Người thử nghiệm

CÁT VŨ THỰC HIỆN 30/11/2007 21:11 GMT+7

TTCT - Tốt nghiệp loại giỏi môn lý luận phê bình sân khấu Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh VN và có một chỗ làm “mát mẻ” không ít người mơ ước, nhưng Lê Quý Dương đã bỏ hết, tự tìm đường xuất dương du học nhằm thực hiện hoài bão tìm kiếm cái mới cho nghệ thuật.

Phóng to
Đạo diễn Lê Quý Dương
TTCT - Tốt nghiệp loại giỏi môn lý luận phê bình sân khấu Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh VN và có một chỗ làm “mát mẻ” không ít người mơ ước, nhưng Lê Quý Dương đã bỏ hết, tự tìm đường xuất dương du học nhằm thực hiện hoài bão tìm kiếm cái mới cho nghệ thuật.

Và rồi gần mười năm sau, anh lại làm một cuộc hành trình ngược lại, trở về nước khi tương lai đang rất rộng mở ở nước ngoài với không ít những giải thưởng danh giá để làm một chiếc cầu nối đưa sân khấu VN hội nhập với dòng chảy của thế giới đương đại.

Cùng với tiếng vang vượt bậc của vở kịch Huyền thoại cuộc sống trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 2 tại Hà Nội năm 2006, Lê Quý Dương (39 tuổi) còn được công chúng biết đến như một đạo diễn thành công qua việc dàn dựng các lễ hội mà gây dấu ấn mới nhất là Festival biển Nha Trang và Hành trình di sản Đông Dương - Hội An trong năm 2007.

* Tuổi Trẻ Cuối Tuần: Trong một lần trò chuyện, đạo diễn Hoa Hạ có nói ở VN chưa có ai dạy môn dàn dựng lễ hội nên hầu hết các đạo diễn làm công việc này đều thiếu tính chuyên nghiệp. Anh có nằm trong số đó?

- Lê Quý Dương: Chị Hoa Hạ nói rất chính xác. Các chương trình lễ hội ấy phần lớn đều thiếu tính tổng thể, thiếu sự đột phá và thiếu yếu tố chuyên nghiệp trong tổ chức. Tình trạng chương trình này “lấy” của chương trình khác là khá phổ biến khiến nó bị rơi vào sự vay mượn, vá víu, khập khiễng; có lẽ do chưa nghiên cứu đầy đủ nên từ chỗ thiếu ý tưởng dẫn đến việc thiếu ấn tượng, và vì chỉ dựa vào sự cảm hứng nên không mang tính công nghệ. Ở Trung tâm Kịch nghệ liên bang Úc - nơi tôi theo học, khái niệm về biểu diễn rất rộng, bao gồm tất cả các loại hình biểu diễn, trong đó có lễ hội.

Khi làm việc, mỗi đạo diễn có quyền chọn cho mình một hay nhiều bộ môn chuyên sâu. Nghề làm lễ hội không chỉ đòi hỏi kiến thức, khả năng chuyên môn mà còn cần có một sự cảm nhận nhạy bén với chương trình mình sẽ làm, với đối tượng (khán giả) của chương trình và với những cộng sự của mình. Tôi quan niệm nghệ thuật dàn dựng các chương trình lễ hội, sự kiện, suy cho cùng là nghệ thuật kết nối con người, kết nối cộng đồng bằng hệ thống các ý tưởng đủ mạnh, đủ độc đáo về văn hóa, chính trị, xã hội... để có thể là chất keo làm người ta đến với nhau.

* Ở lĩnh vực sân khấu kịch, từ khi về nước đến nay, Lê Quý Dương thường được biết đến như một đạo diễn làm vở cho mình chứ không phải cho khán giả. Phải chăng anh không có khả năng dựng vở ăn khách?

- Với tôi, khái niệm dựng kịch là cơ hội để mình thử nghiệm cái mới. Đó là khái niệm như cách nói của các nhà làm sân khấu nước ngoài: “Think out of the box” (hãy nghĩ ra ngoài cái hộp). Người ta cho rằng thói quen bị bó hẹp như một cái hộp. Tôi thích nghĩ ra ngoài cái hộp đó, chấp nhận nghĩ những cái chưa ai nghĩ, làm những cái chưa ai làm. Điều này tất dẫn đến việc không nằm trong “thói quen” của số đông. Trong các hình thái ý thức, đặc biệt là trong khoa học, kinh tế học... những người dấn thân thử nghiệm đều rất được xem trọng vì họ là người tạo nên tiền đề mới.

Đối với tôi, cái hay là cái mình chưa làm. Tôi không bao giờ lặp lại cái đã làm, dù một phần nhỏ. Vì vậy, tôi chấp nhận việc vở diễn của mình không được nhiều người thích. Tôi hi sinh và chịu trách nhiệm về điều đó.

* Ở nước ta hiện nay, các chương trình thử nghiệm ở lĩnh vực nghệ thuật dường như chưa được Nhà nước tài trợ, vậy anh lấy kinh phí ở đâu cho những vở dựng không bán được vé?

- Ở tất cả các nước có nền sân khấu phát triển đều có những nguồn kinh phí rất lớn dành cho các nghệ sĩ tiên phong thử nghiệm. Như ở Đan Mạch, có một nhà hát tên Hotel Proforma Kristen được Nhà nước cấp 500.000 USD/năm chỉ để dựng một vở thử nghiệm. Và nhà hát này đã tồn tại trên 300 năm, trở thành một thương hiệu quốc gia của Đan Mạch, tiên phong trong việc giới thiệu nghệ thuật quốc tế những tác phẩm thử nghiệm. Tại Úc, hằng năm có các chương trình tài trợ. Tất cả nghệ sĩ mang quốc tịch Úc đều có thể đệ trình ý tưởng lên hội đồng nghệ thuật quốc gia để xin tài trợ trong nhiều lĩnh vực. Và mọi người khi đệ trình lên đều bình đẳng. Bản thân tôi đã sáu lần được quĩ này tài trợ.

Ở VN, vở Huyền thoại cuộc sống tôi dựng năm 2005 (giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN) từ nguồn tiền của Nhà hát Kịch TP.HCM cộng với một phần tài trợ của Tổng lãnh sự quán Úc. Vở Chợ đời tôi dựng bằng tiền túi, có được bằng việc tổ chức sự kiện, nhuận bút tác quyền kịch bản của tôi ở Úc. Hai năm nay tôi chưa dựng thêm vở nào vì còn bận đi làm lễ hội để tích lũy tiền làm vở Người năm 2222. Đây là vở kịch tôi đã ấp ủ, bàn bạc với tác giả Lê Duy Hạnh đã tám năm nay. Vở dự định sẽ diễn ở Festival Huế 2008 và ở Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 3 tại TP.HCM cuối năm 2008. Kinh phí dự trù sẽ từ 500-800 triệu đồng.

* Nếu không có ai tài trợ, túi tiền anh sẽ cho phép anh theo đuổi con đường thử nghiệm này trong bao lâu nữa?

- Sẽ kéo dài cho đến chừng nào tôi còn kiếm được tiền để dành. Mục đích cuộc đời tôi không phải làm giàu bằng tiền bạc. Đã có nhiều cơ hội để tôi trở thành một “doanh nhân thành đạt”, một người có nhiều tiền nhưng tôi không theo đuổi con đường ấy. Mục đích cuộc đời tôi là tìm ra được những giá trị mới lạ cho nghệ thuật. Mẹ tôi vốn là một giám đốc ngân hàng, luôn mong muốn tôi theo ngành tài chính. Không phải tôi không có khả năng làm theo điều kỳ vọng của mẹ nhưng tiếng gọi thôi thúc thật sự trong tôi là sáng tạo cái chưa ai làm trong nghệ thuật chứ không phải là tiền.

Phóng to

* Trung tâm sân khấu Lê Quý Dương do anh thành lập là trung tâm đào tạo tư nhân đầu tiên ở VN về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tác giả Lê Duy Hạnh, chủ tịch Hội Sân khấu TP, phát biểu trong buổi lễ sơ kết học kỳ 1 vừa qua cho đây là “cánh cửa” ngắn nhất để sân khấu VN hội nhập với sân khấu thế giới.

Còn GS.TS Trần Văn Khê - với tư cách là viện sĩ thông tấn Hàn lâm viện châu Âu khoa học, văn chương và nghệ thuật, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc quốc tế UNESCO - cũng vừa trao cho anh bằng khen danh dự vì có công đóng góp cho sự bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc VN trong lĩnh vực sáng tạo và đào tạo cho nghệ thuật biểu diễn hiện đại. Anh thật sự mong muốn điều gì khi thành lập trung tâm này?

- Tôi thành lập trung tâm vì muốn truyền ngọn lửa cho những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật để họ tiếp nối công việc tìm ra những giá trị mới. Tôi quan niệm sự sáng tạo nghệ thuật đi qua mình chứ không phải đi từ mình. Nếu đi qua mình, nó sẽ đến tiếp với thế hệ sau như một cuộc chạy tiếp sức. Còn nếu đi từ mình, một ngày nào đó nó sẽ bị cạn kiệt. Chính vì vậy, tiêu chí của trung tâm được xây dựng dựa trên năm nguyên tắc mà các học viên sẽ được đào tạo: đánh giá đúng giá trị truyền thống; thừa nhận sự khác biệt; kết nối các tài năng; kích thích trí tưởng tượng; tôn trọng cá tính sáng tạo. Mục đích của trung tâm là đào tạo ra những nghệ sĩ đa năng có kỷ luật, chuyên nghiệp và tôn trọng sự thật.

* Được biết, trước kia anh đã từng bán căn nhà riêng ở phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) để đi du học tự túc và đã được Bộ Di trú Úc cấp thẻ công dân theo lời đề nghị của 30 nhà hát ở Úc như một giải thưởng vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật. Có một điều kiện quá thuận lợi như vậy cho lý tưởng sáng tạo nghệ thuật, vì sao anh lại quyết định trở về VN?

- Ngay từ khi xách vali lên máy bay sang Úc, trong đầu tôi không lúc nào không nghĩ đến việc trở về. Năm 1999, sau sáu năm ra đi, tôi đã về nước dựng vở đầu tiên. Tôi từng quan sát người Việt ở Úc và nhận ra rằng làm các ngành nghề khác khi sống xa quê hương, họ có thể phát triển một cách tốt nhất nhưng muốn làm nghệ thuật thì phải bắt nguồn từ nền văn hóa dân tộc mình.

Úc là nước đa văn hóa nên những người làm nghệ thuật càng phải giữ cho được gốc Việt trước sự xâm thực văn hóa, trước xu hướng đồng hóa. Chính cái gốc đó đã trở thành động lực để mình không bị “thổi bay” đi. Các bạn Úc nói với tôi rằng Lê Quý Dương không thích làm việc ở Úc thì còn có đất nước VN để về, còn bọn mình mà không thích thì biết đi đâu.

Muốn thành công phải kết nối mọi người

Sự thành công ở Festival biển Nha Trang và Hành trình di sản Đông Dương - Hội An là do tôi đã tìm được mẫu số chung để dẫn tới khả năng kết nối mọi người lại. Điều đó tôi đã học được khi dàn dựng lễ hội ở Sydney năm 1999. Úc là một đất nước đa văn hóa và những người cộng sự của tôi trong lễ hội này cũng đến từ chín nền văn hóa khác nhau. Lúc đầu, tôi gặp vô cùng khó khăn vì họ không hiểu văn hóa của nhau, thậm chí nói xấu nhau và không chịu dàn tập.

Tôi đưa ra ý kiến tập hợp mọi người lại cùng ăn trưa với nhau và trong bữa ăn, mỗi người phải kể cho người khác nghe một điều vui nhất và một điều buồn nhất của mình, đồng thời phải làm bất cứ điều gì để mọi người cùng cười. Sau một tuần làm như vậy, mọi người cảm thấy gần gũi và quí mến nhau hơn vì họ thấy có cùng mẫu số chung, đó là cùng ăn, cùng buồn, cùng vui,... Một chương trình dù lớn mấy thì cũng chỉ là ảo ảnh, trôi qua trong phút chốc, chỉ còn lại hai điều. Một là ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem để họ cảm thấy họ là một phần trong cộng đồng đang sống, thấy thương yêu mảnh đất của họ hơn. Hai là cái tình của anh em đồng nghiệp, những cộng sự.

1998: Tốt nghiệp cao học đạo diễn nghệ thuật biểu diễn tại Trung tâm Kịch nghệ liên bang Úc.

1998: Giải thưởng Văn học kịch của bang New South Wales cho kịch bản sân khấu Tiệc thịt.

1999: Giải đạo diễn xuất sắc nhất của Asialink (Tổ chức Liên lạc châu Á) cho vở Lời thì thầm từ thế giới bí mật.

2000: Giải Winston Churchill cho công lao đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật biểu diễn quốc tế.

2001: Giải kịch bản xuất sắc nhất do bang Queensland (Úc) trao cho vở kịch Đất mẹ.

2002: Giải thưởng William Fulbright của Mỹ trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh cho bộ phim She.

2003: Tốt nghiệp cao học đạo diễn điện ảnh Trường Điện ảnh Los Angeles.

2003: Giải ba cuộc thi viết kịch bản điện ảnh quốc tế tại LHP Cannes (Pháp) với kịch bản Tiệc thịt.

2004: Giải thưởng văn học của Hội đồng nghệ thuật Úc cho vở diễn Nhà trọ của khách du lịch bụi.

2006: Giải thưởng của Hội Nghệ thuật sân khấu VN về sự mới lạ cho vở kịch Huyền thoại cuộc sống trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 2 tại Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận