Người trong mộng

DUYÊN TRƯỜNG 28/03/2014 08:03 GMT+7

TTCT - Người trong mộng là người mà ta mong được gặp, được gần, được cùng nhau... Người xưa thường gọi là ý trung nhân.

Tranh: Lê Thiết Cương

Chữ này ban đầu vốn chỉ người bạn tâm đầu ý hợp, sau thành ra là người mà ta đem lòng yêu quý, say mê... Mà phàm ở đời, cái trong thực mấy khi được như ý, đành kiếm tìm trong mộng phần nhiều...

Thậm chí, như nàng Đỗ Lệ Nương, trong vở kịch ba màn Mẫu đơn đình của nhà soạn kịch đời Minh tên Thang Hiển Tổ, chỉ cần gặp chàng thư sinh Liễu Mộng Mai duy nhất một lần trong giấc mơ bên đình Mẫu đơn giữa vườn hoa ngày xuân thôi đã yêu say yêu đắm, dù đến chết cũng quyết không buông rời cho đến khi tái sinh và đoàn viên...

Còn đến nước trong mộng mà vẫn không được toại nguyện, người xưa đành một cách thét lớn lên giữa đớn đau và tuyệt vọng mấy tiếng “Giết người trong mộng” như một ca khúc của xứ ta: Giết người đi! Giết người đi! Giết người trong mộng đã bội thề... Xem ra, được nằm mộng thấy người trong mộng đã là phúc lắm trong đời!

Nhưng cái phúc ấy, theo quy luật của đất trời, cứ giảm dần cùng năm tháng. Vậy nên mới có chuyện soạn giả kịch nói Lê Chí Trung, ở cái tuổi U-60, đúng vào dịp tết năm nay nhìn mấy chữ Giáp Ngọ phải cảm thán mà viết mấy dòng đầu xuân: Giáp sắt treo yên ngựa/ Ta ngồi cửa sổ nhìn ra/ Uống rượu một mình/ Đao kiếm tuổi thơ tung hoành thiên hạ/ Giờ mơ gái xấu giống mơ hoa...

Như tôi, vào cái tuổi “bút nhanh hết mực” này, quả đúng là các giấc mơ thường... không đạt yêu cầu như thời trai trẻ: người cần thì không gặp, mà người gặp lại không cần! Thật đáng thương thay!

Vậy cụ thể lúc này, ta thường mơ thấy ai?

Mơ thấy một bàn cờ, có tiếng hô to: Chiếu tướng! Nào xe, nào pháo, nào mã... cùng nhảy múa, nào tiền, nào sổ, nào giấy... cùng bay lượn. Gương mặt một ông phó giám đốc sở đầm đìa nước mắt rồi gục xuống... Mơ thấy một ông mặc áo hàng hiệu, miệng đọc to thơ, hai tay chống vào cái lan can hình móng ngựa trên một boong tàu khổng lồ chìm dần... Mơ thấy một ông quan đầu tỉnh, ngồi trên ghế cao, cái ghế cao dần, mặt ông to dần, tên ông nở dần, rồi nhảy lên một bảng tên đường, nhảy vào một bảng tên trường...

Khi ánh sáng bỗng vùng lên chói lòa rồi vụt tắt, vọng lại một tiếng kêu tắt ngấm: “Ta là anh hùng!”. Gớm, mơ gì mơ khổ mơ sở, thảy đều là những giấc mơ khi tỉnh giấc đầm đìa mồ hôi, tim đập chân run, nhiều ngày sau vẫn chưa hoàn hồn...

Ông Khổng Tử vậy mà cũng từng nằm mộng không được như mơ! Số là Khổng Tử suốt một đời ngưỡng mộ tài đức của Chu Công, ôm ấp hoài bão thực thi chánh đạo của Chu Công nên thường ngày nằm mộng thấy họ Chu.

Nhưng đến lúc già yếu, khi không thể và không còn hi vọng thực hiện được lý tưởng đời mình thì từ đó ông không còn nằm mộng thấy Chu Công nữa. Khổng Tử than rằng: Ta suy lắm rồi! Đã lâu ta không mộng thấy Chu Công (Thậm hĩ ngô suy dã! Cửu hĩ, ngô bất phục mộng kiến Chu Công - Luận ngữ, thiên Thuật nhi, đoạn 5).

Hóa ra xưa vậy mà nay cũng vậy, thời nào cũng thế, khi tuổi đã cao, sức mộng cũng yếu liền theo! Khác chăng là Khổng Tử khi xưa không còn mộng gặp được người mong gặp, còn ta nay thì ngược lại, chỉ gặp những người không mong! Đôi khi ta tự hỏi: không nằm mộng gặp được bậc minh quân, so với chuyện nằm mộng thấy những hình người không ra người, tình cảnh nào đau đớn hơn, bi thiết hơn, buồn thảm hơn?...

Lại nghĩ khác đi, bi kịch đời người phải chăng nằm ở chỗ cứ trốn vào trong mộng, đợi chờ trong mộng để mà hi vọng, để mà tin tưởng, cũng là một lối tìm quên cái thực không như là mơ và rồi lại đánh rơi cõi thực vào tay kẻ khác trong bất lực và hèn nhát?...

Hay mộng cũng chính là thực, và thực cũng chính là mộng? Như Trang Chu suốt đời tự hỏi: Ta chiêm bao là bướm hay bướm chiêm bao là ta? Như Don Quichotte suốt đời sống trong đời thực mà như đi trong ảo mộng, rồi cũng phải quay về với đời thực?...

Mà nghĩ ngợi càng nhiều càng thêm mất ngủ! Phải dành sức lực để còn hi vọng có thể tìm lại những giấc mộng lành cùng người trong mộng như ý nữa!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận