc với trẻ vị thành niên, là nơi cấp chứng chỉ hành nghề; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực sư phạm hằng năm, giới thiệu các cơ hội việc làm, thăng tiến nghề nghiệp, cũng là nơi tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho người giáo viên.

Tổ chức này có đặc điểm là được chính phủ thành lập nhưng hoạt động dựa hoàn toàn vào phí, lệ phí do giáo chức đóng khi tham gia và sử dụng dịch vụ của tổ chức.

Nói cách khác, đó là tổ chức của giáo chức hoạt động tuân theo luật định nhưng độc lập với chính quyền và người sử dụng lao động. Điều đó giúp đảm bảo tính dân chủ trong trường học một cách toàn diện và hiệu quả, nghĩa là đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người quản lý trường học, của giáo viên trực tiếp giảng dạy, của nhân viên phục vụ hoạt động dạy học và của học sinh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận