Người trẻ với canh tác tuần hoàn

TRỌNG NHÂN 19/06/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Những năm trước, xu hướng hữu cơ đã khuấy đảo nhiều trang trại, nhưng hiện nay các trại tuần hoàn lại đang nở rộ.


Trang trại của chị Phương Thảo ở Yên Lập, Phú Thọ. Ảnh: CTV

 

Chất thải về 0

Mỗi sáng, chị Nguyễn Phương Thảo, 35 tuổi (Hà Nội), tất tả nhận hàng tươi sống được vận chuyển từ nông trại gia đình ở Phú Thọ về thủ đô.

Nhìn bề ngoài, các loại thịt, rau, củ không mấy đặc biệt, nên ít ai biết chúng ra lò từ một trong những mô hình canh tác tuần hoàn tiêu biểu tại Việt Nam hiện nay. 

Năm 2019, trại tuần hoàn của Thảo thắng lớn tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, do Bộ KH&CN cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức. Sự tuần hoàn ở đây hàm ý một chu trình tương đối khép kín, trong đó phần thải hoặc dư thừa của một mắt xích là đầu vào cho một công đoạn khác trong hệ thống.

Ở trại, vật nuôi chính gồm heo và gà. Nguồn thức ăn cho chúng là bắp, cám, khoai mì được ủ men vi sinh để tăng khả năng tiêu hóa và giảm mùi hôi chất thải. 

Nước tiểu heo chứa lượng hữu cơ cao, dễ phát sinh ô nhiễm, được đưa vào bể biogas phân hủy yếm khí. Khí methane thu được sẽ dùng làm năng lượng cho trại. 

Phần nước đã qua bể biogas nhưng vẫn còn hàm lượng hữu cơ cao, chảy vào một bể lục bình, đóng vai trò một bãi lọc cây thủy sinh. Nước lọc xong được dùng cho tưới tiêu. Phân heo được ủ men vi sinh, trộn chung xác lục bình làm thức ăn cho trùn quế. 

Phân trùn kết hợp phân gà ủ men là nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Thịt trùn quế lại được chế biến thành thức ăn bổ sung đạm cho heo, gà... Điểm chung của các kỹ thuật kể trên là vận hành đơn giản, ổn định, chi phí thấp.

Kết quả, chất thải trong trại gần như về 0, trong khi đầu ra khá đa dạng sản phẩm từ heo, gà, hoa, quả, rau xanh... Mỗi sáng, sau khi xe chở hàng từ Phú Thọ đến nơi, Phương Thảo cùng đội ngũ ở Hà Nội lập tức phân loại và chuyển đến 5 cửa hàng thực phẩm sạch và một trường quốc tế nội ô. Để thực phẩm tươi ngon, khâu vận chuyển và bảo quản đòi hỏi phải nhanh và kỹ lưỡng.


Bể lục bình đóng vai trò như bãi lọc cây thủy sinh, giúp xử lý nước thải từ các loại vật nuôi. Ảnh: CTV

 


Xu hướng của nhiều bạn trẻ

Canh tác tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn hay nông nghiệp tuần hoàn thường xuyên được nhắc đến thời gian gần đây, cho thấy một trào lưu làm nông trong thập niên mới ở Việt Nam.

Trần Hoàng Tâm, 27 tuổi, ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), dành hơn một năm để “nâng cấp” nông trại của mình từ hữu cơ sang tuần hoàn. Trại trồng các loại dược liệu như đậu biếc, artiso đỏ, sả, hoa lài, bạc hà...

 Phần thừa của cây sau thu hoạch trước chỉ đốt đi lấy tro bón phân, nay được Tâm biến thành thức ăn cho trại nuôi trùn mới mở. Muốn khai thác nguồn lợi từ trùn, Tâm cho đào một ao cá nhỏ.

“Nguồn thu chính của tôi không đổi, là cây dược liệu. Nhưng tôi có thêm những nguồn hàng thứ cấp từ trùn và cá mà chỉ tốn thêm ít công”, anh nói.

Canh tác tuần hoàn không dừng lại ở những trang trại vừa và nhỏ, nhiều đơn vị đang có kế hoạch đầu tư lớn. Đầu tháng 4-2021, lãnh đạo UBND Hậu Giang đã làm việc với một đơn vị thí điểm sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trên diện tích 2,3ha, vốn đầu tư năm đầu tiên 14,7 tỉ đồng. 

Ngoài các phân khu cho lục bình, trùn quế, cây trái, thủy canh, doanh nghiệp này còn tích hợp khu trữ men, khu trồng nấm rơm, khu nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gà, khu bảo quản sấy lạnh sản phẩm... Tổng doanh thu sau một năm dự kiến 21,3 tỉ đồng.

Theo GS Võ Tòng Xuân, trong 10-20 năm tới, chuyện ứng phó biến đổi khí hậu sẽ ngày càng cấp bách, nông nghiệp lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hiệu ứng nhà kính. Để giảm lượng khí nguy hại, phải có cách xử lý tại nguồn. Do đó, việc tái dùng chất thải cho trồng trọt, chăn nuôi là hướng đi hợp xu hướng. 

“Bởi vậy nhiều người say sưa nói về canh tác tuần hoàn. Định nghĩa tuần hoàn còn nhiều tranh cãi, nhưng cốt lõi ở chỗ đòi hỏi người làm nông phải tư duy để hạn chế tối đa phát thải, giảm lượng khí nhà kính sinh ra”, ông nói.


 Một góc trại tuần hoàn ở thôn K'Nai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Ảnh: C.T.V

 


Tuần hoàn không đúng cách, ô nhiễm nặng nề hơn

Gầy dựng một trang trại tiệm cận khái niệm tuần hoàn là một quá trình dài. Thách thức đầu tiên là chuyện chọn vị trí, Phương Thảo mất đến hai năm tìm được nơi đặt cơ ngơi ở huyện Yên Lập (Phú Thọ). 

Đó là khu nông nghiệp ở miền trung du, bao bọc xung quanh là núi, gần nguồn nước sạch và xa khu công nghiệp. Nhiệt độ ôn hòa, thường thấp hơn vùng đồng bằng xung quanh từ 2-3oC. 

“Vị trí đặt trại phải tránh các nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến trại. Trại cũng không được quá xa thị trường tiêu thụ chính, ở đây là Hà Nội”, cô nói.

Trong gần 3 năm từ ngày đặt viên gạch đầu tiên dựng trại cho đến khi chính thức có sản phẩm ra thị trường (năm 2019), Thảo cùng chồng vừa làm, học từ sách vở, vừa tham khảo kinh nghiệm của chuyên gia, nhà nông. 

Chất lượng sản phẩm cũng khiến họ đau đầu. Được nuôi thuần tự nhiên, những lứa heo đầu tiên xuất chuồng có quá nhiều mỡ. Thảo tìm cách chuyển chế độ ăn cho heo theo hướng nhiều rau, ít tinh bột, thì thịt lại quá khô, thừa nạc. Phải mất rất lâu thử nghiệm, Thảo mới tính toán được nguồn thực phẩm thích hợp cho heo trong từng giai đoạn. 

Nhờ vậy, thịt thu được đạt tỉ lệ tối ưu giữa nạc và mỡ, lại có vị ngọt, ngậy đặc trưng. Tương tự với gà, vịt và các loại hoa quả, đều có công thức nuôi trồng riêng, để đảm bảo chất lượng phù hợp với thị hiếu của người Việt.

Do toàn bộ trại là một hệ thống, từng mắt xích nếu gặp vấn đề đều ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới. Dịch bệnh là một nguy cơ đáng ngại, một khi quét qua sẽ gián đoạn toàn bộ hoạt động trang trại. 

Vì vậy, từng khu trong trại đều được xây dựng cách ly để tránh lây nhiễm chéo. Việc bồi dưỡng sức đề kháng tự nhiên cho vật nuôi thông qua bổ sung các kháng chất tự nhiên, tăng cường hoạt động cũng được áp dụng.

“Dựng một trại tuần hoàn không khác gì một canh bạc đầu tư mạo hiểm. Rủi ro đầy rẫy nhưng nếu thành công sẽ là bước ngoặt lớn”, Phương Thảo nói.

Chị thừa nhận, để tuần hoàn 100% kiểu tự cung tự cấp là rất khó. Chẳng hạn, để đa dạng nguồn thức ăn cho đàn heo, trại vẫn phải nhập thêm bắp và khoai mì từ bên thứ ba. 

Dù nguồn này vẫn được sản xuất theo hướng hữu cơ, nhưng rõ ràng chưa thể tự chủ. Nguyên do là còn nhiều giới hạn về quỹ đất, tài chính, con người.

TS Nguyễn Thanh Hùng, viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cảnh báo về quá trình hữu cơ không đúng cách có thể gây ô nhiễm môi trường nặng hơn.

 Ví dụ, nhiều trại dùng than sinh học xử lý phân nhưng không đúng thời gian, dẫn tới phân chưa hoai, vẫn chứa nhiều vi sinh vật, kim loại nặng gây hại. Nếu trả chúng ngược lại cho đất, chẳng khác nào “bón” ô nhiễm cho môi trường. 

Cũng có khi, thực phẩm đầu vào cho gia súc không đạt chuẩn hữu cơ, ảnh hưởng đến toàn bộ mắt xích trong hệ thống. Một số trại cũng được thiết kế sai, nước lấp xấp tứ phía, tiềm ẩn nguy cơ trở thành các bể chứa chất độc hại.

TS Hùng cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra bộ tiêu chí để đánh giá các mô hình canh tác tuần hoàn. Ở đó, các chỉ số về nước, đất sau xử lý, nồng độ dư lượng hữu cơ có khung tham chiếu rõ ràng.

“Đó cũng là một trong những khác biệt cơ bản với mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), vốn thường được người dân làm theo cảm tính và không có các chỉ số để đánh giá hiệu quả. Tính tuần hoàn trong mô hình VAC còn khá đơn sơ. Nhưng ngày nay, mỗi bước đều phải dựa vào khoa học, kỹ thuật và các thông số rõ ràng”, TS Hùng nói. ■

Giá các loại thịt heo như ba chỉ, nạc thăn, sườn sụn ở các siêu thị khoảng 170.000 - 220.000 đồng/kg, trong khi giá bán của chị Phương Thảo từ 285.000 - 325.000 đồng/kg. Do giá khá cao so với mặt bằng chung nên trước mắt, chị chỉ cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, những gia đình có mức sống trung bình trở lên... 

Tuy nhiên chị tin rằng phát triển sản phẩm bền vững sẽ là xu hướng, đặc biệt khi đời sống người dân được nâng cao. Phần lớn nguồn vốn mở trang trại lấy từ quỹ của hai vợ chồng và một phần được hỗ trợ từ Chính phủ Úc khi thắng giải cuộc thi khởi nghiệp. Dự kiến khoảng 2-3 năm tới, chị có thể thu hồi được vốn.

Theo Hoàng Tâm, thời gian đầu chào hàng, nhóm ra sức quảng bá hai điểm nổi trội của sản phẩm là hữu cơ và tuần hoàn nhưng vẫn ít người quan tâm, dù các loại dược liệu dạng thô ở trang trại của Tâm bán ra không chênh lệch nhiều so với giá thị trường.

“Về lâu dài, mình muốn được hỗ trợ để nhân rộng mô hình tuần hoàn thành công cho bà con xung quanh. Bởi nếu bạn canh tác tuần hoàn, nhưng ruộng vườn xung quanh cứ phun thuốc trừ sâu thả ga, thì dù có xây dựng nhiều lớp hàng rào bảo vệ tự nhiên cũng không đảm bảo hiệu quả”, Tâm nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận